Đà Nẵng tranh chấp đất với giáo xứ; Công an tạm giữ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy

Quốc tế nói Việt Nam tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo dưới thời Tô Lâm.

Đà Nẵng tranh chấp đất với giáo xứ; Công an tạm giữ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy

Các sự kiện tôn giáo nổi bật trong tháng 1/2025:

  • Quốc tế nói Việt Nam tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo dưới thời Tô Lâm
  • Quảng Nam ngăn các tín đồ Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sinh hoạt
  • Một nhà sư bị cấm đi Mỹ dự hội nghị tự do tôn giáo
  • Công an Lai Châu nói Thiên Tâm Đạo là tà đạo.

Đà Nẵng tháo dỡ công trình được cho là của Giáo xứ An Hòa

Ngày 7/1, chính quyền TP. Đà Nẵng bắt đầu tháo dỡ cơ sở vật chất cũ để tiến hành xây dựng công trình mới trên phần đất được cho là thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ An Hòa. [1]

Được biết đây là khu đất tranh chấp giữa giáo xứ và chính quyền trong nhiều năm qua.

Theo thông tin từ trang Giáo xứ An Hòa, ông Lê Thiện Thuật, linh mục của giáo xứ này, đã nhiều lần gửi thư khiếu nại lên các cơ quan chức năng về mảnh đất tranh chấp, tuy nhiên chưa nhận được cách giải quyết thỏa đáng.

Theo đó, sau năm 1975, giáo xứ đồng ý cho chính quyền địa phương trưng dụng khu đất để sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp. Đổi lại, một số giáo dân sẽ được tham gia làm nông nghiệp.

Chính quyền cho rằng vì lý do này nên giáo xứ không còn quyền sở hữu hay sử dụng khu đất này nữa. [2]

Năm 2019, khu đất đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân để phân lô bán nền đất thổ cư. Từ đó đến nay, giáo xứ đã liên tục gửi nhiều đơn thư khiếu nại nhưng vẫn không có tiến triển nào đáng kể.

Sau năm 1975, chính quyền ban hành Nghị quyết 297/HĐBT vào ngày 11/11/1977. Theo đó, nhiều cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục của các tôn giáo hoặc các nhà thờ thiếu vắng nhà tu coi sóc đã trở thành tài sản của nhà nước. Từ đó, nhà nước cho xây trường học, trụ sở cơ quan, hay thậm chí bị quy hoạch thành khách sạn, khu dân cư cao cấp.

Hình ảnh chính quyền tháo dỡ cơ sở vật chất trên phần đất tranh chấp với Giáo xứ An Hòa và giấy hồi đáp đơn thư khiếu nại. Ảnh: Giáo xứ An Hòa.

Quảng Nam ngăn các tín đồ Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sinh hoạt

Ngày 24/1, chính quyền thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã ngăn chặn chín tín đồ theo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang sinh hoạt trái phép. [3] Ngoài ra chính quyền còn thu giữ một bục bằng gỗ, khay lễ, khăn trắng và các tài liệu có tại tụ điểm sinh hoạt này.

Trước đó, vào tháng 6/2024, cũng tại tỉnh này, cơ quan chức năng của huyện Duy Xuyên từng ngăn chặn 11 tín đồ của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang sinh hoạt tôn giáo. [4]

Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ bị nhà nước xem là tà đạo, có nhiều yếu tố tiêu cực và đi ngược với thuần phong mỹ tục.

Chính quyền thu giữ các tài liệu liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Một tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn không cho xuất cảnh

Theo RFA, vào ngày 26/1, Đại đức Thích Nhật Phước bị ngăn cản xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vì lý do ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quy định tại Khoản 9, Điều 36 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh năm 2019. [5]

Đại đức Thích Nhật Phước có tên thật là Nguyễn Thanh Cường. Ông có kế hoạch sang Mỹ để dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Lực lượng chức năng cũng yêu cầu ông Phước liên lạc với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giải quyết việc bị cấm xuất cảnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Luật Khoa tạp chí, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào liên quan đến vụ việc này.

Trước đó, vào tháng 9/2023, một tín đồ theo đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 cũng đã bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh sang Mỹ để tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo. [6]

Khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền thành lập vào năm 1981, các tín đồ theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thường bị cơ quan chức năng theo dõi rất sát sao và áp dụng biện pháp quản lý “đặc biệt”, thậm chí là sách nhiễu.

Ông Thích Nhật Phước và Biên bản cấm xuất cảnh vào ngày 26/1. Ảnh: RFA
Bảy tổ chức tôn giáo không qua được chiếc phễu thanh lọc của chính quyền
Sau năm 1975, có những tổ chức tôn giáo bỗng trở thành “thành phần chống phá”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Việt Nam tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo dưới thời lãnh đạo mới

Ngày 16/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu trong Báo cáo Thế giới 2025 cho biết, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội, tôn giáo và đi lại. [7]

Trong báo cáo, phần về tự do tín ngưỡng tôn giáo có những điểm chính sau:

  • Các nhóm tôn giáo phải được chính quyền chấp nhận và kiểm soát. Những tôn giáo nào không được chấp thuận sẽ bị liệt vào diện tà đạo, tiềm tàng hành vi vi phạm pháp luật.
  • Chính quyền liên tục theo dõi, đôi khi đàn áp các tín đồ theo các nhóm tôn giáo độc lập. Nhiều tín đồ bị xâm phạm đời tư, buộc phải từ bỏ đức tin, bị tạm giam trước khi xét xử, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.
  • Vào tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt ông Y Krếc Byă, một tín đồ theo Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, với mức án 13 năm tù và 5 năm quản chế về tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự. [8] Đây là một điều luật thường được chính quyền sử dụng để trừng phạt những nhà hoạt động sắc tộc thiểu số vì đã liên kết với các nhóm tôn giáo mà chính quyền không cho phép.
  • Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc lo ngại về tình trạng sử dụng sai mục đích Luật Phòng, chống Khủng bố năm 2013, cho rằng nhà nước đang sử dụng các điều luật để phân biệt đối xử với người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số theo đạo Thiên Chúa ở Tây Nguyên.

