Thư tháng Ba: Một tờ báo độc lập, của người Việt Nam, cho người Việt Nam
Tôi là Trịnh Hữu Long, tổng biên tập của Luật Khoa tạp chí. Tôi viết thư tháng Ba trong bối
Vụ việc tài xế tông xe liên hoàn ở TP. Thủ Đức (TP. HCM) vào ngày 16/3 đã nhận được sự chú ý của dư luận. Báo chí nhà nước đưa tin năng nổ về vụ việc này, và hầu hết các báo đều tập trung khai thác vấn đề: người cầm lái là nữ giới.
Dễ thấy rằng mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra, nếu tài xế là nam báo chí sẽ khai thác nghề nghiệp, và đối với nữ thì sẽ gắn họ với tuổi tác, tình trạng gia đình, tâm lý. Báo chí cũng khai thác nhanh thông tin hãng xe mà tài xế sử dụng.
Trong khi đó, có những vụ việc khác, ví dụ như tài xế gây tai nạn là cán bộ, là người trong ngành quân đội, hay làm cho một thương hiệu như Vinfast, Grab, v.v. thì báo chí lại hạn chế đưa tin hoặc nhắc tới rất mập mờ, ẩn tên.
Theo báo chí nhà nước, khoảng 17:00 giờ ngày 16/3, tại nút giao ngã tư Thủ Đức (TP. Thủ Đức, TP. HCM), đã xảy ra một tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo đó, tài xế điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp theo hướng từ ngã tư Bình Thái về cầu Đồng Nai. Khi đến giao lộ đường Võ Nguyên Giáp với đường Lê Văn Việt (ngã tư Thủ Đức), gặp đèn đỏ, tài xế điều khiển phương tiện giảm tốc độ, tuy nhiên bất ngờ lao tới húc văng các xe máy phía trước.
Xe tiếp tục lao thẳng qua ngã tư, tông vào nhiều xe máy. Trong đó, có một chiếc xe máy bị cuốn dưới gầm ô tô và bị kéo lê khoảng 50m cho tới khi dừng lại.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đến xử lý hiện trường, phân luồng giao thông để giảm tình trạng kẹt xe.
Tại hiện trường, có ít nhất năm xe máy nằm la liệt. Các nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu, trong số đó có một nạn nhân được cấp cứu với tình trạng nguy kịch.
Vào thời điểm này, báo chí liên tục đăng tải thông tin người cầm lái là nữ (41 tuổi, ở TP. Thủ Đức) và vấn đề nồng độ cồn trong người tài xế.
Tài xế khai với công an rằng mình đang gặp vấn đề về tình cảm gia đình, có tâm lý tiêu cực.
Trước khi xảy ra vụ tai nạn, bà đã uống rượu, mang theo một lá thư và lái xe đến nghĩa trang Phúc An Viên để tưởng niệm người cha quá cố.
Trên đường về, do đạp nhầm giữa chân phanh và chân ga, nên bà mới gây ra tai nạn.
Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của bà ở mức 0,664mg/lít khí thở và âm tính với ma túy.
Sáng 17/3, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. HCM xác nhận với báo chí rằng nạn nhân trong vụ tai nạn trên đã tử vong. Nạn nhân qua đời là chị T. (28 tuổi, ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), là cộng tác viên phiên dịch thủ ngữ cho Humans Of Hear.Us.Now (một tổ chức phi chính phủ dành cho cộng đồng người khiếm thính/khiếm thị).
Ngày 18/3, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Thủ Đức, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc - tài xế gây tai nạn - về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, được quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Công an xác định bà Ngọc điều khiển phương tiện giao thông khi cơ thể có nồng độ cồn.
Căn cứ theo Điểm b, Khoản 2, Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015, bà Ngọc có thể đối diện với khung hình phạt lên tới 10 năm tù.
Việc bà Ngọc có nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ là căn cứ cho tình tiết định khung hình phạt, cụ thể:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
[...]
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
[...]”
Ngoài ra, bà Ngọc không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ít nhất phải đến tháng 8/2025, bà Ngọc mới bị đem ra xét xử.
Căn cứ theo tính chất và mức độ nguy hiểm của vụ việc, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc được xác định có hành vi tội phạm rơi vào mức rất nghiêm trọng, theo Khoản 3, Điều 9 của Bộ luật Hình sự 2015.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời gian tạm giam để điều tra đối với bà Ngọc là ít nhất bốn tháng trước khi cơ quan công án có kết luận điều tra để gửi hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân để truy tố bị can.
Đây không phải là vụ án duy nhất làm xôn xao dư luận. Có thể điểm qua hai vụ án sau đây.
Khoảng 8:00 ngày 28/6/2022, Thiếu tá Hoàng Văn Minh (bấy giờ là trợ lý tài chính của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370, Quân khu 5) điều khiển ô tô, chở vợ là Huỳnh Thị Kim Hằng và ông Phạm Văn Võ, lưu thông trên Đường 16 Tháng 4 theo hướng từ biển Bình Sơn đến Quảng trường 16 Tháng 4, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Sắp sửa rẽ phải để vào một ngân hàng thì ông va chạm mạnh với xe máy biển số 85R9 - 1279 do em Hồ Hoàng Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) điều khiển cùng chiều.
