Toàn cảnh đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Toàn cảnh đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát
Đồ họa: Thanh Tường / Luật Khoa.

Tháng 10/2022, ở nước ta đã xảy ra một sự kiện chấn động trong ngành ngân hàng.

Đó là từ ngày 6/10/2022, khách hàng đồng loạt kéo đến các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) để rút tiền. Ở nhiều điểm giao dịch, xảy ra tình trạng ùn tắc, hoảng loạn. Đơn cử là tại phòng giao dịch Xã Đàn (Hà Nội), người dân phải xếp hàng từ 2 giờ sáng để rút tiền.

Sự việc này xảy ra khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ chín lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn An Đông - một công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Mặc dù Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB và bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không giữ chức vụ quản lý, điều hành tại SCB (công khai trên mặt giấy tờ), nhưng vào thời điểm này, hầu như ai cũng ngầm hiểu chuyện Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát “như hình với bóng” vì SCB đã cấp nhiều khoản vay cho các công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này. Do đó, nếu Vạn Thịnh Phát gặp trục trặc thì SCB cũng lao đao.

Lo sợ ngân hàng bị sụp đổ, cộng thêm hiệu ứng từ tâm lý đám đông, nên người dân kháo nhau đi rút tiền.

Đám đông ngày càng lớn khi vào ngày 8/10/2022, công an bắt bà Trương Mỹ Lan.

Người dân đổ xô đi rút tiền sau khi nghe tin Trương Mỹ Lan bị bắt. Nguồn ảnh: Báo Dân Việt.

Để trấn an người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định đảm bảo thanh khoản cho SCB, đồng thời đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Cơ quan này cũng cam kết rằng SCB vẫn hoạt động bình thường. Tại nhiều điểm giao dịch, công an và bảo vệ được huy động để ổn định tình hình. 

Đồng thời, Bộ Công an cũng đã xử lý nhiều người với cáo buộc tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và kích động người dân rút tiền ồ ạt tại SCB.

Kể từ đó, vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã trải qua quá trình điều tra và xét xử với nhiều diễn biến quan trọng.

Cái tên “Vạn Thịnh Phát” từng một thời được mệnh danh là một trong số các “chaebol” ở Việt Nam, thì giờ đây chỉ còn gợi người ta nhớ đến vụ “rút ruột” Ngân hàng SCB, hay những tòa nhà, dự án bất động sản dang dở.

Bài viết này sẽ cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh về đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát.

Trương Mỹ Lan là ai?

Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956) còn có tên gọi khác là Trương Muội, là người Việt gốc Hoa và được mệnh danh là “bà trùm bất động sản”.

Năm 1991, bà Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee (còn gọi là Chu Lập Cơ) lập Công ty Vạn Thịnh Phát, chuyên đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ tài chính.

Nhiều tờ báo đã đặt nghi vấn rằng nhờ mối quan hệ thân thiết với gia đình ông Lê Thanh Hải - người khi đó là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và bí thư Thành ủy TP. HCM (từ năm 2005 - 2010, ông Lê Thanh Hải có vợ là bà Trương Thị Hiền và chị vợ là bà Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước), bà Lan mới có thể sở hữu nhiều bất động sản lớn tọa lạc trên nhiều tuyến đường đắt đỏ của Sài Gòn.

Năm 2004, Vạn Thịnh Phát xây tòa nhà Windsor Plaza Hotel - một khách sạn cao cấp nhất tại TP. HCM vào thời điểm đó. Năm 2006, nơi này nơi được Chính phủ chọn để tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC.

Năm 2011, bà Trương Mỹ Lan được chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Vợ chồng bà Lan nhận Huân chương lao động ngày 30/4/2011. Nguồn ảnh: Báo Tiếng Dân.

Có một sự kiện đáng chú ý diễn ra vào giữa năm 2014 khi bà Lan cùng các thành viên trong gia tộc họ Trương đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng đến tháng 6/2015 thì rút hồ sơ.

Tháng 5/2016, Hiệp hội Các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố “Hồ sơ Panama”, qua đó, tiết lộ cách hàng ngàn cá nhân và tổ chức trên thế giới dùng các công ty vỏ bọc ở nước ngoài để trốn thuế, rửa tiền hay che giấu tài sản.

