Hội chứng độc tài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Một bệnh lý không chỉ có nhà độc tài mắc phải, mà còn cả quần chúng nhân dân.

Hội chứng độc tài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả Alaa Al-Aswany là nhà văn, nha sĩ và nhà hoạt động chính trị người Ai Cập, đồng thời là thành viên sáng lập phong trào chính trị Kefaya – một phong trào vận động thay đổi chính trị ở Ai Cập. Hiện ông sống lưu vong tại Pháp và Mỹ. Trong cuốn sách “The Dictatorship Syndrome” (tạm dịch: Hội chứng chế độ độc tài), xuất bản năm 2019, tác giả đã lý giải bí ẩn xoay quanh câu hỏi: chế độ độc tài liệu có phải chỉ là vấn đề của kẻ cai trị?

Tác giả đưa ra nhiều ví dụ từ các quốc gia và châu lục khác nhau, trong đó, những nhân vật có xu hướng độc tài không chỉ xuất hiện ở các chế độ chuyên chế mà còn trong các nền dân chủ. 

Dưới góc nhìn của một người hành nghề y, ông lập luận rằng chế độ độc tài giống như một căn bệnh của toàn xã hội, chứ không phải chỉ của một cá nhân. Một nền độc tài chỉ có thể tồn tại khi có hai yếu tố: một kẻ độc tài và một dân tộc mà đa số sẵn sàng để cho kẻ độc tài đó điều khiển.

Con đường nhận thức của tác giả

Alaa Al-Aswany lớn lên ở Ai Cập vào thời điểm cuộc chiến giữa Israel và Ai Cập năm 1967 nổ ra, khi Tổng thống Abdel Nasser (1918–1970) đang điều hành đất nước. Dù là một chính trị gia đàn áp tàn bạo các phong trào bất đồng chính kiến, Nasser vẫn được số đông người dân Ai Cập ngưỡng mộ nhờ một loạt chính sách xã hội chủ nghĩa như giáo dục và y tế miễn phí, dễ dàng thu hút người nghèo.

Trong hệ thống tuyên truyền tinh vi của Nasser, những kênh truyền thông quốc tế như VOA và BBC bị coi là “đài phản cách mạng”. Vào thời đó, Nasser tự coi mình là một lãnh đạo chống chủ nghĩa thuộc địa, không chỉ ở Ai Cập mà còn toàn bộ khu vực Trung Đông. Ông đưa quân vào Syria và Yemen. 

Chính tác giả và gia đình trí thức của ông, vì không biết ngoại ngữ và không có tiếp cận với truyền thông quốc tế, đã tin rằng Nasser dẫn dắt Ai Cập đánh bại Israel một cách dễ dàng, trong khi thực tế, quân đội của họ đã thất bại thảm hại.

Mặc dù nhiều gia đình tư sản bị thiệt thòi vì các chính sách xã hội chủ nghĩa, họ vẫn hết mực ủng hộ Nasser. Tuy nhiên, Nasser sau đó đã làm nhiều việc lừa dối họ và toàn bộ nhân dân Ai Cập. Khi ông tuyên bố từ chức mà không thừa nhận thất bại quân sự trước Israel, người dân đổ ra đường kêu gọi ông ở lại. Và rồi, lấy cớ vì dân, Nasser tiếp tục cầm quyền thêm ba năm cho đến khi qua đời.

Với tác giả, đó không phải là một cuộc biểu tình dàn dựng mà là sự hốt hoảng thực sự của người dân. Họ thực sự muốn Nasser lãnh đạo họ. Không ai xúi giục họ, họ tự nguyện ra đường để yêu cầu ông ở lại trên chiếc ghế quyền lực.

Các chế độ độc tài hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Theo tác giả, độc tài là thái độ tự nguyện làm nô lệ, một khái niệm do nhà triết học Pháp Étienne de la Boétie đưa ra từ thế kỷ 16. 

Theo đó, con người vốn rất tự do và luôn tìm cách bảo vệ sự tự do cá nhân. Một cá nhân độc tài không thể tạo ra nền độc tài, mà chính sự chấp nhận của đám đông mới là yếu tố quyết định. Chỉ khi quần chúng phó mặc cho nhà độc tài, tin tưởng rằng ông ta sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, chế độ độc tài mới có thể tồn tại.

