Luật Khoa 360: New Zealand có thể dẫn độ hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục?

Luật Khoa 360: New Zealand có thể dẫn độ hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục?
Nhà hàng Sài Gòn ở thủ đô Wellington, nơi xảy ra vụ việc; Cảnh sát Richard Chambers. Ảnh: NZ Herald.

New Zealand đang tìm cách dẫn độ hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 3/2024. Hiện tại, chính quyền Việt Nam và các cơ quan truyền thông nhà nước vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về vụ việc này.

💡
Bài dành riêng cho độc giả trả phí.

Diễn biến vụ việc

Vào ngày 7/2/2025, tờ NZ Herald của New Zealand đưa tin về việc cảnh sát nước này đang chuẩn bị hồ sơ dẫn độ đối với hai quan chức Việt Nam. Hai người này bị cáo buộc tấn công tình dục hai nhân viên tại một nhà hàng ở Wellington vào tháng 3/2024.

  • Sự việc chỉ được biết đến rộng rãi khi trang Stuff.co.nz vào ngày 11/12/2024 đăng bài phỏng vấn với một trong hai nạn nhân, Alison Cook (khi đó 19 tuổi).
  • Theo lời kể của Cook, cô và một đồng nghiệp khác đã bị tấn công tình dục trong một phòng karaoke riêng tại nhà hàng nơi họ làm việc. Hai người đàn ông đã kéo họ vào lòng, ép họ vào tường và sờ soạng. Cook cho biết cô bị buộc phải uống rượu và tin rằng mình đã bị chuốc thuốc. Cô cũng cho biết mình đã bị thương trong vụ tấn công. Cả hai nạn nhân đã báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng vào ngày hôm sau.
  • Sự việc này xảy ra chỉ một tuần trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand.
  • Hai quan chức bị cáo buộc được cho là có liên hệ với lực lượng công an Việt Nam. Trong thời gian ở New Zealand, họ đã gặp gỡ các sĩ quan tại một trường đào tạo cảnh sát gần Wellington. Họ cũng dùng bữa tại một nhà hàng mang thương hiệu Việt Nam - nơi hai nạn nhân làm việc.
  • Cảnh sát New Zealand tin rằng hai nữ nhân viên đã bị tấn công tình dục khi đang làm việc. Nếu hai nghi phạm vẫn còn ở New Zealand, họ sẽ bị truy tố với tội danh tấn công tình dục và đối mặt với mức án lên đến bảy năm tù.
  • Tuy nhiên, hai nghi phạm đã rời khỏi New Zealand trước khi nhà chức trách nước này xác định được danh tính.
  • Alison Cook kêu gọi chính quyền New Zealand yêu cầu Việt Nam đưa hai người đàn ông trở lại để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cô lo ngại nếu vụ việc không được giải quyết thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, rằng việc phạm tội tình dục ở New Zealand có thể được bỏ qua nếu nghi phạm rời khỏi đất nước.
  • Sau khi thông tin này được công khai, Đại sứ quán Việt Nam tại Wellington và nhà hàng nơi các nạn nhân làm việc vẫn chưa đưa ra bình luận.

Dẫn độ là gì?

Theo Britannica, dẫn độ là quá trình một quốc gia chuyển giao cá nhân bị truy nã hoặc đã bị kết án hình sự cho một quốc gia khác để xét xử hoặc thi hành án.

  • Việc dẫn độ thường dựa trên các hiệp ước giữa các quốc gia. Mục tiêu của dẫn độ nhằm ngăn chặn tội phạm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng cách chạy sang nước khác. Hiệp ước song phương về dẫn độ (bilateral treaty on extradition) sẽ quy định điều kiện, đối tượng, phạm vi áp dụng và quy trình dẫn độ.
  • Điều 32 của Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 cũng định nghĩa dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho quốc gia khác người có hành vi phạm tội hoặc đã bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình, để quốc gia được chuyển giao tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
  • Theo báo Tiền Phong, tính tới tháng 10/2024, Việt Nam đã là thành viên của 22 điều ước quốc tế và ký kết 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ, cùng với 18 hiệp định song phương về dẫn độ. Một số quốc gia có thể kể đến là Mông Cổ, Mozambique, Kazakhstan, Campuchia, Pháp, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Algeria, Hungary, Indonesia, Sri Lanka, Argentina, Iran, Ý, v.v.

New Zealand có thể dẫn độ hai nghi phạm không?

New Zealand đang tìm cách.

  • Hiện nay, New Zealand và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ song phương, tức, New Zealand không thể bắt buộc Việt Nam giao nộp nghi phạm.
  • Cảnh sát New Zealand vẫn đang xem xét tất cả các phương án có thể, bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ dẫn độ và duy trì liên lạc với phía Việt Nam. Ngoài ra, cảnh sát cũng đã đặt cảnh báo tại biên giới để được thông báo và có thể hành động nếu các nghi phạm quay lại nước này.
  • Quan điểm của giới chức New Zealand là sẽ nỗ lực thực hiện việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại cũng như đảm bảo công lý được thực thi.
  • Thực tế, trong một số trường hợp đặc biệt, hai nước chưa có hiệp định dẫn độ song phương vẫn có thể đàm phán dẫn độ trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận hợp tác khác. Gần đây nhất, vào ngày 30/9/2024, tòa án ở Thái Lan đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đối với nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bđăp mặc dù hai nước chưa có hiệp định song phương về dẫn độ.
  • Tuy vậy, việc dẫn độ công dân Việt Nam từ Việt Nam gặp phải trở ngại pháp lý đáng kể, nếu không muốn nói là gần như không thể. Khoản 1a, Điều 35 của Luật Tương trợ Tư pháp về “từ chối dẫn độ cho nước ngoài” quy định rằng cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu “người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.