Tin tức nổi bật trong tháng 3/2025

Tin tức nổi bật trong tháng 3/2025
Nguồn ảnh: BBC News, ABC News, TTXVN, RFA, VPG News.

Các sự kiện nổi bật trong tháng Ba:

  • Sáp nhập tỉnh, thành trước ngày 30/8
  • Đài VOA, RFA có nguy cơ bị xóa sổ
  • Loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
  • Việt Nam nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Indonesia và Singapore
  • Lộ diện “bộ sậu” của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia
  • Sun Group sắp cung rước xá lợi Phật từ Ấn Độ?

Cấp tập sửa đổi Hiến pháp và sáp nhập tỉnh

“Kỷ nguyên vươn mình” - thông điệp của Đảng Cộng sản đưa ra - đã đi kèm với một loạt cải cách, khiến không ít người “giật mình”.

Ông Tô Lâm đã trở thành lãnh đạo tối cao trong hệ thống chính trị Việt Nam từ tháng 8/2024. Kể từ đó, bộ máy chính quyền đã trải qua nhiều “cuộc đại phẫu”, từ tái cơ cấu các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, cho tới chủ trương sáp nhập tỉnh, thành và bỏ cấp huyện như hiện nay.

Theo chỉ đạo của đảng, Đảng ủy Quốc hội sẽ chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án sửa đổi Hiến pháp năm 2013; còn Đảng ủy Chính phủ chủ trì lấy ý kiến các cấp địa phương để nghiên cứu, xây dựng tờ trình, đề án sáp nhập tỉnh, thành.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sau khi tiếp nhận báo cáo của Đảng ủy Chính phủ vào ngày 11/3, Bộ Chính trị đã thống nhất một số phương án liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính trên cả nước.

Theo đó, Đảng ủy Chính phủ đã đề xuất sắp xếp còn 50% tỉnh, thành; đồng thời giảm khoảng 60 - 70% đơn vị cấp cơ sở so với hiện nay.

Theo phương án cải tổ của Bộ Chính trị, Việt Nam sẽ còn hai cấp, đó là cấp tỉnh và cấp xã.

Trong đó, việc sắp xếp cấp xã dự kiến được hoàn thành trước ngày 30/6.

Việc bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh được thực hiện sau khi sửa Hiến pháp, dự kiến hoàn tất trước ngày 30/8.

Ngày 23/3, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 18/BNV-CQĐP, yêu cầu các địa phương tạm dừng việc sắp xếp đơn vị hành chính theo tiêu chuẩn được quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 1211, Nghị quyết 27, Nghị quyết 35), do các văn bản này không còn phù hợp tình hình hiện tại.

Sáng 24/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo sẽ lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp trong vòng một tháng, dự kiến diễn ra trong tháng Năm và tháng Sáu. Sau đó, cơ quan nhà nước sẽ có năm ngày để tổng hợp và báo cáo cho cấp thẩm quyền.

Theo ông Mẫn, Quốc hội đã nghiên cứu, xây dựng đề án và báo cáo “rất công phu”, trong đó tập trung rà soát 58 văn bản của đảng, 12 điều khoản của Hiến pháp và 421 văn bản pháp luật.

Đến ngày 25/3, nhiều tờ báo trong nước đưa thông tin về việc toàn quốc dự kiến còn 34 tỉnh, thành. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều tờ, như VnExpress, đã thay đổi con số 34 tỉnh, thành ở tiêu đề.

Cùng ngày 25/3, Bộ Nội vụ thông báo đang lấy ý kiến liên quan dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương (sửa đổi). Dự thảo luật này có một số điểm đáng chú ý sau:

(1) Giảm 50% tỉnh, thành.

(2) Chính quyền địa phương cấp tỉnh sẽ phân cấp, ủy quyền cho chính quyền cấp cơ sở nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Tăng cường phân cấp cho chính quyền phường, đặc khu.

(4) Sửa đổi tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh, tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân ở miền núi.

(5) Quy định số lượng tối đa đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp cơ sở là 40 và giữ nguyên đối với các xã có vị trí biệt lập.

(6) Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp cơ sở dự kiến có năm cơ quan chuyên môn.

Dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 sẽ diễn ra từ đầu tháng Năm, tập trung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và một số văn bản pháp luật. Đồng thời, thông tin liên quan về việc sắp xếp tên gọi các tỉnh sau khi sáp nhập cũng được kỳ vọng công bố chính thức tại kỳ họp này.

Đài VOA, RFA có nguy cơ bị đóng cửa

Trong tháng Ba, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua cuộc tinh gọn. Việc sắp xếp báo chí nổi lên vào cuối năm 2024 khi các đài truyền hình lớn phải dừng hoạt động.

