Nhà báo ẩn danh và cuộc đàn áp phải lãng quên
“Những ký ức đôi khi phai mờ, nhưng chúng không bao giờ biến mất.”
“Những ký ức đôi khi phai mờ, nhưng chúng không bao giờ biến mất.”
Cuốn sách Le printemps de Beijing (tạm dịch: Mùa xuân Bắc Kinh) của Yi Wei, xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1990 tại Canada, là một tác phẩm tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn. Đây là một trong số ít tài liệu do một tác giả Trung Quốc viết về sự kiện bi thương này. Cuốn sách như lời tri ân dành cho những người đã khuất, những người không thể cất lên tiếng nói hoặc buộc phải im lặng vì sự đàn áp chính trị.
Tác phẩm được dành tặng hàng ngàn thanh niên đã thiệt mạng, bị thương, hoặc mất tích trong đêm kinh hoàng 3 và 4/6/1989. Khi viết cuốn sách này, chính tác giả là một nhà báo cũng phải sử dụng bút danh khác để bảo vệ an toàn cho vợ vẫn đang sống tại Trung Quốc.
Tác giả là một người đến từ miền Nam Trung Quốc, từng đến Bắc Kinh học tập và làm việc. Ông bắt đầu sự nghiệp làm báo, rồi sau đó là giáo viên. Yi Wei cho rằng mình đã may mắn thoát nạn khi rời khỏi quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6. Chưa đầy một năm sau vụ thảm sát, ông cũng rời khỏi Trung Quốc và đến Canada.
Những cuộc hành quyết, bắt giữ tùy tiện, hay thanh trừng chính trị đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo và được Quân đội Nhân dân Trung Hoa thực thi. Cha của tác giả vì tin vào những lời kêu gọi tự do ngôn luận trong phong trào “Trăm hoa đua nở” năm 1957, đã dám nói thẳng, nói thật, để rồi bị đưa đi cải tạo suốt tám năm - thực chất là lao động khổ sai. Không chỉ tác giả, mà anh chị em trong gia đình cũng mất đi cơ hội tiến thân vì biến cố này.
Trong cuốn sách, tác giả miêu tả những diễn biến trước vụ thảm sát, bắt đầu từ cái chết của Hồ Diệu Bang - vị tổng bí thư được giới trẻ ngưỡng mộ vì tinh thần cải cách. Những ngày tháng cuối đời, Hồ Diệu Bang bị tước đoạt mọi chức vụ vì ủng hộ thanh niên lên tiếng. Nhiều sinh viên đã đặt vòng hoa tưởng niệm ông tại quảng trường Thiên An Môn, nhưng kỳ lạ thay, những vòng hoa này nhanh chóng biến mất. Lý do là bởi cho đến khi Đảng Cộng sản chưa chính thức công bố cái chết của ông, thì không ai được phép bày tỏ tiếc thương.
Lúc bấy giờ, quyền tự do ngôn luận vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó, người dân vẫn lên án nạn tham nhũng, sự lạm quyền của Đảng Cộng sản, đồng thời chỉ trích sự lề hóa của tám đảng còn lại tại Trung Quốc. Họ cũng khẳng định rằng cái chết của Hồ Diệu Bang không đồng nghĩa với sự ra đi của dân chủ.
Biểu tình bắt đầu vào ngày 17 tháng 4, khi hàng ngàn sinh viên từ các trường đại học lớn tập trung trước cổng chính của Trung Nam Hải - tòa nhà biểu tượng của quyền lực chính trị tối cao ở Trung Quốc. Trước đó, chỉ có Hồng Vệ binh mới có thể tập hợp đông đảo như vậy. Giữa đêm khuya lạnh giá và bất chấp lệnh giới nghiêm của chính quyền, sinh viên vẫn kiên trì bảo vệ tiếng nói của mình.
Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi giới chức không thực hiện lời hứa truyền phát lễ lang Hồ Diệu Bang. Tất cả những ai tỏ ý muốn thương lượng với sinh viên đều bị mất chức hoặc mất tích. Quân đội, công an, và cảnh vệ đã bao vây các trường đại học để ngăn chặn dòng sinh viên đổ về Thiên An Môn.
Những thanh niên dũng cảm phần lớn ở độ tuổi vị thành niên, không chỉ kêu gọi chính phủ mà còn kêu gọi cha mẹ mình lắng nghe ý kiến mình, mong được cho phép tham gia chính trị. Họ không muốn trở thành con ngoan trò giỏi, công nhân viên chức mẫu mực, mà lại im lặng trước bất công.
