Chính quyền phá bỏ tòa nhà của giáo phận Kon Tum; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy

Chính quyền phá bỏ tòa nhà của giáo phận Kon Tum; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy

Các sự kiện tôn giáo nổi bật trong tháng 3/2025:

  • Chính quyền liên tục sách nhiễu các tín đồ theo Phật giáo Hoà Hảo thuần túy
  • USCIRF khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt.

Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ

Vào ngày 7/3/2025, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 89/QĐ-BDTTG phân công Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ. 

Ông Nguyễn Hải Trung xuất thân từ ngành công an với cấp bậc Trung tướng. Trước khi làm Thứ trưởng, ông từng là giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và TP Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, tân thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Trước đó Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ và do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, cũng là một cựu tướng công an phụ trách.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ hiện nay vẫn là ông Vũ Hoài Bắc, là một Đại tá công an, ông được bổ nhiệm từ năm 2022 đến nay.

Chính quyền liên tục bổ nhiệm các sĩ quan công an trong công tác quản lý tôn giáo cho thấy an ninh tôn giáo vẫn là vấn đề rất quan trọng trong hệ thống chính trị.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu tinh gọn bộ máy tổ chức

Vào ngày 21/3/2025, thông tin từ báo Giác Ngộ cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sẽ tinh gọn hệ thống theo chính quyền.

Cụ thể, bộ máy quản lý của GHPGVN sẽ chỉ còn hai cấp, tương tự bộ máy hành chính của chính quyền đang tiến hành tinh gọn. 

Cũng theo GHPGVN, việc tinh gọn này hưởng ứng theo chủ trương của chính quyền, không còn Giáo hội cấp huyện, thay vào đó sẽ chỉ còn cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đồng thời cũng giống như chính quyền, GHPGVN sẽ không tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu cấp quận, huyện.

Theo quan sát của phóng viên Luật Khoa tạp chí, việc tinh gọn của GHPGVN theo mô hình hành chính của chính quyền càng khẳng định nghi ngờ về tính không độc lập của tổ chức tôn giáo này.

GHPGVN là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính quyền công nhận từ khi mới thành lập vào năm 1981. Từ đó, tổ chức này luôn thể hiện sự thân thiết và gắn bó với chính quyền. Thời gian gần đây, giáo hội chịu sự chỉ trích lớn của dư luận vì nhiều nhà sư bị cho là vướng vào tam độc (tham, sân, si), mê tín dị đoan và giảng pháp sai lệch giáo lý.

Chính quyền phá bỏ tòa nhà trong Trường Yao Phu của giáo phận Kon Tum

Vào ngày 25/3/2025, thông báo của Tòa giám mục Kon Tum cho biết, chính quyền đã phá hủy tòa nhà trong khuôn viên trường Yao Phu Kuênot được coi là quyền sở hữu của Giáo phận Kon Tum trước năm 1975.

Thông báo của Tòa giám mục Kon Tum về trường Yao Phu Kuênot. Nguồn ảnh: Giáo phận Kon Tum.

Theo thông báo, trường Yao Phu Kuênot được xây dựng vào năm 1906 và là trụ sở của tòa giám mục đầu tiên của địa phận Kon Tum. Tòa nhà bị phá hủy được xây dựng từ năm 1957 nằm trong khuôn viên trường.

Đến ngày 20/1/1978, chính quyền trưng dụng cơ sở trường Yao Phu Kuênot cho đến ngày nay.

Được biết, Tòa giám mục Kon Tum nhiều lần gửi đơn kiến nghị để đòi lại trường Yao Phu Kuênot nhưng chính quyền không chấp nhận.

Kể từ khi chính quyền ban hành Nghị-quyết 297/HĐBT vào ngày 11/11/1977, nhiều cơ sở văn hoá, y tế, giáo dục của các tôn giáo đã trở thành tài sản của nhà nước như trường học, trụ sở của các cơ quan chính quyền, hay thậm chí bị quy hoạch thành khách sạn, khu dân cư cao cấp.

