Ông Đoàn Văn Báu rời đoàn của Thích Minh Tuệ; Quốc hội nói cử tri đánh giá cao về cảnh sát giao thông

Ông Đoàn Văn Báu rời đoàn của Thích Minh Tuệ; Quốc hội nói cử tri đánh giá cao về cảnh sát giao thông
Nguồn ảnh: Kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật.

Các sự kiện nổi bật:

  • Ông Đoàn Văn Báu thôi không tháp tùng Thích Minh Tuệ
  • Quốc hội nói cử tri cả nước đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông
  • Việt Nam bị khiếu nại vì chưa cho phép thành lập công đoàn độc lập
  • New Zealand muốn dẫn độ quan chức Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng tình dục

Nguyên thượng tá công an Đoàn Văn Báu rời đoàn của Thích Minh Tuệ

Tối ngày 4/2, ông Đoàn Văn Báu, Lê Khả Giáp và một tình nguyện viên khác tên Hùng đã rời đoàn bộ hành của Thích Minh Tuệ (lời chia tay nêu trong video của Lê Khả Giáp). Cách đây một ngày (6/2), trên một kênh Youtube, Thích Minh Tuệ nói đây là chuyện “tùy duyên”.

  • Ông Đoàn Văn Báu là tiến sĩ, nguyên thượng tá công an, giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh Nhân dân. Ông là một trong những người tháp tùng ông Thích Minh Tuệ tới Ấn Độ từ ngày 12/12/2024. Hiện nay, đoàn đang ở Thái Lan.
  • Trước đó, vào ngày 31/1, trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật, ông Đoàn Văn Báu cho biết đoàn sẽ tạm dừng bộ hành từ 1 - 2 tuần để điều trị chân cho sư Minh Trí.
Ông Thích Minh Tuệ hiện đang ở Thái Lan. Ảnh chụp từ clip trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật.
  • Ngày 2/2, kênh YouTube của ông Báu đăng tải một clip thể hiện cảnh bác sĩ đang trao đổi bằng tiếng Việt với một sư cùng đoàn với Thích Minh Tuệ và khám khớp gối chân trái cho người này. Song người dẫn chuyện trong clip không nêu tên người được khám có phải sư Minh Trí hay không.
  • Trước đó, vào ngày 28 và 29/1, ông Báu đã phát trực tiếp trên kênh Youtube để chia sẻ về những bất đồng trong nội bộ giữa các sư, điển hình là giữa chính ông với sư Minh Nhuận. Đáng chú ý, ông Báu cho hay Thích Minh Tuệ cũng nghi ngờ ông về mục đích tháp tùng.
  • Cụ thể, trong một video được đăng vào ngày 28/1, ông Báu cho biết Thích Minh Tuệ đã hỏi ông ba câu hỏi, trong đó có câu hỏi rằng ông Báu có làm việc cho Ban Tôn giáo Chính phủ, đảng, nhà nước hay cơ quan công an không (phút 33:23). Ông Báu đã phủ nhận điều này và cho biết mình không phải là người của chính quyền cử đi.
  • Ngoài những bất đồng nội bộ, ông Báu nêu ra một nguy cơ rằng có một nhóm người khác tính đưa Thích Minh Tuệ đi tị nạn chính trị ở một quốc gia khác nhằm tham gia một tổ chức chính trị.
  • Trước đó, trả lời phỏng vấn trên BBC News Tiếng Việt, ông Đoàn Văn Báu cho biết ông là “trưởng đoàn” tháp tùng Thích Minh Tuệ, được Thích Minh Tuệ ủy quyền và được Công an tỉnh Gia Lai ghi nhận bằng văn bản.
  • Thích Minh Tuệ cùng 5 người khác đã bắt đầu cuộc hành trình đi bộ đến Ấn Độ sau khi có ba bức tâm thư gây chú ý. Đoàn của ông khởi hành từ cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để sang Lào. Sau 19 ngày ở Lào, đoàn sang Thái Lan vào ngày 31/12/2024.
  • Thích Minh Tuệ có tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh. Từ giữa năm 2024, ông nổi lên như một hiện tượng khi đi bộ khất thực dọc chiều dài đất nước.

Bộ Công an: Người dân đánh giá rất tốt về giao thông

Ngày 7/2, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định nhân dân đánh giá rất tốt về tình trạng giao thông khi không có kẹt xe và tai nạn giao thông giảm đến 36% trong những ngày Tết.

