Từ cấm nồng độ cồn cho tới phạt nguội

Từ cấm nồng độ cồn cho tới phạt nguội
Ảnh gốc: VGP. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

Một trong những chủ đề dân sinh mà báo chí tốn nhiều giấy mực nhất là giao thông, từ quy định về cấm nồng độ cồn, trừ điểm bằng lái xe cho tới việc phạt nguội và mức phạt nặng về các lỗi vi phạm giao thông.

Tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật riêng

Năm 2020, trong chủ trương sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ (2008), Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an lần lượt báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tách luật này thành hai dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.

Vào ngày 16/11/2020, vấn đề này được đưa ra thảo luận tại nghị trường và nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối. Đơn cử, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đưa ra bốn lý do không nên tách luật:

  1. Trình tự xây dựng luật chưa phù hợp với Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  2. Phạm trù giao thông (như cơ sở hạ tầng, quy tắc, phương tiện, người tham gia, v.v.) là tổng thể thống nhất, không thể tách rời.
  3. Việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là mục tiêu hướng đến chứ không phải đối tượng luật điều chỉnh.
  4. Việc tách luật sẽ dẫn đến phải tách nhiều luật khác nhằm tách bạch về mặt quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương.

Giải trình về vấn đề này, bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Tô Lâm (ông hiện nay là tổng bí thư Đảng Cộng sản) cho rằng đây không phải là tách luật, mà là “đi vào những lĩnh vực cụ thể, [...] quy định chi tiết những vấn đề luật pháp”. Xuất phát từ công tác đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, Chính phủ xác định việc này thuộc trách nhiệm của ngành công an. Ông Tô Lâm cũng khẳng định ngành công an lãnh thêm trách nhiệm nhưng biên chế lực lượng ngành không tăng, chi phí và thủ tục hành chính cũng không phát sinh thêm.

Ngày 17/11/2020, tại nghị trường, Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội khóa 14. Kết quả cho thấy có 302/414 đại biểu (72,95%) không đồng tình việc tách luật và có 321/414 (60,63%) đồng ý phương án thông qua luật mới tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15.

Ngày 14/2/2022, tại hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Giao thông Đường bộ, nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị không tách luật này thành hai luật vì có thể dẫn đến nhiều phiền toái, người dân phải tham khảo cả hai luật, vấn đề quản lý giao thông đường bộ giữa hai Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an có thể phát sinh bất cập, chồng chéo.

Đến ngày 2/6/2023, Quốc hội khóa 15 thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có việc đồng ý tách Luật Giao thông Đường bộ. Theo đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Vào ngày 27/6/2024, Quốc hội khóa 15 thông qua Luật Đường bộ Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.Ngày 15/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.

Cấm nồng độ cồn

Đáng lưu ý, trong quá trình xây dựng Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ, trong nước ta đã xuất hiện một chủ đề gây tranh cãi: quy định mức nồng độ cồn. 

Vào ngày 15/3/2024, dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đề xuất hai phương án: (1) cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu/hơi thở có nồng độ cồn; (2) chỉ cấm khi nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở.

Riêng phương án thứ nhất, việc người lái xe sẽ bị xử phạt khi nồng độ cồn vượt mức 0 là quy định kế thừa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2020 cũng như Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Ngày 27/3/2024, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về hai phương án nói trên. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nghiêng về phương án hai, tức có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.

Theo ông Hòa, người dân Việt Nam có truyền thống lâu đời là uống một chút rượu, bia trong các đám tiệc, do đó nếu cấm tuyệt đối - người điều khiển phương tiện có mức độ cồn bằng 0 - thì không khả thi. Hơn nữa, người dân khi uống một chút vào tối hôm trước, mà sáng hôm sau vẫn bị phạt là một điều vô lý. 

Tương tự ông Hòa, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn rằng việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông không chỉ áp dụng đối với người đã uống rượu bia, bởi còn nhiều loại trái cây khác khi ăn vào thì cơ thể cũng tạo ra mức độ cồn nhất định.

Ngược lại, một số đại biểu khác lại ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn, chủ yếu vì lý do “tính mạng, sức khỏe con người là trên hết”.