Chính quyền liên tục sách nhiễu các tín đồ theo Phật giáo Hòa Hảo thuần túy

Theo Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy (GHPGHHTT), vào ngày 25/2/2025, chính quyền tỉnh An Giang đã đến nhà ông Phong Xuân, một tín đồ theo GHPGHHTT để ngăn cản cử hành lễ ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt.

Chính quyền cũng yêu cầu ông Phong Xuân gỡ bỏ băng rôn và cho biết không công nhận ngày lễ ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt. Tuy nhiên ông không chấp nhận.

Chính quyền đến nhà một tín đồ theo PGHHTT trong ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt. Ảnh cắt từ video.

Ngoài ra tại thành phố Cần Thơ, chính quyền phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo được nhà nước công nhận đã ngăn cản ông Đặng Văn Giàn, một tín đồ theo GHPGHHTT cử hành lễ ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt.

Cụ thể, chính quyền đã lập biên bản vì đã treo băng rôn với nội dung liên quan đến ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt sai quy định, không công nhận ngày lễ này và khẳng định tự do tôn giáo phải theo khuôn khổ của nhà nước.

Cũng theo GHPGHHTT, trong ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Phú Sổ năm nay, chính quyền đã lập chốt, canh gác tại các tư gia của các tín đồ theo tổ chức tôn giáo này.

Ngày Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt là lễ tưởng niệm hàng năm, ghi nhớ ngày ông bị mất tích sau một cuộc họp với Việt Minh. Trước năm 1975, đây là một trong ba ngày lễ lớn của tôn giáo này. Tuy nhiên, sau năm 1975, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được chính quyền công nhận vào năm 1999 đã không công nhận ngày lễ này.

Vì vậy, mỗi khi đến ngày lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt, chính quyền thường xuyên sách nhiễu, ngăn cản hay thậm chí đàn áp các tín đồ theo GHPGHHTT khi cử hành lễ này.

USCIRF khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Vào ngày 25/3/2025, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo thường niên năm 2025. Trong đó nêu bật tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập và khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern - CPC).

Báo cáo thường niên năm 2025 của USCIRF.

Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2024, chính quyền đã giam giữ hơn 80 tù nhân vì các hoạt động tôn giáo hoặc đấu tranh cho tự do tôn giáo. Trong đó điển hình như:

  • Tháng 3/2024, chính quyền đã kết án ông Y Krec Bya, một tín đồ người Thượng theo Tin Lành độc lập với mức án 13 năm tù. 
  • Tháng 4/2024, chính quyền khởi tố ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi, người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai về tội loạn luân.
  • Tháng 5/2024, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã giữ nguyên phán quyết và bản án về những tội danh tương tự đối với hai nhà hoạt động vì tự do tôn giáo người Khmer Krom là Thạch Chương và Tô Hoàng Chương. 

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết, người Thượng và người Hmong theo đạo Thiên Chúa ở cao nguyên Trung Bộ và Tây Bắc Bộ thường xuyên bị đàn áp, bao gồm giam giữ, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn, và buộc phải từ bỏ đức tin. Trong đó điển hình một số trường hợp sau:

  • Tháng 1/2024, chính quyền đã kết án nhà hoạt động tự do tôn giáo Nay Y Blang hơn bốn năm tù tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
  • Tháng 3/2024, nhà truyền giáo Y Bum Bya đã chết sau khi chính quyền triệu tập ông.
  • Tháng 9/2024, chính quyền Đắk Lắk đã bắt giữ ông Y Thịnh Nie, một tín đồ theo Tin Lành độc lập vì nhiều lần từ chối tham gia vào tổ chức Tin Lành do nhà nước kiểm soát.
  • Ngoài ra chính quyền cũng đã gây sức ép buộc chính phủ Thái Lan dẫn độ nhà hoạt động tự do tôn giáo người Thượng Y Quỳnh Bdap, người có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc nếu bị trả về Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu rõ, chính quyền liên tục các tổ chức Phật giáo và Cao Đài trong năm qua, điển hình như:

