Người trẻ không còn mặn mà với chuyện hưởng lương hưu, sinh con và mua nhà
Thế hệ trẻ không còn thiết tha với chuyện hưởng lương hưu, sinh con hay sở hữu nhà ở.
Thế hệ trẻ không còn thiết tha với chuyện hưởng lương hưu, sinh con hay sở hữu nhà ở.
Sự ổn định từng là đích đến của nhiều thế hệ, nhất là khi tuổi tác càng tăng và khả năng lao động càng giảm. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay dường như đang chật vật trong nỗ lực tìm kiếm sự ổn định đích thực.
Trên hành trình đó, họ bị đánh gục bởi thực tế đầy khắc nghiệt. Vậy người trẻ và khát vọng của họ đang bị bủa vây bởi những thử thách nào?
Trẻ sống bằng lương, già sống bằng lương hưu - đó là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn với những biến động xã hội lớn như lạm phát, đại dịch COVID-19, sự bất ổn của xu hướng nghề nghiệp và mối đe dọa bị trí tuệ nhân tạo (AI) “cướp việc làm”, nhiều người trẻ không còn mặn mà với việc đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Thêm vào đó, mức lương hưu thấp mà gánh nặng cơm áo tăng lên do tỷ lệ trượt giá cao cũng khiến nhiều người chùn bước. [1]
Trong thực tế, “chế độ hưu trí hiện nay vẫn chưa hấp dẫn” nên khó lòng khuyến khích người trẻ gắn bó với công việc và có các cam kết lâu dài. [2] Mức hỗ trợ của nhà nước là chưa đủ để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều kiện đóng bảo hiểm tối thiểu 15 năm để hưởng lương hưu cũng khiến nhiều người nản lòng. [3]
Hơn nữa, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa bao gồm các chế độ thiết yếu như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. [4] Điều này khiến các chính sách bảo hiểm của nhà nước chưa thu hút được nhiều người lao động.
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số, nhưng các chính sách chưa đủ để khuyến khích và tạo động lực để thế hệ trẻ sinh con. Với một quốc gia mà việc sinh con để “nối dõi tông đường” được xem là nghĩa vụ và minh chứng cho lòng hiếu thảo thì sự từ chối của người trẻ là đáng ngại.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Chương trình này nhằm kêu gọi người trẻ kết hôn trước 30 tuổi và hỗ trợ các gia đình sinh đủ hai con ở các thành phố có tỷ suất sinh thấp. [5] Theo Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, có thể thấy được Việt Nam đang đối mặt với áp lực thiếu hụt lao động, nhất là nguồn lao động trẻ. [6]
Tuy nhiên, áp lực tài chính, trách nhiệm gia đình và lo ngại ảnh hưởng sự nghiệp khiến người trẻ không còn xem sinh con là một nghĩa vụ hay sứ mệnh. Thực tế “nuôi thân không nổi thì làm sao nuôi con” giờ đây phủ bóng lên bài toán “cơm áo, gạo tiền”. [7] Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, 41% người trẻ chưa muốn sinh con vì lo ngại tài chính. [8]
Hơn nữa, nhiều người trẻ xem việc sinh con là lựa chọn cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của họ. Do đó, khi nhận thấy các chính sách khuyến khích không mang lại lợi ích thực tế thì người trẻ lựa chọn đứng ngoài. Họ chọn lựa sống cho bản thân, có thời gian và nguồn lực tài chính để theo đuổi sự nghiệp và các đam mê tuổi trẻ. [9] Dù bị chỉ trích là vô trách nhiệm, hứng trọn áp lực từ xã hội, nhiều người trẻ vẫn quyết định không sinh con, thậm chí chọn sống độc thân. [10]
Giá bất động sản tăng chóng mặt trong khi thu nhập không theo kịp, khiến giấc mơ sở hữu nhà của người trẻ ngày càng xa vời. Ngày càng nhiều người trẻ mắc kẹt trong giấc mơ mua nhà để an cư. Thậm chí đây vẫn là điều khó làm với người có mức lương 20-30 triệu/tháng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM về nhu cầu nhà ở đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân thành phố chỉ giúp họ mua được nửa căn nhà (từ 49% đến 68%). [11]
Dù có chính sách hỗ trợ, nhưng những rào cản mang tính hệ thống khiến việc mua nhà vẫn ngoài tầm với. Chẳng hạn, dù có chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội nhưng thủ tục hành chính lại quá rườm rà và gây nhiều trở ngại. Thủ tục nhiêu khê, thời gian xét duyệt kéo dài và yêu cầu nhiều giấy tờ phức tạp khiến không ít người chùn bước. [12] [13]
Thậm chí, nếu người trẻ sinh con thì chi phí chăm lo cho đứa trẻ sẽ đánh bại ước mơ sở hữu nhà. [14] Chưa kể các khoản chi như ăn uống, xăng xe, hiếu hỉ, giải trí cũng chiếm phần lớn thu nhập. Do đó, họ ưu tiên thuê nhà giá rẻ, tiết kiệm tiền cho sở thích cá nhân và tận hưởng cuộc sống thay vì cố mua nhà bằng mọi giá.
***
Dưới áp lực ngày càng lớn và xu hướng tự chủ trong quyết định cuộc sống, giới trẻ đang dần thay đổi quan niệm về sự ổn định. Đối với người làm chính sách, quan trọng hơn những lời hứa (khó thực hiện) về an sinh là tạo ra cơ hội thực tế cho người trẻ. Lương hưu, nhà ở, và sinh con vẫn là những bài toán nan giải, không chỉ với người dân mà cả với chiến lược phát triển quốc gia, với khát vọng vươn mình của lãnh đạo đất nước.