Trong khi đó, đơn vị soạn thảo là Bộ Công an đã nêu quan điểm cấm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông vì hai lý do: (1) văn hóa Việt Nam có tính cả nể và (2) điều kiện giao thông chưa được như các nước phát triển.

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ; trong đó thống nhất quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Tại Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 về việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; có ba mức phạt đối với tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn:

  1. Chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở: Đối với ô tô, phạt từ 6 - 8 triệu đồng; đối với xe máy, phạt từ 2 - 3 triệu đồng. 
  2. Chưa vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở: Đối với ô tô, phạt từ 18 - 20 triệu đồng; đối với xe máy, phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
  3. Vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở: Đối với ô tô, phạt từ 30 - 40 triệu đồng; đối với xe máy, phạt từ 8 - 10 triệu đồng. 

Ngoài ra, Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ cũng quy định mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm.

Khi tài xế vi phạm nồng độ cồn, thay vì bị tước ngay bằng lái, người vi phạm sẽ bị trừ điểm theo mức tăng dần qua ba ngưỡng lần lượt là 6, 10, và 12 điểm.

Trừ điểm giấy phép lái xe theo thang 12

Theo Nghị định 123/2021, người lái xe máy, ô tô khi vi phạm các lỗi nghiêm trọng có thể bị tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng và phạt tiền lên tới 40 triệu đồng. Do đó, không ít tài xế đã bỏ giấy tờ mà không đến lấy lại.

Đến tháng 4/2024, Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ quy định nếu tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo thang 12. Theo đó, từng trường hợp vi phạm sẽ bị trừ số điểm tương ứng. 

Trong 12 tháng gần nhất, tài xế chưa bị trừ “kịch khung” sẽ được phục hồi số điểm; nếu không sẽ phải học lại kiến thức pháp luật, an toàn giao thông do Cục Cảnh sát giao thông tổ chức.

Điều này đã được cụ thể hóa trong Nghị định 168/2024 về quy định rõ các mức điểm bị trừ, từ 2 đến 10 điểm, tùy vào mức độ vi phạm. Mức trừ điểm cao nhất (10 điểm) được áp dụng các lỗi cố ý vi phạm, có tính chất nguy hiểm như vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở, hay lùi xe trên đường cao tốc, v.v.

Nghị định này cũng vẫn duy trì việc tước giấy phép lái xe đối với những vi phạm nghiêm trọng như vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất hoặc lái xe khi có chất ma túy trong cơ thể, với thời gian tước giấy phép từ 22 đến 24 tháng.

Mô hình trừ điểm này khá giống với hệ thống “bấm lỗ” từng được áp dụng trong Nghị định 15/NĐ-CP (2003), nhưng sau bốn năm đã bị bãi bỏ do gặp phải nhiều vấn đề như thiếu tính thẩm mỹ và dễ bị lách luật.

Theo Bộ Công an, việc trừ và phục hồi điểm sẽ được thực hiện qua hệ thống tự động, giúp giảm thiểu tình trạng tiêu cực khi người dân phải làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng.

Tranh cãi về quy định người dân được “ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông”

Tháng 10/2024, truyền thông nhà nước đưa tin Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đáng chú ý, thông tư mới này đã loại bỏ quy định “hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình” do “việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định”. 

Bộ Công an nhận định rằng có nhiều người lợi dụng hình thức giám sát trên nhằm gây ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông. Chưa kể, còn có nhiều “trường hợp chống đối”, “xúi giục” người dân khiếu nại, tố cáo gây “phức tạp cho công tác thi hành pháp luật”. 

Bộ Công an cho rằng quy định mới phù hợp quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.

Tuy nhiên, ngay sau đó người dân đã phản đối và muốn làm rõ quy định này. Đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức cuộc họp và khẳng định rằng người dân có quyền “quay phim, chụp ảnh giám sát cảnh sát giao thông”, trừ những khu vực quy định cấm điều này. 

