Toàn cảnh vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Toàn cảnh vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị truy nã ba năm qua (từ năm 2022).

Người phụ nữ này được biết đến với vai trò là cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).

Bà Nhàn bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến dự án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vào tháng 4/2022 và kể từ đó, bà bị đưa ra xét xử vắng mặt trong nhiều phiên tòa, với loạt bản án liên quan đến gian lận đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước.

Sắp tới, ngày 17/3, vụ án thứ năm mà bà Nhàn bị truy tố sẽ được đưa ra xét xử nhằm tiếp tục làm rõ mạng lưới lợi ích xoay quanh Công ty AIC và các thương vụ đấu thầu.

Trong khi đó, bà Nhàn đang tị nạn ở Đức, và phản ứng của chính quyền Berlin trước yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề về tị nạn chính trị và ngoại giao.

Từ một nữ doanh nhân quyền lực đến bị can bị truy nã quốc tế, số phận của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang là một ẩn số, và những diễn biến sắp tới có thể tác động đến cả chính trường lẫn mối quan hệ Việt - Đức.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn là ai?

Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969) là chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc của Công ty AIC.

Bà nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt, thông thạo nhiều ngoại ngữ và từng nhận nhiều danh hiệu, trong đó có “Viện sĩ xuất sắc” và “Ngôi sao Vernadski” do Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS) trao tặng vào năm 2015.

Bà Nhàn cũng được tung hô là nữ viện sĩ, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam và châu Á nhận hai danh hiệu này.

Năm 2017, bà Nhàn vào danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

Những vụ án về đấu thầu liên quan đến AIC

Dự kiến vào ngày 17/3, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn lần năm với vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) do Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa phiên tòa.

Trước đó, bà Nhàn đã bị xét xử và kết án vắng mặt trong bốn vụ án liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu và hành vi đưa hối lộ trong các năm từ 2022 đến nay. Cụ thể:

Thứ nhất, vụ án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (2011-2023): Chi 44,8 tỷ đồng “bôi trơn”


Cơ quan điều tra xác định trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, Công ty AIC do bà Nhàn điều hành đã có những sai phạm trong quá trình tham gia đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi gian lận để AIC trúng thầu dù không đủ năng lực tài chính, năng lực về nhân sự.

Để đảm bảo Công ty AIC giành được hợp đồng, bà Nhàn đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để tìm kiếm sự giúp đỡ. Dưới sự chỉ đạo của bà Nhàn, nhân viên AIC đã thông đồng với chủ đầu tư và các bên liên quan để lập hồ sơ thầu theo hướng có lợi cho AIC, gây thất thoát 152 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Bà Nhàn cùng cấp dưới còn “bôi trơn” cho các quan chức địa phương tỉnh Đồng Nai với số tiền 44,8 tỷ đồng. Trong đó:

  • Ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy) nhận 14,5 tỷ đồng; 
  • Ông Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh) nhận 14,5 tỷ đồng; 
  • Ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) nhận 14,8 tỷ đồng; 
  • Bà Bồ Ngọc Thu (cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận một tỷ đồng.

Số tiền này được chuyển qua nhiều trung gian, bao gồm nhân viên Công ty Nam Bộ - một công ty khác do bà Nhàn thành lập và điều hành.

Tiền mặt sau đó được giao trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho AIC trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án.

Ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với chín bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó có bà Nhàn.

Theo báo chí nhà nước, bà Nhàn đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ ngày 19/6/2021. Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã phát đi thông tin truy nã bà vào ngày 10/5/2022 theo Quyết định truy nã số 02/QĐTN-CSKT-P9.

Ngày 24/11/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao ra quyết định truy tố 36 bị can liên quan với năm nhóm tội danh, bao gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bà Nhàn bị truy tố hai tội là “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.

Ngày 4/1/2023, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bà Nhàn 16 năm tù về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 14 năm tù về tội “đưa hối lộ”.

Tổng hợp hình phạt của bà Nhàn tại phiên sơ thẩm là 30 năm tù. Luật sư thay mặt bà Nhàn sau đó đã đệ đơn kháng cáo.

