Sư Minh Tuệ: Giới hạn giữa tự do tôn giáo và trật tự xã hội

Sư Minh Tuệ: Giới hạn giữa tự do tôn giáo và trật tự xã hội
Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Phước. Đồ hoạ: Thanh Tường / Luật Khoa.

Nhà sư Thích Minh Tuệ, một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, đã trở thành cái tên quen thuộc với công chúng qua hành trình đi bộ của mình. Chuyến đi từ Việt Nam sang Ấn Độ là một hành trình tu học của cá nhân nhà sư. Tuy nhiên, sự kiện này cũng làm dấy lên các câu hỏi về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, giới hạn của quyền này, và cách quản lý của các quốc gia đối với những hoạt động tương tự. [1] 

Qua đây, chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn vai trò của nhà nước trong việc cân bằng giữa tôn trọng quyền tự do của cá nhân, vừa đảm bảo lợi ích chung và duy trì trật tự công cộng.

Sư Minh Tuệ là ai? 

Nhà sư Thích Minh Tuệ, tên thật Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh, là một tu sĩ thực hành 13 hạnh đầu đà – lối sống khắc khổ của Phật giáo như đi bộ khất thực, ăn một bữa mỗi ngày trước 12 giờ trưa, và ngủ ở nơi hoang vắng. [2]

Ngày 12/12/2024, nhà sư Minh Tuệ cùng năm tu sĩ khác bắt đầu chuyến hành trình đi bộ từ Việt Nam, xuất phát tại cửa khẩu Bờ Y, hướng đến các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ như một phần trong hành trình tu học của mình.

Theo lời tu sĩ Minh Tuệ, điều quan trọng không phải là việc có đến được đích hay không, mà chính là những bài học tâm linh ông lĩnh hội được trên đường đi.

Hành trình này đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng Phật tử cũng như dư luận nói chung, song đồng thời cũng tạo ra những thách thức về trật tự xã hội khi đám đông tụ tập theo đoàn. 

Tự do tôn giáo: Quyền được bảo vệ nhưng không tuyệt đối 

Tự do tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) của Liên Hợp Quốc. [3] Công ước này khẳng định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng có quyền tự do lựa chọn, thực hành, và truyền bá tôn giáo, tín ngưỡng mà không bị phân biệt đối xử. 

Do đó, chuyến đi tu học của tu sĩ Minh Tuệ từ Việt Nam đến Ấn Độ nhằm mục đích học tập và trau dồi kiến thức tôn giáo là một quyền chính đáng, được quốc tế công nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo không mang tính tuyệt đối. Theo quy định tại Điều 18 của ICCPR, pháp luật quốc gia có thể giới hạn quyền này nếu sự hạn chế đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. 

Vì vậy, chuyến đi này của nhà sư Thích Minh Tuệ không chỉ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam mà còn có thể phải tuân theo các quy định pháp luật của các quốc gia khác nơi ông sẽ đến hoặc đi qua.

Đây chính là cơ sở pháp lý để nhà nước quản lý các sự kiện như chuyến đi của Thích Minh Tuệ. 

Đâu là ranh giới giữa tự do tôn giáo và trật tự xã hội?

Việc thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, dù mang ý nghĩa tích cực, đôi khi vẫn có thể gây ra những hệ lụy ngoài ý muốn. Chẳng hạn, khi hàng nghìn người đổ xô theo dõi và đi cùng sư Minh Tuệ, giao thông sẽ bị ách tắc và trật tự địa phương bị ảnh hưởng đáng kể.

Do đó, việc đặt ra giới hạn cho các hoạt động này không nhằm mục đích hạn chế quyền tự do tôn giáo, mà nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền cá nhân và lợi ích chung của xã hội.

Vấn đề là làm thế nào để xác định hợp lý ranh giới này, vừa không xâm phạm tự do tín ngưỡng, vừa giữ vững trật tự và ổn định xã hội.

Việt Nam và Thái Lan: Một vấn đề, hai cách tiếp cận    

Việt Nam đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ với hành trình của nhà sư Minh Tuệ. Vào tháng 6/2024, ông từng phải tạm dừng bộ hành để làm thẻ căn cước, nhằm đảm bảo an ninh và tránh tình trạng tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng. [4] 

Chính quyền địa phương cũng giám sát chặt chẽ, thậm chí yêu cầu ông ‘ẩn tu’ tại một địa điểm bí mật khi lượng người theo dõi gây áp lực lớn lên trật tự xã hội. Cách tiếp cận này thể hiện rõ ưu tiên hàng đầu của chính quyền là duy trì sự ổn định vốn có của xã hội. 

Ngược lại, Thái Lan lựa chọn hỗ trợ khi đoàn của Thích Minh Tuệ đi qua lãnh thổ nước này vào cuối tháng 12/2024. [5] Chính quyền Thái Lan cử lực lượng cảnh sát bảo vệ, kiểm tra giấy tờ, và tạo điều kiện để đoàn tiếp tục hành trình. 

kiểm tra những YouTuber đi theo đoàn, chính quyền Thái Lan không gây khó khăn, mà chỉ nhằm đảm bảo đoàn có thể hoàn thành chuyến đi một cách an toàn. [6]

Cách xử lý của Thái Lan phản ánh tinh thần ủng hộ các hoạt động tôn giáo hòa bình, phù hợp với văn hóa Phật giáo vốn rất mạnh mẽ tại quốc gia này. 

