Hợp lý với Bộ Công an, vô lý với người dân: 3 lý do Nghị định 168 được ban hành
Bước chân ra đường hiện nay, điều bạn lo lắng không phải đi làm trễ hay hỏng xe giữa đường.
Philippines đang nâng cấp các cơ sở trên đảo Thị Tứ trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, một bài báo trên The South China Morning Post vào ngày 11/1 tiết lộ. [1] Tại quần đảo Trường Sa, đảo Thị Tứ bị Philippines chiếm đóng từ năm 1974, và đây cũng là tiền đồn duy nhất của Philippines có người ở.
Việc cư dân Philippines đến định cư lâu dài tại hòn đảo nhỏ bé này chỉ thực sự bắt đầu vào giữa những thập niên 90 của thế kỷ trước. [2] Hiện hòn đảo thanh bình này là nơi sinh sống của 387 thường dân, một bài viết đăng trên The Guardian vào tháng 8/2024 cho biết. [3]
Dù dài chưa đến một dặm, Thị Tứ là một trong những đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Kích thước nhỏ bé của hòn đảo không thể làm lu mờ tầm quan trọng chiến lược của nó trong việc giúp Philippines củng cố yêu sách chủ quyền của mình.
Kể từ năm 2018, Philippines đã tiến hành nâng cấp các cơ sở trên hòn đảo để chống lại sức ép gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Những năm gần đây, những công nhân xây dựng đồn trú trên đảo đã xây thêm nhà và một cảng an toàn để đón những con tàu lớn hơn. [4] Manila cũng lưu ý hơn đến việc cung cấp các điều kiện vật chất tốt hơn cho hòn đảo.
Hiện tại, đảo Thị Tứ có các cơ sở vật chất cơ bản như trường học, trung tâm y tế, đường băng, nhà nguyện, trạm hải quân, trạm bảo vệ bờ biển, cùng một số cửa hàng nhỏ. Cư dân trên hòn đảo chủ yếu lệ thuộc vào các chuyến tàu tiếp tế của chính quyền địa phương.
Dù các điều kiện vật chất còn hạn chế, phần lớn các cư dân tại đây đã xem hòn đảo là nhà và không có ý định rời bỏ nơi này dù vẫn lo ngại về tham vọng của Trung Quốc. [5]
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này và phần lớn khu vực Biển Đông xung quanh. Quần đảo Trường Sa hiện là nơi có tranh chấp giữa sáu quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, và Brunei.
Vào tháng 1/2024, Tướng Romeo Brawner Jr., Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho biết rằng Philippines có kế hoạch theo đuổi một chương trình xây dựng để cải thiện điều kiện sống cho quân đội trên chín đảo và rạn san hô xa xôi ở các căn cứ thuộc quần đảo Trường Sa. [6] Kế hoạch của Manila là thông qua việc nâng cấp các tiền đồn để bảo vệ quyền sở hữu và quyền chủ quyền của mình ở các đảo ở Biển Đông.
Philippines đã dành hơn 1 tỷ peso để mở rộng đường băng duy nhất của đảo Thị Tứ lên 1,5 km. [7] Được người dân địa phương gọi là Pag-asa (có nghĩa là “hy vọng”), đảo Thị Tứ cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 480km (300 dặm) về phía Tây. [8] Ở Biển Đông, hòn đảo này có tầm quan trọng chiến lược về quân sự với Manila.
Khi được nâng cấp, đảo Thị Tứ có thể tiếp nhận các tàu, máy bay, hay radar. Máy bay chiến đấu F-16 và các máy bay vận tải hạng nhẹ cũng có thể sử dụng đường băng mở rộng này.
Việc nâng cấp này giúp tăng cường sự hiện diện quân sự của Philippines ở Biển Đông và đánh dấu sự chuyển biến trong tư duy quốc phòng của nước này. Manila đã chuyển trọng tâm từ phòng thủ nội bộ (bên trong) sang phòng thủ lãnh thổ (bao quát hơn) để bảo vệ chủ quyền của mình tốt hơn và cũng nhằm ứng phó kịp thời với các hành vi quấy rối từ Bắc Kinh.
Vào tháng Hai năm ngoái, Tướng Romeo Brawner đã nhấn mạnh sự chuyển biến về tư duy quốc phòng của Manila: “Nếu bất kỳ kẻ xâm lược nào đến gần đất liền Philippines hoặc vào sâu trong đất liền, [quân đội] của các bạn đã sẵn sàng bảo vệ đất nước. Đây thực sự là việc tái cấu trúc tổ chức của chúng ta và huấn luyện quân đội của chúng ta để giải quyết các mối đe dọa bên ngoài”. [9]
Dù việc nâng cấp này cơ bản là không thể thay đổi cán cân quân sự chênh lệch giữa Trung Quốc và Philippines, Manila có thể tăng cường tư thế phòng thủ trước Bắc Kinh. Với việc nâng cấp các cơ sở vật chất trên đảo Thị Tứ, chính quyền đương nhiệm có thể tăng cường điều kiện sống cho người dân ở đảo – vốn đang ở tuyến đầu trong cuộc chạm trán giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Chính quyền của Tổng thống Marcos có lẽ hy vọng rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép đối với quốc gia này nhưng không thể “đi quá giới hạn” khi sử dụng vũ lực với thường dân sinh sống trên đảo. Hơn nữa, thông qua việc cải thiện điều kiện sống và khuyến khích người dân Philippines an tâm định cư trên đảo Thị Tứ, chính quyền Marcos có thể khẳng định chủ quyền của đất nước tại đây. Cụ thể, Philippines đặt chủ quyền dưới lăng kính cư trú thường xuyên của người dân hơn là chú trọng vào các biện pháp quân sự và vũ lực.