Cảnh ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) ngày 15/1. Ảnh: Nguyễn Chánh / Báo Lao Động.
  • Cũng tại phiên họp này, ông Dương Thanh Bình, trưởng Ban Dân nguyện, nhấn mạnh rằng cử tri và nhân dân “đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông”.
  • Trước đó, vào ngày 2/2, theo báo cáo của Bộ Công an, trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, trên toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông (chủ yếu trên đường bộ), làm 209 người chết và 373 người bị thương. So với dịp Tết Nguyên đán 2024, số vụ tai nạn giao thông giảm 258 vụ, giảm 126 người chết và giảm 232 người bị thương.
  • Về xử phạt vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã xử phạt 55.842 người với tổng số tiền hơn 172 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn với 2.985 người, v.v. Đáng chú ý, có tới hơn 17.000 người vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý.
  • Riêng tại những thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, sau Tết, lực lượng chức năng cho hay không còn cảnh kẹt xe. Trong một cuộc họp báo vào ngày 6/2, đại diện Ban An toàn Giao thông TP. HCM nhận định rằng Nghị định 168 và hạ tầng giao thông không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe ở địa phương trong thời gian vừa qua. Theo đó, sự gia tăng đột biến của lượng phương tiện giao thông và thói quen của người dân mới là yếu tố hàng đầu gây ùn tắc.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn được bảo vệ nghiêm ngặt ở Đức?

Ngày 2/2, tờ Bild của Đức cho biết bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) - đang ở trong một ngôi nhà an toàn, tại một địa điểm bí mật. Bà Nhàn được cơ quan an ninh nước này bảo vệ nghiêm ngặt.

Chân dung cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nguồn ảnh: Asia.nikkei.com.
  • Bà Nhàn đang nằm trong diện truy nã của chính quyền Việt Nam. Bà bị cáo buộc chủ mưu “thông thầu” để AIC trúng gói thầu số 8 thuộc dự án do Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) làm chủ đầu tư, gây thiệt hại cho nhà nước 17,2 tỷ đồng. 
  • Trước đó, bà Nhàn đã bị truy tố, xét xử vắng mặt và nhận tổng cộng 30 năm tù trong các vụ án khác liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu và đưa hối lộ tại các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP. HCM. 
  • Song theo tờ Bild, lý do thực sự khiến cơ quan an ninh của Việt Nam muốn đem bà Nhàn về nước là vì bà có tham gia vào hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế (giữa Israel và Việt Nam) và có mối quan hệ thân thiết với thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính.
  • Cũng theo tờ Bild, vào mùa hè năm 2023, bà Nhàn đã đến thành phố Frankfurt và trình diện với chính quyền Đức. Phía Đức đã cung cấp cho bà Nhàn nơi ở an toàn với hệ thống camera và lính canh có vũ trang đồng thời chi hàng triệu euro để bảo vệ bà. Đổi lại, bà Nhàn sẽ cung cấp thông tin về các thỏa thuận vũ khí giữa Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, những thông tin chi tiết về các thỏa thuận này chưa được công bố rộng rãi.
  • Hồi tháng 5/2022, một bài viết được đăng tải trên Kevesko.vn cho biết Việt Nam bác bỏ lý do này.
  • Vào tháng 7/2017, ngoại giao hai nước Việt Nam - Đức trở nên căng thẳng khi cơ quan an ninh Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi đó (hiện ông Tô Lâm là tổng bí thư Đảng Cộng sản) đã “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. 
  • Ngày 26 - 29/10/2024, trong một gặp lãnh đạo Bộ Nội vụ Đức, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận được thông điệp “không được tái diễn vụ việc tương tự Trịnh Xuân Thanh”. 

Thông tin mới nhất về sắp xếp bộ máy

Ngày 3/2, Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản về việc thành lập bốn đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và chỉ định cán bộ đứng đầu.

