Thư phúc đáp: ‘Nhận tiền Mỹ mà vẫn tự xưng là báo độc lập?’

Thư phúc đáp: ‘Nhận tiền Mỹ mà vẫn tự xưng là báo độc lập?’

Đó là một trong số những phản hồi của độc giả trước việc Luật Khoa thông báo nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ bị đóng băng.

Đó là một thắc mắc chính đáng, dù chúng tôi hiểu nhiều bình luận không hề có thiện chí.

Ở nước ta, cùng là tiền do chính phủ Mỹ cấp, qua cùng các cơ quan giống nhau của Mỹ, nếu chính phủ Việt Nam nhận thì ta gọi là “viện trợ quốc tế” hoặc “viện trợ phát triển”, còn nếu Luật Khoa nhận thì một số người gọi là “tiền Mỹ”, “tiền nước ngoài”. Như một số báo đã chỉ ra, có đến hàng trăm triệu đô-la tiền viện trợ của chính phủ Mỹ đổ vào Việt Nam qua các kênh chính phủ. Ấy vậy nhưng nhiều báo đài nhà nước và kể cả thường dân vẫn cáo buộc Mỹ dùng tiền để “diễn biến hòa bình” và “làm cách mạng màu”.

Hoặc cùng là tiền do Việt kiều gửi về, nếu gửi cho gia đình, bà con họ hàng thì được gọi là “kiều hối”, bản thân người gửi được gọi là “khúc ruột ngàn dặm”, còn nếu gửi cho các nhà hoạt động xã hội thì được gọi là “tiền phản động” và “tài trợ khủng bố”. Riêng năm ngoái có 16 tỷ USD kiều hối chảy về Việt Nam.

Nói vậy để bạn hiểu bối cảnh truyền thống của việc nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ.

Lần này, cái bối cảnh ấy có thêm một luồng quan điểm mới rất thú vị: những người cho rằng Mỹ đang phí tiền cho việc vác tù và hàng tổng, người nhận không biết mang ơn mà còn ra mặt chống Mỹ và chống ông Trump, rằng tiền viện trợ bị sử dụng sai mục đích, thậm chí bị tham ô tham nhũng, v.v.

Bối cảnh mới lần này phức tạp hơn nhiều so với bối cảnh truyền thống. Luật Khoa đứng ở đâu trong cái bối cảnh phức tạp ấy?

Tôi là Trịnh Hữu Long, tổng biên tập của Luật Khoa tạp chí. Trong thư phúc đáp này, tôi xin chia sẻ những thông tin thực tế và cách chúng tôi nhìn nhận về những khoản tài trợ của chính phủ Mỹ cho Luật Khoa, dưới dạng hỏi - đáp.

Luật Khoa nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ từ khi nào?

Ngay từ đầu. Chúng tôi đã lập ra Luật Khoa năm 2014 với một khoản kinh phí rất nhỏ, trong đó có một phần đến từ chính phủ Mỹ, qua một tổ chức phi chính phủ trung gian. 

Còn các năm tiếp theo?

Trong tất cả các năm tiếp theo, một phần đáng kể, nếu không muốn nói là thường trên dưới 50% ngân sách của Luật Khoa đến từ nguồn chính phủ Mỹ. 

Chính phủ Mỹ cụ thể là cơ quan nào?

Chúng tôi không nhận trực tiếp từ cơ quan nào của chính phủ Mỹ mà nhận qua các tổ chức phi chính phủ trung gian, chẳng hạn như East-West Management Institute (EWMI, Mỹ). EWMI nhận tài trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ và phân phối lại cho Luật Khoa. Đây là cách vận hành thông thường của cơ chế viện trợ quốc tế: tiền từ các chính phủ đi qua các tổ chức trung gian trước khi tới các tổ chức địa phương như Luật Khoa.

Cũng xin nói rất thẳng là chúng tôi không thể liệt kê công khai hết các nhà tài trợ của Luật Khoa, dù là ở Mỹ hay ở các nơi khác, vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu vì chính nhà tài trợ yêu cầu (điều này đúng với cả nhà tài trợ tổ chức lẫn cá nhân) và để tránh cho tờ báo và nhân viên tòa soạn khỏi bị chính quyền Việt Nam gắn cho những cái nhãn bất công.

Ngoài chính phủ Mỹ, Luật Khoa còn nhận tài trợ từ chính phủ nào khác không?