Tên Truong My LanEric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ) - chồng bà Lan xuất hiện trong danh sách này. Cả hai được cho là người thụ hưởng của EurAsia ID Concept Group Limited - công ty đăng ký tại British Virgin Islands, liên quan đến Multi-Check Limited.

Nguồn: Hiệp hội Các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).

Tính đến thời điểm bị bắt, bà Lan sở hữu hàng loạt bất động sản “khủng” tại TP. HCM, như tòa nhà Sherwood Residence (từng là nơi ở của bà Lan), tòa nhà Times Square (ở số 26 - 36 Nguyễn Huệ, quận 1, là khách sạn 6 sao đầu tiên ở TP. HCM, do ông Chu Lập Cơ làm chủ tịch Hội đồng Quản trị), tòa nhà Union Square (số 19 - 25 Nguyễn Huệ, quận 1, do con gái bà Lan đứng tên và được SCB thuê làm trụ sở trong nhiều năm), dự án Amigo (nằm tại bốn mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, quận 1), dự án Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7), v.v.

Bà Lan từng khai tại tòa rằng chỉ cần bán 10% tài sản bất động sản đã có thể thu về khoảng 500.000 tỷ đồng, và bán chưa đến 10% cổ phần, cổ phiếu có thể thu về 100.000 - 200.000 tỷ đồng, khi nói về giải pháp khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Trong khi đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp, bao gồm các công ty con và công ty thành viên trong và ngoài nước, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor (do bà Trương Mỹ Vân làm Tổng giám đốc), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, v.v. Theo cáo trạng, các công ty "ma" được thành lập để lập khống hàng ngàn hồ sơ vay vốn.

Tòa nhà Saigon Times Square nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh: Times Square Việt Nam.

Giai đoạn 1


Quá trình điều tra giai đoạn 1:


Ngày 8/10/2022, bà Trương Mỹ Lan bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 15/01/2023, ông Nguyễn Cao Trí, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn - Đại Ninh bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Trí đã chỉ đạo nhân viên tiêu hủy chứng cứ liên quan đến 40 triệu USD mà bà Lan đã chuyển cho ông, nhằm mục đích chiếm đoạt.

Chiều 28/3/2023, C03 khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng (Cục II) của Ngân hàng Nhà nước về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bà Nhàn bị cáo buộc đã báo cáo không trung thực, khiến việc giám sát Ngân hàng SCB không đầy đủ.

Chiều 2/10/2023, trong một buổi họp báo của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết có hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư bị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lừa đảo, chiếm đoạt.

Ngày 23/11/2023, cơ quan chức năng khởi tố thêm hai vụ án, nâng tổng số bị can lên thành 108, trong đó có 23 người là lãnh đạo cấp vụ, cục và cán bộ cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát ngân hàng, lãnh đạo thanh tra, ngân hàng địa phương.

Ngày 15/12/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan với ba tội danh, cùng 85 bị cáo khác trước Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM để xét xử sơ thẩm.

Trong số đó, có 13 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình. Các tội danh mà bà Lan bị truy tố gồm: (1) tham ô tài sản (sử dụng hồ sơ vay vốn giả mạo để chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB); (2) đưa hối lộ; (3) vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 (từ ngày 5/3 - 11/4/2024)


Thành phần tham gia:

Phiên tòa có sự tham gia của 10 kiểm sát viên, khoảng 200 luật sư và 2.700 nhân chứng. Tổng cộng có 86 bị cáo, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan; nhân viên của các công ty thẩm định giá và kiểm toán; 45 cựu lãnh đạo của SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; ba cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước và ông Nguyễn Cao Trí.

Cáo buộc chính: “Rút ruột” SCB

Bà Lan bị cáo buộc đã thâu tóm ba ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) để hợp nhất thành Ngân hàng SCB vào ngày 1/1/2012. Trong đó, bà Lan tiếp tục nắm giữ 85,61% cổ phần thông qua 73 cổ đông đại diện. Đến ngày 1/1/2018, tỷ lệ sở hữu gián tiếp của bà tăng lên 91,54%.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.