5 cái ‘xếp hàng’ ở nước ta

5 cái ‘xếp hàng’ ở nước ta
Người dân chen chúc xếp hàng chờ chờ lấy mẫu rồi nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội. Nguồn ảnh: afamily.vn.

Trong năm cái “xếp hàng” được liệt kê trong bài viết này, độc giả có thể chưa trải nghiệm hoặc đã trải nghiệm ít nhất từ một đến đủ năm sự kiện.

Đây cũng là những từ khóa mà hễ bạn đọc tìm trên Google thì sẽ xem được một loạt bài viết. Nói cách khác thì báo chí đã tốn nhiều giấy mực cho năm cái “xếp hàng” này trong nhiều năm qua.

Xếp hàng lấy mẫu COVID-19

Việc xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từng là một trong những ký ức ám ảnh nhất với người dân. Nhiều người thậm chí nói vui rằng đó là thời kỳ “xếp hàng chờ chọt mũi”.

  • Chuyện xếp hàng này diễn ra cao điểm trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, cũng là năm cao trào của dịch bệnh ở Việt Nam. Nhiều tỉnh thành trong cả nước vào thời điểm này đã tổ chức các chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, tập hợp người dân đến một địa điểm ở phường/xã. Trong quá trình này, không ít người dân phải mòn mỏi xếp hàng dài chờ đợi. Báo chí trong nước nhiều lần quan ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh do không đảm bảo giãn cách lúc xếp hàng.
  • Ở TP. HCM - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn đại dịch - đã ghi nhận hơn 600.000 ca mắc COVID-19 và trên 19.000 trường hợp tử vong, tính tới ngày 14/12/2023.
  • Còn nhớ vào thời điểm mà TP. HCM chuẩn bị bước vào giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5, thì từ trưa ngày 29/5 người dân ở khu phố 15, phường 3, quận Gò Vấp đã xếp hàng dài chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 giữa trưa nắng. Tình trạng này cũng xảy ra tại hẻm 55, phường 15, quận Bình Thạnh.

    Hay vào đêm 17/6/2021, có khoảng 15.000 người dân khu phố 2, phường An Lạc, quận Bình Tân đã phải xếp hàng dài trên đường chờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.

    Tối 22/6/2021, hàng trăm người dân xếp hàng dài tại sân trường Tiểu học Bình Trị 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để chờ lấy mẫu xét nghiệm. Theo kế hoạch, quận này muốn lấy mẫu tầm soát COVID-19 cho khoảng 243.000 người.

    Một sự kiện khác, vào ngày 7/7/2021, hàng ngàn người ở Thủ Đức chờ xếp hàng xét nghiệm COVID-19 lấy “giấy thông hành”.
Hàng trăm người dân xếp hàng dài tại sân Trường Tiểu học Bình Trị 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để chờ tới lượt lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Hải Long/ Báo Dân trí.
  • Ở Hà Nội cũng diễn ra tình trạng này. Đơn cử như sáng 21/7/2021, hàng trăm người dân xếp hàng chen chúc từ 6 giờ ở Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế để chờ lấy mẫu rồi nhận kết quả xét nghiệm COVID-19. 

    Ngày 21/2/2022 tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng diễn ra tình trạng có rất đông người dân, bao gồm cả các trường hợp F0, xếp hàng chờ lấy mẫu test nhanh COVID-19.
Hàng trăm người dân xếp hàng chen chúc từ 6 giờ ở Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế ở Hà Nội, sáng 21/7/2021. Nguồn: afamily.vn.
  • Không chỉ ở hai thành phố lớn nhất nước. Tại tỉnh Thanh Hóa vào ngày 16/10/2021, dòng người và phương tiện xếp hàng dài chờ xét nghiệm COVID-19 dưới mưa ở Chốt kiểm soát Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn. Vào thời điểm đó, tỉnh này yêu cầu người đi vào địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính, do đó việc người dân chờ xét nghiệm đã gây ùn tắc giao thông.
  • Hay ở Bắc Giang, vào tháng 7/2021, hàng ngàn công nhân xếp hàng dài trước cổng Công ty TNHH Luxshare ICT để chờ xét nghiệm trong tình trạng không đảm bảo giãn cách. Báo Dân trí đặt tiêu đề kèm hai chữ “hãi hùng”.
  • Mặc dù đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng về việc xếp hàng đông đúc có làm tăng ca nhiễm hay không, nhưng chuyện người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm trở thành bài học cho chính quyền về việc tổ chức xét nghiệm sao cho an toàn và hiệu quả. 
Hàng ngàn công nhân xếp hàng dài trước cổng Công ty TNHH Luxshare ICT để chờ xét nghiệm. Nguồn: Báo Dân trí.

