Luật Khoa 360: Những điều bạn cần biết về Trương Huy San và Điều 331

Luật Khoa 360: Những điều bạn cần biết về Trương Huy San và Điều 331

Trương Huy San (hay nhà báo Huy Đức) nổi tiếng với tác phẩm Bên thắng cuộc, vừa bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331, Bộ luật Hình sự) vào ngày 12/2. Đây là những điều bạn cần biết về ông và Điều 331.

Diễn biến vụ việc

Theo báo chí nhà nước, ngày 12/2, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và truy tố ông Trương Huy San (còn được biết đến với bút danh Huy Đức hay Osin Huy Đức) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

  • Viện KSND Tối cao đã chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền.
  • Theo cáo trạng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2024, ông Trương Huy San đã tự thu thập thông tin, soạn thảo và đăng trên trang Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài mang nội dung “xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

    Các bài viết của ông có “số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn”, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, đến nay, những bài viết này chưa được công bố chi tiết trên các phương tiện truyền thông.
  • Báo chí nhà nước nói rằng ông Trương Huy San đã thừa nhận tự thu thập và đánh giá thông tin để viết bài, đồng thời, nhận thức được nội dung của 13 bài viết này có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước và một số tổ chức, cá nhân hợp pháp. Tuy nhiên, ông khẳng định “không có ý định chống đảng hay nhà nước”.

Trước đó, vào ngày 1/6/2024, Lê Nguyễn Hương Trà đăng trên trang Facebook cá nhân rằng “[Công an] đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức”.

  • Cũng vào ngày 1/6/2024, ông Trương Huy San có lịch tham gia một sự kiện giao lưu tại “Cà phê Thứ Bảy Hà Nội” với vai trò diễn giả. Tuy nhiên, ông San không đến.

    Người chủ trì sự kiện ngày hôm ấy là nhà văn Trần Thanh Cảnh - một người bạn lâu năm của ông San. Không lâu sau đó, RFI Tiếng Việt đăng tải đoạn ghi âm dài 49 giây phỏng vấn nhà văn này.

    Theo ông Cảnh, vào sáng ngày hôm ấy (tức ngày 1/6), ông đã “gửi tin nhắn và gọi điện thoại không được” cho ông San. Khi ông liên lạc được với người nhà của ông thì “chị ấy chỉ nói là bận việc, và không trả lời gì cả”. Ông cũng “đoán” là người nhà của ông San “lúc đấy đang đứng cạnh những người khác nữa, nên không trả lời”.

    Ông Cảnh cho biết là ông đã hỏi thêm một số người thì “thấy thông tin, tin đồn là cơ quan chức năng đến làm việc ở khu nhà Huy Đức”.
  • Từ ngày 1/6 đến ngày 6/6/2024, không có thêm bất kỳ thông tin nào về ông Trương Huy San. Trang Facebook của ông với 350.000 lượt theo dõi đã bị khóa vào ngày 2/2/2024. Dù vậy, việc ông San có bị bắt hay không vẫn chưa được nhà chức tranh thông báo chính thức vào thời điểm này.

    Đến ngày 7/6/2024, các quan chức công an đã xác nhận việc bắt giữ ông San qua một thông báo ngắn đăng trên báo nhà nước.

Trương Huy San là ai?

Trương Huy San, sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh, từng đi bộ đội năm 18 tuổi và tham gia chiến trường Tây Nam vào giữa những năm 1980. Ông là nhà báo, blogger, và là một cây bút chính luận nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong và ngoài nước.

  • Trương Huy San bắt đầu làm báo vào năm 1988. Ông lấy bút danh là Huy Đức hay Osin Huy Đức và nổi lên với tư cách là một phóng viên điều tra chống tham nhũng. Ông từng viết bài cho nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam vào thời điểm đó như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị, Nông Thôn, v.v.
  • Ông từng nhận học bổng Hubert H.Humphrey để du học tại trường Đại học Maryland của Mỹ. Ông tốt nghiệp và về nước vào năm 2006.
  • Theo nhà báo Huỳnh Văn Hoa - một đồng nghiệp lâu năm của ông San, sau một thời gian làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông San bị sa thải vào tháng 8/2009. Lý do là vì ông San đã viết các bài như “Chị Hai Thủ tướng”, “Bức tường Berlin”, “Biên giới tháng Hai”, v.v. Những bài viết này được cho là đã tạo nên tiếng vang cho tác giả, nhưng gây khó chịu cho chính quyền.

    Tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị lúc đó là nhà báo Đặng Tâm Chánh đã bị Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM mời lên làm việc vì tờ báo đã xuất bản 100 bài báo “có vấn đề”, trong đó có 57 bài của tác giả Huy Đức. Đến tháng 3/2014, tòa soạn bị đình chỉ hoạt động và sáp nhập vào Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP. HCM.
  • Trương Huy San chuyển sang viết trên mạng xã hội, thành lập blog Osin vào tháng 8/2009. Khi số lượng người đọc blog này tăng lên “hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi ngày” thì blog Osin đã bị tấn công và đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 2/2010.
  • Tháng 5/2012, ông Trương Huy San nhận học bổng Nieman và đi du học một năm (từ 2012 - 2013) ở Mỹ.

    Trong thời gian này, ông đã viết Bên thắng cuộc - tác phẩm ghi dấu tên tuổi của ông. Lúc bấy giờ, dư luận trong và ngoài nước có nhiều lời ngợi khen lẫn phản đối tác phẩm.

    Tác phẩm này gồm hai tập lần lượt có tên là Giải phóngQuyền bính. Sách được xuất bản lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 2013. Nội dung tác phẩm chủ yếu kể lại các sự kiện lịch sử quan trọng sau năm 1975 đến cuối thập niên 1990.

    Trong một bài viết, nhà báo Huỳnh Văn Hoa nhận định rằng: “[...] đến thời điểm hiện nay, chưa có bộ sách nào về tình hình miền Nam sau năm 1975 có đầy đủ thông tin dữ kiện như sách của Huy Đức, dù cái nhìn của tác giả vẫn dựa trên quan điểm của ‘bên thắng cuộc’ [...].”

    Sau ngày tác phẩm được xuất bản, nhà văn Phạm Thị Hoài nhận định “Cuốn sách Bên thắng cuộc [...] vừa mới ra đời đã tạo thành một hiện tượng [...].”

    Tuy vậy, trong nước vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về tác phẩm này của ông.

    Báo Công an Nhân dân ngày 31/1/2013 đăng bài Bên thắng cuộc” và sự tụng ca của những mịt mù. Theo đó, tác giả bài viết cho rằng tác phẩm này “không có gì đặc sắc” mà chỉ đúng “một nửa sự thật”.

    Cùng tháng, báo Pháp Luật cũng đăng tải một bài bình luận của tác giả Nguyễn Đức Hiển (ông Hiển hiện nay là phó tổng biên tập báo Pháp Luật), cho rằng những thông tin trong Bên thắng cuộc được “cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả”.
  • Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (JVS) vào năm 2013, Trương Huy San cũng lo ngại về việc mình sẽ bị bắt ở Việt Nam và cân nhắc đến chuyện ở lại Mỹ. Tuy nhiên, ông đã nói về “cơn bão sắp đến” rằng: “Gần đây, tôi nói với một người bạn rằng không ai tự do lại chọn ngồi tù. Nhưng trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền tự do, ngồi tù là điều không thể tránh khỏi. Nếu ai cũng tránh ngồi tù, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được tự do.”
  • Huy Đức đã trở lại Việt Nam và không bị bắt. Năm 2014, ông cùng một số nhà báo, trí thức khác tham gia sáng lập Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa. Qua đó, ông đã gây quỹ cho gia đình các binh sĩ miền Nam đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa với quân đội Trung Quốc vào năm 1974, đồng thời hỗ trợ các cựu binh và gia đình các binh sĩ đã hy sinh trong cuộc tấn công của Trung Quốc vào quần đảo Trường Sa năm 1988. Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa được đánh giá là nỗ lực đầu tiên và duy nhất của một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ binh sĩ từ cả hai phía của cuộc xung đột.
  • Từ năm 2020, Trương Huy San là một nhà báo tự do và tiếp tục viết các bài bình luận chính trị, xã hội ở Việt Nam trên trang cá nhân với 350.000 lượt theo dõi. 
  • Cũng trong năm 2020, ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận khác là Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS). Tổ chức này đã trồng cây trên hơn 313 ha đất rừng bị phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và vùng núi Sơn La.