Có. Chúng tôi còn nhận tài trợ từ chính phủ Cộng hòa Séc, chính phủ Đài Loan, và một số chính phủ khác không cho phép chúng tôi công bố thông tin.

Nhận tiền phải minh bạch chứ sao lại giấu? Giờ cháy nhà mới ra mặt chuột?

Luật Khoa không phải là một chính phủ. Chúng tôi là một tổ chức tư nhân và không có nghĩa vụ minh bạch với ai ngoài mấy đối tượng sau:

  • Các nhà tài trợ tổ chức lẫn cá nhân (ở những mức độ khác nhau);
  • Công ty kiểm toán (dĩ nhiên rồi);
  • Cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ và Đài Loan (nơi chúng tôi đăng ký pháp nhân);
  • Đối tác (ở mức độ vừa đủ để hai bên hiểu về nhau khi làm việc).

Luật Khoa thậm chí không được quyền công khai các khoản tài trợ nếu nhà tài trợ không cho phép. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi công khai hết danh sách những ai từng đóng góp (donate) cho Luật Khoa? Chắc chắn nhiều người trong số đó sẽ bị công an tới gõ cửa. Đây là thông tin thuộc nhóm tối mật và chúng tôi có nghĩa vụ giữ kín. Không thì ai còn có niềm tin mà đóng góp và trả phí đọc báo cho Luật Khoa nữa.

Nhưng kể cả không có nghĩa vụ minh bạch, chúng tôi vẫn chọn con đường công khai nhiều thông tin nội bộ của mình. Nếu bạn từng đọc trang giới thiệu của Luật Khoa lẫn nhiều thư chúng tôi viết trước đây, bạn sẽ biết chúng tôi đã công bố nhiều nhà tài trợ từ lâu, và cũng công khai nhà tài trợ trung gian EWMI trong một báo cáo gần đây. Chúng tôi cố gắng minh bạch hết mức có thể vì chúng tôi hiểu chúng tôi đang dùng tiền thuế của người dân các nước, cũng như để độc giả biết được chúng tôi có lợi ích xung đột nào khi làm nội dung hay không.

Nếu bạn muốn minh bạch, chúng tôi khuyến khích bạn đòi hỏi điều này trước tiên ở chính phủ Việt Nam. Và khi đòi hỏi, xin lưu ý rằng tiêu chuẩn minh bạch của chính phủ cao hơn các tổ chức tư nhân rất rất nhiều. Chúng tôi cũng đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải ngừng truy bức những tổ chức, cá nhân nhận tài trợ nước ngoài để chúng tôi có thể đàng hoàng công bố thông tin tài trợ một cách minh bạch.

Các khoản tài trợ này có đi kèm điều kiện gì không?

Không hợp đồng tài trợ nào lại không có điều kiện. Nhiều là khác. Quan trọng là bạn đang nói đến điều kiện gì.

Nếu đó là điều kiện về việc sử dụng khoản tài trợ đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn kế toán, báo cáo đầy đủ, v.v. thì hợp đồng nào cũng có.

Còn nếu bạn nói đến điều kiện về sự chi phối và kiểm soát của các nhà tài trợ với Luật Khoa thì không. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận một khoản tài trợ nào có những điều kiện như vậy.

Kiểm soát nghĩa là sao?

Nghĩa là nhà tài trợ can thiệp vào công việc nội bộ của Luật Khoa, những công việc nằm ngoài phạm vi các tiêu chuẩn vận hành thông thường. Tiêu chuẩn vận hành thông thường thì như chúng tôi đã nói ở trên: đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn kế toán, báo cáo dự án đầy đủ, v.v. Còn công việc nội bộ là gì?

Là chuyện Luật Khoa viết cái gì, viết như thế nào, viết cho ai. Trong suốt lịch sử hơn 10 năm hoạt động của mình, chúng tôi tuyệt đối không để bất kỳ một ai - dù giàu có tới đâu - chi phối tính độc lập về nội dung của mình. Chúng tôi thậm chí còn làm nhiều nhà tài trợ cá nhân thất vọng và giận dữ. Và chưa từng có bất kỳ nhà tài trợ tổ chức nào từng đề nghị hay yêu cầu chúng tôi phải làm nội dung thế nào. 

