Từ tháng Một tới nay, có 8 bí thư, 4 chủ tịch UBND và 12 lãnh đạo công an cấp tỉnh được bổ nhiệm. [1]
💡
Chuyên mục “Tin về công tác nhân sự trong nước” trên Luật Khoa tạp chí sẽ cung cấp thông tin về việc bổ nhiệm lãnh đạo ở cấp trung ương và địa phương. Độc giả có thể cập nhật ai đang giữ vị trí nào trong bộ máy của Đảng Cộng sản và nhà nước cùng các thông tin đáng chú ý khác.
Các sự kiện nổi bật:
Hợp nhất Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận Trung ương và chỉ định lãnh đạo mới.
Điều động, bổ nhiệm loạt bí thư. Vĩnh Phúc - tỉnh từng xảy ra vụ Tập đoàn Phúc Sơn - có bí thư mới.
Con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về làm phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM.
Bộ Công an bổ nhiệm 12 giám đốc, phó giám đốc công an cấp tỉnh.
Nhân sự cho 4 đảng bộ thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Vào ngày kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản (3/2), Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản về việc hợp nhất, thành lập các đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ định các cán bộ đứng đầu.
Theo đó, Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương có 30 người trong ban chấp hành và 17 người trong ban thường vụ. Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trần Cẩm Tú được chỉ định làm bí thư Đảng ủy.
Đảng bộ Chính phủ có 57 người trong ban chấp hành và 17 người trong ban thường vụ. Thủ tướng Phạm Minh Chính giữ chức bí thư Đảng ủy.
Đảng bộ Quốc hội gồm 39 người trong ban chấp hành và 21 người trong ban thường vụ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm bí thư Đảng ủy.
Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương có 29 người trong ban chấp hành và 12 người trong ban thường vụ. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến giữ chức bí thư Đảng ủy.
Đối với các cơ quan tham mưu giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Đồng thời, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, làm trưởng ban mới.
Ban này có chức năng tham mưu, định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng và công tác dân vận của đảng.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Ảnh: Báo Chính phủ.
Ban Kinh tế Trung ương được đổi tên thành Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ông Trần Lưu Quang, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, được giao làm trưởng ban.
Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương có chức năng tham mưu, đề xuất về chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ định hướng dài hạn của đảng.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng bổ nhiệm ông Lê Hoài Trung, bí thư Trung ương Đảng, làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thay cho Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Ông Ngọc trước đây là thứ trưởng Bộ Công an, là thuộc cấp thân cận của ông Tô Lâm. Trước đó, ông Ngọc đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đáng chú ý là căn cứ theo Quy định số 214-QĐ/TW, ông Ngọc chưa đạt tiêu chuẩn để vào Bộ Chính trị vì chưa làm tròn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Văn phòng Trung ương Đảng có chức năng giúp việc cho đảng và phối hợp với các cơ quan tham mưu, quản lý tài chính, tài sản của đảng, đảm bảo về mặt hậu cần và là trung tâm thông tin phục vụ lãnh đạo.
Bổ nhiệm loạt bí thư, chủ tịch tỉnh
Hiện nay, bí thư cấp tỉnh là người đứng đầu đảng bộ của tỉnh và sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của đảng cũng như các chính sách, pháp luật của nhà nước tại địa phương. Có thể nói, hiện nay, bí thư tỉnh là người có quyền lực cao nhất tại địa phương đó.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh là người đứng đầu chính quyền tỉnh, lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn khác để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v.
Trong tháng Một, có 8 bí thư tỉnh và 4 chủ tịch UBND tỉnh được bổ nhiệm.
Bắc Giang: Ngày 9/1, Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu ông Nguyễn Việt Oanh, phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, giữ chức chủ tịch UBND tỉnh này.
Ông Nguyễn Việt Oanh sinh năm 1980 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, có trình độ Thạc sĩ Xây dựng đường ô tô và đường thành phố. Ông từng giữ các chức vụ phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải và bí thư Huyện ủy Lục Ngạn.
Nghệ An: Ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định phê chuẩn kết quả bầu ông Lê Hồng Vinh, phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Ông Vinh lên thay ông Nguyễn Đức Trung - người được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa 19 bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy trước đó.
Ông Lê Hồng Vinh sinh năm 1974 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vị chính khách có trình độ Thạc sĩ Quản lý Khoa học Công nghệ và từng giữ chức phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải của tỉnh Nghệ An.
Vĩnh Phúc: Ngày 11/1, Bộ Chính trị điều động ông Đặng Xuân Phong, bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, giữ chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thay ông Dương Văn An.
Trước đó, ông An bị kỷ luật cảnh cáo vì “vi phạm quy định của đảng và nhà nước” trong thời gian làm bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từ tháng 10/2020 - 3/2024. Tuy nhiên, vi phạm cụ thể của ông An không được nêu rõ trên báo chí.