Với việc nâng cấp tiền đồn chiến lược này, chính quyền Marcos rất có thể sẽ nỗ lực kêu gọi nhiều người dân Philippines chuyển đến sinh sống tại hòn đảo. Nếu đúng như vậy, lãnh đạo nước này có lẽ đang đặt cược rằng việc có thêm cư dân sinh sống trên đảo Thị Tứ sẽ là bằng chứng cụ thể giúp củng cố yêu sách của Philippines đối với hòn đảo.
Không dừng lại ở vấn đề chủ quyền, Philippines có thể gia tăng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông trước áp lực của Trung Quốc nhờ vào các trang bị về kỹ thuật và quân sự trên hòn đảo. Khi sự trở lại của Tổng thống Donald Trump đang khiến các đối tác và đồng minh hoang mang hơn bao giờ hết thì sự chuẩn bị của Philippines là không hề vô ích.
Cần chú ý là không chỉ Philippines nâng cấp các cơ sở ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng và mở rộng các thực thể và cơ sở quân sự ở Biển Đông không phải là việc mới. [10] Cường quốc có yêu sách trên 80% diện tích Biển Đông cũng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay năm 2016 và tiếp tục nạo vét, quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. [11] Bắc Kinh cũng đẩy mạnh việc phát triển một loạt căn cứ quân sự quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa. Các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng bao gồm một số căn cứ có đường băng quân sự, nhà chứa máy bay kiên cố, radar tầm xa và các cơ sở phòng không. [12]
Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết Việt Nam đang xây dựng đường băng và các công trình quân sự tiềm năng ở quần đảo Trường Sa, và việc này được thực hiện với với tốc độ nhanh chóng. Theo nhận định từ các quan sát và nghiên cứu của AMTI, những gì mà Việt Nam đang xây dựng cho thấy quốc gia này “quyết tâm tối đa hóa tiềm năng chiến lược của các thực thể mà mình chiếm đóng” ở Biển Đông. [13]
Các nỗ lực của Philippines cho thấy nước này đang cố gắng “chạy đua” với Trung Quốc và Việt Nam, các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Việc “chạy đua” này là nhằm giúp Manila “không bị bỏ lại phía sau” trong quá trình củng cố các yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông – khu vực có nhiều tài nguyên thủy sản và thuộc tuyến đường giao thương chiến lược ở Đông Nam Á.
Có lẽ sẽ không quá khó để dự đoán rằng Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những diễn biến từ phía Philippines. Chưa rõ liệu Bắc Kinh có triển khai quân sự gần hòn đảo để gây sức ép lên cư dân và chính quyền Philippines hay không. Nếu Trung Quốc quyết liệt hơn, chẳng hạn như ban hành lệnh phong tỏa vùng biển xung quanh Thị Tứ, thì tác động của việc này có thể là phạm vi đánh bắt cá của người dân trên hòn đảo dần bị thu hẹp. Các hành động “luật hoá” của Trung Quốc cũng là thể là “đòn tâm lý” để gây sức ép lên những cư dân Philippines có ý định đến sinh sống tại hòn đảo này.
Đọc thêm:
Chen, A. (2025, January 11). Philippines starts Spratly Islands upgrades after months of tension with China. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3294356/philippines-starts-spratly-islands-upgrades-after-months-tension-china
2. Feng, E. (2024, April 11). On a remote island, a test of wills between the Philippines and China. NPR. https://www.npr.org/2024/04/11/1242978053/philippines-china-south-china-sea-thitu-island
3. Ramos, R. R. (2024, August 16). ‘As long as we’re here, it’s ours’: the island fishing community on the frontline of South China Sea tensions. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/article/2024/aug/26/thitu-island-philippines-south-china-sea-tensions-pag-asa-fishing-community
4. Xem [2].
5. Elemia, C. (2024, August 12). The Filipinos Living in the Shadow of China’s Military Might. The New York Times. https://www.nytimes.com/2024/08/12/world/asia/spratlys-thitu-philippines-china.html
6. Executive, T. M. (2024, January 16). Philippines Plans to Upgrade Island Bases in the South China Sea. https://maritime-executive.com/article/philippines-plans-to-upgrade-island-bases-in-the-south-china-sea
7. Xem [1]
8. Jazeera, A. (2024, January 15). Philippines plans military upgrades to disputed South China Sea outposts. https://www.aljazeera.com/news/2024/1/15/philippines-to-upgrade-outposts-in-disputed-south-china-sea-for-its-troops
9. Abuza, Z. (2023, February 21). Philippine shift to territorial defense downplays internal security challenges. RFA. https://www.rfa.org/english/commentaries/philippines-southchinasea-02212023110221.html
10. Vũ, L. (2022, July 9). Trung Quốc tiếp tục mở rộng, xây dựng phi pháp tại các thực thể trên Biển Đông. Thanh Niên. https://thanhnien.vn/trung-quoc-tiep-tuc-mo-rong-xay-dung-phi-phap-tai-cac-thuc-the-tren-bien-dong-1851476471.htm
11. Linh, D. (2020, July 13). Trung Quốc nói phán quyết Biển Đông năm 2016 'bất hợp pháp và vô hiệu'. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/trung-quoc-noi-phan-quyet-bien-dong-nam-2016-bat-hop-phap-va-vo-hieu-20200713212037191.htm
12. Xem [6].
13. How Many Runways is Vietnam Building in the Spratly Islands? (2024, October 24). AMTI. https://amti.csis.org/how-many-runways-is-vietnam-building-in-the-spratly-islands