Tự truyện từ bỏ đảng và đào thoát khỏi Liên Xô
Sự thật về chủ nghĩa cộng sản và những ảo tưởng của phương Tây.
Sự thật về chủ nghĩa cộng sản và những ảo tưởng của phương Tây.
Cuốn sách I Chose Freedom (tạm dịch: Tôi chọn tự do) là một tự truyện sâu sắc được đón nhận rộng rãi ở phương Tây. Tác giả cuốn sách, Victor Kravchenko (1905-1966), một cán bộ kỹ thuật giữ vị trí khá quan trọng trong ngành kinh tế của chính quyền Liên Xô.
Sau khi chứng kiến tận mắt tham nhũng, bất công và đàn áp tàn bạo dưới chế độ Stalin, ông quyết định rời bỏ đảng và đào thoát sang Mỹ trong một chuyến công tác.
Tác phẩm này kể lại cuộc đời ông, từ quá trình đào tạo để trở thành quan chức Liên Xô cho đến quyết định dũng cảm vạch trần những sự thật đen tối về nạn tham nhũng, cuộc sống nghèo đói và sự áp bức đằng sau Bức màn sắt (ranh giới biểu tượng chia cắt châu Âu trong Chiến tranh Lạnh).
Thời điểm đó, nhiều học giả cánh tả ở Mỹ vẫn say mê lý tưởng chủ nghĩa xã hội và chưa nhận ra được những mặt tối của nó. Chỉ sau khi Kravchenko qua đời, công chúng mới dần nhận rằng ông đã nói sự thật.
Trước đó, cả Liên Xô và Mỹ đều lên án ông: các điệp viên Liên Xô theo dõi ông cho đến ngày ông qua đời, trong khi nhiều học giả Mỹ coi ông là kẻ phản bội, bị cám dỗ bởi nền văn hóa tiêu dùng phương Tây.
Cuốn sách này giúp độc giả hiểu được cảm xúc của những người phải sống dưới chế độ cộng sản. Đó có thể là tư duy của người từng bị cuốn hút vào lý tưởng cộng sản; nỗi sợ hãi và lo âu của những ai luôn phải cảnh giác trước nguy cơ bị hàng xóm, người thân, người yêu phản bội; cảm giác cô đơn tột cùng khi phải từ bỏ tất cả để vạch trần sự thật với thế giới.
Tác phẩm không chỉ phơi bày các cơ chế vận hành của chính quyền mà còn miêu tả sâu sắc những con người cố gắng bám víu vào thứ họ tin là đúng.
Xuất phát từ nỗi oán giận đối với chế độ Sa hoàng, chủ nghĩa cộng sản đã gieo mầm hy vọng về một trật tự xã hội công bằng hơn cho dân chúng. Đối với Kravchenko, người dẫn dắt ông đến với Đảng Cộng sản là đồng chí Lazarev.
Khi mới gặp nhau, Lazarev hỏi tại sao ông không đọc tác phẩm của các nhà văn Liên Xô mà lại thích văn học Pháp. Ông trả lời: “Tôi cũng đọc các tác phẩm kinh điển của Nga, nhưng các tác giả mới chỉ viết về chính trị và né tránh những khía cạnh thực tế của cuộc sống xung quanh.”
Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh khuôn mẫu mà Kravchenko từng nghĩ về “con người của đảng”, Lazarev không hề giáo điều mà thậm chí còn trở thành bạn thân của ông nhờ vào niềm đam mê chung với văn học nước ngoài.
Khi Lazarev tặng Kravchenko cuốn Ba vở kịch của Shakespeare trước khi chuyển công tác, Kravchenko bắt đầu thay đổi. Ông dần học cách trở thành “con người của đảng” vì tin rằng có thể “kết hợp tình yêu dành cho vẻ đẹp trong các tác phẩm của Shakespeare với niềm tin vào chủ nghĩa Lenin-Marx.”
Niềm tin vào Đảng Cộng sản thống trị mọi khía cạnh của cuộc sống như một tôn giáo. Kravchenko buộc phải xem bản thân mình “trước hết là một thành viên Komsomol (người viết: Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin), sau đó mới là một con người” và thực hiện “sứ mệnh truyền giáo với những kẻ ngoại đạo” (ám chỉ những người không theo Đảng).
Trường kỹ sư nơi Kravchenko theo học vẫn khuyến khích sinh viên rèn luyện tư duy phản biện nhưng phạm vi của thực hành này bị giới hạn. Ví dụ, ông và các bạn cùng phòng thường thảo luận về cách áp dụng lý tưởng cộng sản vào thực tế.