Không chỉ có báo chí nhà nước phải đối mặt với nguy cơ bị giải thể, các cơ quan báo chí quốc tế đưa tin về Việt Nam có thể cùng chung số phận, khi Đài Á Châu Tự do (RFA) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đang đứng trước khả năng phải ngừng hoạt động.

Cụ thể, vào ngày 14/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh tinh gọn tối đa bảy cơ quan công lập, trong đó có Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) - đơn vị chủ quản của RFA Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt và nhiều đài quốc tế khác.

RFA có thể sẽ ngưng hoạt động”. Đó là thông báo được RFA đăng tải vào sáng 16/3.

Đến ngày 19/3, RFA thông báo tạm thời cho hàng trăm nhân viên ở Mỹ nghỉ việc. RFA cũng cho biết sắp đến sẽ cập nhật tin tức với “số lượng hạn chế” hơn bình thường.

Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi sắc lệnh của ông Trump được ban hành, có hơn 1.300 nhân viên của VOA nhận được email cho nghỉ phép từ ngày 15/3.

Ông Michael Abramowitz, giám đốc VOA, chia sẻ trên tài khoản LinkedIn rằng: “Tôi vô cùng đau buồn khi phải nói rằng lần đầu tiên sau 83 năm hoạt động, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ buộc phải im lặng [...].”

Theo Reuters, vào ngày 21/3, một số nhà báo của VOA và công đoàn đại diện đã đệ đơn kiện chính quyền ông Trump với lý do vi phạm quyền tự do ngôn luận. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cũng xác nhận sẽ đồng hành cùng VOA trong vụ kiện này.

Không chỉ RFA và VOA, nhiều cơ quan báo chí độc lập khác trên thế giới cũng gặp khó khăn tương tự khi chính quyền ông Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

VOA là đài truyền thông lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ, được thành lập từ năm 1942 và phát sóng với 47 ngôn ngữ khác nhau đến nhiều quốc gia, bao gồm những nước có chính sách kiểm duyệt thông tin như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, v.v.

Ra đời muộn hơn, RFA bắt đầu hoạt động từ năm 1996 với mục tiêu “thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền”. Hiện tại, đài mở rộng đưa tin tức với chín thứ tiếng khác nhau ở khu vực châu Á.

Cả hai đài này đều hoạt động dựa vào nguồn hỗ trợ ngân sách từ Chính phủ Mỹ, được phân bổ thông qua USAGM. Theo báo cáo vào năm 2024, USAGM có khoảng 3.500 nhân viên, với tổng ngân sách 886 triệu USD.

Cáo buộc nhiều quan chức nhận hối lộ trong vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn

Sau hơn một năm im ắng, vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã thu hút sự chú ý trở lại, khi cơ quan công an công bố số tiền nhận hối lộ liên quan đến các quan chức lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) có kết luận điều tra về các vi phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các bên liên quan.

Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Công an cũng đề nghị khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu “Pháo”) với ba tội danh “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về kế toán”, và “vi phạm quy định về đấu thầu”.

Ông Hậu bị cáo buộc đã chi 132 tỷ đồng để hối lộ nhiều quan chức cấp cao nhằm trốn thuế, kê khai sai các số liệu tài chính và các hành vi trái pháp luật khác.

Trong số chín quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, hai nhà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc được cho là nhận nhiều nhất. Cụ thể, bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu bí thư Tỉnh ủy, nhận 25 tỷ đồng và một triệu USD; ông Lê Duy Thành, cựu chủ tịch UBND tỉnh, nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD.

Tại Quảng Ngãi, ông Hậu còn tiếp tục đưa hối lộ cho ba quan chức của tỉnh này, bao gồm:

(1) Ông Đặng Văn Minh (cựu giám đốc Sở Giao thông - Vận tải) nhận 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD.

(2) Ông Cao Khoa (cựu chủ tịch UBND tỉnh) nhận sáu tỷ đồng và 20.000 USD.

(3) Ông Lê Viết Chữ (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh) nhận sáu tỷ đồng.

Riêng đối với ông Nguyễn Văn Hậu, công an đã thu giữ 534 lượng vàng; 1,1 triệu USD; 41,5 tỷ đồng và ba chiếc xe sang.

Ngoài ra, công an cũng đã phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng đứng tên ông Hậu, trong đó có một tài khoản với số dư lên tới 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vụ án này cũng được cho là có liên quan tới việc ông Võ Văn Thưởng phải xin thôi chức vụ chủ tịch nước, ủy viên Bộ Chính trị hồi tháng 3/2024. Một số sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn xảy ra trong thời gian ông Thưởng làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 - 2014).

Trong số 41 bị can liên quan, ông Đặng Trung Hoành (cựu chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - cùng quê với ông Thưởng) bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi” và nhận 75,6 tỷ đồng từ ông Hậu trong giai đoạn 2017 - 2024. 