Xếp hàng rút bảo hiểm xã hội một lần

Ở nhiều nơi, đặc biệt là tại TP. HCM, từng chứng kiến cảnh người lao động trải chiếu, mắc võng chờ từ rạng sáng để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

  • Điển hình là vào tháng 12/2022, hàng chục người dân xếp hàng suốt đêm trước trụ sở BHXH TP. Thủ Đức và huyện Hóc Môn để chờ làm thủ tục rút BHXH một lần. Nhiều người đến từ 4 giờ sáng để lấy số thứ tự và mang theo võng, mùng để nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi. Cơ quan BHXH vào thời điểm này tuyên bố quá tải.
  • Hay vào tháng 4/2023, tình trạng này tiếp tục tái diễn ở BHXH huyện Hóc Môn. Vào thời điểm đó, nhiều cơ quan BHXH nói rằng số lượng hồ sơ tăng đột biến, như tại BHXH TP. Thủ Đức, có ngày phải giải quyết hơn 1.000 hồ sơ, bao gồm trực tiếp và qua bưu điện. 
  • Một phần lý do mà người lao động xếp hàng để rút BHXH một lần là vì họ mất việc sau đại dịch COVID-19 nên kinh tế gia đình khó khăn, cần tiền để chi tiêu, trang trải cuộc sống.

    Ngoài ra, người dân cảm thấy rất lo ngại về việc thay đổi chính sách BHXH trong tương lai, nhất là không cho rút BHXH một lần trong khi lương hưu quá thấp.
  • Để giải quyết tình trạng này, BHXH TP. HCM phải tăng cường nhân sự, cho bốc số trực tuyến để giảm tải lượng người chờ đợi.
Mắc võng, trải chiếu xuyên đêm chờ rút BHXH một lần. Nguồn ảnh: Báo Pháp luật.
Nguồn ảnh: Báo VnExpress.

Xếp hàng chờ đăng kiểm

Đăng kiểm ô tô là quá trình kiểm tra và đánh giá tình trạng kỹ thuật của xe nhằm đảm bảo xe đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe được phép lưu thông.

Nếu đạt yêu cầu, xe sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận đăng kiểm, tức là được lưu thông hợp pháp trên đường.

Nhắc đến chuyện đăng kiểm, thì độc giả có thể sẽ nghĩ ngay đến “đại án đăng kiểm”. Đây là một trong những vụ án tham nhũng và sai phạm nghiêm trọng được đưa ra xét xử, đặc biệt là khi có nhiều cán bộ, lãnh đạo trong ngành đăng kiểm nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi kỹ thuật của phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định không đúng quy định.

Vụ án này có 254 bị cáo, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao như cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà, cùng nhiều giám đốc, phó giám đốc các trung tâm đăng kiểm trên cả nước.

Sau quá trình điều tra và xét xử, tháng 7/2024, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã tuyên án đối với 254 bị cáo, với các mức án từ án treo đến 30 năm tù giam, tùy theo mức độ vi phạm của từng người.

Tới ngày 6/1/2025, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 139 bị cáo trong vụ án, lý do là vì có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng nghị tăng mức hình phạt đối với một số bị cáo.

  • Hệ lụy nhãn tiền của đại án này là nhiều trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ hoặc đóng cửa để phục vụ công tác điều tra. Một số nơi thì bị thiếu hụt nhân lực. Điều này đã làm dịch vụ kiểm định phương tiện bị gián đoạn.
  • “Xếp hàng chờ đăng kiểm” trở thành một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất vào đầu năm 2023. Đơn cử như vào tháng 1/2023, người dân ở Hà Nội phải xếp hàng từ rất sớm, thậm chí từ 2 giờ sáng, để chờ đến lượt đăng kiểm.

    Vào cuối tháng 2/2023, tại Trung tâm đăng kiểm 29-03V trên đường Cầu Giấy, báo chí ghi nhận tình trạng hàng chục ô tô xếp hàng chờ đến lượt đăng kiểm, dòng xe kéo dài vượt cổng trường Đại học Giao thông Vận tải.

    Cuối tháng 12/2023, nhiều trung tâm đăng kiểm như 29-10D (quận Hoàng Mai), 29-03S (quận Nam Từ Liêm) và 29-03V (quận Đống Đa) ghi nhận tình trạng xe xếp hàng dài chờ đến lượt. Nhiều chủ xe phải đặt lịch hẹn từ hôm trước và chờ đợi nhiều giờ để hoàn thành thủ tục. 
Hàng dài xe xếp chờ đến lượt kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 2903V kéo dài đến 200m sáng 11/1/2023. Nguồn: Báo Giao thông.
  • Ở TP. HCM, vào đầu tháng 3/2023, tại Trung tâm đăng kiểm 50-03S (TP. Thủ Đức), có hàng dài các xe ô tô chờ đăng kiểm và ước tính kéo dài cả km. Báo chí nói rằng tình trạng quá tải này đã xuất hiện sau hơn một tháng kể từ dịp Tết Nguyên đán.