Ông Đặng Xuân Phong sinh năm 1972 tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, có trình độ Tiến sĩ Kinh tế. Ông từng giữ chức giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bí thư Huyện ủy Bắc Hà, chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua nổi lên vụ án liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn. Vào ngày 26/12/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố 3 cựu lãnh đạo của tỉnh này là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Hòa Bình. Cả 3 người bị cáo buộc đã “nhúng chàm”, dẫn đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn này.
Thái Bình: Ngày 15/1, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã bầu ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó bí thư Tỉnh ủy, làm chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ngày 21/1, thủ tướng đã phê chuẩn kết quả này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1974 tại Hà Nội, có trình độ Tiến sĩ Quản lý Kinh tế. Ông từng là vụ trưởng Vụ Kiểm tra Tài chính, vụ trưởng Vụ Trung ương I.
Kiên Giang, Cần Thơ: Ngày 17/1, Bộ Chính trị điều động ông Đỗ Thanh Bình, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, về làm bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Ông Đỗ Thanh Bình sinh năm 1967 tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, có trình độ Thạc sĩ Kinh tế. Sự nghiệp chính trị của ông Bình gắn với tỉnh Kiên Giang. Ông từng làm trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; phó chủ tịch, chủ tịch UBND tỉnh và bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Tiến Hải, sinh năm 1965 tại Cà Mau, có bằng Thạc sĩ Quản lý Hành chính công. Trước đây, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại tỉnh Cà Mau như chánh Văn phòng Tỉnh ủy, bí thư Huyện ủy Cái Nước, giám đốc Sở Tư pháp, chủ tịch UBND tỉnh và bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Cà Mau: Tới ngày 18/1, ông Nguyễn Hồ Hải, phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, về làm bí thư Tỉnh ủy Cà Mau và tham gia Đảng ủy Quân khu 9.
Ông Nguyễn Hồ Hải sinh năm 1977 tại huyện Củ Chi, TP. HCM. Ông có trình độ Thạc sĩ Quản lý Đô thị. Ông từng là phó chủ tịch UBND quận 8, bí thư Quận ủy quận 8, bí thư Quận ủy quận 3, trưởng Ban Tổ chức Thành ủy.
Vĩnh Long: Cũng vào ngày 18/1, ông Trần Tiến Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu được điều động, chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Ông Trần Tiến Dũng sinh năm 1975 tại tỉnh Nam Định, có trình độ Thạc sĩ Luật. Trước đây, ông từng làm thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Cao Bằng: Ngày 19/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường được điều động và chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Cường thay thế ông Trần Hồng Minh, người trước đó đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải vào tháng 11/2024.
Ông Quản Minh Cường sinh năm 1969 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có trình độ Tiến sĩ Luật và Cử nhân Cảnh sát. Ông từng làm phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Hà Giang: Ngày 22/1, ông Hầu A Lềnh, bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (hiện nay là Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo), được điều động giữ chức bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và tham gia Đảng ủy Quân khu 2.
Ông Hầu A Lềnh sinh năm 1973 tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, là người Mông, có trình độ Thạc sĩ Khoa học Nông nghiệp. Ông từng là phó bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, phó chủ tịch - tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng Nai: Ngày 25/1, ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, được điều động giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ông Văn xuất thân từ ngành công an, trước đó từng giữ chức giám đốc Công an tỉnh này từ năm 2019 đến 2022.
Hòa Bình: Ngày 5/2, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình bầu bà Bùi Thị Minh, trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, làm phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh này.
Trước đó, ngày 27/1, Hội đồng Nhân dân tỉnh này đã bầu ông Bùi Đức Hinh, phó chủ tịch UBND tỉnh, làm chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.Ông Hinh sinh năm 1968, là người Mường, quê quán tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ông có trình độ Thạc sĩ Quản lý công.
Ông Nguyễn Thanh Nghị về làm phó bí thư Thành ủy TP. HCM
Sau khi ông Nguyễn Hồ Hải, phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, được điều động về giữ chức bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thì tới ngày 25/1, Thành ủy TP. HCM công bố và trao quyết định của Bộ Chính trị, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, bộ trưởng Bộ Xây Dựng, về thế chỗ của ông Hải.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Báo Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị là con của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nghị từng là bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang trọn một nhiệm kỳ (2015 - 2020).
Theo kế hoạch sắp xếp bộ máy, Bộ Xây dựng sẽ sáp nhập với Bộ Giao thông - Vận tải và lấy tên thành Bộ Xây dựng.
Cũng tại TP. HCM, vào ngày 3/2, Thành ủy TP. HCM quyết định kết thúc hoạt động của 14 cơ quan, giải thể 7 cơ quan đảng, thành lập 4 cơ quan mới trực thuộc, gồm: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Đảng bộ các cơ quan Đảng thành phố; Đảng bộ UBND thành phố; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy UBND TP. HCM.