Nhà nước nên hành động như thế nào? 

Từ hai cách tiếp cận trên, có thể thấy mỗi quốc gia đều có lý do và bối cảnh riêng. Việt Nam nhấn mạnh việc kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự xã hội, trong khi Thái Lan chọn cách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo. 

Vậy đâu là hướng đi phù hợp? 

Trước hết, nếu một hoạt động tôn giáo ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, việc ngăn chặn hoặc điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, khi các hoạt động tôn giáo mang lại những giá trị tinh thần cho cộng đồng – như chuyến hành hương của sư Minh Tuệ hay các lễ hội truyền thống – nhà nước nên đóng vai trò bảo vệ và hỗ trợ. 

Ở Việt Nam, mỗi năm chính quyền đều tổ chức nhiều lễ hội, chẳng hạn như bắn pháo hoa trong các dịp lễ lớn, lễ hội dân gian, đồng thời bố trí lực lượng để đảm bảo an toàn và mang lại niềm vui cho người dân. Đây là minh chứng rõ ràng rằng nhà nước có thể vừa quản lý, vừa hỗ trợ các hoạt động văn hóa, tôn giáo.

Để làm được điều này, nhà nước cần xây dựng quy định rõ ràng về các sự kiện tôn giáo công cộng, yêu cầu đăng ký trước và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để lập kế hoạch. Đồng thời, việc bố trí lực lượng an ninh hỗ trợ, như cách Thái Lan đã làm, sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cả người tham gia và cộng đồng xung quanh.

Chuyến đi của sư Minh Tuệ không chỉ là một hành trình tu học cá nhân mà còn là cơ hội để chúng ta suy ngẫm về mối quan hệ giữa quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và việc giữ gìn trật tự xã hội. 

Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hai yếu tố này, vừa bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Một cách tiếp cận linh hoạt, vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa quản lý chặt chẽ, sẽ là chìa khóa để những hành trình như của sư Minh Tuệ diễn ra an toàn, đồng thời lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng.


Chú thích

1. Trọng Phụng. (2024, November 28). Luật Khoa 360: Thích Minh Tuệ và 3 bức tâm thư gây chú ý. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/11/luat-khoa-360-thich-minh-tue-va-3-buc-tam-thu-gay-chu-y/

2. Kha, H. (2025, February 12). Toàn cảnh: Mối quan hệ giữa nguyên thượng tá Đoàn Văn Báu với đoàn của Thích Minh Tuệ rạn nứt. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2025/02/toan-canh-moi-quan-he-giua-nguyen-thuong-ta-doan-van-bau-voi-doan-cua-thich-minh-tue-ran-nut/

3. CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ. (n.d.). https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Lists/CongUocQuocTe/Attachments/10/1.%20Cong%20uoc%20ICCPR%20-%20VN.pdf

4. Long, B. N. (2024, June 3). “Sư Thích Minh Tuệ” đã tự nguyện dừng cuộc đi bộ. Thanhnien.vn; https://thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/su-thich-minh-tue-da-tu-nguyen-dung-cuoc-di-bo-185240603123711188.htm

5. Cảnh sát Thái Lan: “Không có giao thiệp nào với phía Việt Nam” trong chuyến bộ hành của sư Thích Minh Tuệ. (2025, January 3). Tiếng Việt; Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thailand-phat-giao-vietnam-khong-lien-he-truoc-ve-chuyen-bo-hanh-su-thich-minh-tue-01032025095927.html

6. Quốc Vũ. (2025, February 14). Thực hư chuyện cảnh sát di trú Thái Lan bắt giữ tăng đoàn của sư Minh Tuệ. Tiếng Việt; Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/02/13/canh-sat-thai-kiem-tra-doan-khat-thuc-cua-minh-tue/

Đọc thêm:

Lộ diện bản đồ hành chính mới; Thích Minh Tuệ nhập cảnh Malaysia
Tuần tin có các sự kiện nổi bật: Chuẩn bị sửa Hiến pháp và Điều lệ Đảng Cộng sản; Làn sóng sắp xếp báo chí nhà nước; Thích Minh Tuệ xuất cảnh sang Malaysia; Nhiều ông lớn ngành ngân hàng “tinh gọn lao động”.
Kiến nghị 72 và hiến pháp đại chúng: Khi công dân tham gia lập hiến
Đã hơn 10 năm kể từ khi cuộc cải cách hiến pháp năm 2013 khép lại. Nhiều người có lẽ vẫn nhớ không khí sôi nổi hào hứng của cuộc thảo luận hiến pháp năm đó, đặc biệt là những hoạt động của nhóm Kiến nghị 72 và trang “Cùng viết Hiến pháp” của các trí thức.

Luật Khoa cần bạn!

Chúng tôi không nhận ngân sách nhà nước, cũng không thuộc tổ chức hay doanh nghiệp nào có tài chính dồi dào. Kinh phí hoạt động của chúng tôi một phần đến từ các nhà tài trợ - ủng hộ việc làm báo độc lập của Luật Khoa, phần còn lại đến từ chương trình Đọc báo trả phí.

Chúng tôi chọn đặt niềm tin vào độc giả, vào những người Việt Nam trân trọng báo chí độc lập, chất lượng, chân thực và đa chiều để vượt qua giai đoạn sóng gió này. Nếu bạn tin rằng báo chí độc lập cần tồn tại ở Việt Nam, chúng tôi mong bạn cùng đồng hành.

Đăng ký Member

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.