Xếp hàng đổ xăng

Một vấn đề mà người dân bức xúc và mệt mỏi không kém là chuyện xếp hàng chờ đổ xăng. Tình trạng này cũng chủ yếu diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

Dòng người đứng xếp hàng chiếm gần hết lòng đường phố Thụy Khuê. Nguồn: TTXVN.
  • Nổi bật là vào ngày 4/11/2022, nhiều cây xăng trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) tạm dừng bán, khiến người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Nhiều người đứng gần 30 phút mới đến lượt.

    Cũng tại thủ đô, trong hai ngày, từ 10 - 11/11/2022, báo chí dẫn chứng trường hợp tại cây xăng HFC Tam Đa (quận Tây Hồ), từ 23 giờ đến 0 giờ, đông nghịt người xếp hàng dài để đến lượt đổ xăng. Điều đáng nói là người có nhu cầu đổ xăng thì nhiều nhưng cửa hàng chỉ có hai nhân viên bán hàng.
  • Ở TP. HCM, vào ngày 9/10/2022, người dân cũng ồ ạt đi xếp hàng chờ mua xăng. Trước đó, có nhiều cửa hàng xăng dầu ở địa phương này phải tạm ngừng hoạt động do hết hàng, một số cây xăng chỉ bán cầm chừng do lượng hàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

    Ngày 10/10/2022, người dân TP. HCM chật vật xếp hàng chờ đổ xăng, có nơi khách chỉ được mua dưới 50.000 đồng/xe. Ngày 1/11/2022, nhiều cây xăng lớn tại TP. HCM lặp lại cảnh đông nghẹt, người dân nối đuôi nhau chờ đổ xăng. 
  • Lý do cho những tình trạng này, là vì thiếu nguồn cung, khó nhập hàng.

    Tuy nhiên, một số tờ báo nói lý do thật sự là vì những doanh nghiệp bán lẻ cho rằng tỷ lệ chiết khấu thấp (có thời điểm chỉ còn 0-100 đồng/lít) nên họ “đình công” ngừng bán.

    “Ông lớn” về đầu mối xăng dầu lớn nhất nước ta là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngay lập tức đã bác bỏ thông tin về mức chiết khấu 0 đồng, khẳng định luôn có mức chiết khấu nhất định cho các đại lý.

    Đồng thời, để cùng các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề quá tải mua xăng, Petrolimex tăng thời gian bán hàng, như ở Hà Nội là 24/24 từ ngày 8/11/2022 đến ngày 13/11/2022. 

Xếp hàng chờ… đèn xanh

Nói xếp hàng chờ đèn xanh thì hơi quá. 

Nhưng người dân nói với nhau rằng xếp hàng chờ đèn đỏ nhảy số cũng là vì họ đang trải qua những trận kẹt xe kinh hoàng vào những ngày cận Tết Nguyên đán, khi mà Nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực trên toàn quốc từ ngày 1/1/2025.

Nghị định 168 với mức phạt tăng cao, nhiều người tham gia giao thông trở nên cẩn trọng hơn, tuân thủ đèn tín hiệu và các quy định giao thông, không dám rẽ phải khi đèn đỏ như thói quen.

Cùng với đó, lưu lượng xe vào những ngày cận Tết tăng mạnh đã dẫn đến tính trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Do đó, việc chờ đợi tại các ngã tư kéo dài, dẫn đến cảm giác như là đang “xếp hàng chờ đèn xanh”.

  • Bạn đọc có thể thấy thông tin này được khai thác rất nhiều trên báo chí.

    Chẳng hạn như vào đầu tháng 1/2025, các tuyến đường lớn như Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, và Ung Văn Khiêm ở quận Bình Thạnh, TP. HCM thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

    Đặc biệt, tại giao lộ Nguyễn Xí - Quốc lộ 13, người dân phản ánh phải chờ đến 4 - 5 lượt đèn đỏ mới có thể di chuyển qua giao lộ.

    Tình trạng này xảy ra cả ngoài giờ cao điểm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

    Sau đó không lâu, TP. HCM phải lắp đặt 50 biển báo phụ hoặc đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số giao lộ, tuy nhiên tình trạng kẹt xe vẫn còn nghiêm trọng.

    Vào ngày 11/1/2025, báo Thanh Niên đã đăng tải bài viết về việc nhiều người ở TP.HCM “khóc ròng” vì không thể đặt được taxi hoặc xe công nghệ sau các buổi tiệc cuối năm.
Kẹt xe trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Nguồn ảnh: Báo VnExpress.
  • Hay tại Hà Nội, ngày 15/1, theo báo VnExpress, nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh thường xuyên ùn tắc cả ngày lẫn đêm.

    Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã bố trí 100% cán bộ, chiến sĩ phân luồng trên các tuyến đường có mật độ xe lớn để giảm thiểu ùn tắc.

Đọc thêm:

Nghị định 168 không hề được ban hành theo thủ tục rút gọn. Đây là 3 lý do.
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Nghị định 168 không hề được ban hành theo thủ tục rút gọn. Đây là 3 lý do. 0:00/303.5521× Các bản tin loan đi từ truyền thông nhà nước ngày 12 và 13/1 cho biết Nghị định 168/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.