Thông tư 46 này còn gây chú ý khi đã bãi bỏ quy định công khai “chuyên đề về giao thông” với một số nội dung cụ thể như “tên đơn vị”, “tuyến đường”, “thời gian thực hiện tuần tra, giám sát”, v.v. Đồng thời, kế hoạch của cảnh sát giao thông được coi là tài liệu mật. 

Nghị định 168: Xử lý mạnh tay các lỗi vi phạm giao thông

Trong những văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ là Nghị định 168, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Nghị định này quy định nhiều mức phạt tăng cao, như hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng (đối với người lái xe máy) và 18 - 20 triệu đồng (đối với người lái ô tô). Điều này khiến người tham gia giao thông phải cẩn trọng hơn, nhất là trong những ngày đầu khi cảnh sát giao thông kiểm tra rất chặt chẽ.

Nghị định này được ban hành vào cuối năm, khi lượng phương tiện lưu thông tăng mạnh, do đó dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại các tuyến đường trung tâm nhiều thành phố lớn, điển hình là Hà Nội và TP. HCM.

Trong lúc này, báo chí cũng đưa ra nhiều bài viết phản ánh về Nghị định 168. Các báo nhà nước đánh giá cao, cho rằng mức phạt cao sẽ khiến người dân sợ vi phạm và dần hình thành văn hóa tuân thủ luật giao thông. Tuy nhiên, nhiều tờ độc lập lại ghi nhận các ý kiến cho rằng mức phạt quá cao so với thu nhập trung bình của người dân, khiến họ rơi vào tình thế khó khăn và có thể dẫn đến tiêu cực, khi người dân tuân thủ luật vì “sợ hãi” chứ không phải vì hiểu rõ và tôn trọng pháp luật.

Phạt nguội và trình báo lỗi vi phạm được thưởng tiền

Phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm sau khi các phương tiện đã vi phạm một thời gian nhất định. Theo đó, những thông tin, hình ảnh của vụ vi phạm được nhà chức trách thu thập qua hệ thống camera lắp đặt tại các tuyến đường, sau đó được gửi về trung tâm xử lý, quy định tại Thông tư 65/2020 do Bộ Công an ban hành, có hiệu lực từ 5/8/2020.

Hình thức này được người dân đặc biệt quan tâm khi tại rất nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An, v.v. đã triển khai lắp đặt hệ thống camera phạt nguội.

Từ ngày 1/1/2025, theo quy định mới về trình tự xử lý “phạt nguội” tại Thông tư 73/2024, trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xác định tài xế vi phạm, người có thẩm quyền tại cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính sẽ xác định thông tin chủ phương tiện thông qua các cơ sở dữ liệu, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cũng có hiệu lực từ ngày này, Nghị định 176 gây xôn xao dư luận khi quy định việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về vi phạm giao thông với mức hỗ trợ không quá 10% số tiền xử phạt mỗi vụ và tối đa 5 triệu đồng mỗi vụ.

Để báo tin vi phạm, người dân có thể thu thập lại thông tin, hình ảnh, video, v.v. gửi qua VNeTraffic (ứng dụng của Bộ Công an phát triển nhằm tra cứu “phạt nguội” và gửi thông tin vi phạm giao thông). Ngoài ra, thông tin vi phạm cũng có thể được gửi qua các kênh như đường dây nóng hoặc Zalo của phòng, cục cảnh sát giao thông. 

Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định này. Mặc dù vậy, báo chí trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện những “thợ săn” lỗi vi phạm giao thông. Các diễn đàn mạng xã hội cũng có nhiều hội nhóm thảo luận về các quy định này, cũng như chia sẻ kinh nghiệm để trở thành “thợ săn tiền thưởng”.


Đọc thêm:

Hợp lý với Bộ Công an, vô lý với người dân: 3 lý do Nghị định 168 được ban hành
Bước chân ra đường hiện nay, điều bạn lo lắng không phải đi làm trễ hay hỏng xe giữa đường. Mà là Nghị định 168. Sơ suất một chút, bạn sẽ dễ dàng mất đi nửa tháng lương của mình. Năm 2025, mức phạt vượt đèn đỏ đã tăng gấp

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.