Luật Báo chí 2016 sửa đổi: Xuất hiện mô hình ‘tổ hợp báo chí truyền thông’
Với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản, quan điểm sửa đổi Luật Báo
Với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản, quan điểm sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 là tiếp tục biến báo đài thành một công cụ tuyên truyền của đảng - nhà nước. Tuy nhiên, trong dự thảo luật xuất hiện một khái niệm mới.
Ngày 10/2, website của Chính phủ đăng toàn văn dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) - cơ quan tham mưu sửa đổi luật này - đã lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo.
Hiện nay, Bộ TT-TT đã bị sáp nhập về Bộ Khoa học và Công nghệ, riêng chức năng quản lý báo chí được chuyển giao về cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lý do sửa đổi, theo Bộ TT-TT, là Luật Báo chí năm 2016 có nhiều quy định “bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.
Theo đó, Luật Báo chí năm 2016 sẽ được sửa đổi, bổ sung dựa trên năm quan điểm chính:
Bố cục của dự thảo gồm có năm chương, 53 điều (giảm một chương, tám điều so với Luật Báo chí năm 2016).
Sau phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra vào ngày 11/12/2024, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Quốc hội. Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Theo dự thảo, kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng cũng được xem là sản phẩm thông tin báo chí. Ngoài ra, mạng xã hội (social network), tổ hợp truyền thông báo chí, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện cũng được bổ sung làm đối tượng điều chỉnh.
Dự thảo cũng định nghĩa lại vai trò của trang thông tin điện tử tổng hợp là chỉ cung cấp các thông tin đã được đăng, phát trên báo chí hoặc trang thông tin điện tử của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.
Lần đầu tiên, khái niệm “tổ hợp báo chí truyền thông” được đưa vào dự thảo Luật Báo chí năm 2016, tại Khoản 16, Điều 3.
Theo đó, tổ hợp báo chí truyền thông được định nghĩa là cơ quan báo chí có nhiều cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc.
Tại Khoản 5, Điều 14 quy định cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình này sẽ “có cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp” và “được góp vốn tại doanh nghiệp” (hiện nay, công nhân, viên chức, và người lao động tại các cơ quan báo đài được tính lương do nhà nước quy định, tức, hưởng lương cơ sở).
Trong một báo cáo gần đây, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản cũng đề cập đến việc nghiên cứu thí điểm mô hình tổ hợp báo chí, truyền thông tại Hà Nội và TP. HCM, sau khi cả nước tiến hành “cuộc đại phẫu” bộ máy nhà nước.
Nêu trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016, Bộ TT-TT cho rằng mô hình tổ hợp báo chí này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhất là Trung Quốc. Do Trung Quốc có “thể chế chính trị, kinh tế, xã hội” có nét “tương đồng” với Việt Nam nên “mô hình tập đoàn báo chí của Trung Quốc là kinh nghiệm quý báu” để Việt Nam học tập, phát triển.
Trước đó, theo Quyết định số 531/QĐ ngày 4/4/2021, Bộ TT-TT đã lên phương án trong năm 2025 sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, đồng thời cho thí điểm thực hiện “mô hình trung tâm báo chí - truyền thông” hoặc “tổ hợp báo chí - truyền thông”.
Một điểm mới khác trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là có thêm các quy định về giám sát báo chí trên không gian mạng cũng như đầu tư các công cụ thực hiện công tác này.
Cụ thể, Điều 30 quy định hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí phải tuân thủ pháp luật về báo chí, an ninh mạng.
Nhà nước sẽ đầu tư các “công cụ số” để giám sát, quản lý báo chí trên không gian mạng.
Ngoài ra, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nếu muốn dùng sản phẩm thông tin của các báo đài thì phải có sự “thỏa thuận”.
Đáng chú ý, dự thảo luật lần này siết diện được cấp thẻ nhà báo.
Những người được xét cấp thẻ nhà báo là phóng viên, biên tập viên làm việc trong các cơ quan báo chí. Thời hạn sử dụng thẻ nhà báo là năm năm, tính từ ngày cấp thẻ.
Tuy nhiên, những người làm việc tại tạp chí khoa học, không được cấp thẻ nhà báo (Khoản 1, Điều 29 của dự thảo).
Lý do, Bộ TT-TT cho biết tính đến năm 2023 đã cấp giấy phép hoạt động cho tổng 318 tạp chí khoa học theo quy định, đồng thời cấp thẻ nhà báo (kỳ hạn 2021 - 2025) cho gần 21.000 nhà báo, trong đó 20% là đối tượng thuộc tạp chí khoa học. Tuy nhiên, một số tạp chí đã “hoạt động sai tôn chỉ, mục đích hoạt động thông thường, có ít hoặc không có tính khoa học”. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng cho rằng tạp chí khoa học “hầu như không có hoạt động tác nghiệp báo chí” vì đây là cơ quan có nhiệm vụ chính là công bố, đăng tải các hoạt động liên quan nghiên cứu khoa học.
Dự thảo bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực báo chí gồm (1) đối với các cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan báo chí thì không được đăng, phát các loại tin tức mang tính chất báo chí (2) cũng như đăng những thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, uy tín của Việt Nam; gây phương hại đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước.
Quan điểm của dự thảo là các cơ quan báo chí muốn được hoạt động thì phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép. Nếu bị thu hồi giấy phép thì báo sẽ phải dừng hoạt động ít nhất là 3 năm (trước đây thì không quy định thời gian tối thiểu phải dừng hoạt động và nếu bị thu hồi thì cơ quan chủ quản sẽ đề nghị cấp lại giấy phép).
Theo Bộ TT-TT, trước đây, các cơ quan báo chí khi không còn giấy phép vẫn còn tồn tại pháp nhân nên có nhiều trường hợp lợi dụng tư cách này và sử dụng con dấu để thực hiện các công việc khác. Vì vậy, cần có những quy định để chấm dứt các hoạt động của cơ quan báo chí khi thu hồi giấy phép.
Sau 36 năm (kể từ Luật Báo chí năm 1989 đến nay), báo chí vẫn được coi là công cụ, vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ tư tưởng, chủ trương của Đảng Cộng sản.
Tại Điều 3 của dự thảo, vai trò này được khẳng định lại. Việt Nam chỉ cho phép “báo chí cách mạng” hoạt động.
Nhiệm vụ của báo chí là “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của đảng”.
Các nhiệm vụ trước đây của báo chí như mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới bị lược bỏ.