Tết căng vì phạt nặng

Tết căng vì phạt nặng
Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở TP. Hồ Chí Minh sau khi triển khai Nghị định 168. Ảnh: Huỳnh Kha / Luật Khoa. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
Tết căng vì phạt nặng
0:00
/356.52

Trên chuyến xe về quê ngày cận Tết, mỗi người đều mang trong mình những nỗi niềm riêng. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông trạc 50 tuổi, khuôn mặt sạm đen hằn sâu vẻ khắc khổ. 

Sau khi xe chạy được một lúc, người đàn ông ấy đã làm tất cả hành khách trên xe phải để ý vì tiếng nói chuyện điện thoại oang oang. Qua cuộc điện thoại ồn ào, tôi lờ mờ đoán được người ở đầu dây bên kia là vợ chú, và hai người dường như đang lời qua tiếng lại về chuyện tiền bạc để lo cho cái Tết.

Xe lại chạy thêm một đoạn dài, lúc này chú mới quay sang tôi hỏi với vẻ ngập ngừng: “Cháu ơi, cháu có gì ăn sẵn không cho chú mua lại, nãy chú đi vội nên chưa kịp ăn, giờ thấy đau dạ dày quá”. Rất may là tôi có thói quen mang theo đồ ăn trên xe, tôi tặng cho chú vài chiếc bánh ăn liền và một hộp sữa. Cũng bởi việc này, hai chú cháu bắt đầu nói chuyện thân thiết hơn. 

Qua lời kể, tôi biết được chú làm tài xế xe ôm công nghệ ở Hà Nội. Những năm trước đây, chú đều chạy đến ngày 27, 28 Tết mới nghỉ, nhưng năm nay vì Nghị định 168/2024/NĐ-CP nên chú quyết định về ăn Tết sớm từ ngày 25.

“Mấy nay kẹt xe, có buổi sáng chú chỉ chạy được đôi chuyến tầm vài chục ngàn thôi cháu ạ, chả kiếm được gì. Dạo này chú còn bị hủy chuyến mấy lần vì đi vào những đường tắc cứng, nhích không nổi. Ở lại thì không trụ được mà đi về thì Tết không biết lấy gì tiêu” - chú nói với giọng ngậm ngùi. Đến đây tôi mới hiểu nguyên do của cuộc cãi vã lúc nãy. Vậy là lại có một gia đình đón Tết trong không khí nặng nề.

Tôi biết rằng không chỉ chú mà rất nhiều tài xế ngoài kia cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Chính tài xế chở tôi đến bến xe cũng phải mất cả hơn tiếng đồng hồ cho quãng đường gần 6 km, mỗi đoạn đường ngắn phải chờ đến 4-5 nhịp đèn đỏ mà vẫn chưa thoát khỏi ùn tắc. 

Và không riêng gì tài xế, những người dân ở các ngành nghề khác đều điêu đứng ít nhiều vì Nghị định 168. Với mức tiền lương bình quân năm 2024 của người lao động Việt Nam, chỉ cần sơ ý vượt đèn đỏ là có thể mất trên dưới nửa tháng lương. Chưa kể với những người dân nghèo có thu nhập bấp bênh, số tiền phạt từ 4 đến 6 triệu đồng với hành vi vượt đèn đỏ có thể là cả gia tài nhỏ của họ. Đó cũng là lý do người dân đặt vấn đề về tính phù hợp của mức phạt trong mối tương quan với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Không chỉ vậy, Nghị định 168 còn làm dấy lên làn sóng phẫn nộ vì mức phạt tăng chóng mặt nhưng nạn kẹt xe lại không hề giảm, trái lại còn kinh khủng hơn. Trong thời gian qua, song song với các bài báo liên tục đưa tin về sự chuyển biến trong ý thức của người dân là các bài báo về tình trạng kẹt xe kinh hoàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Rõ ràng, điều này minh chứng cho việc ý thức người dân không phải là nguyên nhân chính của nạn ùn tắc giao thông như đa số các bài báo trước đây nhận định. Có lẽ, đây cũng là điều đáng mừng duy nhất đối với người dân khi nhìn nhận vấn đề này.