Nguyên tắc của chúng tôi rất đơn giản: bạn dùng ảnh hưởng tài chính để can thiệp vào nội dung của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng ngừng nhận tài trợ ngay lập tức.

Kiểm soát còn liên quan tới nhân sự của Luật Khoa. Chúng tôi không cho phép bất kỳ nhà tài trợ nào chi phối các quyết định về nhân sự của mình. Cũng tương tự như trên, đây là chuyện nội bộ và là phẩm cách của một tổ chức báo chí.

Nghe xạo quá vậy? Nhận tiền của người ta mà dám không nghe lời người ta? Người ta cho tiền thì phải gây ảnh hưởng chứ? Làm gì có bữa trưa nào miễn phí.

“Không có bữa trưa miễn phí” là câu cửa miệng của những người không có niềm tin vào lòng tốt và sự thiện chí trên đời. Luật Khoa có rất nhiều kinh nghiệm để nói rằng chúng tôi đã được ăn rất nhiều bữa trưa miễn phí từ những cá nhân, tổ chức hào phóng và rộng lòng trăn trở với xã hội. Còn dĩ nhiên, xã hội sống chung với nhau là quá trình gây ảnh hưởng tới nhau - đó là chuyện hiển nhiên đến nhàm. Lựa chọn đối tác sao cho phù hợp với giá trị của mình và ứng xử trong quá trình hợp tác sao cho vừa được việc, vừa giữ được giá trị của mình là chuyện hoàn toàn có thể làm được.

Chúng tôi rất may mắn vì những tổ chức, cá nhân ủng hộ Luật Khoa từ xưa tới nay đều tôn trọng và giúp đỡ chúng tôi một cách đầy thiện chí. 

Ở mặt khác, nếu buộc phải lựa chọn, chúng tôi thà đóng cửa còn hơn hy sinh giá trị độc lập của mình. 

Xin nói lại và khẳng định một cách không thể chắc chắn hơn: chúng tôi thà đóng cửa. 

Chúng tôi làm Luật Khoa không phải vì tiền, mà vì giá trị báo chí độc lập. 

Không làm vì tiền sao còn nhận tiền của người ta?

Vì một tờ báo như Luật Khoa - cũng như một công ty - cần vốn để hoạt động. Nó không khác gì một công ty. Luật Khoa phải trả lương, nhuận bút, bảo hiểm, tiền thuê văn phòng, tiền duy trì website, tiền mua sách vở, v.v.

Nó chỉ khác ở chỗ Luật Khoa là một tổ chức phi lợi nhuận - đăng ký ở Mỹ và Đài Loan. Chúng tôi không có cổ đông. Không ai được chia cổ tức từ Luật Khoa. Làm không vì tiền là theo nghĩa đó, chứ không phải theo nghĩa không cần tiền để hoạt động.

Có thể đến một lúc nào đó, Luật Khoa sẽ phải cân nhắc mô hình doanh nghiệp xã hội: một phần tiền lời kiếm được (dưới 50%) - nếu có lời - sẽ được chia cho các cổ đông, giữ lại phần lớn để tái đầu tư. Nhưng cho tới nay đó vẫn chỉ là ý tưởng.

Bao nhiêu tòa báo, nhà báo, blogger không nhận tiền của ai mà vẫn làm báo độc lập được, sao Luật Khoa không làm được?

Chúng tôi tôn trọng cách làm của các tòa soạn, nhà báo, blogger khác. Từ góc nhìn của chúng tôi, làm báo - nhất là báo chất lượng - rất tốn kém. Nếu chúng tôi không nhận tài trợ thì bản thân chúng tôi phải có nguồn thu nhập khác để nuôi thân, hoặc trúng xổ số? (Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mua vé số nhưng thần tài chưa gõ cửa.)

Chúng tôi cho rằng cách làm báo độc lập kiểu thiện nguyện - tức là tự bỏ tiền túi ra làm - dù có thể vẫn hoạt động tốt trong một thời gian nhưng không phải là mô hình bền vững. Một tờ báo phát triển bền vững cần một nguồn vốn lâu dài và ổn định, nó không thể dựa mãi vào sức lao động miễn phí.