Đến ngày 24/5/2023, tại phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo. Các bị cáo liên quan, bao gồm ông Trần Đình Thành, ông Đinh Quốc Thái, và ông Phan Huy Anh Vũ cũng bị kết án về hành vi nhận hối lộ.

Truy nã bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nguồn ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Thứ hai, vụ án tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh (2021-2023): Dùng "quân xanh", "quân đỏ" để trúng sáu gói thầu


Vào năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản - Nhi với tổng vốn 238,131 tỷ đồng. Dự án gồm hai giai đoạn, chia thành sáu gói thầu mua sắm trực tiếp.

Vào tháng 8/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án.

Theo thông tin điều tra, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc với các quan chức liên quan để thống nhất thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị, từ đó dàn xếp đấu thầu.

Công ty AIC đã lập hồ sơ dự thầu bằng cách thao túng giá, lập danh sách “quân xanh, quân đỏ” để trúng thầu.

Trong quá trình này, bà Nhàn yêu cầu kế toán trưởng sửa đổi báo cáo tài chính để đủ điều kiện dự thầu, dù biết điều này vi phạm quy định pháp luật.

Kết quả, Công ty AIC trúng bốn gói thầu trị giá hơn 200 tỷ đồng, nhận thanh toán 197 tỷ đồng.

Công ty Mopha (“quân đỏ”, do bà Nhàn thành lập, chỉ đạo) cũng trúng hai gói thầu trị giá hơn 25 tỷ đồng. Theo kết luận của Hội đồng Định giá Tài sản tỉnh Quảng Ninh, hành vi gian lận đã gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ngày 30/8/2023, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Nhàn cùng 15 bị can về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Sáng 23/10/2023, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vắng mặt bà Nhàn về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bà Nhàn bị tuyên phạt 10 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, bà Nhàn chịu hình phạt 30 năm tù.

Thứ ba, vụ án đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM


Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ sinh học tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM được UBND TP. HCM phê duyệt chủ trương từ năm 2006.

Đến năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM thông qua dự án với tổng vốn đầu tư hơn 488 tỷ đồng, trong đó 425 tỷ đồng dành cho mua sắm thiết bị. Dự án triển khai thành ba giai đoạn, với 10 gói thầu thực hiện từ năm 2015 đến 2019.

Ngày 19/4/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM và các đơn vị liên quan.

Bà Nhàn tiếp tục bị réo tên.

Theo kết luận điều tra, bà Nhàn bị cáo buộc là chủ mưu trong việc thao túng đấu thầu bằng cách thành lập các công ty “quân xanh”, “quân đỏ” nhằm gian lận trong quá trình xét thầu, như cách làm trong các vụ án trước.

Bà Nhàn đã thỏa thuận với ông Dương Hoa Xô, cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, để Công ty AIC trúng thầu, đổi lại ông Xô được hưởng 40% giá trị gói thầu. Ông Xô đã khai nhận điều này tại phiên tòa.

Kết quả, Công ty AIC và các công ty liên quan đã trúng sáu gói thầu, tổng trị giá 305,4 tỷ đồng, gây thiệt hại 83,1 tỷ đồng cho nhà nước.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 14,4 tỷ đồng cho ông Xô để thực hiện các gói thầu. 

Số tiền này sau đó được chia cho nhiều cá nhân, trong đó ông Xô giữ lại 11,35 tỷ đồng, đưa một tỷ đồng cho Trần Thị Bình Minh (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) và 950 triệu đồng cho Nguyễn Đăng Quân (cựu phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học).

Ngày 25/5/2024, bà Nhàn cùng Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC), Trần Đăng Tấn (trưởng đại diện AIC tại TP. HCM) bị truy tố về các tội danh “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Dương Hoa Xô bị truy tố tội “nhận hối lộ”, trong khi đó, Trần Thị Bình Minh và Phan Tất Thắng (cựu phó phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, tám bị can khác là cán bộ thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học, Công ty Kiểm toán AISC, Viện Xây dựng và Quản trị Kinh doanh TP. HCM, Công ty Thẩm định giá SEAAC và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cũng bị truy tố liên quan đến vụ án.