Còn lại, từ năm mới Dương lịch đến giáp Tết Âm lịch, hằng ngày họ phải đối mặt với nạn ùn tắc kéo dài, kèm theo đó là tình trạng muộn học, chậm giờ làm. Vì vậy, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đi làm từ sáng sớm tinh mơ để bảo toàn đồng lương ít ỏi trước nguy cơ bị phạt đi muộn giờ làm vì kẹt xe. 

Đặc biệt, trong những ngày này, nạn tắc đường còn lên đến đỉnh điểm, khiến cho con đường về quê ăn Tết thêm phần vất vả.

Có thể thấy rõ, sau một thời gian Nghị định 168 đi vào thực tế, sự bức xúc trong công chúng ngày một mạnh mẽ hơn. Nhưng đáng buồn ở chỗ, mọi sự bàn luận, góp ý xoay quanh nghị định này chỉ bùng lên mạnh mẽ sau khi nó bắt đầu có hiệu lực. Như người chú tôi gặp ở trên chuyến xe, trước đó cũng không hề hay biết gì về Nghị định 168. Độ Tết Dương lịch trở đi, chú lái xe trên đường không thấy ai vượt đèn đỏ hay đi lên vỉa hè, cộng thêm mọi người truyền miệng nhắc nhở nhau thì chú mới biết có quy định về mức phạt mới. Khi biết thì mọi người có phàn nàn nhưng đều vô ích vì sự đã rồi.

Còn về phần cơ quan nhà nước, trước khi ban hành nghị định này, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân gần như không có. Đồng thời, khâu chuẩn bị cho việc thực thi pháp luật trên thực tế cũng diễn ra vô cùng sơ sài, nghị định đã có hiệu lực nhưng tình trạng đèn tín hiệu lỗi vẫn xảy ra tràn lan. Chỉ sau khi triển khai một thời gian, chúng ta mới thấy rầm rộ hình ảnh lực lượng chức năng xuyên đêm cải tạo hạ tầng

Đáng nói là thời điểm nghị định này có hiệu lực là từ ngày 01/01/2025 - chỉ cách Tết Nguyên đán gần một tháng. Trong khoảng thời gian này, bất cứ vi phạm nào cũng có thể khiến cái Tết trở nên xa cách hơn. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi không ít người đặt ra nghi vấn về việc Nghị định 168 được ban hành ở thời điểm giáp Tết theo kiểu “đánh úp” để thu được nguồn tiền lớn nhất từ người dân.

Nghị định 168 vẫn được thi hành, kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe, và người vi phạm vẫn bị xử phạt với mức phạt trên trời. Với những gì đã chứng kiến, tôi tự hỏi có khoảnh khắc nào đó, khi những người soạn thảo và thực thi Nghị định 168 nhìn lại, họ có thấy phía sau những khoản tiền phạt cao ngất ngưởng là hình ảnh một mâm cơm đạm bạc đón Tết, một đứa trẻ thiếu đi tấm áo mới, và những cặp vợ chồng không thôi cãi nhau vì tiền tiêu Tết?

Thấy vậy rồi, họ yên lòng nổi không?


"Diễn đàn" là mục tản văn, nơi các tác giả có thể kể những câu chuyện, trải nghiệm và ý kiến của bản thân. Mời bạn đóng góp bài vở tại đây.

Đọc thêm:

Nghị định 168 không hề được ban hành theo thủ tục rút gọn. Đây là 3 lý do.
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Nghị định 168 không hề được ban hành theo thủ tục rút gọn. Đây là 3 lý do. 0:00/303.5521× Các bản tin loan đi từ truyền thông nhà nước ngày 12 và 13/1 cho biết Nghị định 168/
Nghị định 168: Làm khổ và làm giàu
Mỗi lần từ quê lên Sài Gòn, tôi nhớ khi vào đến Bình Chánh, đèn giao thông ở đây lúc nào cũng đột ngột chuyển từ xanh sang đỏ. Cảnh sát giao thông luôn có mặt ở đó, sẵn sàng thổi còi ngay khi xe chạm vào vạch. Bây giờ,

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.