  • Theo đó, bốn cơ quan này bao gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, do Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú làm bí thư Đảng ủy; Đảng bộ Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm bí thư Đảng ủy; Đảng bộ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm bí thư Đảng ủy; và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm bí thư Đảng ủy. 
  • Bộ Chính trị cũng quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chỉ định Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng ban.
  • Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương được đổi tên thành Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; chỉ định Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang làm trưởng ban.
  • Cùng ngày (3/2), Bộ Chính trị cũng bổ nhiệm ông Lê Hoài Trung, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thay cho thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - người trước đó được bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
  • Tại TP. HCM, vào ngày 3/2, Thành ủy TP. HCM công bố quyết định thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng thành phố, gồm 30 tổ chức cơ sở đảng với 3.252 đảng viên. Đồng thời, Thành ủy TP. HCM phân ông Nguyễn Thanh Nghị, phó bí thư thường trực, làm bí thư Đảng ủy.
  • Các quyết định nêu trên diễn ra trong bối cảnh nước ta đang sắp xếp bộ máy theo chủ trương của Đảng Cộng sản. Ở khối nhà nước, ngày 6/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay sau khi tinh gọn bộ máy, Quốc hội sẽ giảm bốn ủy ban. Theo đó, cơ quan chuyên môn còn tám đơn vị, gồm Hội đồng Dân tộc và bảy ủy ban trực thuộc. 
  • Trước đó, vào ngày 5/2, theo tờ trình của Chính phủ, tại các thành phố trực thuộc trung ương sẽ không có Hội đồng Nhân dân ở cấp huyện, xã. Ngoài ra, ở cấp huyện, nhà nước sẽ bỏ thanh tra, công an cùng nhiều đơn vị khác.
  • Ngày 7/2, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thanh Lâm cũng cho hay VTV sẽ giảm xuống còn 22 đầu mối (so với 27 đầu mối như hiện nay). Trước đó, nhiều đài truyền hình phải ngừng hoạt động ngay trước Tết Nguyên đán và chuyển nhiệm vụ, chức năng về VTV theo kế hoạch sắp xếp bộ máy, gồm Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông Tấn, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và Truyền hình VOV, Truyền hình Nhân Dân.

Việt Nam bị quốc tế khiếu nại vì chưa cho phép thành lập công đoàn độc lập

Ngày 4/2, có bốn tổ chức nhân quyền quốc tế đã khiếu nại Việt Nam lên Ủy ban Châu Âu (EC) với cáo buộc Việt Nam vi phạm các cam kết về nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) được ký kết vào tháng 8/2020.

  • Theo đó, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR), Liên đới Thiên chúa giáo Toàn cầu (CSW) và Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đã khiếu nại lên Bộ Thương mại của EC, tố Việt Nam vi phạm cam kết với EVFTA về các quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền đất đai.
  • Hiệp định EVFTA mà Việt Nam ký kết với Liên minh Châu Âu (EU) có cam kết về việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở (tức là thành lập công đoàn độc lập). Để tạo tiền đề cho việc tham gia hiệp định này, Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có điều khoản cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 3). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tự do lập hội của người lao động, đồng thời, chưa ban hành nghị định hướng dẫn quy định tại Bộ luật Lao động.

Tin vắn:

New Zealand muốn dẫn độ hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng tình dục: Theo thông tin từ BBC News Tiếng Việt, cảnh sát của New Zealand đang tìm cách dẫn độ hai quan chức Việt Nam liên quan đến cáo buộc lạm dụng tình dục trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 3/2024. Cảnh sát nước này thuật lại rằng sau khi phái đoàn Việt Nam dùng bữa tối ở một nhà hàng tại thủ đô Wellington, họ nhận được hai khiếu nại về hành vi tấn công tình dục. Hai nữ nhân viên nhà hàng tố cáo họ bị chuốc thuốc mê và tấn công trong phòng karaoke. Trước đó, vào tháng 11/2024, một cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường cũng bị cáo buộc lạm dụng tình dục trong chuyến thăm của vị nguyên thủ tới Chile.

Hàn Quốc triệt phá đường dây buôn ma túy liên quan đến người Việt Nam: Ngày 5/2, cảnh sát Hàn Quốc công bố đã bắt giữ 90 công dân Việt Nam trong chiến dịch truy quét tại nhiều quán bar và câu lạc bộ. Trong đó, 18 người bị tạm giam vì liên quan đến buôn bán và sử dụng ma túy, 33 người cư trú bất hợp pháp bị trục xuất. Các đối tượng nhập lậu ma túy qua đường bưu điện, ngụy trang dưới dạng cà phê, vitamin, với tổng giá trị khoảng 1,04 tỷ won (khoảng 717.600 USD). Kẻ cầm đầu đang ở Việt Nam và bị Interpol truy nã.

177 người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc cho công ty lừa đảo được hồi hương: Ngày 7/2, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh cho biết đã tiếp nhận 177 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia. Trong số này, có 48 người xuất cảnh hợp pháp, 129 người xuất cảnh trái phép, 176 người từng làm việc tại các công ty lừa đảo trực tuyến qua các ứng dụng như cờ bạc, đầu tư chứng khoán, hẹn hò, v.v. và chỉ có một trường hợp là shipper. Đáng chú ý, có 14 người từng phải điều trị dài ngày ở Campuchia do bị đánh đập.