Mặc dù bà Nhàn không có mặt tại Việt Nam nhưng vẫn bị TAND TP. HCM tuyên án 24 tháng tù sau ba ngày mở phiên xét xử sơ thẩm (10/7 - 12/7/2024).

Đây không phải "paywall". Bài viết được mở đọc miễn phí

Chỉ là... Luật Khoa không nhận ngân sách nhà nước, cũng không thuộc bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào có tài chính dồi dào. Chúng tôi hoạt động nhờ sự đóng góp của các nhà tài trợ ủng hộ báo chí độc lập và từ chính chương trình Đọc báo trả phí.

Nhưng hiện tại, 50% ngân sách từ tài trợ của chúng tôi đã bị tạm dừng.

Chúng tôi đặt niềm tin vào độc giả – những người trân trọng báo chí độc lập, chất lượng và chân thực. Nếu bạn cũng tin rằng báo chí độc lập cần tồn tại ở Việt Nam, hãy tham gia chương trình Đọc báo trả phí để giúp Luật Khoa vượt qua giai đoạn sóng gió này.

Đăng ký Member

Thứ tư, vụ án tại Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế (Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh)


Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, tại tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra vụ án liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu, đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngày 20/9/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Vụ án này liên quan đến việc thực hiện sáu gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại sáu dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 48,6 tỷ đồng.

Tương tự như những vụ trước, bà Nhàn được xác định là chủ mưu.

Bà Nhàn bị cáo buộc đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, đề nghị và được tạo điều kiện cho Công ty AIC và Công ty Mopha tham gia và trúng ba gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại ba dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Bình, Thuận Thành và Lương Tài, với tổng trị giá hơn 126 tỷ đồng.

Để đạt được mục đích thu lợi bất chính thông qua việc trúng thầu trái pháp luật, bà Nhàn đã đưa hối lộ cho những người có chức vụ quyền hạn là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh tổng số tiền 4,1 tỷ đồng, trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhận ba tỷ đồng.

Cáo trạng số 8707/Ctr-VKSTC-V3 được Viện KSND Tối cao ban hành vào ngày 12/9/2024 truy tố 13 bị can, bao gồm bà Nhàn, về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sáng 29/10/2024, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 13 bị cáo trong vụ án. Trong đó, bà Nhàn và ông Nguyễn Hồng Sơn (cựu phó tổng giám đốc Công ty AIC) vẫn đang bỏ trốn. Tòa quyết định xét xử vắng mặt đối với hai người này.

Sau ba ngày xét xử, chiều 1/11/2024, Hội đồng Xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên án đối với các bị cáo.

Cụ thể, bà Nhàn bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Tổng hợp với các bản án khác, bà Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Thứ năm, vụ án tại VNCERT


Ngày 29/12/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm trong đấu thầu tại VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, chín bị can bị khởi tố và áp dụng biện pháp tạm giam.

Kết quả điều tra xác định sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật số nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế.

Bà Nhàn được xác định là người lập kế hoạch, chỉ đạo các hoạt động dàn xếp đấu thầu ngay từ giai đoạn lập dự án.

Theo đó, bà Nhàn đã chỉ đạo nhân sự thuộc quyền phối hợp VNCERT để xây dựng danh mục thiết bị, phần mềm, đồng thời thống nhất mức giá đầu ra, đảm bảo AIC hưởng lợi nhuận 40% và trở thành đơn vị trúng thầu.

Trong quá trình đấu thầu, bà Nhàn cùng các bị cáo liên quan đã hợp thức hóa hồ sơ, tạo lập các đơn vị tham gia dự thầu theo mô hình “quân xanh, quân đỏ”, điều chỉnh chứng thư thẩm định giá để giúp AIC trúng gói thầu số 8. Hành vi này gây thất thoát hơn 17 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Sau khi trúng thầu, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, ông Nguyễn Hồng Sơn (phó tổng giám đốc AIC) đã gửi một tỷ đồng cho Nguyễn Trọng Đường, cựu giám đốc VNCERT.

