Hội chứng độc tài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Một bệnh lý không chỉ có nhà độc tài mắc phải, mà còn cả quần chúng nhân dân.
Tại sao các quốc gia dân chủ gần như không gây chiến với nhau?
Những cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử thường bắt đầu từ tham vọng không giới hạn của một cá nhân hoặc một nhóm lãnh đạo. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu quyền lực đó bị kiềm tỏa bởi những cơ chế kiểm soát chặt chẽ?
Cơ chế kiểm soát chéo trong một chế độ dân chủ không cho phép một hay một vài nhà lãnh đạo nhà nước hành động hung hăng theo ý mình. Đây cũng là một đặc điểm cơ bản khiến nhiều nhà nghiên cứu chính trị tin rằng dân chủ giúp cho thế giới hòa bình hơn.
Bài viết này giới thiệu nghiên cứu của Michael W. Doyle tựa đề “Liberalism and World Politics” (tạm dịch: Chủ nghĩa tự do và chính trị thế giới), được đăng vào năm 1986 trên tạp chí American Political Science Review. [1]
Doyle nghiên cứu ba trường phái cổ điển của chủ nghĩa tự do: chủ nghĩa hòa bình tự do (liberal pacifism) của Schumpeter, chủ nghĩa đế quốc tự do (liberal imperialism) của Machiavelli và chủ nghĩa quốc tế tự do (liberal internationalism) của Kant.
Ông nhận thấy rằng mặc dù chủ nghĩa hòa bình tự do và chủ nghĩa đế quốc tự do có mâu thuẫn với nhau, chủ nghĩa quốc tế tự do Kant đã để lại một luận điểm mạch lạc cho các vấn đề đối ngoại. Theo đó, các quốc gia theo chủ nghĩa tự do vừa hòa bình vừa dễ gây chiến: họ hòa bình với nhau, nhưng sẵn sàng gây chiến với các quốc gia phi tự do.
Doyle cũng lập luận rằng sự khác biệt giữa ba chủ nghĩa tự do này bắt nguồn từ cái nhìn khác nhau về bản chất của con người trong xã hội, hay bản chất của công dân trong nhà nước.
Các nghiên cứu thực nghiệm sau này đã củng cố thêm tính xác đáng của luận điểm mà Doyle đã đưa ra trong bài nghiên cứu của ông.
Vấn đề dân chủ và hòa bình đã được thảo luận từ nhiều thế kỷ nay bởi nhiều nhà tư tưởng như Immanuel Kant, Joseph Schumpeter, Niccolo Machiavelli, Karl Marx, v.v.
Lịch sử đã chứng kiến chiến tranh nổ ra giữa các quốc gia thuộc tất cả các mô hình vận hành xã hội, từ chế độ phong kiến, phát-xít, cộng sản, độc tài toàn trị, hay các cuộc chiến giữa quốc gia dân chủ với một hoặc nhiều nước theo các chế độ kể trên.
Tuy nhiên, chưa hề có một cuộc chiến tranh nào giữa hai quốc gia dân chủ.
Khi bối cảnh quốc tế buộc các quốc gia phải chọn phe, các quốc gia dân chủ thường đứng chung một phía, còn các quốc gia theo các mô hình phi dân chủ khác đứng sang phía còn lại.
Cơ sở lý giải cho điều này, theo Doyle, là do các nước này thường có sự thông hiểu lẫn nhau vì cùng có các giá trị tự do, có mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, và có các cơ chế chính trị trong nước để kiềm chế các hành vi hung hăng của giới lãnh đạo.
Những nguyên tắc nền tảng của một hệ thống dân chủ tự do như quyền cá nhân, pháp trị, chính quyền đại diện đều đã góp phần ảnh hưởng đến cách các nhà lãnh đạo quốc gia hành xử trên trường quốc tế.
Lãnh đạo của các quốc gia dân chủ hiểu rằng nếu đối phương đang vận hành trong một chế độ dân chủ, giới lãnh đạo bên kia cũng bị các cơ chế dân chủ tương tự ràng buộc như mình. Người dân vốn dĩ không ưa thích chiến tranh, và người dân có quyền sử dụng lá phiếu để trừng phạt các chính trị gia hung hăng lâm chiến.
Khi lãnh đạo các quốc gia dân chủ hiểu được sự ràng buộc do cơ chế trong nước của mỗi bên mang lại, họ không phải quá quan ngại rằng bên kia sẽ hành động gây hấn một cách quá bột phát. Chung cuộc, lòng tin giữa các quốc gia xuất phát từ cơ chế kiềm chế chéo theo mô hình dân chủ khiến cho hai bên tin nhau hơn, dễ dàng giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình hơn là gây chiến.
Trong khi thường chọn các giải pháp hòa bình để đối xử với nhau, các quốc gia dân chủ tự do lại không phải luôn luôn sử dụng các giải pháp hòa bình đối với các quốc gia phi dân chủ. Trái lại, dưới các danh nghĩa như bảo vệ dân chủ và nhân quyền, các quốc gia này thường bước vào xung đột với các quốc gia phi dân chủ.
