Cựu sĩ quan quân đội sẽ thay Đoàn Văn Báu tháp tùng ông Thích Minh Tuệ đi Ấn Độ?
Cựu nhà báo Huy Đức bị truy tố vì tội “lợi dụng tự do, dân chủ”
Vì sao Đảng Cộng sản tiến hành làm gọn bộ máy một cách cấp tập?
Một quân nhân Quân khu 1 tử vong do “nhiễm khuẩn não mô cầu”
Đây là kết luận của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về trường hợp hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong. Nghiệp là quân khí viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 1 của Bộ Quốc phòng - tử vong.
Sau khi nhà chức trách kết luận quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp tử vong do “nhiễm khuẩn não mô cầu”, Viện Y học Dự phòng Quân đội đã lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3, Quân khu 1. Nguồn ảnh: Quân khu 1.
Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 1, sáng ngày 9/2, quân nhân Nghiệp báo cáo với chỉ huy rằng mình có biểu hiện “sốt, buồn nôn, đau bụng”.
Sau đó, hạ sĩ này được các bộ phận y tế của đơn vị, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 100 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị. Tuy nhiên, anh không qua khỏi.
Đơn vị quân đội cũng cho hay sau khi nam quân nhân qua đời, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, trưng cầu giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong với sự chứng kiến của gia đình anh.
Vào ngày 11/2, gia đình đã tổ chức lễ mai táng cho quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp tại nghĩa trang ở quê nhà, thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, có nhiều luồng thông tin nghi ngờ về cái chết của hạ sĩ Nghiệp.
Trả lời phỏng vấn của RFA Tiếng Việt, người thân của quân nhân Nghiệp cho biết vị hạ sĩ này nhập ngũ vào đầu năm 2024 khi đang học đại học. Theo họ, trước đó, Nghiệp từng gọi điện nhiều lần về cho gia đình và nói mình bị chỉ huy đánh đập. Cuộc gọi cuối cùng của anh với gia đình là vào tối 8/2.
Đến ngày 10/2, gia đình nhận tin báo từ đơn vị quân đội và chính quyền địa phương về việc Nghiệp đã tử vong vào tối 9/2.
Ngày 12/2, báo điện tử VOV đăng bài phản bác thông tin sai lệch trên mạng xã hội về việc quân nhân Nghiệp tử vong do bị đánh đập. Theo tờ này, cơ quan chức năng kêu gọi người dân không chia sẻ hoặc bình luận về các thông tin không có căn cứ, tránh gây hoang mang và ảnh hưởng đến hình ảnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hồi tháng 6/2021, quân nhân Trần Đức Đô đã tử vong trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Quân sự Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên). Cơ quan quân đội xác định Độ đã tự sát bằng cách treo cổ. Tuy nhiên vào thời điểm này, phía gia đình khẳng định Độ bị đánh dẫn đến tử vong.
Cựu sĩ quan quân đội thay ông Đoàn Văn Báu tháp tùng ông Thích Minh Tuệ?
Trên đất Thái Lan, sau vài ngày tạm dừng vì những lục đục nội bộ, sáng 9/2, Thích Minh Tuệ cùng đoàn tiếp tục cuộc bộ hành tới quê hương của Đức Phật (Ấn Độ) mà không có sự xuất hiện của “trưởng đoàn tháp tùng” Đoàn Văn Báu.
Ông Thích Minh Tuệ cùng đoàn bộ hành ở Thái Lan ngày 9/2. Nguồn ảnh: BBC News Tiếng Việt.
Thích Minh Tuệ cho biết đoàn vẫn theo lộ trình tới Myanmar. Ông cũng không loại trừ tìm con đường khác nếu gặp khó khăn trong việc xin visa.
Theo BBC News Tiếng Việt, hiện nay một số thành viên trong đoàn đối diện với rủi ro bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hoặc trục xuất vì (được cho) là chưa nhận lại hộ chiếu từ ông Đoàn Văn Báu.
Cảnh sát Thái Lan cho biết bốn thành viên (trong đó có ông Thích Minh Tuệ) hiện không giữ hộ chiếu. Tuy vậy, họ có giấy biên nhận đã nộp hộ chiếu để xin thị thực tại VFS - trung tâm chuyên tiếp nhận hồ sơ xin visa cho các đại sứ quán, lãnh sự quán.