Trong đó, ông Đường chi tiêu cá nhân 200 triệu đồng, phần còn lại được phân chia cho các cá nhân tham gia dự án và sử dụng vào các hoạt động chung của VNCERT.

Ngày 20/11/2024, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Nhàn cùng 12 bị can khác về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. 

TAND TP. Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 17/3/2025, dự kiến kéo dài trong tám ngày, bao gồm cả thứ bảy và chủ nhật.

Đến ngày 18/3, sau hai ngày xét hỏi và tranh luận, phiên tòa xét xử bước vào phần nghị án. Viện KSND TP. Hà Nội đã đề nghị tuyên phạt bà Nhàn mức án 10 - 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Dù luật sư của bà Nhàn đề nghị tạm đình chỉ xét xử do bà bị đang bị truy nã và không có mặt tại phiên tòa nhưng đại diện Viện KSND vẫn khẳng định việc truy tố vắng mặt là cần thiết, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trước đó, cơ quan tố tụng đã nhiều lần phát thư kêu gọi bà Nhàn ra đầu thú nhưng không có kết quả.

Chiều 21/3, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bà Nhàn 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tổng hợp với các bản án trước đó, bà Nhàn phải chấp hành mức án tổng cộng là 30 năm tù.

Nghi vấn mối quan hệ với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo nhiều tờ báo, việc sai phạm của Công ty AIC tại Bệnh viện Sản - Nhi ít nhiều có liên quan đến ông Phạm Minh Chính - lúc bấy giờ giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Phóng viên Luật Khoa tạp chí tạm thời lập bảng đối chiếu sau:

Nhìn vào các mốc thời gian này, có thể thấy trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, khi ông Chính giữ chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Công ty AIC đã trúng nhiều gói thầu lớn tại tỉnh này.

Khi ông Chính giữ vai trò trưởng Ban Tổ chức Trung ương (2016 - 2021), AIC tiếp tục mở rộng hoạt động và trúng nhiều hợp đồng tại các địa phương khác.

Sau khi ông Chính trở thành thủ tướng (4/2021), vụ án AIC bị khởi tố, bà Nhàn bỏ trốn ngay sau đó.

Theo Intelligence Online, mối quan hệ thân thiết giữa ông Chính và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được cho là yếu tố giúp AIC ký kết hàng loạt hợp đồng tại địa phương này.

Việc bà Nhàn sau đó lẩn trốn khi bị điều tra càng khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.

“Không được tái diễn vụ việc tương tự Trịnh Xuân Thanh”

Bà Nhàn đã lựa chọn Đức làm nơi tị nạn sau khi bị Việt Nam truy nã vì cáo buộc đưa hối lộ, thất thoát ngân khố nhà nước.

Theo người viết, việc bà Nhàn chọn Đức có thể xuất phát từ một số lý do sau:

  • Thứ nhất, Đức là một trong những quốc gia có chính sách tị nạn tiến bộ nhất thế giới, đặc biệt sau Thế chiến Thứ hai và cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

    Hiến pháp Đức (Grundgesetz) quy định rõ quyền tị nạn trong Điều 16a, đảm bảo những người bị đàn áp chính trị có quyền được bảo vệ. Người xin tị nạn tại Đức được hưởng các quyền cơ bản, bao gồm tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ tài chính.
  • Thứ hai, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức còn vết hằn sau vụ Trịnh Xuân Thanh.

    Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 tại Berlin làm mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức rạn nứt.

    Ở đỉnh điểm căng thẳng ngoại giao, Đức đã tạm thời đình chỉ quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và mãi đến năm 2019 mối quan hệ này mới được cải thiện.