Trong đêm khuya ấy, tác giả đã đi qua và lắng nghe các sinh viên giải thích tình hình. Ông đã ủng hộ tiền cho sinh viên và phỏng vấn những người tham gia biểu tình. Vào thời điểm đó, một số tờ báo trong nước vẫn có thể công khai đăng tải những thông tin về việc Hồ Diệu Bang bị ép từ chức, cuộc đấu tranh nội bộ trong giới lãnh đạo, cũng như những lời kêu gọi dân chủ và tự do.
Những người trẻ muốn cảm hóa lực lượng đang ngăn cản họ. Họ thậm chí còn kể lại những câu chuyện về các Hồng Vệ binh dũng cảm, những người đã chống lại lệnh của Mao để bảo vệ bạn bè và người thân. Luận điệu của các nhà cầm quyền là có một nhóm nhỏ những người trẻ làm loạn và thao túng tâm lý của những người khác, và nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ số đông.
Chính quyền dựng lên một màn kịch đối thoại với đại diện sinh viên do họ chỉ định, và các câu hỏi, câu trả lời đều có sẵn trong kịch bản. Những vở kịch này không thể lừa dối được sinh viên và người biểu tình.
Tác giả cũng nhấn mạnh rằng không hoàn toàn có sự đối lập giữa lính và sinh viên, bởi nhiều người lính từng là bạn học của những sinh viên tham gia biểu tình, và nhiều sinh viên cũng đã từng đi nghĩa vụ quân sự tại các trại lính, họ nhận ra những đồng đội cũ của mình. Lời kêu gọi của sinh viên đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân sống ở Bắc Kinh. Không ai có thể lường trước được rằng, sự biểu tình ôn hòa của nửa triệu người lại có thể dẫn đến một kết cục bi kịch.
Lúc này, Đặng Tiểu Bình không có vị trí chính thức nhưng lại là người đưa ra quyết định khi không có sự đồng tình giữa phe cải cách ôn hòa (do Tổng bí thư Triệu Tử Dương lãnh đạo) và phe bảo thủ (do Thủ tướng Lý Bằng đứng đầu). Đặng Tiểu Bình coi sinh viên biểu tình là lực lượng phản cách mạng. Sau khi Triệu Tử Dương phát biểu bày tỏ sẵn lòng đối thoại với sinh viên (dù khá miễn cưỡng), ông đã bị tước bỏ mọi chức vụ và hoàn toàn biến mất khỏi vũ đài chính trị.
Sách lược của chính phủ là kiên quyết không công nhận Hội Sinh viên Độc lập và từ chối đối thoại, nhằm để cho sinh viên biểu tình đến kiệt sức. Ngay sau đó, quân đội được huy động tiến về phía quảng trường và lập thiết quân luật. Tác giả trực tiếp chứng kiến cuộc biểu tình, nhận thấy tình hình ngày càng xấu đi khi những lãnh đạo cấp cao từng bày tỏ ủng hộ sinh viên không còn xuất hiện trên truyền hình nữa.
Sinh viên dần nhận ra vai trò thực sự của Đặng Tiểu Bình và không ngừng kêu gọi ông tham gia đối thoại. Công nhân và các bác sĩ cũng đã ủng hộ những người trẻ quả cảm. Nhiều lính và công an, dù không công khai đứng về phía sinh viên, nhưng họ vẫn tìm cách ủng hộ tiền bạc cho quỹ của sinh viên.
Sự kiên trì của sinh viên và những người ủng hộ họ đã không thể cản nổi sức mạnh của chế độ. Vào đêm 3 và 4/6/1989, quân đội được lệnh tiến vào Thiên An Môn để dập tắt cuộc biểu tình. Những người trẻ đầy nhiệt huyết, những người chưa từng biết đến sự tàn nhẫn của chiến tranh, đã phải đối mặt với đạn súng và xe tăng. Mặc dù họ chỉ kêu gọi dân chủ và cải cách, nhưng chính quyền lại coi họ là mối đe dọa, một lực lượng cần phải bị tiêu diệt để bảo vệ quyền lực. Máu đã đổ ở Thiên An Môn. Ngày hôm sau, quảng trường chỉ còn là một bãi chiến trường.
Đau đớn thay, nhiều người sống sót đã chọn cách không nói ra câu chuyện này. Những người đấu tranh cho sự kiện ấy, và xoá bỏ sự lãng quên cưỡng bức như Lưu Hiểu Ba hay Liêu Diệc Vũ cũng đã phải ngồi tù và ra đi. Và chính tác giả cũng không thoát khỏi nỗi sợ hãi khi xuất bản cuốn sách này, sợ hãi vì những gì đã xảy ra, và những gì sắp xảy ra ở đất nước tỷ dân. Chính tác giả đã tự thú nhận phải hối lộ để có thể ly hương vĩnh viễn.
Cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn không biết rõ danh tính của tác giả, nhưng hãy cảm ơn con người dũng cảm này đã góp một tiếng nói để đưa sự thật khủng khiếp ra ánh sáng.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.