Nhà báo ẩn danh và cuộc đàn áp phải lãng quên
“Những ký ức đôi khi phai mờ, nhưng chúng không bao giờ biến mất.”
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được công chúng biết đến, chính quyền đã buộc nhà sư Thích Minh Tuệ dừng việc thiền hành.
Để tiếp tục tu tập, ông phải rời bỏ Việt Nam. Thích Minh Tuệ không phải là nhà sư duy nhất phải rời bỏ đất nước. Sau năm 1975, nhiều nhà sư đã vượt biên ra khỏi Việt Nam.
Năm 1985, một nhà sư có pháp danh là Thích Minh Hội đã vượt biên và định cư tại Mỹ. Ông cho biết lý do vượt biên là không còn ai dám đến chùa vì sợ bị bắt, không còn ai đi tu vì chính quyền không cho phép và cũng không thể truyền dạy Phật pháp một cách công khai.
Sau năm 1975, từ bắt giữ các nhà sư, đóng cửa hàng loạt ngôi chùa, rồi cho phép cho một số nhà sư trung thành với chính quyền được phép hành đạo, và cho đến nay, chính quyền vẫn tiếp tục kiểm soát Phật giáo thông qua kiểm soát các nhà sư. Những điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của đạo Phật.
Tỷ lệ người dân là tín đồ Phật giáo đã sụt giảm đáng kể.
Trước năm 1975, tính riêng miền Nam, đạo Phật được cho là có đến 9 đến 11 triệu tín đồ, chiếm 70% đến 80% dân số.
Sau hơn 40 năm, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ có 4,8% dân số theo đạo Phật với 4,6 triệu người. Con số này lập tức gây sốc đối với những ai theo đạo Phật. Năm 2022, nhà nước đã sửa lại số tín đồ Phật giáo là 14 triệu người, chiếm 14,3% dân số cả nước.
Không chỉ sụt giảm về số lượng mà chất lượng trong việc thực hành đạo Phật cũng đi xuống.
Hòa thượng Tuệ Sỹ cho rằng người dân theo đạo Phật nhằm cầu xin “mua may bán đắt, cầu cho trúng số đề”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng các nhà sư của Việt Nam như doanh nhân, họ dùng đạo Phật để “làm ăn”.
Phật giáo và các nhà sư từ sau năm 1975 đã bị vùi dập như thế nào? Mời quý độc giả xem video mới nhất của Luật Khoa tạp chí tại đây.