Trước đó vào tháng 1/2024, cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tiếp tục đưa Việt Nam vào trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List) của Mỹ về tự do tôn giáo. [9]

Một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy bị tạm giữ

Vào trưa 9/1, cơ quan chức năng của TP. HCM đã đưa ông Lê Văn Tính, một tín đồ theo Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tại gia ở TP. Cần Thơ đi đâu không rõ. [10] Chỉ khi vợ ông về nhà và thấy mảnh giấy được cho là của Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) của Công an TP. HCM để lại thì mới biết sự việc.

Theo đó, việc lực lượng chức năng của TP. HCM xuống tận Cần Thơ để bắt ông Tính có liên quan đến một vụ án kinh tế xảy ra cách đây gần 40 năm.

Đến tối 10/1, ông Tính được đưa trở về nhà.

Cũng theo Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, ông Tính là thành viên cố vấn Ban Trị sự của tổ chức tôn giáo độc lập này. Trước năm 1975, ông Tính là dân biểu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông bị kết án 20 năm tù vì lý do chính trị. [11]

Ông Lê Văn Tính và mảnh giấy được cho là của PC02 Công an TP. HCM để lại. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Lai Châu: Thiên Tâm Đạo là tà đạo

Một bài viết đăng trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Lai Châu cho biết Thiên Tâm Đạo là một tà đạo, chưa được nhà nước công nhận cũng như cấp phép hoạt động tôn giáo. [12]

Theo bài viết, Thiên Tâm Đạo không có giáo lý rõ ràng, chủ yếu sử dụng giáo lý của Phật giáo và bổ sung thêm một số giáo lý của các tôn giáo khác. Hình thức sinh hoạt chủ yếu của đạo này là cúng bái, ngồi thiền và đọc kinh cầu khấn.

Cũng theo bài viết, Thiên Tâm Đạo được truyền bá vào Việt Nam qua các trang mạng xã hội. Chính quyền khuyến cáo người dân không tin theo Thiên Tâm Đạo.

Thiên Tâm Đạo do Ngô Tuấn Kiệt sáng lập vào ngày 16/3/2017 tại Công viên Thiên Long Sơn, bang California, Mỹ. Dù cho Thiên Tâm Đạo bị coi là tà đạo, nhưng chính quyền lại thiếu các bằng chứng cho thấy đạo này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và tình hình an ninh, trật tự của xã hội.

Đọc thêm:

5 sự kiện tôn giáo nổi bật trong năm 2024
Năm 2024 có những sự kiện tôn giáo nổi bật làm dậy sóng xã hội và chứng kiến việc chính quyền áp dụng nhiều chính sách mới trong việc quản lý tôn giáo. Sau đây là 5 sự kiện tiêu biểu, khái quát nên bức tranh tôn giáo tại Việt

Chú thích

1. Giáo Xứ An Hòa - Giáo Phận Đà Nẵng. (2025, January 9). https://www.facebook.com/share/p/1UJNQix37G/

2. Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài. (2022, April 22). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/04/ton-giao-thang-3-2022-chinh-quyen-tong-ket-30-nam-kiem-soat-dao-cao-dai/

3. Bắt quả tang tụ điểm sinh hoạt hội thánh Đức Chúa trời mẹ. (2025, January 24). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20250124052625/https://tuoitre.vn/bat-qua-tang-tu-diem-sinh-hoat-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-20250124120035498.htm

4. Kiên quyết xóa bỏ tà đạo "Hội thánh Đức chúa trời mẹ". (2024, June 25). Báo Người Lao Động. https://web.archive.org/web/20240624235354/https://nld.com.vn/kien-quyet-xoa-bo-ta-dao-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-196240624210239958.htm

5. Một nhà sư bị cấm xuất cảnh đi Mỹ dự hội nghị tự do tôn giáo. (2025, January 28). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/01/28/dai-duc-thich-nhat-phuoc-bi-chan-xuat-canh/

6. BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam. (2023, September 26). https://www.facebook.com/photo/?fbid=617857490516884&set=a.548064504162850

7. World Report 2025 – Viet Nam. (2025, January 16). HRW. https://www.hrw.org/world-report/2025/country-chapters/vietnam

8. Xét xử bị cáo Y Krếc Byă về tội phá hoại chính sách đoàn kết. (2024, March 28). Bộ Công An. https://bocongan.gov.vn/tin-an-ninh-trat-tu/xet-xu-bi-cao-y-krec-bya-ve-toi-pha-hoai-chinh-sach-doan-ket-d22-t38329.html

9. Religious Freedom Designations - Press Statement. (2024, January 4). U.S. Department of State. https://www.state.gov/religious-freedom-designations/

10. Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý. (2025, January 11). https://www.facebook.com/share/p/19w4CPrXBk/

11. Xem [10]

12. Cảnh giác với tà đạo "Thiên Tâm đạo". (2025, January 6). Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Lai Châu. https://web.archive.org/web/20250123143031/https://congan.laichau.gov.vn/index.php/chong-dien-bien-hoa-binh-22/canh-giac-voi-ta-dao-thien-tam-dao-2681.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.