  • Tháng 3/2024, chính quyền đã phá hủy một phần của chùa Đại Thọ sau khi bắt giữ trụ trì Thạch Chánh Đa Ra theo Phật giáo Khmer Krom về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. 
  • Tháng 6/2024, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế ngăn cản nhóm của thầy Thích Minh Tuệ. 
  • Tháng 4/2024, chính quyền tỉnh An Giang đã cấm các Phật tử Hòa Hảo độc lập tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Đức Huỳnh Phú Sổ - người sáng lập giáo phái. 
  • Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng liên tục phải đối mặt với những trở ngại và sự quấy rối về các hoạt động tôn giáo của họ. 
  • Chính quyền và các tín đồ của Giáo phái Cao Đài 1997 do nhà nước kiểm soát đã quấy rối các tín đồ Cao Đài độc lập, ngăn cản họ đến thăm các ngôi chùa, thực hành nghi lễ thờ cúng và tổ chức tang lễ. 
  • Tháng 5/2024, chính quyền đã thẩm vấn ông Trần Văn Đức sau cuộc họp vào tháng Tư của ông với nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ về tình trạng quấy rối liên tục đối với các tín đồ Cao Đài độc lập.

Vào tháng 1/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tiếp tục đưa Việt Nam vào trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List - SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo.

Phản ứng trước báo cáo thường niên của USCIRF công bố ngày 25/3/2025, Việt Nam - như mọi năm - tiếp tục bác bỏ các nội dung trong báo cáo. Bài viết đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 3/4/2025 khẳng định rằng báo cáo của USCIRF đã đưa ra những luận điểm sai lệch và thiếu căn cứ.

Trà Vinh: Chính quyền bắt giữ bốn tín đồ theo Phật giáo Khmer Krom

Từ ngày 26 đến ngày 27/3/2025, chính quyền tỉnh Trà Vinh liên tiếp bắt giữ bốn tín đồ theo Phật giáo Khmer về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cụ thể, chính quyền đã bắt giữ ba tín đồ gồm ông Thạch Nga, Kim Som Rinh, Thạch Xuân Đồng, và Đặng Ngọc Thanh cùng ngụ tỉnh Trà Vinh.

Theo chính quyền, bốn tín đồ này thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận những nội dung vi phạm pháp luật trên Facebook cá nhân. Riêng ba tín đồ bao gồm ông Kim Som Rinh, Thạch Nga, và Thạch Xuân Đồng thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến quyền tự do tôn giáo đối với người Khmer. 

Trong năm qua, chính quyền liên tục bắt giữ và đưa ra xét xử nhiều tín đồ theo Phật giáo Khmer theo Điều 331 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Vào tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã bắt giữ tám tín đồ theo Phật giáo Khmer về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Chính quyền bắt giữ ông Thạch Nga. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân.

Hay vào tháng 2/2024, chính quyền tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt ông Danh Minh Quang, một tín đồ theo Phật giáo Khmer mức án ba năm sáu tháng tù cũng về tội danh trên.

Đến nay, một số người Khmer tại Việt Nam và ở Campuchia thường có các cuộc biểu tình đòi lại đất cũng như tranh đấu quyền của người bản địa. Do vậy, chính quyền Việt Nam có những chính sách đặc biệt đối với cộng đồng người Khmer.


Luật Khoa chọn sống dựa vào những độc giả như bạn!


Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.

Đăng ký Member

Đọc thêm:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy như đảng chỉ đạo thế nào?
Việc tinh gọn nhằm phục vụ tốt hơn cho tăng, ni, Phật tử.
Toàn cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM
Cái chết bí ẩn của lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng tại TP.HCM ngay trước Đại lễ Vesak 2025 - nhiều tổ chức quốc tế yêu cầu làm rõ sự thật.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.