Hiện ông Thích Minh Tuệ có trong tay bản sao hộ chiếu của mình - điều này giúp ông chứng minh được nhân thân mà không cần bản gốc.
Một chuyên gia pháp lý được BBC News Tiếng Việt phỏng vấn nhận định rằng: Dù đoàn vào Thái Lan với thị thực du lịch, ăn mặc/ bộ dạng như một nhà sư có thể được xem là hành vi trái luật song rủi ro an ninh với họ không cao, đặc biệt nếu họ có lời giới thiệu từ một tổ chức Phật giáo nào đó và đứng ra bảo đảm.
Trước đó, vào ngày 4/2, ông Lê Khả Giáp - một trong những người tháp tùng ông Thích Minh Tuệ từ những ngày đầu - đăng tải một video trên kênh YouTube của mình, tuyên bố rằng ông, một người tên Hùng, và ông Đoàn Văn Báu sẽ rời đoàn.
Ông Đoàn Văn Báu cũng cho hay ông Thích Minh Tuệ đã tìm được người thay thế tên là Lê Quang Hà và người này là một cựu trung tá quân đội. Tuy nhiên, nếu người này không đủ tốt, thì “bộ ba” Báu, Giáp, Hùng sẽ quay lại đoàn trong vòng 24 giờ.
Ngày 8/2, ông Báu quay trở lại, nhưng không phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tháp tùng mà đến gặp Thích Minh Tuệ để tranh luận về giới luật. Sau hơn ba giờ, ông Báu rời đi và cho hay sẽ tiếp tục ở lại Thái Lan.
Những mâu thuẫn này thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là sau khi ông Báu đăng tải hai video vào ngày 28/1 và 31/1 trên kênh YouTube “Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật” của mình để “vạch tội” những thành viên trong đoàn.
Ông Báu cho rằng sư Chơn Trí “phạm giới” vì muốn mua điện thoại thông minh và ông không loại trừ nguy cơ sư này dùng điện thoại để liên lạc với những người ở nước ngoài để đưa ông Thích Minh Tuệ đi tị nạn chính trị. Ngoài ra, ông Báu cũng cho biết nhiều vị sư khác còn nặng ái dục, gia đình, và có dấu hiệu “phá đoàn”.
Ông Báu tỏ ý không hài lòng khi Thích Minh Tuệ hỏi ông một số câu hỏi, trong đó gồm việc ông có phải là người của cơ quan nhà nước hay không. Điều này cũng được ông Thích Minh Tuệ xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào ngày 9/2.
Ông Đoàn Văn Báu - nguyên thượng tá, giảng viên khoa Tâm lý, Đại học An ninh Nhân dân - là một trong những người đi cùng Thích Minh Tuệ. Ông tự nhận mình là “trưởng đoàn tháp tùng” và điều này đã được Thích Minh Tuệ đồng ý, cũng như có biên bản xác nhận của Công an tỉnh Gia Lai.
Trương Huy San bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”
Ngày 12/2, theo báo nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331, khoản 2 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo cáo trạng, ông Trương Huy San, trong thời gian từ năm 2015 - 2024 đã tự thu thập thông tin, tài liệu rồi soạn thảo, đăng lên trang Facebook cá nhân nhiều bài viết có nội dung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” thu hút lượng lớn người theo dõi. Trong đó, có 13 bài viết xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và nhà nước.
Trong quá trình điều tra, ông Trương Huy San thừa nhận nội dung cáo trạng song cho biết ông “không có ý đồ chống đảng và nhà nước”.
Ông Trương Huy San (quê quán tỉnh Hà Tĩnh) từng tham gia quân đội tại chiến trường Campuchia trước khi trở thành phóng viên cho nhiều tờ báo trong nước với bút danh Huy Đức. Sau đó, ông được công chúng biết đến rộng rãi hơn trong tư cách là một blogger chuyên về chính trị - xã hội.