Nói vậy để thấy một khía cạnh khác của vấn đề độc lập: không ai độc lập tuyệt đối. Chúng ta sống trong một xã hội phụ thuộc lẫn nhau về đủ mọi mặt. Tờ báo của bạn không nhận tiền từ chính phủ Mỹ thì nhận tiền từ những nguồn khác. Bản thân việc bạn còn thở thôi cũng đã tốn tiền, chứ đừng nói đến những việc gì lớn lao khác. Chúng tôi phải nói rõ như vậy để không ai phải bắt bẻ rằng báo chí độc lập gì mà phụ thuộc vào hết chỗ nọ đến chỗ kia.

Quay lại chuyện viện trợ Mỹ. Có phải ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump Luật Khoa bị cắt tài trợ nên đăng nhiều bài chống Trump?

Hoàn toàn ngược lại. Ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, từ năm 2018, Luật Khoa nhận được nhiều tiền tài trợ từ chính phủ Mỹ hơn nhiều so với trước đây. Và như bạn thấy, điều đó không ngăn cản Luật Khoa đăng những bài phê phán lẫn ủng hộ lẫn trung dung về ông Trump. 

Chúng tôi cố gắng hết sức để làm báo đa chiều và khách quan nhất có thể. Chuyện đa chiều và khách quan lại là cả một cuộc tranh luận to tát khác, xin không lạm bàn ở đây. Chỉ xin khẳng định hai điều: Luật Khoa không vì tiền tài trợ mà tự kiểm duyệt, nhưng Luật Khoa hoàn toàn có thể làm tốt hơn, đa chiều hơn, khách quan hơn. Chúng tôi có thiên kiến là vì năng lực báo chí còn hạn chế, chứ không phải vì tiền che mắt.

Thế còn dưới thời Tổng thống Biden?

Dưới thời ông Joe Biden, tiền viện trợ của chính phủ Mỹ cho Luật Khoa tiếp tục tăng. Và vẫn như thường lệ, chẳng vì chính phủ Biden cho tiền mà chúng tôi ca ngợi hay chỉ trích ông Biden. Tiền chúng tôi nhận được là từ nhân dân Mỹ chứ không phải từ cá nhân ông Trump hay ông Biden.

Tuy nhiên, kể từ khoảng năm 2022 trở đi, chúng tôi không còn đăng nhiều bài về các chủ đề quốc tế nữa, trong đó có vấn đề Mỹ. Lý do thì nhiều. Phần vì chúng tôi cần đầu tư mạnh hơn vào các vấn đề trong nước, phần vì các vấn đề quốc tế đã có nhiều nơi khác làm rồi và làm tốt.

Luật Khoa rõ ràng là báo cánh tả, thiên vị Đảng Dân chủ Mỹ.

Chúng tôi từ chối tham gia những cuộc tranh luận tả - hữu, nhất lại là tả - hữu ở Mỹ. Luật Khoa là một tờ báo Việt Nam, bất chấp việc chúng tôi phải bất đắc dĩ đăng ký pháp nhân ở Mỹ. Việc của chúng tôi là cố gắng làm báo trung thực, đa chiều, chất lượng, làm báo đúng với thiên chức nghề nghiệp của mình, và dự phần vào một công cuộc tự do hóa, dân chủ hóa Việt Nam - nơi mà một tờ báo độc lập như Luật Khoa không còn bị coi là một thứ gì đó “nhạy cảm”. Chúng tôi chấp nhận tất cả những nhãn mác mà bạn gán cho chúng tôi, dù là nhãn xấu hay nhãn tốt.

Luật Khoa có chống Mỹ không?

Chúng tôi cảm ơn nhân dân Mỹ - cũng như nhân dân CH Séc, Đài Loan - vì đã giúp đỡ chúng tôi bằng những đồng tiền thuế hào phóng của họ. Chúng tôi chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ, công bằng của nước Mỹ và được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ nền báo chí tự do và nền tư pháp độc lập của họ. Chúng tôi không đi chống một đất nước nào, dù là Mỹ hay Việt Nam. Việc của Luật Khoa là phụng sự sự thật và hướng tới độc giả Việt Nam, nếu chẳng may điều đó có đi ngược lại với lợi ích của ai thì xin hiểu cho rằng, chúng tôi xử việc chứ không xử người. 

Tôi vẫn thấy chưa thuyết phục. Tôi không tin Luật Khoa làm được như những gì nói ở trên.

