Các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe ‘thất thủ’; Đoàn Ngọc Hải thôi đi theo Thích Minh Tuệ

Các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe ‘thất thủ’; Đoàn Ngọc Hải thôi đi theo Thích Minh Tuệ
Ảnh gốc: Báo Dân Trí.

Các sự kiện nổi bật:

  • Người dân “đổ xô” đi đổi bằng lái
  • “Người hùng giải cứu vỉa hè” Đoàn Ngọc Hải nói gì về Thích Minh Tuệ?
  • Chính phủ có một thủ tướng và bảy phó thủ tướng

Người dân “đổ xô” đi cấp, đổi giấy phép lái xe

Những ngày qua, báo chí nhà nước ghi nhận hiện tượng dòng người xếp hàng để thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại nhiều tỉnh, thành phố.

Do nhu cầu quá lớn, nhiều điểm tiếp nhận đã quá tải. Người dân chọn làm thủ tục này bằng hình thức trực tuyến, thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID, tuy nhiên cũng gặp phải tình trạng trục trặc khi không thể thực hiện thao tác cấp, đổi với một số hạng giấy phép. Vì sao có hiện tượng này?

Người dân TP. HCM đổ xô đến điểm cấp, đổi GPLX của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), sáng 18/2. Ảnh: Nam Anh / Báo Dân trí.
  • Ngày 13/2, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, sau khi hai bộ này hợp nhất và lấy tên là Bộ Xây dựng.
  • Một trong những nội dung của tờ trình là chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an đảm trách. Điều này cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ và Nghị định 151/2024/NĐ-CP được ban hành nửa cuối năm 2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
  • Xuất phát từ tâm lý lo ngại sự xáo trộn việc cấp, đổi GPLX, người dân (nhiều người có bằng lái còn thời hạn sử dụng tới hai năm) đã xếp hàng tại các điểm tiếp nhận. Một số khác chọn thực hiện trực tuyến, thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID.
  • Đơn cử, ngày 17/2, bất chấp cơn mưa rét tại Hà Nội, từ sáng sớm, người dân đã xếp hàng dài tại điểm đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội. Ngày 18/2, tình trạng quá tải một điểm cấp, đổi khác tại TP. HCM cũng được báo chí trong nước ghi nhận.
  • Ngày 18/2, trả lời báo chí, đại diện Cục Đường bộ trấn an người dân vì dù đơn vị nào thực hiện việc cấp, đổi GPLX thì cũng đều thực hiện theo quy định và tạo điều kiện tốt nhất cho người làm thủ tục. Người dân không cần quá sốt ruột, thay vào đó, chỉ những trường hợp sắp hết hạn GPLX mới nên đi làm việc cấp, đổi lúc này.
  • Ngày 19/2, ngoài một vài địa phương tạm dừng, Sở GTVT nhiều tỉnh, thành phố thông báo vẫn phục vụ người dân thực hiện việc này.

Ông Đoàn Ngọc Hải: Nhiều người lợi dụng Thích Minh Tuệ

Đây là nhận định của cựu phó chủ tịch UBND quận 1 (TP. HCM), sau ba ngày ở Thái Lan.

