Quốc hội, Chính phủ kiện toàn nhân sự; TP. HCM có tân chủ tịch UBND

Quốc hội, Chính phủ kiện toàn nhân sự; TP. HCM có tân chủ tịch UBND
Ảnh gốc: Báo Tuổi Trẻ, Media Quốc hội, TTXVN. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

Trong tuần qua (17/2 - 23/2), tình hình nhân sự trong nước có các sự kiện nổi bật như Quốc hội có thêm hai phó chủ tịch, Chính phủ có thêm hai phó thủ tướng; TP. HCM có tân chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND).

Quốc hội có thêm hai phó chủ tịch và sáu chủ nhiệm các ủy ban

Vào ngày 18/2, Quốc hội đã bầu ông Lê Minh Hoan và ông Vũ Hồng Thanh giữ chức phó chủ tịch Quốc hội.

Như vậy, số phó chủ tịch Quốc hội tăng từ bốn tăng lên sáu người. Bốn thành viên trước đó gồm Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, và Nguyễn Thị Thanh.

Ông Lê Minh Hoan (sinh năm 1961, quê ở tỉnh Đồng Tháp) có trình độ thạc sĩ kinh tế, kiến trúc sư. Sự nghiệp của ông Hoan gắn bó với tỉnh Đồng Tháp. Ông từng làm bí thư Tỉnh ủy trọn một nhiệm kỳ (5/2014 - 10/2020). Sau đó, ông làm thứ trưởng (từ tháng 10/2020) rồi bộ trưởng (từ tháng 4/2021) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ông Vũ Hồng Thanh (sinh năm 1962, quê ở tỉnh Hải Dương) có chuyên môn là kỹ sư cơ khí. Ông từng giữ chức bí thư Thành ủy Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (từ tháng 3/2025) và là đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15.

Các phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng nhiệm vụ mới. Nguồn ảnh: TTXVN.

Cũng vào ngày 18/2, Quốc hội tiếp tục bầu sáu chủ nhiệm cho các ủy ban giúp việc. Cụ thể:

  1. Ông Hoàng Thành Tùng (chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật) tiếp tục làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sau khi cơ quan này sáp nhập với Ủy ban Tư pháp.
  2. Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP. HCM) làm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cơ quan mới được thành lập từ việc sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
  3. Ông Lê Tấn Tới (chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh) làm chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, sau khi cơ quan này tiếp nhận thêm nhiệm vụ từ Ủy ban Đối ngoại.
  4. Ông Nguyễn Đắc Vinh (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) tiếp tục làm chủ nhiệm của cơ quan này sau khi Ủy ban Văn hóa - Giáo dục sáp nhập với Ủy ban Xã hội.
  5. Bà Nguyễn Thanh Hải (trưởng ban Ban Công tác Đại biểu) làm chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu, cơ quan được nâng cấp, đổi tên từ Ban Công tác Đại biểu.
  6. Ông Dương Thanh Bình (trưởng ban Ban Dân nguyện) làm chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, cơ quan được nâng cấp, đổi tên từ Ban Dân nguyện.

Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được kiện toàn với 19 thành viên (tăng một người so với trước đó), trong đó gồm một chủ tịch Quốc hội, sáu phó chủ tịch và 12 ủy viên Ban Thường vụ.

Chính phủ có thêm hai phó thủ tướng

Cũng tại phiên họp vào ngày 18/2, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Dũng và ông Mai Văn Chính giữ chức phó thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hiện nay số lượng phó thủ tướng tăng lên bảy người, gồm Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng và Mai Văn Chính.

Ông Nguyễn Chí Dũng (sinh năm 1960, quê ở tỉnh Hà Tĩnh) là tiến sĩ quản lý kinh tế. Ông từng giữ chức bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 4/2016 đến tháng 2/2025.

Người đồng nhiệm, ông Mai Văn Chính (sinh năm 1961, quê ở tỉnh Long An) là thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư kinh tế nông nghiệp. Ông từng giữ chức bí thư Tỉnh ủy Long An, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bỏ phiếu kiện toàn bộ máy Chính phủ. Nguồn ảnh: Media Quốc hội.