Ca sĩ Lynda Trang Đài bị bắt vì trộm cắp ở Mỹ: Ngày 5/1, ca sĩ Lynda Trang Đài bị bắt tại Florida (Mỹ) vì cáo buộc lấy một hộp đựng AirPods trị giá 330 USD tại cửa hàng Gucci mà không thanh toán. Cô được tại ngoại sau khi nộp 1.000 USD tiền bảo lãnh. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.

Lương trung bình của người lao động gần 9 triệu đồng/tháng: Tại buổi họp Chính phủ vào ngày 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo mức tiền lương bình quân của người lao động trên toàn quốc vào năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,65 triệu đồng/tháng). Đồng thời, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 khoảng 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2024.

Số ca mắc cúm A tăng cao: Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận 912 ca mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Các ca mắc chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, chưa ghi nhận sự thay đổi về độc lực của virus. Số bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Bộ Y tế khuyến cáo người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tiêm vắc-xin cúm mùa, v.v.

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 35.000 tỷ đồng vào thị trường tiền tệ: Trong hai phiên giao dịch ngày 3 và 4/2, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng 35.720 tỷ đồng vào thị trường tiền tệ. Trước đó, trong tuần từ 20/1 đến 24/1, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 130.000 tỷ đồng vào thị trường. Bơm ròng có nghĩa là đưa thêm tiền vào thị trường, giúp các ngân hàng có nhiều tiền hơn để cho vay và hỗ trợ nền kinh tế.

Cựu tổng cục trưởng nhận hối lộ 500 triệu đồng: Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, đã nhận 500 triệu đồng từ ông Đoàn Văn Huấn, chủ tịch Công ty Thái Dương, để cấp phép khai thác khoáng sản. Công ty này sau đó đã khai thác và bán trái phép hơn 10.200 tấn tinh quặng đất hiếm và 280.000 tấn tinh quặng sắt tại Yên Bái, gây thất thoát hơn 864 tỷ đồng cho nhà nước. Ngoài ra, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc và bảy cán bộ khác cũng bị đề nghị truy tố vì liên quan đến vụ án này.

Số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng mạnh: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2025, cả nước có hơn 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 99.100 tỷ đồng, giảm 16,6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 35,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024.

Người Việt Nam chi 873 tỷ đồng/ngày để mua sắm online: Theo báo cáo Toàn cảnh Thị trường Sàn Bán lẻ Trực tuyến 2024 & Dự báo 2025 của Metric, trong năm 2024, tổng doanh thu của năm sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng 873 tỷ đồng cho mua sắm trực tuyến. Số thuế thu từ thương mại điện tử là 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.


Bài đáng chú ý trong tuần:

Cuộc đảo chính âm thầm của ngành công an

Trung Khang - Đài Á châu Tự do

Nếu không gặp bất cứ sự phản kháng nào, thì đây sẽ trở thành cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục trong nền chính trị Việt Nam.

Từ chuyện “nhảy đèn giao thông” đến đô thị văn minh

Phạm Hoàng Dương - Báo điện tử Dân trí

[...] những sự việc trên đặt ra vấn đề cần chú trọng hơn đến bảo mật và an toàn hệ thống hạ tầng nền tảng kỹ thuật số của đô thị thông minh.


Sự kiện đáng chú ý tuần tới:

  • Từ ngày 12 - 18/2, Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ 9 với nội dung trọng tâm là thông qua cơ cấu, tổ chức bộ máy, số lượng thành viên Chính phủ khóa 15.

Đọc thêm:

Luật Khoa 360: Thích Minh Tuệ và 3 bức tâm thư gây chú ý
Sau mấy tháng liền không xuất hiện, Thích Minh Tuệ bỗng dưng trở lại với ba tờ giấy viết tay.
Nhân sự trong nước: Bổ nhiệm 8 bí thư và 12 giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh
Từ tháng Một tới nay, có 8 bí thư, 4 chủ tịch UBND và 12 lãnh đạo công an cấp tỉnh được bổ nhiệm.
Ông Tô Lâm đã làm gì sau khi bước chân vào Tứ Trụ?
Từ khi gia nhập Tứ Trụ, ông Tô Lâm, tổng bí thư Đảng Cộng sản, đã thực hiện loạt chính sách mới với thông điệp chính là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.