Ông Đoàn Ngọc Hải đã gặp ông Thích Minh Tuệ tại đất Thái Lan. Ảnh chụp màn hình: Facebook Đoàn Ngọc Hải.
  • Ngày 17/2, ông Đoàn Ngọc Hải có bài viết chia sẻ rằng “hành trình phía trước [...] có thể không quay lại được [...] vì có thể tôi không còn sống [...].” Ông khẳng định “[...] Sư nào tốt trong tăng đoàn của sư Tuệ cần ‘giúp sức’ tôi sẽ giúp ngay lập tức”, và cho biết mình đã bảy lần đến Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Bài viết kèm theo hình ảnh cho thấy ông đang ngồi trên máy bay cùng tấm hộ chiếu của mình. 
  • Tối cùng ngày, ông Hải cho biết mình đã đặt chân tới Thái Lan tại một ngôi nhà hoang, đồng thời khẳng định “Tôi chỉ đi bộ và học tập sư Tuệ, ngoài ra tôi không quan tâm điều gì khác”.
  • Ngày 19/2, ông Đoàn Ngọc Hải có bài viết chia sẻ về cảm nhận của ông khi được gặp trực tiếp và thực hành khất thực với Thích Minh Tuệ. Theo đó, ông Hải cho biết mục đích của ông khi sang Thái Lan và sẵn sàng bỏ tiền túi để lo visa Bangladesh và Ấn Độ cho đoàn tháp tùng để “sư Minh Tuệ được vui”.
  • Đáng chú ý, ông đã ví ông Thích Minh Tuệ như một “cột ATM”, “nhiều người muốn lợi dụng tiền bạc” và ông có nhiều điều chia sẻ về “Phước Nghiêm” - một nhân vật được cho là “trưởng đoàn” tháp tùng Thích Minh Tuệ. Ông Hải đã rời Thái Lan sau ba ngày suy nghĩ.
  • Ông Đoàn Ngọc Hải là cựu phó chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM (4/2015 - 6/2019). Tên tuổi của ông gắn liền với chiến dịch “giải cứu vỉa hè” nhằm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ trong thời gian tại chức.
  • Tháng 6/2019, ông Hải được điều động về làm phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV. Tuy nhiên, ba tháng sau (9/2019), UBND TP. HCM quyết định cho ông thôi chức vụ theo nguyện vọng cá nhân.
  • Hiện tại, ông Đoàn Ngọc Hải làm công tác từ thiện cho người nghèo, người yếu thế ở nhiều tỉnh, thành phố. Các chiến dịch gây quỹ, nhật ký thiện nguyện được ông cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội.

Chính phủ có thêm hai phó thủ tướng 

Ngày 19/2, Quốc hội khóa 15 bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín với nhiều quyết sách được thông qua.

Đáng chú ý, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng làm phó thủ tướng; qua đó, nâng tổng số người giữ chức phó thủ tướng lên bảy.

Những cán bộ nhận chức vụ phó thủ tướng, phó chủ tịch quốc hội, bộ trưởng. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ.
  • Sự việc này diễn ra trong bối cảnh nước ta đang tiến hành sắp xếp bộ máy. Vào ngày 18/2, Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, bộ máy sẽ giảm năm bộ ngành, còn 14 bộ ngành và ba cơ quan ngang bộ.
  • Trong đó, Chính phủ sẽ giữ nguyên 11 bộ ngành và thành lập sáu bộ mới gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. 
  • Quốc hội cũng thông qua cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này gồm 25 thành viên, trong đó có một thủ tướng, bảy phó thủ tướng và 20 bộ trưởng, thủ trưởng, thống đốc, tổng thanh tra, chủ nhiệm. 
  • Trong chương trình của kỳ họp, vào ngày 19/2, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 203.231 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách nhà nước và khoản vay lãi suất từ đối tác Trung Quốc) và dự kiến sẽ được hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.
  • Liên quan tới chủ trương tinh gọn bộ máy, theo Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy trực thuộc nghiên cứu việc bỏ cấp huyện, đồng thời sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Hai đầu việc này được ấn định trong quý ba năm 2025 để báo cáo Bộ Chính trị.

Tin vắn:

Bộ Công an xếp Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS) vào danh sách khủng bố: Theo Bộ này, BPSOS được thành lập vào năm 1990, có trụ sở chính tại Mỹ, hoạt động dưới danh nghĩa “cứu trợ người tị nạn” để tạo vỏ bọc nhằm “tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam”. Sau đó, Chủ tịch BPSOS Nguyễn Đình Thắng đã phản bác cáo buộc, cho rằng động thái này của chính quyền là “bịt miệng” được những người dám lên tiếng tố cáo các hoạt động đàn áp ở trong nước với quốc tế thông qua các tổ chức xã hội dân sự, như đã từng làm với tổ chức Người Thượng vì công lý (MSFJ) hồi tháng 3/2024.

Luật sư Trần Đình Triển kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm: Ngày 15/2, ông Triển viết đơn thừa nhận đã đăng tải bài viết bình luận về hệ thống tòa án và lãnh đạo tòa án tối cao, song cho rằng “hành vi của mình không phạm tội”. Trước đó, vào ngày 10/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên ông Triển ba năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. 