Ông đặc biệt quan tâm đến một thực hành gọi là samokritika (tự phê bình), cho phép sinh viên đưa ra những chỉ trích nhỏ - thường là các vấn đề kỹ thuật như thiết bị hỏng hóc hoặc cách vận hành kém hiệu quả - và đề xuất giải pháp cải thiện. Tuy nhiên, nếu ai đó vô tình chạm đến những vấn đề cốt lõi, chẳng hạn như đặt câu hỏi về sự bất bình đẳng kinh tế giữa giới tinh hoa và người dân hay về lạm phát, họ sẽ lập tức bị kiểm soát và trấn áp.
Sau khi Kravchenko gặp tai nạn trong một lần làm việc tại mỏ, cấp trên đã đưa ông ra làm hình mẫu lý tưởng cho công nhân. Lúc đó, ông thừa nhận rằng mình “cảm thấy như được nước Nga nuôi lớn và công nhận, được Komsomol và lãnh đạo coi như đứa con trai yêu quý trong một đại gia đình.”
Như vậy, theo cuốn tự truyện này, quá trình đào tạo không chỉ tập trung vào lý thuyết chính trị mà còn nhấn mạnh vào việc xây dựng cảm xúc, các mối quan hệ, từ đó củng cố lòng trung thành và sự gắn kết với đảng.
Tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc từ niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, sự thật vẫn dần hé lộ trong cuộc đời Kravchenko. Cha ông từng cảnh báo: “Đừng sống theo khẩu hiệu” và “Hãy đánh giá các chính trị gia dựa trên hành động của họ, chứ không phải lời nói hoa mỹ.”
Sau khi bị đuổi khỏi cơ sở luyện kim do có quan hệ tình cảm với Julia, vợ của một quan chức cấp cao, Kravchenko tự gọi mình là “một dân Nga bình thường yêu người trong dòng dõi hoàng gia”. Bề ngoài, đây chỉ là lời than thở của một người đàn ông đang si mê. Nhưng ẩn sau đó là sự châm biếm cay đắng: Giới lãnh đạo cộng sản thực chất không khác gì tầng lớp quý tộc thời Sa hoàng khi họ có quyền tùy tiện áp đặt ý chí cá nhân lên những người dưới quyền.
Về ảnh hưởng tiêu cực của Liên Xô đối với các quốc gia khác, Kravchenko cũng nhắc đến những bất ổn ở Ukraine trong chương 6: “Tin đồn về việc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô có phần độc lập nhất định, thậm chí có quyền ly khai vì một lý do nào đó, đã lan truyền ở nước ngoài.”
Dần dần, Kravchenko nhận ra những lời đồn ấy hóa ra là sự thật. Cả ông và đồng chí Lazarev có dịp đến các vùng nghèo khổ - nơi người dân bị tước đoạt đất đai và sản phẩm thu hoạch, chứng kiến tận mắt sự áp bức mà chính quyền cố che giấu. Đến chương 10, tác giả miêu tả cảnh nhà nước khởi động các cuộc thanh trừng tàn bạo. Trong những cuộc thẩm vấn và tra tấn khốc liệt này, nhiều người bạn từng giới thiệu Kravchenko vào đảng bị buộc tội phản bội, bị chính những người thân thiết chối bỏ. Đây là nỗi ám ảnh lớn đối với Kravchenko, một vết thương tinh thần mà ông phải đấu tranh để vượt qua khi bản thân cũng trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng.
Đoạn viết về bơ xuất khẩu, tác giả cho thấy Liên Xô ưu tiên hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế hơn là sức khỏe của người dân trong nước. Kravchenko tức giận khi nhận ra bơ xuất khẩu lại là thứ phản ánh rõ rệt khoảng cách giữa thực tế tàn khốc mà người dân Liên Xô phải chịu đựng và những mơ tưởng về lý tưởng cộng sản của giới trí thức phương Tây.
Ông cay đắng thốt lên: “Gửi bơ đi trong khi đất nước đang chịu nạn đói! Trong đầu tôi hiện lên cảnh tượng người ta ở London, Berlin, và Paris đang ăn bơ mang nhãn hiệu Liên Xô. ‘Chắc họ giàu có lắm mới xuất khẩu được bơ như thế!’ - tôi nghe tiếng họ nói. ‘Đây là bằng chứng cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội!’”
