Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy như đảng chỉ đạo thế nào?

Việc tinh gọn nhằm phục vụ tốt hơn cho tăng, ni, Phật tử.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy như đảng chỉ đạo thế nào?
Nguồn ảnh: VGP News, Chutichghpgvn.vn. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản đã đưa nhiều chủ trương tinh gọn toàn bộ tổ chức hệ thống chính trị tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có những động thái tương ứng.

Ngày 5/1, GHPGVN thông qua Nghị quyết Hội nghị kỳ 4, khóa 9. Tại khoản 11 của Nghị quyết có đề cập đến vấn đề tinh gọn bộ máy GHPGVN. Sau hai tháng, GHPGVN mới công bố thông tin rộng rãi về quyết định này.

Hướng sắp xếp bộ máy của GHPGVN

Theo Báo Giác ngộ, GHPGVN đang lấy ý kiến để tinh gọn bộ máy tổ chức, trong đó có đề xuất dừng tổ chức Đại hội Phật giáo cấp huyện.

  • Sáng 21/3, tại Thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP. HCM), GHPGVN đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt giáo hội với sự tham dự của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chủ tịch Hội đồng Trị sự, cùng đông đảo tăng, ni đại diện cho 34 tỉnh, thành phía Nam.
  • Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin về chủ trương cải tổ bộ máy tổ chức của Giáo hội, theo tinh thần giáo chỉ của Đức Pháp chủ và các nghị quyết của Hội đồng Chứng minh.
  • Chủ trương này nhằm hướng đến mô hình tổ chức tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước, cụ thể là theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa 12.
Hội nghị sinh hoạt giáo hội ngày 21/3, tại TP. HCM. Nguồn: chutichghpgvn.vn.
  • Thượng tọa Thích Đức Thiện, phó chủ tịch và tổng thư ký Hội đồng Trị sự, cho biết việc tinh gọn nhằm phục vụ tốt hơn cho tăng, ni, Phật tử.
  • Theo đề án, GHPGVN sẽ chuyển từ mô hình ba cấp sang hai cấp, tức là bỏ cấp huyện và hoạt động theo mô hình cấp trung ương và cơ sở.
  • Dự kiến, việc sáp nhập các tổ chức Phật sự cấp huyện và xã sẽ hoàn tất trước ngày 30/6, và mô hình tổ chức mới sẽ chính thức vận hành từ ngày 30/8. Hiện tại, GHPGVN đang tiếp thu ý kiến để xây dựng đề án tinh gọn để ra văn bản hướng dẫn.
  • GHPGVN cũng đề ra sáu nội dung trọng tâm trong quý Hai của năm nay: triển khai Nghị quyết Đại hội Phật sự lần thứ 9; tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak 2025; tưởng niệm 62 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân; tôn trí xá lợi của ngài tại Việt Nam Quốc Tự; trình đề án tinh gọn bộ máy; và tổ chức họp giao ban giữa Hội đồng Trị sự và các Ban Trị sự tỉnh, thành.

Tổng quan về GHPGVN

GHPGVN là tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, được thành lập vào ngày 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất chín tổ chức, hệ phái Phật giáo trong nước.

Theo Báo Giác ngộ, sự ra đời của GHPGVN đánh dấu sự thống nhất của Phật giáo trong nước sau hơn 1.000 năm hoạt động phân tán.

Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Nguồn: Báo Giác ngộ.
  • Hiện nay, GHPGVN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vị Giáo chủ hiện nay là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
  • Phương châm hoạt động của GHPGVN là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.