Người dùng phải mất phí để tạo tài khoản Zalo mới?: Theo báo Tuổi Trẻ, ứng dụng sở hữu 77,7 triệu người dùng mới triển khai cách làm này trong vài ngày gần đây song không công bố rộng rãi. Theo đó, người dùng muốn mở tài khoản mới phải nhắn tin đến đầu số dịch vụ với mức phí 5.000 đồng/tin nhắn, từ đó mới có thể nhận mã kích hoạt, thay vì nhận mã xác nhận tự động miễn phí như trước đây.

Không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba: Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương không kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ ba trở lên của Bộ Y tế. Quyết định này được đưa ra nhằm kỳ vọng góp phần tăng mức sinh thay thế trên cả nước, trong bối cảnh mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục, tỷ suất sinh hai năm gần đây chỉ đạt 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) và 1,91 con/phụ nữ (năm 2024).

Bắt bảy phụ nữ Việt Nam ở “phố đèn đỏ” của Thái Lan: Ngày 7/2, cảnh sát Bangkok bắt giữ 25 gái hành nghề mại dâm đường phố tại khu đèn đỏ Nana và trong số này có bảy người Việt Nam. Cảnh sát cho biết một số phụ nữ bị buộc tội nhập cảnh trái phép, vi phạm trật tự công cộng, v.v. Đây là một phần chiến dịch truy quét của cảnh sát nước này nhằm trấn áp mại dâm đường phố và buôn bán ma túy.

Bắt giám đốc và trưởng phòng Bệnh viện II Lâm Đồng: Sáng 18/2, Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Thành (giám đốc) và ông Trần Văn Thành (trưởng phòng vật tư) của Bệnh viện II Lâm Đồng. Theo thông báo của công an, động thái này là nhằm điều tra, làm rõ các sai phạm liên quan đến dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế tại bệnh viện này.

Cựu trưởng Công an TP. Phú Quốc bị cáo buộc lừa đảo hơn 66 tỷ đồng: Ngày 17/2, Công an tỉnh Kiên Giang đề nghị truy tố Lê Văn Mót (cựu trưởng công an TP. Phú Quốc) và Nguyễn Thị Hằng trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi còn đương chức trưởng công an, Lê Văn Mót biết rõ các thửa đất không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn hứa giúp, từ đó chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Cán bộ TP.HCM thôi việc do tinh giản bộ máy có thể nhận tới 2,7 tỷ đồng: Ngày 20/2, TP. HCM đã thông qua nghị quyết hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ cho hơn 7.000 người bị ảnh hưởng là khoảng 17.000 tỷ đồng. Như vậy, người thôi việc ở TP.HCM sẽ được nhận hai khoản, gồm tiền hỗ trợ theo Nghị định 178 năm 2024 của Chính phủ và mức hỗ trợ thêm theo nghị quyết này.


Bài đáng chú ý trong tuần:

[Chùm ảnh] Người dân TPHCM đi đổi giấy phép lái xe từ lúc rạng sáng

Nam Anh - Báo Dân trí

Lo lắng hết lượt nhận hồ sơ, nhiều người dân ở TP. HCM tranh thủ dậy sớm, đi đổi giấy phép lái xe từ lúc rạng sáng.

Người tài nghỉ việc nhà nước

Bạch Ngọc Chiến - VnExpress

Khi có cơ chế minh bạch để tuyển dụng và sử dụng, sẽ không còn nỗi lo người tài bỏ đi nữa.


Sự kiện đáng chú ý sắp tới:

  • Từ ngày 17 - 24/3, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án “mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế” do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) làm chủ đầu tư. Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người đang trốn truy nã tại Đức - cùng 12 người khác bị cáo buộc tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

*Kể từ tuần này, bài Tuần tin của Luật Khoa tạp chí sẽ được xuất bản vào thứ Năm hằng tuần. Rất mong quý độc giả thông cảm.

Đọc thêm:

Từ cấm nồng độ cồn cho tới phạt nguội
Một trong những chủ đề dân sinh mà báo chí tốn nhiều giấy mực nhất là giao thông, từ quy định về cấm nồng độ cồn, trừ điểm bằng lái xe cho tới việc phạt nguội và mức phạt nặng về các lỗi vi phạm giao thông.
5 cảnh ‘xếp hàng’ ở nước ta
Trong năm cái “xếp hàng” được liệt kê trong bài viết này, độc giả có thể chưa trải nghiệm hoặc đã trải nghiệm ít nhất từ một đến đủ năm sự kiện.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.