Phần này phơi bày sự trớ trêu cay đắng: ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản không chỉ tồn tại phía sau Bức màn sắt mà còn được nuôi dưỡng bởi cái nhìn lý tưởng hóa từ bên ngoài. Chính sự mù quáng đó góp phần kéo dài nỗi đau và sự ngột ngạt của người dân sống dưới chế độ này.
Đến chương 11, tác giả chỉ ra dù thiên đường cộng sản cần cả tuổi thơ để gieo mầm và thu hút con người, thì chỉ cần một mối liên kết sâu sắc giữa hai cá nhân cũng có thể làm lung lay ảo tưởng mà nhà nước dày công xây dựng.
Lúc bấy giờ, Kravchenko phát hiện ra Eliena - người bạn thân thiết với - thực chất là điệp viên mà nhà nước cử đến để theo dõi ông. Bất chấp điều đó, cả hai bí mật thỏa thuận sẽ không báo cáo những thông tin gây hại lẫn nhau - một hành động có thể khiến họ gặp nguy hiểm dưới chế độ này.
Cũng ở chương này, sau khi chứng kiến tận mắt nỗi khổ của nông dân đang chết đói, Kravchenko quyết định tự ý chuyển số lương thực vốn dành cho xuất khẩu để cứu trợ người dân, sẵn sàng chịu trách nhiệm khi bị nhà nước phạt.
Ở đoạn cuối, trước khi sang Mỹ làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, Kravchenko không tiết lộ kế hoạch rời bỏ đảng với bất kỳ ai, để những người thân quen không phải chịu liên lụy vì đã từng có mối quan hệ với “một kẻ phản bội” như ông.
***
Ngày nay, nhiều học giả tại các nước dân chủ đã đưa ra lập luận dựa trên logic kinh tế và tâm lý, nhằm giải thích vì sao chủ nghĩa cộng sản không thực tế. Thế nhưng, vẫn có không ít người trẻ, thông minh, đang học tại các trường đại học danh tiếng, ủng hộ chủ nghĩa này và thậm chí khao khát được trải nghiệm. Họ thường lập luận rằng “[bởi vì] chủ nghĩa xã hội thực sự chưa từng được áp dụng”. [1]
Tại Trung Quốc, hơn 90% số người tham gia một cuộc khảo sát bày tỏ sự tôn trọng, tôn thờ Chủ tịch Mao Trạch Đông. [2] Ở Mỹ, 36% người trưởng thành có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội. [3]
Có thể lý do khiến nhiều người trẻ ngày nay ủng hộ chủ nghĩa cộng sản là vì họ không được học đầy đủ về lịch sử và tác động thực tế của hệ tư tưởng này. Tháng 8/2024, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã thông qua luật yêu cầu học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12 phải học về lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, bao gồm lịch sử của chủ nghĩa này ở Hoa Kỳ, mối đe dọa và các tội ác đã được thực hiện ở các quốc gia khác dưới sự cai trị của nó. [4] Tuy nhiên, cách tiếp cận này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Cách hiệu quả nhất để giúp con người tránh bị cuốn vào những tư duy utopia (xã hội hoàn hảo mọi mặt) không nằm ở lý trí, mà phải chạm đến trái tim và cảm xúc. Tôi chọn tự do của Kravchenko không chỉ là tự truyện của một người từ bỏ đảng, mà còn là lời nhắc nhở về cuộc đấu tranh nội tâm của bất kỳ ai. Tác phẩm này, như chính tác giả tự giới thiệu: “Cuốn sách là lời kêu gọi của tôi với lương tri dân chủ của nước Mỹ và cả thế giới.”
1. Bayer, B. (2020, December 29). The dishonesty of 'Real socialism has never been tried' New Ideal. https://newideal.aynrand.org/the-dishonesty-of-real-socialism-has-never-been-tried/
2. Global Times. (n.d.). 85% say Mao’s merits outweigh his faults: poll. Copyright 2014 by the Global Times. https://www.globaltimes.cn/content/834000.shtml
3. Nadeem, R., & Nadeem, R. (2024, April 14). Modest declines in positive views of ‘Socialism’ and ‘Capitalism’ in U.S. Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/politics/2022/09/19/modest-declines-in-positive-views-of-socialism-and-capitalism-in-u-s/
4. Ceballos, A. (2024, April 17). All Florida K-12 students to learn about ‘atrocities’ of communism. Miami Herald. https://www.miamiherald.com/news/local/education/article287760295.html