Ông Hoành khai đã dùng số tiền này để hỗ trợ kinh phí cho địa phương và mua đất “cho lãnh đạo cấp trên”.

Đến nay, vụ án này được xác định đã làm thiệt hại 963,9 tỷ đồng ngân sách nhà nước, trong đó có 459,4 tỷ đồng thiệt hại từ vi phạm đấu thầu và 504,5 tỷ đồng từ việc gian lận sổ sách kế toán.

Các bị can trong vụ án được cho đã nộp lại 118 tỷ đồng và 900.000 USD để khắc phục hậu quả.

Cơ quan công an đề nghị Viện Kiểm sát xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những người có thái độ hợp tác, tự nguyện nộp lại tài sản.

Việt Nam có thêm hai Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trong tháng Ba vừa qua, Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện với hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Singapore. Sự kiện này diễn trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 9 - 13/3.

Ngày 10/3, Báo Chính phủ đưa tin Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đây là bước tiến quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955 - 2025). Đáng chú ý, Việt Nam cũng trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện đầu tiên của Indonesia trong khối ASEAN.

Về thương mại, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 16,7 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm 2023. Hai nước đặt mục tiêu nâng con số này lên 18 tỷ USD vào năm 2028.

Ngoài ra, hai nước cũng cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, v.v.

Vào ngày 11/3, ông Tô Lâm tiếp tục thăm Singapore theo lời mời của Thủ tướng Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài). Ngay sau cuộc hội đàm này, hai nước công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong Tuyên bố chung, Việt Nam và Singapore cam kết tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo, kinh tế xanh và kinh tế số.

Một điểm đáng chú ý trong trong chuyến thăm là Singapore đã đặt tên loài hoa lan tại Vườn Lan Quốc gia thuộc Vườn Thực vật Singapore là “Papilionanda Tô Lâm Linh Ly”, kết hợp tên của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân của ông - bà Ngô Phương Ly. Đây là truyền “ngoại giao hoa lan” nổi tiếng của Singapore dành cho các nguyên thủ quốc gia.

Nêu thêm, kể từ khi nhậm chức tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có nhiều chuyến công du và thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ đối ngoại, điển hình là với Mông Cổ (Đối tác Toàn diện), với PhápMalaysia (Đối tác Chiến lược Toàn diện).

Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện với 12 quốc gia, bao gồm Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Úc (3/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024), New Zealand (2/2025), Indonesia (10/3/2025) và Singapore (12/3/2025).

Ra mắt dàn lãnh đạo của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia

Ngày 10/1, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ về việc thành lập Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia.

Hiệp hội này đóng vai trò kết nối giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu.

Ngày 22/3, phát biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của hiệp hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra bảy nội dung trọng tâm cho tổ chức này, bao gồm: (1) hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu; (2) phát triển, khai thác nguồn dữ liệu quốc gia; (3) ứng dụng, làm chủ các công nghệ dữ liệu mới; (4) xây dựng hạ tầng dữ liệu có sự tham gia của nhà nước và tư nhân; (5) tăng cường hợp tác quốc tế về dữ liệu; (7) ngành công an đi đầu trong quản lý, kiểm duyệt thông in; (8) xây dựng cơ chế bảo mật dữ liệu.

Cơ cấu bộ máy nhân sự của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia cũng lần đầu được hé lộ tại sự kiện trên.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang được bầu giữ chức chủ tịch hiệp hội.

Phó chủ tịch thường trực là thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long.

Phó chủ tịch điều hành là Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Bộ Công an.

Đáng chú ý, đa số các thành viên của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia là những chủ doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trong nền kinh tế Việt Nam, điển hình là ông Trương Gia Bình, chủ tịch Công ty Cổ phần FPT; ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Trần Minh Sơn, phó chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group); ông Hoàng Quốc Việt, chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Hoàng, v.v.

Đây là những doanh nghiệp dẫn đầu nhiều ngành, nắm trong tay lượng thông tin khổng lồ về thị trường của nền kinh tế quốc dân.

Và tất cả những thông tin này sẽ đặt dưới sự quản lý, giám sát trực tiếp từ Bộ Công an. 

Trước đó, ngày 1/3, Bộ Công an cũng thành lập Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.

Sun Group tổ chức lễ rước xá lợi Phật ở núi Bà Đen?

Trong tháng qua, thông tin về việc Việt Nam thỉnh xá lợi Phật từ Ấn Độ thu hút sự chú ý của người dân. Dù vậy, nhiều cơ quan báo chí nhà nước đã đăng thông tin bất nhất về việc này.

Hồi tháng Một, Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết việc thỉnh xá lợi được Chính phủ và Bộ Ngoại giao hỗ trợ về mặt đàm phán với phía Ấn Độ.