    Trong đó, “Đạo pháp” gồm “đạo” (những giáo lý giúp con người vượt qua khổ đau) và “pháp” (phương pháp tu học, truyền dạy). “Dân tộc” là GHPGVN luôn đồng hành cùng 54 dân tộc ở Việt Nam; “Chủ nghĩa xã hội” thể hiện tinh thần nhập thế, gắn bó với sự phát triển của đất nước trong mọi thời kỳ.
  • Tôn chỉ hoạt động là hướng đến giác ngộ chân lý, hòa hợp Tăng đoàn, xây dựng hòa bình và công bằng xã hội dựa theo giáo lý Đức Phật.
  • Về tổ chức, GHPGVN đang tổ chức theo mô hình bốn cấp, gồm trung ương, tỉnh/thành, huyện/quận, và cơ sở (chùa, tịnh xá, thiền viện).
  • Sự kiện quan trọng nhất của GHPGVN là Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, được tổ chức theo chu kỳ 5 năm. Tại đại hội này, các vị trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự sẽ được bầu chọn; Hiến chương được sửa đổi và Nghị quyết hoạt động cho nhiệm kỳ mới được thông qua.
  • Về tài chính, GHPGVN hoạt động dựa trên sự đóng góp của xã hội và tài sản của Giáo hội, bao gồm cơ sở tôn giáo như chùa, thiền viện, v.v.
  • Thành phần của GHPGVN gồm: giáo phẩm (tăng: hòa thượng, thượng tọa; ni: ni trưởng, ni sư), đại chúng (tỳ kheo, sa di, v.v.), cư sĩ, Phật tử tại gia.
  • Theo Báo cáo Phật sự năm 2023, cả nước có 54.973 chức sắc Phật giáo, 18.544 cơ sở Phật giáo và khoảng 59,4 triệu tín đồ Phật giáo (trong tổng dân số 99 triệu người).

Tổ chức của GHPGVN cũng đang bị “cồng kềnh, chồng chéo”

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chủ tịch Hội đồng Trị sự, cho biết chủ trương tinh giản bộ máy GHPGVN theo tinh thần của đảng, nhà nước; thể hiện tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

  • Điều này cũng được nêu rõ trong Hiến chương lần bảy (sửa đổi) của GHPGVN:

    “[...] xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, tổ chức Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm, và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc [...]”
  • Bên cạnh đó, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” vừa là động cơ giúp cho Phật giáo đồ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh đất nước”, vừa nhằm đảm bảo bộ máy Giáo hội hoạt động hiệu quả hơn, gắn với yêu cầu thực tiễn. 
  • Theo Thượng tọa Thích Lệ Quang, trong bối cảnh đất nước đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm), GHPGVN cần có những bước đi phù hợp xu thế phát triển mới, thay vì chỉ xem việc thích nghi với xã hội là mục tiêu phụ.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ chín. Nguồn: chutichghpgvn.vn.
  • Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng nhận định: “Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW [...] đây là cơ hội để Giáo hội nhìn lại mô hình tổ chức hiện tại, hướng đến [...] phù hợp với nhu cầu thực tiễn”.

    Sư Nhật Từ cũng chỉ ra rằng tổ chức hành chính của Giáo hội hiện nay đang bị “cồng kềnh, chồng chéo” vì có nhiều cấp, từ cấp trung ương, tỉnh/thành phố đến quận/huyện/thị/xã.

    Do vậy, GHPGVN cần tinh gọn bằng cách “tham khảo mô hình tinh giản của Nhà nước Việt Nam” đang triển khai mạnh mẽ từ đầu năm 2025.
  • Tương tự, tác giả Trần Mộng Tưởng đề xuất GHPGVN nên hợp nhất một số đơn vị cùng chức năng trong 13 ban, viện; hợp nhất một số trường trung cấp Phật học; hợp nhất các cơ quan báo chí của Giáo hội.

Nhiều nhà bình luận cũng cho rằng động thái của GHPGVN đã cho thấy được bản chất hoạt động.

  • Nhà báo Nam Việt trên RFA Tiếng Việt nêu quan điểm rằng việc GHPGVN tuyên bố tinh giản bộ máy theo chủ trương của chính quyền đã bộc lộ bản chất bị chính trị hóa của tổ chức này.
  • Ở góc độ khác, tác giả Trần Dân nghi vấn việc bỏ cấp huyện sẽ cho sư trụ trì có nhiều đặc quyền hơn trong quản lý cơ sở tôn giáo. Điều này dẫn đến khả năng, các sư “tham nhũng tiền công đức” cho “lợi ích cá nhân” hoặc “hối lộ, chạy chọt”. 
  • Luật Khoa tạp chí cũng có nhiều bài phân tích trước đây về tổ chức của Giáo hội.