Về Điều luật 331 và những người chịu án nổi tiếng

Đây không phải là lần đầu tiên Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được áp dụng.

  • Điều 331 kế thừa quy định từ Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cả hai điều luật đều quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
  • Điều 331 có hai khoản. Cụ thể:

    Khoản 1: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Khoản 2: Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
  • Điều 331 là một phần trong hệ thống các điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội ở nước ta, thường được viện dẫn để nhà cầm quyền dễ dàng xử lý những cá nhân, tổ chức bị cáo buộc có hành vi xuyên tạc, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức hoặc kích động gây mất ổn định chính trị.

    Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 331 cũng gây ra nhiều tranh cãi về ranh giới giữa bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân.
  • Theo trang tin công bố bản án của Tòa án Nhân dân Tối cao, đã có ít nhất 67 bản án được tuyên theo tội danh này suốt khoảng thời gian từ năm 2018 - 2024. Đa số những người bị kết án là những cá nhân phản biện về các vấn đề chính trị, tự do báo chí hay những bất cập trong hệ thống công quyền.
  • Luật Khoa tạp chí từng đăng bài “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ – một điều luật hoàn toàn thừa thãi” vào ngày 29/3/2022. Tác giả Trịnh Hữu Long lập luận rằng Điều 331 không giải quyết một vấn đề cụ thể nào, mà chỉ đóng vai trò như một tuyên ngôn về triết lý lập pháp. Điều này dẫn đến việc điều luật có thể bị lạm dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác. Bài viết cũng phân tích lý do điều luật này được ban hành, bao gồm nhu cầu của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lực và tạo ra một công cụ pháp lý có phạm vi áp dụng rộng rãi.
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ – một điều luật hoàn toàn thừa thãi
Nhưng vì sao nó vẫn được sinh ra?
  • Trước Trương Huy San, đã có không ít cá nhân bị chính quyền cầm tù vì tội danh tương tự, điển hình là nhà báo Trương Châu Hữu Danh (nhóm Báo Sạch, bị bắt và truy tố vào tháng 12/2020), bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị khởi tố vào tháng 3/2022 và sau đó bị tuyên phạt 3 năm tù giam vào tháng 9/2023); YouTuber Đậu Thị Tâm (lên tiếng về Nghị định 168, bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 1/2025); ông Nguyễn Văn Nhơn (người dân tham gia phát biểu ý kiến tại hai hội nghị tiếp xúc cử tri ở tỉnh Quảng Bình, bị khởi tố vào tháng 8/2024), v.v.
  • Cần lưu ý rằng trong hầu hết các vụ việc mà cơ quan tòa án đưa ra xét xử, các thẩm phán thường không xác định rõ bị hại của vụ án. Cả tòa án và viện KSND cũng chưa từng chứng minh cụ thể thiệt hại mà bị cáo gây ra đối với xã hội, tổ chức hoặc cá nhân khác.

    Ví dụ, trong bản án hình sự sơ thẩm số 24/2025/HS-ST của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đối với luật sư Trần Đình Triển, tòa viện dẫn rằng số lượt tương tác của trên Facebook của ông (lượt thích, bình luận, chia sẻ) chính là bằng chứng thể hiện “thiệt hại” do bị cáo gây ra. Theo tòa, điều này khiến chính quyền không thể kiểm soát được thông tin và nó xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. 
Trích một phần bản án đối với luật sư Trần Đình Triển.
  • Viện KSND Tối cao cũng đã truy tố nhà báo Huy Đức với lập luận rằng các bài viết của ông có nhiều lượt tương tác gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.