Cú va chạm khiến nữ sinh ngã xuống đường, đập vào trụ đèn chiếu sáng trước cổng ngân hàng và tử vong tại chỗ.
Sau khi xảy ra tai nạn, Minh cùng vợ xuống kiểm tra tình trạng nạn nhân. Thấy Hoàng Anh bị thương nặng, Minh cùng ông Phạm Văn Võ nhanh chóng đưa em đi cấp cứu. Tuy nhiên, lo sợ vụ việc ảnh hưởng đến bản thân và đơn vị công tác, Minh đã nhờ ông Võ nhận thay là người điều khiển xe ô tô gây tai nạn.
Trong quá trình điều ra, Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm đưa ra kết luận giám định rằng có nồng độ cồn trong máu với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của em Hoàng Anh là 0,79mg/100ml máu.
Từ đó, sự việc càng gây xôn xao dư luận và bố của nạn nhân đâm đơn khiếu nại kết quả giám định này.
Do sức ép từ dư luận quá lớn, ngày 2/8/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận xin lỗi công khai, thừa nhận sai sót trong xét nghiệm nồng độ cồn ở nạn nhân.
Phía bệnh viện cũng kỷ luật năm người có liên quan quá trình xét nghiệm, đồng thời tuyên bố hủy kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu của em Hoàng Anh.
Ngày 11/8/2022, theo thông tin báo chí, Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thiếu tá Hoàng Văn Minh, chính thức tạm giam ông Minh sau hơn một tháng xảy ra vụ tai nạn.
Cũng trong quá trình điều tra cũng cho thấy, khi điều khiển xe, ông Minh sử dụng điện thoại và chuyển hướng không an toàn, thiếu quan sát nên mới dẫn đến tai nạn. Đồng thời, không có bất cứ sự ghi nhận nào về nồng độ cồn của công Minh tại thời điểm điều tra vụ án.
Ngày 5/12/2023, Tòa án Quân sự Khu vực 2 của Quân khu 5 (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) xét xử vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Hoàng Văn Minh.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo Minh lãnh án 14 tháng tù, buộc phải bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng 245 triệu đồng.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo kháng cáo mức hình phạt quá nặng và xin hưởng án treo.
Gia đình bị hại cũng kháng cáo vì cho rằng bản án còn nhẹ, mức bồi thường chưa phù hợp và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Ngày 11/4/2024, tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án Quân sự Khu vực 2 (Quân khu 5) bác đơn kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Minh. Tòa cũng bác đơn yêu cầu tăng hình phạt, tăng chi phí bồi thường của gia đình em Hoàng Anh. Tòa y án 14 tháng tù giam đối với thiếu tá Hoàng Văn Minh.
Ngay từ những ngày đầu xảy ra vụ tai nạn, báo chí đã tập trung đưa tin về đời tư cá nhân của nạn nhân, đồng thời hướng dư luận vào lỗi và trách nhiệm của Hoàng Anh - dù chính em là người duy nhất thiệt mạng trong sự việc này.
Khi phát hiện nồng độ cồn trong máu, thay vì tập trung vào trách nhiệm của ông Minh - người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn - thì báo chí lại tiếp tục khai thác triệt để hoàn cảnh của Hoàng Anh. Hình ảnh một cô gái sử dụng cồn bị thêu dệt, khiến dư luận có phần gay gắt và thiếu cảm thông.
Mãi đến khi gia đình nạn nhân lên tiếng và công luận bắt đầu đặt câu hỏi, đặc biệt là yêu cầu làm rõ vai trò của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, thì vụ việc mới ngã ngũ và được nhìn nhận khách quan hơn. Báo chí lúc này mới chuyển sang đưa tin trung lập về toàn cảnh vụ tai nạn, không còn gắn nhãn giới tính cho nạn nhân khi đề cập đến tai nạn.
Trong khi đó, việc điều hướng dư luận theo một chiều nhất định đã vô tình (hoặc hữu ý) tạo ra khoảng thời gian đủ lâu để ông Minh - người liên quan trực tiếp đến vụ việc - chuẩn bị phương án đối phó, kéo dài suốt hơn một tháng kể từ khi tai nạn xảy ra.
Mức án 14 tháng tù của Thiếu tá Minh đối vì hành vi gây ra cái chết cho một người có lẽ chỉ khiến công chúng bất ngờ, và khiến những người thương xót Hoàng Anh phẫn nộ. Tuy nhiên, với ông Minh, bản này này dường như không phải là một sự phán quyết đích thực, mà chỉ là một kết quả đã được tính toán sẵn.
Theo báo chí, chiều ngày 21/12/2024, ông Nguyễn Khương Duy (cán bộ thuộc Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Hình sự, Kinh tế và Ma túy, Công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển ô tô, đang di chuyển trên đường thuộc tổ 10 phường Nông Tiến, TP. Tuyên Quang thì gặp xe máy ở chiều ngược lại đang sang đường.