    Đơn cử, tác giả Văn Tâm đánh giá GHPGVN không có quyền tự chủ về nhân sự. Các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội, đều do chính quyền chỉ định.

    Hay việc các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, muốn hoạt động ở Việt Nam “phải có tính cộng sản”, tác giả Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Cùng với nhà nước, GHPGVN phản đối Mỹ can thiệp vào “công việc nội bộ”

Năm 2025, Việt Nam tiếp tục bị đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC), theo đề nghị của Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF). Tổ chức này cũng yêu cầu Việt Nam sửa đổi lại các văn bản luật liên quan hoạt động tôn giáo, như Nghị định 95/2023/NĐ-CP (hiệu lực từ 30/3/2024), do một số quy định được cho là “rất mơ hồ”.

  • Trong báo cáo, USCIRF ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã thực hiện các hành động bắt giam, tra tấn và buộc bỏ đức tin đối với một số người Thượng. Trường hợp cụ thể bao gồm việc chính quyền: kết án Y Krec Bya 13 năm tù, Nay Y Blang hơn bốn năm tù và nhiều buổi đấu tố công khai khác trong năm 2024.

    Tháng 5/2024, ông Trần Văn Đức, tín đồ đạo Cao Đài, bị công an thẩm vấn sau cuộc gặp gỡ giữa ông và lãnh sự quán Hoa Kỳ. Tháng 11/2024, năm nhà sư Phật giáo Khmer Krom bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” tại Điều 331.

    Đến tháng 12/2024, USCIRF thống kê đã có 80 thành viên bị công an bắt giữ liên quan hoạt động tôn giáo.
  • Ngoài ra, nhiều tổ chức khác như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Open Doors, v.v cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho các tín đồ bị bắt giữ.
  • Về phía Chính phủ Việt Nam, vào ngày 8/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã đưa tin bác bỏ các cáo buộc về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
  • Một bài viết dẫn lời Hòa thượng Thích Thanh Chính, thuộc GHPGVN, cảnh báo việc này “gây bất lợi cho những nỗ lực củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

    Sư Thanh Chính cho rằng Mỹ đã “can thiệp trắng trợn” vào công việc nội bộ của Việt Nam và GHPGVN.
  • Ngày 3/4, Báo Công an Nhân dân phản bác báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam là thiếu căn cứ, đưa ra luận điểm sai lệch. Theo đó, Việt Nam đã không ngừng cải thiện quy định, mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo.

    Các cấp chính quyền luôn quan tâm đến các sự kiện tôn giáo, ví dụ như Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 sắp tới do GHPGVN tổ chức đăng cai, v.v. Trên cơ sở đó, cơ quan công an yêu cầu USCIRF “nghiêm túc đánh giá lại”.

Luật Khoa chọn sống dựa vào những độc giả như bạn!

Đầu năm 2025 này, Luật Khoa đã triển khai mô hình nội dung trả phí được tròn hai năm. Hơn 900 độc giả đang trả phí hàng tháng hoặc hàng năm để đọc Luật Khoa.

Luật Khoa làm báo trung thực và không kiểm duyệt. Chúng tôi nói không với quảng cáo để bạn có trải nghiệm đọc báo tốt nhất. Và chúng tôi làm báo phi lợi nhuận. Luật Khoa sẽ tiếp tục phương châm làm báo này trong 10 năm tới.

Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.

Đăng ký Member

Đọc thêm:

Thiên bi sử thống nhất Phật giáo Việt Nam thời hậu chiến
“Đạo Pháp - Dân tộc” và chủ nghĩa xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo chưa thống nhất cho Sun Group cung rước xá lợi Phật?
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025 sẽ được tổ chức ở TP. HCM từ ngày 28/4 - 12/5. Đây là sự kiện tôn giáo nổi bật, đáng quan tâm nhất trong năm và cũng là lần thứ tư Việt Nam đăng cai sự kiện này, dự
Sư Minh Tuệ: Giới hạn giữa tự do tôn giáo và trật tự xã hội
Nhà sư Thích Minh Tuệ và hành trình đi bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ đặt ra câu hỏi về tự do tôn giáo, trật tự xã hội và cách quản lý của nhà nước.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.