Tự do tri thức giữa cơn lốc đàn áp của Cách mạng Văn hóa

Hành trình lưu giữ những cuốn sách phương Tây bị cấm đoán.

Tự do tri thức giữa cơn lốc đàn áp của Cách mạng Văn hóa
Ảnh bìa sách: Futuropolis.

Balzac et la petite tailleuse chinoise (tạm dịch: Balzac và thiếu nữ thợ may Trung Hoa) là tiểu thuyết đầu tay của Đới Tư Kiệt (Dai Sijie), nhà văn kiêm đạo diễn người Pháp gốc Hoa. Tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp và xuất bản năm 2000, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả, một trí thức trẻ bị đưa đi lao động khổ sai trong cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động ở Trung Quốc trước khi di cư sang Pháp. [1]

Năm 2002, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim cùng tên với sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Trung Quốc. Tác phẩm ca ngợi khát khao và đam mê tri thức, đồng thời khắc họa nỗ lực của những người trẻ trong việc bảo vệ tri thức giữa những thời kỳ khắc nghiệt của lịch sử.

Trí thức bị đi cải tạo

​​Câu chuyện kể về nhân vật “tôi” (17 tuổi) - người kể chuyện có tài chơi violin và say mê văn học Pháp - và người bạn Luo (18 tuổi). Cả hai đều là những học sinh vừa kết thúc ba năm cấp hai. Họ bị liệt vào hàng ngũ trí thức trẻ thành thị chỉ vì biết chữ. Điều này đủ để họ bị xem là thành phần trí thức trong bối cảnh Cách mạng Văn hóa.

Họ không được nhận vào trường cấp ba vì cha mẹ làm bác sĩ đầu ngành đã bị gán là “kẻ thù của nhân dân”. Khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, học sinh, sinh viên bị buộc xuống nông thôn lao động. Luo và nhân vật chính không ngừng tự hỏi vì sao lãnh tụ lại đối xử tàn nhẫn với trí thức đến vậy. Một cuộc Cách mạng Văn hóa nhưng lại hủy diệt văn hóa và những người có văn hóa.

Sau một ngày lao động nặng nhọc trên núi, đôi bạn trở về nơi ở và phát hiện trưởng thôn cùng dân làng đang lục soát hành lý, cố tìm hiểu xem cây đàn violin của họ rốt cuộc là thứ gì. Người dân xem đó là một vật thể lạ từ xã hội tư bản và có ý định đốt bỏ cho đến khi hai chàng trai nói rằng đó chỉ là một nhạc cụ. Nhân vật “tôi” nhanh trí chơi một bản sonate và gọi đó là “Bản Mozart tưởng nhớ Chủ tịch Mao”. Ngay lập tức, sự hoài nghi của người dân biến thành sự hồ hởi.

Dân làng nghèo đến mức chỉ có thể lo chỗ ăn ở cho hai thanh niên cải tạo. Nơi trú ngụ của họ đơn sơ, vốn không dành cho con người ở, và bất cứ lúc nào trưởng thôn hay dân làng cũng có thể xộc vào lục soát.

Luo và nhân vật chính là hàng xóm thân thiết, cùng lớn lên trong những gia đình trí thức. Dù có nhau để đồng hành, họ vẫn không thể nguôi ngoai cảm giác bị đày ải giữa một vùng quê hẻo lánh, ở nơi mà người dân chưa từng xem phim, nơi mà một chiếc đồng hồ cũng trở thành báu vật. Đang ở tuổi trai trẻ, họ không thể chịu nổi công việc lao động nặng nhọc. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh đó, hai chàng trai vẫn cảm thông với những người nông dân, nhận ra rằng họ chưa phải những người xấu số nhất trong vòng xoáy thời cuộc.

Nhờ trí thông minh và tài kể chuyện, hai chàng trai trở thành “hoạt náo viên” của làng. Ngoài công việc lao động, trưởng thôn giao cho họ nhiệm vụ đến thị trấn xem chiếu bóng rồi về kể lại nội dung phim cho dân làng. Những câu chuyện họ kể đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của thính giả.

Tác giả khắc họa những chấn thương tinh thần mà cuộc cải tạo để lại. Nỗi khiếp sợ những mỏ than, công việc vất vả đầy rủi ro. Tiếng khóc đau khổ giữa núi rừng hoang vắng vì oan trái. Luo dù ốm yếu vẫn phải lao động vì nếu không cải tạo tốt sẽ bị giữ lại vĩnh viễn ở nơi này.

Ở nơi này, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, “thân thể con người đã trở thành phương tiện”, những con người chết mòn vì kiệt sức. Đời sống tinh thần nghèo nàn đến mức dù lao động cực nhọc họ vẫn sẵn sàng đi hàng cây số để tìm bạn và kết giao.