Đó là một mối nghi ngờ chính đáng. Luật Khoa luôn khuyến khích công chúng nghi ngờ một cách lành mạnh. Suy cho cùng, bản thân sự tồn tại của Luật Khoa xuất phát từ nỗi nghi ngờ của chúng tôi đối với các vấn đề chính trị và pháp luật Việt Nam. Việc của những người làm báo không có gì hơn là nghi ngờ và đi tìm sự thật. Nhưng làm báo không có nghĩa là được đứng ra ngoài sự giám sát và nghi ngờ của công chúng.

***

Lời cuối

Xin thú thực, chẳng ai muốn dựa gần như hoàn toàn vào các khoản tài trợ lớn, mặc dù chúng tôi mang ơn họ rất nhiều. Phụ thuộc quá nhiều vào ai cũng dở. Chính các nhà tài trợ lớn của Luật Khoa xưa nay đều khuyến khích chúng tôi đa dạng hóa nguồn thu kẻo một mai tiền tài trợ bị cắt hoặc giảm. Họ hiểu rõ phụ thuộc tài chính nghĩa là chưa thực sự độc lập. Chúng tôi cũng thừa nhận điều đó.

Ý thức được hậu quả to lớn này, chúng tôi đã chuyển hướng sang kinh doanh từ năm 2022, với những sản phẩm đầu tiên là các số báo PDF

Năm 2023, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh với dịch vụ đọc báo trả phí ($2 hoặc $5/tháng). 

Năm 2024, mảng kinh doanh trên YouTube bắt đầu mang về những trái ngọt đầu tiên. 

Đó là chưa kể ngay từ mười năm trước, chúng tôi đã tích cực gây quỹ từ các khoản đóng góp nhỏ của độc giả. 

Năm 2024, các nguồn thu từ kinh doanh và đóng góp của độc giả đã đạt tới gần 40 ngàn USD, tương đương với một khoản tài trợ lớn. Độc giả đã trở thành một nhà tài trợ lớn của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng sẽ trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 50% doanh thu hàng năm của Luật Khoa.

Chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc với việc kinh doanh, đến mức chúng tôi đăng ký và được Quỹ Đầu tư và Phát triển Truyền thông (MDIF) của Mỹ chấp nhận vào chương trình đào tạo kinh doanh Amplify Asia của họ.

Con đường làm báo độc lập và bền vững của Luật Khoa mới chỉ đang bắt đầu. Nếu bạn ủng hộ chúng tôi, hãy đăng ký dịch vụ đọc báo trả phí hoặc đóng góp trên Donorbox ngay bây giờ. Chỉ với giá tiền tương đương một bát phở hoặc một ly trà sữa (khoảng 50 ngàn đồng), bạn đã có thể vừa đọc được toàn bộ các bài viết của chúng tôi, vừa giúp chúng tôi xây dựng nền tảng tài chính độc lập của mình. 

Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc hết bức thư dài dòng này. Chuyện lớn, khó mà nói gọn.

Trân trọng,

Trịnh Hữu Long
Tổng Biên tập

Luật Khoa và nguồn tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ
Quý độc giả thân mến, Từ tháng 1/2023, Luật Khoa đã chuyển hướng mạnh sang kinh doanh báo chí thông qua các gói đọc báo trả phí để giảm phụ thuộc vào các nguồn tài trợ lớn, trong đó có nguồn chính phủ Hoa Kỳ. Trong những ngày qua,
Luật Khoa ra mắt nội dung thu phí với gói cước $2/tháng
Năm mới, mô hình hoạt động mới.
Chuyện chưa kể về một tổ chức báo chí độc lập ở Việt Nam
Chuyện chưa kể về một tổ chức báo chí độc lập ở Việt Nam Báo chí Luật Khoa tạp chí
Năm 2024 của Luật Khoa
Kính chào quý độc giả, Chúc bạn có một năm mới tràn đầy sức khỏe và nhiều may mắn! Cảm ơn bạn đã ở đây, vào thời khắc này, để chia sẻ niềm hân hoan đón năm mới 2025 với Luật Khoa tạp chí. Chúng ta đã cùng nhau đi
Về Luật Khoa tạp chí
Làm báo độc lập Không sợ ai Không nịnh ai Luật Khoa tạp chí theo đuổi báo chí độc lập và chất lượng. Độc lập nghĩa là tự quyết định nội dung, không để cho ai bên ngoài chi phối. Luật Khoa không trực thuộc bất kỳ một đảng phái

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.