Mặc dù nếu xét về mặt lợi và hại trong kinh tế, chiến tranh thường có hại nhiều hơn là lợi, các quốc gia dân chủ tự do vẫn chuẩn bị và sẵn sàng cho chiến tranh để bảo vệ và lan truyền các giá trị dân chủ, quyền tư hữu, quyền tự do cá nhân.
Các nhà độc tài thường không bị ràng buộc bởi cơ chế đại diện. Lá phiếu của cử tri trong nước thường không có giá trị trừng phạt hay kiềm chế hành vi của lãnh đạo. Do vậy, hành vi của những lãnh đạo này thường khó đoán định và khó kiểm soát được. Sự bất định này dẫn đến việc bất tin tưởng và khó thương thảo trong hòa bình.
Trong nghiên cứu này, Doyle thẩm định lại luận điểm của ba triết gia: chủ nghĩa quốc tế tự do của Kant, chủ nghĩa đế quốc tự do của Machiavelli, và chủ nghĩa hòa bình tự do của Schumpeter, xuất phát từ cách nhìn khác nhau về bản chất của con người trong xã hội.
Trong thế giới quan của Schumpeter, con người thường hành động theo lý tính, cá nhân, và dân chủ, tất cả đều có mục tiêu tương đối giống nhau là mưu cầu lợi ích kinh tế.
Con người theo quan điểm của Machiavelli thì có đa dạng nhiều loại mục tiêu, luôn tìm cách để thống trị kẻ khác và tránh bị thống trị.
Còn đối với Kant, con người trong xã hội theo đuổi nhiều mục tiêu các nhau, nhưng quan trọng là con người có khả năng nhận thức và gìn giữ các chuẩn mực đạo đức. Họ có khả năng tôn trọng sự bình đẳng về đạo đức của các cá nhân khác.
Theo đó, nhà nước trong quan điểm của Kant giải quyết các vấn đề quản trị các cá nhân bình đẳng để kiềm chế thói xấu trong các hành vi công cộng, để các cá nhân có thể hành xử với đạo đức tiềm năng.
Trong một nền cộng hòa, nhà nước giải quyết các vấn đề một cách hòa bình. Trong quan hệ với các quốc gia khác, nhà nước cộng hòa cũng có thể ứng xử một cách hòa bình.
Nhìn chung, sau khi xem xét các quan điểm khác nhau như chủ nghĩa quốc tế tự do mà Kant khởi xướng, chủ nghĩa đế quốc tự do mà Machiavelli đề ra, và chủ nghĩa hòa bình tự do mà Schumpeter bảo vệ, Doyle cho rằng Kant và chủ nghĩa quốc tế tự do để lại nhiều di sản nhất cho quan hệ quốc tế hiện đại.
Trong vòng một thập niên sau khi Doyle công bố nghiên cứu của mình vào năm 1986, thế giới trải qua rất nhiều biến động vũ trang. Nhiều cuộc xung đột nổ ra trong tầm khu vực, có sự tham chiến của các quốc gia dân chủ.
Thuyết dân chủ hòa bình vẫn đứng vững, tức không có bằng chứng đáng kể nào đi ngược lại với tiên đoán của thuyết này - không có cuộc chiến nào trực diện giữa hai quốc gia dân chủ.
Nghiên cứu của nhóm tác giả David Rousseau, Christopher Gelpi, và Paul Huth xuất bản năm 1996, có tựa đề “Assessing the Dyadic Nature of the Democratic Peace, 1918-88” (tạm dịch: Đánh giá bản chất song phương của thuyết dân chủ hòa bình, 1918-1988) đã làm rõ thêm bản chất của thuyết dân chủ hòa bình mà Doyle đã đặt ra. [2]
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy rằng đối với các cặp đôi quốc gia dân chủ - dân chủ, khả năng xảy ra xung đột vũ trang là ít nhất. Ngược lại, đối với các các cặp đôi khác giữa dân chủ - phi dân chủ, hay phi dân chủ - phi dân chủ, khả năng này cao hơn hẳn.
Kết quả này cũng cho thấy rằng, không có bằng chứng nào cho thấy là các quốc gia dân chủ thì có bản chất ôn hòa hơn. Cụ thể, họ chỉ ứng xử hòa bình với nhau, còn đối với các quốc gia phi dân chủ, họ vẫn hiếu chiến.
Nghiên cứu của Doyle thiết lập nên một nền tảng lý thuyết vững chắc để hiểu về mối quan hệ giữa dân chủ và tự do, có ảnh hưởng rộng lớn về cả nghiên cứu quan hệ quốc tế lẫn các quyết sách của các quốc gia.
Thực tế, lý thuyết dân chủ hòa bình (democratic peace theory) mà Doyle đề xuất trên đây là một trong những lý thuyết nền tảng vững chắc nhất trong khoa học chính trị cho tới nay.
Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.
1. Doyle, M. W. (1986). Liberalism and World Politics. American Political Science Review, 80(4), 1151–1169. https://doi.org/10.2307/1960861
2. Rousseau, David L., Christopher Gelpi, Dan Reiter, and Paul K. Huth. 1996. “Assessing the Dyadic Nature of the Democratic Peace, 1918-88.” American Political Science Review 90(3): 512–33