Quốc hội cũng phê chuẩn bổ nhiệm bốn bộ trưởng cho các bộ mới thành lập. Cụ thể:

  1. Ông Nguyễn Mạnh Hùng (bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũ) làm bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ.
  2. Ông Trần Hồng Minh (bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải) giữ chức bộ trưởng Bộ Xây dựng sau hợp nhất Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Xây dựng.
  3. Ông Đỗ Đức Duy (bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) giữ chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  4. Ông Đào Ngọc Dung (bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) giữ chức bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan mới thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục là bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi cơ quan này sáp nhập với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Văn Thắng tiếp tục giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Bộ Tài chính.

Sau quá trình kiện toàn, Chính phủ hiện có 25 thành viên, gồm một thủ tướng, bảy phó thủ tướng, và 17 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Chuẩn y bốn phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong tuần qua, Bộ Chính trị cũng có quyết định chuẩn y chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản khóa 13 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với ông Đinh Hữu Thành (chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình), Hà Quốc Trị (phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa), Nguyễn Hồng Lĩnh (bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và Đoàn Anh Dũng (chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận).

Trước đó, vào ngày 23/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã bầu ông Nguyễn Duy Ngọc, bí thư Trung ương Đảng, chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Ngọc cũng được bầu bổ sung vào ủy viên Bộ Chính trị.

Sau khi kiện toàn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng hiện có 21 thành viên, gồm một chủ nhiệm, 12 phó chủ nhiệm và tám ủy viên khác.

Bí thư Long An làm chủ tịch UBND TP. HCM

Ngày 20/2, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. HCM đã bầu ông Nguyễn Văn Được, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP. HCM, giữ chức chủ tịch UBND TP. HCM (nhiệm kỳ 2021 - 2026), thay cho ông Phan Văn Mãi.

Trước đó, ngày 19/2, Bộ Chính trị đã điều động, phân công ông Nguyễn Văn Được về giữ chức phó bí thư Thành ủy TP. HCM.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên (phải) trao hoa chúc mừng cho ông Nguyễn Văn Được. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Trước khi được điều động về TP. HCM, ông Nguyễn Văn Được (sinh năm 1968, quê ở tỉnh Long An, thạc sĩ địa chất học) có thời gian dài công tác tại tỉnh Long An. Ông từng giữ các chức giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phó chủ tịch UBND, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Long An.

Cũng vào sáng 20/2, HĐND TP. Cần Thơ bầu ông Trương Cảnh Tuyên, phó bí thư Thành ủy Cần Thơ, làm chủ tịch UBND thành phố (nhiệm kỳ 2021 - 2026), thay cho ông Trần Việt Trường - người trước đó đã được hiệp thương giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2024 - 2029).

Ông Trương Cảnh Tuyên (sinh năm 1969, quê ở tỉnh Thanh Hóa) có trình độ thạc sĩ kinh tế. Ông từng giữ các chức vụ ở Hậu Giang như phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, chánh Văn phòng UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện Châu Thành. Ngày 10/2, ông được Ban Bí thư Đảng Cộng sản điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và giữ chức phó bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại tỉnh Long An, ngày 22/2, Bộ Chính trị đã điều động, chỉ định ông Nguyễn Văn Quyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) giữ chức bí thư Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1972, quê tại tỉnh Ninh Bình) có trình độ cử nhân luật, thạc sĩ xây dựng đảng và chính quyền nhà nước. Ông Quyết từng kinh qua các chức vụ như phó chánh Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai; vụ trưởng Vụ Địa phương II; vụ trưởng Vụ Địa phương V thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nhân sự khác

Vào ngày 17/2, Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Quang Vinh (phó cục trưởng, thư ký lãnh đạo Bộ Công an) giữ chức giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

Cũng trong ngày 17/2, Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm ông Huỳnh Thành Đạt, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.


Đọc thêm:

Toàn cảnh: Tù mù chuyện cấp, đổi giấy phép lái xe
Dù nhiều người dân, đặc biệt ở TP. HCM và Hà Nội, ồ ạt đi làm mới hoặc đổi giấy phép lái xe, nhưng đến nay, ngành giao thông - vận tải và công an vẫn chưa có thông báo chính thức về thời điểm chuyển giao nhiệm vụ cũng như các địa điểm tiếp nhận hồ sơ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.