Theo đó, một loạt cán bộ đã nhận thêm nhiệm vụ mới. Cụ thể:
Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP. HCM, làm bí thư Đảng ủy UBND TP. HCM.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, phó bí thư thường trực Thành ủy, làm bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng thành phố.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy sẽ do ông Nguyễn Mạnh Cường, trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy làm trưởng ban.
Ông Trần Văn Nam, bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP. HCM giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy UBND TP. HCM.
Loạt lãnh đạo mới trong ngành công an, quân đội
Giám đốc công an tỉnh là lãnh đạo lực lượng công an tại địa phương và sẽ chỉ đạo toàn diện các mặt công tác để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phó giám đốc công an sẽ hỗ trợ giám đốc quản lý, điều hành theo phân công.
Giám đốc công an tỉnh thường có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Ở một số tỉnh trọng yếu, cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an có thể là thiếu tướng.
Trong hệ thống chức vụ, chức giám đốc công an tỉnh tương đương với cục trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Chức vụ này cũng là cấp dưới liền kề và có thể được quy hoạch để bổ nhiệm lên thứ trưởng Bộ Công an.
Trong tháng Một, Bộ Công an đã bổ nhiệm 12 giám đốc, phó giám đốc công an cấp tỉnh. Cụ thể:
Đại tá Nguyễn Đức Thuận, phó giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, được thăng chức giám đốc Công an tỉnh này (ngày 20/1).
Đại tá Trần Văn Dương, phó giám đốc Công an TP. Cần Thơ, giữ chức giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng (ngày 21/1).
Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, trưởng Phòng Tham mưu, và đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, trưởng Công an quận Hà Đông, TP. Hà Nội, giữ chức phó giám đốc Công an TP. Hà Nội (ngày 17/1).
Thượng tá Phạm Thanh Tiến, trưởng Công an huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, giữ chức phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình (ngày 17/1).
Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, trưởng Công an quận Thuận Hóa, TP. Huế, giữ chức phó giám đốc Công an TP. Huế (ngày 23/1). Huế là thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 1/1.
Trung tá Nguyễn Kim Trung, trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, giữ chức phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng (ngày 23/1).
Thượng tá Nguyễn Chí Linh, trưởng Công an huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, giữ chức phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định (ngày 24/1).
Thượng tá Giàng A Tằng, trưởng Công an huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, giữ chức phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (ngày 24/1).
Thượng tá Đỗ Thị Thu Hiền, trưởng Công an TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, làm phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam (ngày 13/1).
Thượng tá Trịnh Văn Giang, trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, giữ chức phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa (15/1).
Trung tá Đinh Tùng An, trưởng phòng của một cục nghiệp vụ ở Bộ Công an, giữ chức phó giám đốc Công an TP. Cần Thơ (ngày 21/1).
Đại tá Nguyễn Quốc Toản, giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang về đảm nhận chức chánh Văn phòng ở Bộ Công an (ngày 20/1).
Ở quân đội, ngày 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ nhiệm Trung tướng Thái Đại Ngọc, tư lệnh Quân khu 5 và Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, tư lệnh Quân khu 3, làm phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Phó tổng tham mưu trưởng là một chức vụ cao cấp trong Bộ Tổng Tham mưu và sẽ hỗ trợ tổng tham mưu trưởng trong việc tổ chức, chỉ huy và điều hành các hoạt động quân sự. Chức vụ này sẽ do thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và thường được giao cho sĩ quan có quân hàm từ thiếu tướng đến thượng tướng.
Bổ nhiệm lãnh đạo ở Viện KSND Tối cao
Ngày 7/1, Chủ tịch nước Lương Cường trao quyết định bổ nhiệm chức danh kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao cho ông Nguyễn Hoài Nam (vụ trưởng Vụ Thực hành Quyền Công tố và Kiểm sát Điều tra án kinh tế) và Trung tướng Trần Hải Quân (tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an).
Đồng thời, ông Nguyễn Đức Thái, viện trưởng Viện KSND TP. HCM và Trung tướng Trần Hải Quân được bổ nhiệm giữ chức phó viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong quá trình tố tụng hình sự, Viện KSND có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các lệnh bắt giữ, tạm giam do cơ quan điều tra đề xuất.
Sáng 7/2, Viện KSND Tối cao đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Đông, viện trưởng Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, về làm viện trưởng Viện KSND TP. HCM (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
Thủ tướng, chủ tịch nước bổ nhiệm các trợ lý
Trước đó, ngày 6/1, Văn phòng Chính phủ đã bổ nhiệm vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến làm trợ lý Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Lê Hoàng Tùng được bổ nhiệm làm trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Đỗ Hoàng Minh giữ chức trợ lý Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.
Ngày 7/1, Chủ tịch nước Lương Cường ký quyết định bổ nhiệm ông Cấn Đình Tài và Nguyễn Hoàng Anh tiếp tục vai trò trợ lý chủ tịch nước.