Tránh xe, ông Duy đánh lái ô tô đã đâm thẳng vào nhà dân bên cạnh và gây ra vụ tai nạn khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong tại chỗ.
Bước đầu, người phụ nữ ngồi chung xe của Duy đã khai nhận rằng mình là người trực tiếp điều khiển chiếc xe dẫn đến tai nạn, lực lượng chức năng đã xét nghiệm nồng độ cồn và không thấy phản ứng có mức nồng độ cồn vượt quá quy định.
Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, Duy đã thừa nhận việc anh mới chính là người cầm lái.
Việc “trộm long tráo phụng” này dẫn đến hậu quả là cơ quan cảnh sát điều tra đã không kịp thời lấy mẫu xét nghiệm nồng độ cồn của Duy, mặc dù sau đó cơ quan có thẩm quyền đã lấy mẫu xét nghiệm bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ kết quả nào được công khai trên báo chí.
Bất thường là không chỉ đối với vụ tai nạn trên do công an huyện Yên Sơn cầm lái, hầu hết các tờ báo trong nước đều đồng loạt lược bỏ chi tiết về thương hiệu của chiếc xe gây tai nạn - một mẫu xe VinFast do tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sản xuất.
Đây không phải là vụ tai nạn giao thông do có yếu tố nồng độ cồn hay người cầm lái là nữ.
Dù giới tính không liên quan đến khả năng gây tai nạn nhưng hễ người lái xe là phụ nữ thì báo chí liên tục khai thác giật lên tít “nữ tài xế”.
Nhiều tờ báo giật tít với cụm từ “nữ tài xế” như: “Khởi tố, bắt tạm giam nữ tài xế lái Mercedes tông 10 xe máy, một người tử vong ở Thủ Đức” (tờ Tuổi trẻ), hay “Nghi đạp nhầm chân ga, nữ tài xế lùi xe gây tai nạn liên hoàn ở Nghệ An” (Báo Quảng Ninh). Những tiêu đề này tạo ngay ấn tượng người gây tai nạn là nữ.
Điều đáng chú ý là cách đưa tin này thường chỉ áp dụng khi người lái xe là phụ nữ. Nếu thủ phạm gây ra tai nạn là nam giới, báo chí hiếm khi dùng từ “nam tài xế” trong tiêu đề; thay vào đó, họ thường chỉ viết chung chung “tài xế” hoặc “người lái xe” mà không đề cập giới tính.
Một chuyên gia về giới đã nhận định trên Zing News rằng: “Với những vụ tai nạn giao thông, nếu người gây tai nạn là nữ thì giới tính của họ sẽ được nhấn mạnh để củng cố thêm định kiến về khả năng lái xe của nữ giới”.
Nói cách khác, việc báo chí liên tục gắn mác “nữ tài xế” vô hình trung gợi lên định kiến rằng phụ nữ lái xe kém an toàn hơn nam giới.
Trong khi đó, tờ Zing News cũng trích dẫn số liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy nam giới chiếm tới khoảng 81% các vụ tai nạn, trong khi nữ giới chỉ khoảng 19%.
Tại Hà Nội, một thống kê vào năm 2018 cho thấy có 1.173 vụ tai nạn do nam gây ra, trong khi đó chỉ 161 vụ do nữ.
Nhiều tờ cũng thừa nhận rằng báo chí và mạng xã hội đưa tin rầm rộ hơn, giật tít gây sốc về “nữ tài xế”. Ví dụ điển hình là cách báo chí đưa tin vụ tai nạn do một tài xế BMW say rượu tại ngã tư Hàng Xanh (TP. HCM) vào năm 2018 tới mức vụ này “gây bão” trong một thời gian dài.
Theo nguyên tắc báo chí của một số nước có mức độ tự do báo chí cao thì việc nhắc đến giới tính, chủng tộc hay đặc điểm cá nhân chỉ nên làm khi có ý nghĩa đối với câu chuyện. Nếu không, nó bị xem là không cần thiết và dễ tạo thành và củng cố định kiến.
Các tờ báo nước ngoài thường trung tính hơn, dùng như “driver” (tài xế) hoặc “motorist” trong tiêu đề tai nạn, thay vì nhấn mạnh “female driver” (nữ tài xế).
Ví dụ, tờ Reuters có tít: “Driver plows onto Las Vegas Strip sidewalk 'like bowling ball', one dead, dozens hurt” (tạm dịch: “Tài xế lao lên vỉa hè Las Vegas Strip ‘như quả bóng bowling’, một người chết, hàng chục người bị thương”), dù trong vụ này tài xế là nữ. Nói cách khác, thông tin nữ giới chỉ là một yếu tố bổ sung chứ không phải là tâm điểm, yếu tố giật gân của vụ tai nạn giao thông.
Tự thân cụm từ “nữ tài xế” không có lỗi, vấn đề nằm ở mục đích sử dụng và tần suất xuất hiện của nó trên mặt báo.
Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.