    Người viết chưa tìm được thông tin về mốc thời gian cụ thể mà hai nước nối lại mối quan hệ. Tuy nhiên, vào tháng 2/2019, Đức bày tỏ việc muốn khôi phục mối quan hệ với Việt Nam. Từ đó đến nay, báo chí nhà nước đều đề cập đến việc hai nước sẽ thắt chặt mối quan hệ Đối tác Chiến lược.

    Năm 2023, Việt Nam đã gửi yêu cầu dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ Đức về nước. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Liên bang Đức đã từ chối yêu cầu này.

    Trong cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Nội vụ Đức từ ngày 26 - 29/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận được thông điệp từ phía Đức rằng “không được tái diễn vụ việc tương tự Trịnh Xuân Thanh”.
  • Thứ ba, Đức có biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt cho đối tượng tị nạn. Theo tờ Bild, khi đến Frankfurt, bà Nhàn tự nộp mình cho chính quyền Đức và ngay lập tức được đưa vào diện bảo vệ đặc biệt.

    Tờ báo cũng tiết lộ rằng bà Nhàn hiện đang sống tại một cơ sở từng là nhà thổ, nhưng đã được cơ quan an ninh Đức cải tạo thành khu vực an ninh đặc biệt, được trang bị hệ thống camera giám sát 24/7 và được lực lượng vũ trang bảo vệ.

    Đổi lại, bà Nhàn được cho là đã cung cấp cho chính quyền Đức những thông tin quan trọng liên quan đến các thương vụ vũ khí giữa Việt Nam với Nga và Trung Quốc. Những dữ liệu này bao gồm chi tiết về hệ thống vũ khí, chuỗi cung ứng, dòng tiền cũng như danh tính các công ty có liên quan.

Báo chí quốc tế nói gì về vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

Ngày 11/8/2023, tờ RSF lên án việc Việt Nam chặn tờ Taz - một trang báo đưa tin về bà Nhàn cũng như cho biết thái độ của chính quyền Đức khi phản hồi với Việt Nam ra sao.

Bà Helene Hahn, viên chức phụ trách tự do Internet của RSF, chia sẻ rằng “Việt Nam đang có hành động đàn áp có hệ thống các báo cáo chỉ trích trong và ngoài nước, bằng nhiều chiến thuật khác nhau [...] Chúng tôi lên án hành động chặn taz.de một cách mạnh mẽ nhất có thể. Có vẻ như chính quyền Hà Nội sợ nghiên cứu mang tính phê phán. Chúng tôi đang bỏ chặn website và cung cấp lại cho độc giả tại Việt Nam”.

Tờ DW của Đức vào ngày 26/10/2023, đăng bài “Đức: Nơi ẩn náu của những người bất đồng chính kiến ​​Việt Nam” phân tích những yếu tố tại sao quốc gia này trở thành điểm đến của việc tị nạn chính trị.

Qua đó, cũng nhắc đến trường hợp của Nhàn rằng nếu việc bắt cóc bà xảy ra tại Đức, tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, thì có thể khiến mối quan hệ ngoại giao của Đức và Việt Nam rạn nứt trầm trọng.

Tờ Barron’s đăng bài “Nữ doanh nhân Việt Nam bỏ trốn bị kết án 10 năm tù” mô tả vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng với nguyên cớ cho rằng một trong những lý do chính quyền Hà Nội gắt gao việc kết tội và trừng phạt cô đến từ chiến dịch “đốt lò” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tờ báo dẫn lại lời ông Trọng “[...] ngay cả những tên tội phạm trốn thoát sang nước ngoài cũng phải bị điều tra, truy tố và xét xử. Họ sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt”.

Luật Khoa tạp chí sẽ tiếp tục cập nhật về vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.


👉
Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.

Đọc thêm:

Vì sao Trịnh Xuân Thanh có thể xin tị nạn chính trị ở Đức? Và vì sao Đức giận dữ với Việt Nam?
Một trong những lý do quan trọng có thể giúp giải thích phản ứng có phần gay gắt của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh là hồ sơ xin tị nạn chính trị của Thanh tại Đức vẫn đang được xử lý. Theo các luật sư đại diện cho ông Thanh, ngày 24/7/2017, […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.