    Đây là mô-típ quen thuộc từng được áp dụng trong các vụ án tương tự. Có nhiều khả năng một phiên tòa hình sự sơ thẩm với cách lập luận cũ này sẽ lại diễn ra.

Quốc tế nói gì về vụ của Trương Huy San?

Sau khi sự vụ của Trương Huy San được lan truyền, dư luận quốc tế, đặc biệt là các tổ chức báo chí độc lập đã lên tiếng về việc này.

  • Theo VOA Tiếng Việt, sau khi ông Trương Huy San bị bắt vào ngày 1/6/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đồng thời trả tự do cho những người bị giam giữ oan uổng. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định rằng “chỉ những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ”.
  • Trong thông cáo báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders - RFS) vào ngày 7/6/2024, giám đốc của tổ chức này nói: “Những bài viết của nhà báo Huy Đức là nguồn thông tin vô giá cho phép công chúng tiếp cận những tin tức bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt [...].”
  • Ngày 6/7/2024, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ) đăng tải bài báo có tiêu đề “Không có tăm hơi nào từ nhà báo Trương Huy San kể từ khi ông bị bắt giữ”.

    Bài báo kêu gọi Việt Nam cần lập tức công khai nơi giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do vô điều kiện cho ông. Ông Shawn Crispin (đại diện CPJ ở khu vực Đông Nam Á) cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam phải chấm dứt việc đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các nhà báo bị giam giữ sai trái.
  • Đến ngày 7/7/2024, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã ra một thông cáo gửi các cơ quan truyền thông. Trong đó, bà Patricia Gossman, phó giám đốc Ban Á châu của HRW, lên án vụ bắt giữ, cho rằng đây là hành động đàn áp một trong những nhà báo có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Qua đó, bà kêu gọi các đối tác quốc tế gây sức ép để ông Trương Huy San được trả tự do.
  • Ngày 13/7/2024, Viện Báo chí Quốc tế (International Press Institute - IPI) kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho Trương Huy San. IPI nhận định việc bắt giữ ông Trương Huy San cho thấy nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm kiểm duyệt, kiểm soát truyền thông và đàn áp mọi hoạt động báo chí chỉ trích các chính sách của nhà nước.
  • Ngày 1/11/2024, Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (Journal of Vietnamese Studies - JVS) công bố cuộc phỏng vấn với nhà báo Huy Đức tại Kensington, bang California, Mỹ, vào mùa hè năm 2013. JVS cho rằng nếu xem xét từ góc nhìn rộng hơn thì việc bắt giữ Huy Đức có thể được coi là “biện pháp trả thù mới nhất và nghiêm khắc nhất trong một chiến dịch kéo dài của nhà nước đảng cầm quyền nhằm bịt miệng ông”.
  • Ngày 12/2/2025, bà Anh-Thu Vo, giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America, nhấn mạnh việc đàn áp nhà báo Trương Huy San còn bóp nghẹt quyền tìm kiếm sự thật của cả xã hội.

Dư luận trong nước nói gì về việc này?

Sau khi ông Trương Huy San bị công an bắt giữ, nhiều trí thức tỏ ra sốc và tiếc nuối.

  • Các nhà báo, nhà hoạt động quốc tế cũng lên án vụ việc này. Điển hình là vào ngày 21/9/2024, khi ông Tô Lâm có chuyến công du sang Mỹ, bấy giờ có gần 100 trí thức ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