Ông San cũng là một tác giả sách gây được tiếng vang với cuốn Bên thắng cuộc. Nội dung trọng tâm của tác phẩm này nhằm thuật lại diễn biến chính trị vào những năm 1950 và đặc biệt là giai đoạn từ năm 1975 tới cuối những năm 1990 tại Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm giải thích lý do cấp tập tinh gọn bộ máy
Vào ngày 12/2, Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026) khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận tổ vào sáng 13/2. Ảnh: Báo Chính phủ.
Sáng 13/2, phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm - trong tư cách đại biểu Quốc hội (đoàn TP. Hà Nội) - cho biết việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước là vấn đề cấp bách, phức tạp và không thể trì hoãn. Do đó, nếu chờ đến Đại hội Đảng lần thứ 14 (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026) mới thực hiện thì “vừa bầu xong, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn”.
Vấn đề tinh gọn bộ máy được ông Tô Lâm khởi xướng vào cuối tháng 11/2024, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 13 họp bất thường.
Từ đó tới nay, việc này được hệ thống chính trị thực hiện một cách cấp tập. Dự kiến, phương án cuối cùng sẽ được chốt vào cuối tháng Hai.
Tại phiên thảo luận này, ông Tô Lâm còn gây chú ý khi nhắc lại “Sài Gòn” nhằm dẫn chứng cho nhận định “trình độ phát triển của Việt Nam còn quá chậm”. Kể từ sau khi được đổi tên thành TP. HCM, cơ quan nhà nước, nhất là các chính trị gia, hầu như đã không nhắc đến tên gọi cũ “Sài Gòn” nữa.
Theo ông Tô Lâm, nếu cách đây 50 - 60 năm, người Singapore được sang khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn là niềm mơ ước nhưng bây giờ thì ngược lại. Ngoài ra, tổng bí thư còn đánh giá cao các quốc gia Đông Á khác, như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, v.v. đều có bước phát triển vượt qua Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/2, ở nghị trường, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã bỏ đề xuất không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã trên cả nước tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Cũng liên quan tới tình hình tinh gọn bộ máy, trong thời gian qua, đã có nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ hưu trước tuổi. Đơn cử như vào ngày 13/2, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết có khoảng 300 cán bộ tỉnh này đã tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Tin vắn
Temu sẽ hoàn tiền cho khách hàng chưa nhận sản phẩm: Ngày 9/2, trả lời báo chí, đại diện Bộ Công thương khẳng định thông tin này trong bối cảnh sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu phải khóa phiên bản tiếng Việt theo yêu cầu của Việt Nam. Đại diện Temu cho biết cơ quan này đang tiến hành thủ tục đăng ký với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế để được hoạt động tại Việt Nam.
Cáo buộc một sư xâm hại nhiều trẻ em: Ngày 12/2, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang ban hành cáo trạng truy tố Đoàn Quốc Thái (pháp danh Thích Phước Trí), cựu phó trụ trì chùa Thành Hoa (huyện Chợ Mới) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nhà chức trách cáo buộc trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2024, ông Thái đã xâm hại ba bé trai và một bé gái trong khuôn viên chùa Thành Hoa.
Thỏa thuận mới khi sử dụng tin, bài của cơ quan báo chí: Đây là một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Dự thảo quy định rằng trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội khi sử dụng tin, bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí đó. Dự thảo cũng đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí khoa học.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, giáo viên muốn tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và thu học phí từ học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thông tư này cũng quy định không được tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, giáo viên khi dạy thêm không được thu tiền với học sinh mà mình đang dạy chính khóa.
[...] Sau ngày 14/2 này khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, lúc đó chúng ta sẽ được chứng kiến trăm hoa đua nở của các phương thức đối phó, lách luật, gian dối ngay trong chính môi trường giáo dục.
[...] Thẳng thắn mà nói, chúng ta đều hiểu rằng không có bữa trưa nào miễn phí. Khoản viện trợ nước ngoài nào cũng có thể có những lợi ích ngầm riêng.
Sự kiện đáng chú ý tuần tới:
Từ ngày 12/2 - 19/2, Quốc hội khóa 15 họp bất thường lần thứ 9 với nội dung trọng tâm liên quan tới việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Theo chương trình, chiều thứ Hai (ngày 17/2), kỳ họp sẽ tiến hành thảo luận về cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.