Ngoài cây đàn violin, niềm vui của Luo và nhân vật “tôi” còn đến từ tình bạn với “Bốn Mắt” - một thanh niên cải tạo ở thôn khác. Cha mẹ cậu là nhà văn, nhà thơ, cũng bị xếp vào hàng ngũ trí thức. Luo và nhân vật “tôi” tò mò về bí mật mà cậu giấu trong chiếc vali. Đó là những cuốn sách cấm, gồm cả văn học phương Tây. Hai cậu trai quyết định giúp “Bốn Mắt” làm việc nặng để đổi lấy sách. Cuối cùng, “Bốn Mắt” đồng ý cho họ mượn Ursule Mirouët của Honoré de Balzac, cuốn sách mà sau này làm thay đổi cuộc đời cả ba người.

Tình yêu nảy nở giữa Luo và một cô thợ may. Luo đọc tác phẩm của Balzac cho cô nghe. Trong một xã hội mà người dân chỉ được tiếp cận sách của Mao, sách chính trị và khoa học do chính phủ kiểm duyệt, thì việc sở hữu và đọc sách bị coi là tội. Nhưng chính những trang sách của Balzac đã mở ra trong cô những giấc mơ, đem lại trí tuệ và một thế giới hoàn toàn mới. Ở nơi mà phần lớn dân làng không biết chữ thì giấc mơ có lẽ là thứ xa xỉ nhất.

Vụ trộm sách hiếm

“Bốn Mắt” được ra trại sớm để trở về thành phố nhờ mối quan hệ của mẹ anh là một nhà thơ trung thành với chế độ. Lo sợ bị lộ bí mật về chiếc vali đầy sách, cậu không cho hai người bạn hiếu học mượn nữa. Nhưng cô thợ may đã nảy ra ý tưởng táo bạo: lấy cắp những cuốn sách ấy, và cuối cùng cũng thành công.

Từ đó, họ say mê chìm đắm trong những trang sách của Balzac, Baudelaire, Dumas, và nhiều nhà văn phương Tây khác. Những tác phẩm ấy mở ra một thế giới hoàn toàn khác, nơi mà mọi cung bậc cảm xúc của con người được tôn trọng, thay vì chỉ có lòng yêu nước theo khuôn mẫu tuyên truyền. Dù chưa từng biết về nước Pháp hay bất kỳ vùng đất xa lạ nào mà chính quyền vẫn gọi là “địch”, họ vẫn yêu những cuốn sách như một cánh cửa dẫn đến tự do. Thế giới của họ giờ đây không chỉ có núi rừng mênh mông, những tháng ngày cải tạo, mà còn có tình bạn, tình yêu, và những cuộc phiêu lưu trong từng trang sách.

Từ khi tiếp cận văn học phương Tây, Luo và nhân vật “tôi” không còn kể lại những câu chuyện của các nước xã hội chủ nghĩa, mà thay vào đó là những tác phẩm bị cấm. Họ cảm thấy biết ơn sâu sắc với những dịch giả dũng cảm đã đưa những kiệt tác này đến tay độc giả Trung Quốc, trong đó có một dịch giả mà chính các tác phẩm của ông cũng bị cấm vì lý do chính trị.

Dần dần, hai chàng trai và cô thợ may nhận ra sự tùy tiện trong cách người ta thực thi chính sách và pháp luật. Những kẻ nắm quyền, dù chỉ là một chức nhỏ như trưởng thôn, cũng có thể lợi dụng quyền lực để vu khống người khác vì lợi ích cá nhân. Trưởng thôn từng vu cho nhân vật “tôi” tội “truyền bá câu chuyện tư bản nhảm nhí” khi kể Bá tước Monte Cristo cho dân làng nghe. Nhưng ngay sau đó, ông ta lại sẵn sàng tha cho cậu nếu Luo chịu chữa răng cho mình (lợi dụng việc cha Luo từng là nha sĩ danh tiếng từng chữa bệnh cho chủ tịch Mao).

Nhiều sự kiện trong truyện được xây dựng từ chính trải nghiệm của tác giả, khiến lối kể chuyện trở nên chân thực và đầy xúc động. Ở đó, tri thức không chỉ là một lối thoát, mà còn là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn, bất chấp những khắc nghiệt của thời cuộc.

Cái kết mở của câu chuyện không chỉ thay đổi số phận của cô thợ may, mà còn để lại một dư âm gợi mở sâu lắng. Những người trẻ trong câu chuyện đã liều mình giữ gìn và truyền bá tri thức giữa bóng tối của kiểm duyệt và đàn áp. Tác phẩm nêu lên những khát khao bền bỉ và tinh thần bất khuất mà những người trẻ đã mang theo trên hành trình của riêng mình.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

5 cuốn sách cấm nên đọc một lần trong đời
Đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một niềm vui của đời người.

Chú thích

1. Dai Sijie à propos de son livre “Balzac et la petite tailleuse chinoise” | INA. (n.d.). ina.fr. https://www.ina.fr/ina-eclaire-actu/video/i00013379/dai-sijie-a-propos-de-son-livre-balzac-et-la-petite-tailleuse-chinoise

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.