    Trong danh sách này có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ), Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass (Mỹ), v.v. Trong thư có nêu: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của Hiến pháp và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức ngay lập tức”, hay “Chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu, đe dọa hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện quan điểm một cách ôn hòa”.
  • Nhạc sĩ Tuấn Khanh nêu quan điểm trên RFA: “[...] Huy Đức là một nhà báo, và nghề nghiệp của anh ta là phải nhìn thấy được cả mặt tốt và mặt xấu của câu chuyện. Một nhà báo có góc nhìn riêng, nhận định riêng là phải như vậy. Vấn đề của Huy Đức được nêu ra là lợi dụng các quyền tự do dân chủ, nhưng tôi nghĩ anh ta chỉ mới vận dụng được một phần nhỏ sự tự do có được của anh ta để trình bày, chứ không thể nói đến là ‘lợi dụng’ [...].”
  • Nhà giáo Tịnh Thy đăng trên trang cá nhân của mình vào tháng 6/2024: “Huy Đức, anh chết cũng được rồi”. Tác giả tự đặt ra câu hỏi “khi nào nào một người cầm bút có thể chết đi?” Theo bà, tác phẩm Bên thắng cuộc đã là “một tác phẩm để đời”, nhà Báo Huy đã viết nhiều những “bài báo để đời”. Bà viết: “[...] Đời người, chỉ cần trồng một cái cây đã là đáng quý, Huy Đức trồng một rừng cây. Anh chết cũng được rồi! [...].”
  • Ngày 3/6/2024, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đăng tải lại hai bài viết được cho là “lý do khiến nhà báo Trương Huy San/blogger Osin Huy Đức bị bắt khẩn cấp”, đó là Những suy nghĩ không rời rạcMột quốc gia không thể phát triển trên sự sợ hãi.
  • Nhiều trí thức cũng bày tỏ suy nghĩ như “tôi yêu đất nước này cay đắng” (nhà giáo Hoàng Dũng), “anh San là nhà báo giỏi, nhất là về chính trị, xã hội, mảng dễ đi tù nhất trong nghề báo” (nhà báo Dương Quốc Chính), “anh phải được tự do!” (luật sư Lê Quốc Quân), “mong anh sớm được trở về” (nhà báo Hoàng Tư Giang), “tội của Huy Đức là có quá nhiều người đọc, các bài viết của ông cơ man là lượt thích và chia sẻ” (nhà thơ Đỗ Hoàng Diệu), v.v.

Bên cạnh những trí thức ủng hộ Trương Huy San và phản đối sự bắt bớ của chính quyền, có không ít cá nhân, tổ chức lên án nhà báo này.

  • Nhà báo Hoàng Linh đăng trên trang cá nhân vào ngày 12/2, “Trương Huy San, tiếng chim hót trong bụi gai [...] tiếng hót của nó không gì ngoài thê lương”. Ông cho rằng Trương Huy San chỉ “dựa vào nhóm quyền lực” để “thi thố tài năng của mình”.
  • Tài khoản “Le Dung anh” cho rằng Huy Đức là sản phẩm của USAID, “là phóng viên biến chất, cơ hội chính trị, lợi dụng ngòi bút để đạt được mục đích chính trị xấu xa”.
  • Nhiều tờ báo nhà nước còn đăng tải những bài bình luận về ông. Đơn cử, báo Công an Nhân dân vào ngày 25/6/2024 đăng bài Huy Đức nhầm lẫn hay cố ý ‘dắt mũi’ dư luận. Tác giả nói rằng ông Trương Huy San trong bài Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi đã hiểu sai câu từ để biến hóa “điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội và an ninh cá nhân thành điều luật hạn chế tự do cá nhân”.

    Vào năm 2021, tờ này này cũng đăng tải một bài báo với tiêu đề Đừng như Trương Huy San!, với nội dung chính là phản đối việc ông San “đổ hết trách nhiệm cho chính quyền” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

    Báo Công Thương cũng đăng bài vào tháng 6/2024 với tiêu đề Từ vụ Huy Đức bị bắt đến việc xuyên tạc tự do báo chí tại Việt Nam, cho rằng ông San đã “cay cú” khi “bị đuổi” khỏi báo Tuổi Trẻ, “bị sa thải” khỏi Sài Gòn Tiếp Thị nên đã “nhào nặn” ra nhiều bài viết mang nội dung “xuyên tạc trắng trợn”. Tác giả cũng cho rằng tự do báo chí ở Việt phải “trong khuôn khổ pháp luật”.

Đọc thêm:

5 cuốn sách cấm nên đọc một lần trong đời
Đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một niềm vui của đời người.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.