Đến cuối tháng Hai, tại cuộc họp chuẩn bị Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025 được tổ chức ở TP. HCM, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với các đề xuất của GHPGVN, trong đó “đang xem xét” cho phép GHPGVN cung rước xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni từ Ấn Độ về tôn trí trong Đại lễ Vesak.

Từ sự kiện này, một số tờ như Tiền Phong, Thanh Niên, Giác Ngộ, v.v, đã đưa thông tin Chính phủ “đang xem xét” việc rước xá lợi.

Tuy nhiên, một số báo khác lại đưa thông tin (cũng từ khuôn khổ cuộc họp) rằng Chính phủ đã phê duyệt đề án cho thỉnh xá lợi. Điển hình là tờ Tuổi Trẻ với tiêu đề: “Chấp thuận cho rước xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ…”, nội dung cho biết Chính phủ đã đồng ý cho GHPGVN tổ chức việc rước xá lợi và tiếp nhận xá lợi trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức trong khuôn khổ Vesak 2025.

Đang lúc Chính phủ còn im hơi lặng tiếng thì vào đầu tháng Ba, Sun Group cùng một số tờ báo như Văn hóa, Tây Ninh, VnExpressSài Gòn Giải Phóng đã công bố lịch trình của Vesak 2025.

Trong đó, Sun Group thông báo rằng tập đoàn này sẽ hỗ trợ tham gia Đại lễ Vesak 2025 và vào ngày 8/5, tại đỉnh núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) sẽ diễn ra lễ cung rước và tôn trí xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được rước về từ Ấn Độ. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức các nghi lễ đặc biệt (như trồng cây bồ đề lưu niệm) để đón hàng nghìn đại biểu về dự.

Sun Group là tập đoàn đang đầu tư phát triển khu du lịch Sun World Ba Den Mountain ở núi Bà Đen, từ hệ thống cáp treo, quảng trường, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, cho đến khu triển lãm Phật giáo và không gian an vị ngọc xá lợi, v.v.

Hiện nay, tại núi Bà Đen cũng có lưu giữ một ngọc xá lợi của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là ngọc xá lợi do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, trao tặng Việt Nam vào năm 2014.

Ban đầu, ngọc xá lợi này được lưu giữ tại chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định). Tuy nhiên đến ngày 2/6/2023, dịp Đại lễ Phật Đản, ngọc xá lợi đã được cung nghinh về an vị tại đỉnh núi Bà Đen.

Kể từ đó, toàn bộ ảnh cung cấp cho báo chí liên quan đến xá lợi đều do Sun Group phát hành.

Đến nay, Chính phủ chưa đưa ra một thông báo công khai, chính thức nào về việc đã phê duyệt đề án tôn trí xá lợi trong đại lễ, cũng như đồng ý cho Sun Group cung rước xá lợi.

Toàn bộ thông tin có liên quan đến quyết định Chính phủ chủ yếu được xác nhận gián tiếp từ lãnh đạo của Ban Tôn giáo, qua các cuộc họp.

Theo nguồn tin của phóng viên Luật Khoa tạp chí, phía GHPGVN muốn sau khi cung rước xá lợi về tôn trí trong Đại lễ Vesak thì sẽ an tọa xá lợi ở núi Bà Đen. Lý do, đây là khu vực rộng, cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho Phật tử thập phương đến chiêm bái. Tuy nhiên, Ban Tôn giáo vẫn chưa đồng ý với phương án này và đặt câu hỏi vì sao an vị xá lợi ở núi Bà Đen chứ không phải là một nơi khác.

Đọc thêm:

Sun Group sắp cung rước xá lợi Phật từ Ấn Độ?; ‘Bộ sậu’ của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia
Các sự kiện nổi bật: Sun Group thông báo sắp sửa thỉnh xá lợi Phật ở núi Bà Đen; Dự kiến có 11 tỉnh, thành không bị sáp nhập; Ra mắt dàn lãnh đạo của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia; Chìm tàu cá tại Quảng Nam: một người tử vong, bốn người mất tích.
Tin tức nổi bật trong tháng 2/2025
Các sự kiện nổi bật trong tháng Hai: * Chuẩn bị “đại phẫu” các đơn vị hành chính * Người dân “đổ xô” đi đổi bằng lái * Truy tố nhà báo Huy Đức * Thích Minh Tuệ và những “trưởng đoàn” Chuẩn bị sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện Sau “cuộc đại
Tin tức nổi bật trong tháng 1/2025
Các sự kiện nổi bật trong tháng Một: Chốt phương án tinh gọn bộ máy; Kẹt xe nghiêm trọng ở Hà Nội và TP. HCM sau khi Nghị định 168 có hiệu lực; Thích Minh Tuệ đi bộ tới đất Phật; Hai cựu đại biểu Quốc hội bị phạt tù; “Sóng gió” ở Hội Nhà văn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.