Tự truyện của một nhà hoạt động miền Nam ngồi tù trại cải tạo
Lòng yêu nước cá nhân không có chỗ đứng trong một chế độ đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối.
Trung thành với Vatican hay phục tùng chính quyền?
Đó là bài toán sinh tử với hàng triệu tín hữu Công giáo tại Trung Quốc suốt nhiều thập niên qua.
Dù bị đàn áp, Giáo hội Công giáo Trung Quốc không biến mất. Một mạng lưới bí mật hình thành trong lòng chế độ.
Giáo hội này được gọi là Giáo hội “hầm trú”.
Giữa những áp lực từ chế độ cộng sản và lòng trung thành của các tín hữu với Roma, nhiều linh mục, giám mục và giáo dân đã phải trả giá bằng sự tự do - thậm chí bằng cả mạng sống của mình.
Dưới chế độ cộng sản, Giáo hội “hầm trú” vẫn kiên trì tồn tại, cố thoát khỏi những ảnh hưởng từ chính quyền.
Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, tôn giáo đã trở thành một vấn đề chính trị ở quốc gia này.
Các tổ chức tôn giáo có quan hệ với nước ngoài - đặc biệt là Công giáo, với Giáo hoàng đứng đầu tại Vatican - được xem là mối đe dọa nghiêm trọng. Chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch nhằm cắt đứt mọi liên hệ giữa Giáo hội Công giáo Trung Quốc và Roma.
Năm 1951, Bắc Kinh trục xuất sứ thần Tòa Thánh ra khỏi đất nước. Năm 1957, chính phủ thành lập Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) với mục đích tách Giáo hội Công giáo Trung Quốc ra khỏi Vatican. [1] Theo đó, các giám mục không còn do Tòa Thánh bổ nhiệm mà do nhà nước lựa chọn. Nhiều nhà thờ bị phá hủy. Thánh giá bị hạ xuống. Linh mục và tu sĩ bị bắt giam.
Những linh mục, giám mục vẫn kiên quyết trung thành với Vatican và không gia nhập CCPA thì không được thi hành các sứ vụ linh mục. [2]
Với một số người, lựa chọn này chỉ mang tính hình thức. Họ ký vào bản tuyên bố nhưng vẫn ngầm trung thành với Giáo hoàng. Nhưng với những người khác, đó là vấn đề đức tin. Họ không thể thỏa hiệp. Và cái giá phải trả thường là tù đày.
Giáo hội “hầm trú” vẫn bí mật hoạt động; những linh mục trung thành với Vatican tiếp tục cử hành thánh lễ tại các căn nhà nhỏ, trên núi hoặc thậm chí trong rừng. [3]
Một tình thế trớ trêu: Một đất nước, hai giáo hội. Một giáo hội công khai, nhưng phải phục tùng chính quyền. Một giáo hội âm thầm, nhưng trung thành với Roma.
Vatican xem Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc như là một tổ chức mang tính chất ngoại giao nhằm duy trì đối thoại với chính phủ hơn là một tổ chức tôn giáo. [4]
Còn với Giáo hội “hầm trú”, Vatican xem đây là bộ phận hợp pháp và chính danh của Công giáo, vì những giám mục của Giáo hội này thường được tấn phong với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, nhưng không có sự chấp thuận từ chính quyền Trung Quốc.
Một trong những biểu tượng của Giáo hội “hầm trú” là Hồng y Cung Phẩm Mai (Kung Pin-Mei), Giám mục Thượng Hải. [5] Ông bị bắt năm 1955, bị kết án chung thân và giam cầm suốt 30 năm. Khi được trả tự do năm 1985, ông vẫn không từ bỏ đức tin của mình. Năm 1991, Giáo hoàng John Paul II đã bí mật phong hồng y cho ông.
Nhưng không phải ai cũng có thể kiên trì như Hồng y Cung. Nhiều giám mục và linh mục đã phải chịu sức ép cực lớn từ chính quyền.
Năm 2018, một sự kiện gây chú ý trong thế giới Công giáo: Vatican dưới thời Giáo hoàng Phanxicô ký với Trung Quốc một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục.
Theo thỏa thuận, Vatican sẽ có quyền từ chối các giám mục do chính quyền Trung Quốc đề cử. [6] Đây là một nhượng bộ hiếm thấy từ Bắc Kinh, vốn luôn lo ngại sự can thiệp từ bên ngoài.
Đổi lại, Vatican có thể phải yêu cầu nhiều cộng đồng địa phương chấp nhận các giám mục do chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm, thay vì các lãnh đạo Giáo hội “hầm trú”, những người đã chống lại sự kiểm soát của nhà nước suốt nhiều thập niên.
Đối với một số người, đây là một bước tiến tích cực, giúp chấm dứt tình trạng chia rẽ và một cuộc ly giáo tiềm tàng trong lòng Giáo hội Trung Quốc. [7]
Nhưng với nhiều người khác, đó là một sự thỏa hiệp nguy hiểm. Họ lo ngại rằng thỏa thuận này khiến Vatican phải nhượng bộ trước Bắc Kinh và quan trọng hơn là Giáo hội “hầm trú” sẽ bị bỏ rơi.
Giáo hoàng Francis sau đó bị chỉ trích gay gắt vì thỏa thuận này. [8] Nhiều người cho rằng ông quá ngây thơ khi tin Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ cho Tòa Thánh có tiếng nói trong chính sách tôn giáo. Các nhà thần học, nhà phân tích chính trị và giáo sĩ coi đây là hành động bán rẻ Giáo hội “hầm trú”.
Những lo ngại đó không phải là không có cơ sở. Sau khi thỏa thuận được ký kết, một số giám mục “hầm trú” bị gây áp lực phải gia nhập CCPA. Như Giám mục Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao) cùng nhiều giáo sĩ khác đã phải chịu sức ép từ chính quyền. [9] Trong lễ tấn phong, ông Bành đã phải đọc bản tuyên hứa “hướng dẫn Công giáo tuân theo xã hội chủ nghĩa”.
Hơn nữa, theo một báo cáo được Viện Hudson công bố năm 2024, Trung Quốc đã đàn áp giới lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo và đàn áp gia tăng kể từ thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Vatican năm 2018. [10]
Cho đến nay, thỏa thuận này vẫn là một bí ẩn - nội dung đầy đủ của nó chưa bao giờ được công khai.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi thứ. Các nhà thờ phải lắp camera giám sát. [11] Chính quyền cấm trẻ em dưới 18 tuổi đến nhà thờ. [12] Những ứng dụng đọc Kinh Thánh bị xóa khỏi App Store. [13]
Dẫu vậy, Công giáo vẫn tiếp tục tồn tại, không phải nhờ những thánh đường hay những thỏa thuận, mà nhờ vào đức tin của hàng triệu tín hữu. Như một giáo dân nói:
“Hơn ba mươi năm trước, chúng tôi thậm chí còn không có nhà thờ. Sự đàn áp trong lịch sử Giáo hội chưa bao giờ chấm dứt. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện.” [14]