Các thế hệ sau, chưa bao giờ được hưởng sự tự do và không cảm nhận được tầm quan trọng của tự do, vẫn để cho mọi thứ tiếp diễn. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân dũng cảm dám bảo vệ nền tự do cần thiết. Điều này hoàn toàn đúng với nhiều người dân Ai Cập, khi họ vỗ tay nồng nhiệt trước những lời hứa hẹn của một nhà lãnh đạo không cho họ không gian để thảo luận hay suy ngẫm. Theo tác giả, cả sự độc đoán của nhà độc tài và sự từ bỏ khát vọng tự do của người dân đều phản ánh một “bệnh lý”.

Những người phục vụ và tôn vinh cho chế độ độc tài hiểu rõ rằng hành động của họ trái với đạo lý và lương tâm, nhưng họ vẫn làm, vì nếu không, họ sẽ đi ngược lại số đông và phải chịu hậu quả nặng nề.

Các lãnh đạo độc tài hiểu rằng những nhà bất đồng chính kiến chỉ là thiểu số và không thể gây hại cho họ, nhưng họ vẫn trừng phạt những người này một cách tàn bạo nhất. Kẻ độc tài thường ám ảnh bởi nhiều nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ về những giá trị nhân bản.

Triệu chứng của căn bệnh độc tài 

Tác giả chỉ ra những triệu chứng cơ bản của chế độ độc tài. Thứ nhất là tạo ra những công dân “tốt”: những người chỉ quan tâm đến gia đình và phó mặc mọi thứ khác cho nhà nước, đồng thời hoài nghi những hoạt động của những nhà hoạt động dân chủ. Họ không tham gia vào các vấn đề công, ngoài việc nhại lại những khẩu hiệu của nhà độc tài để giữ chức vụ và kiếm tiền. 

Tác giả viết: “Sự xuất hiện của công dân tốt là một trong những triệu chứng tồi tệ nhất của chế độ độc tài. Họ là những kẻ chủ chốt kéo dài quyền lực của nhà độc tài và cũng là nguyên nhân có thể khiến bất kỳ cuộc cách mạng nào thất bại.”

Thứ hai là sự tôn thờ và tuyên truyền các thuyết âm mưu. Đặc điểm của thuyết âm mưu là kẻ độc tài luôn gán cho những đối tượng mà họ coi là kẻ thù hoặc mối nguy hại, chẳng hạn như người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã. Qua đó, họ tự huyễn hoặc mình là những đấng cứu thế được Thượng đế và thời cuộc giao cho sứ mệnh. 

Hơn nữa, dân chúng thường thờ ơ và cảm thấy cần có một lực lượng anh hùng để bảo vệ họ. Thuyết âm mưu giúp họ đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài về sự xuống dốc của nền kinh tế, chính trị và xã hội, từ đó tạo lý do để không tiến hành các cải cách dân chủ.

Thuyết âm mưu còn tạo ra không khí sợ hãi trong cộng đồng, khiến người dân sao nhãng và không để ý đến các vấn đề căn bản do thể chế độc tài gây ra. Điều này làm trì hoãn các cải cách dân chủ và là cái cớ cho mọi hành vi đàn áp người dân và phỉ báng những đối tượng có ý kiến trái chiều.

Trước chế độ độc tài, trong xã hội thường có bốn loại trí thức: nhóm đấu tranh kiên cường (như Thomas Mann chống lại Đức Quốc Xã), nhóm công khai hậu thuẫn (như Garcia Marquez ủng hộ Fidel Castro), nhóm dĩ hòa vi quý (như nhà văn Boris Pasternak từ chối giải Nobel Hòa bình dưới áp lực nhà nước Xô Viết), và nhóm lên tiếng nửa vời (chỉ phê phán một số vấn đề mà không đề cập đến những vấn đề cốt lõi). 

Nhóm cuối cùng, chiếm số đông, làm thuê cho chế độ độc tài và nhận sự ghi công từ chính quyền. Tác giả giải thích vì sao các chế độ độc tài luôn kìm hãm, hạ bệ và tiêu diệt các trí thức chân chính, bởi họ có thể gây ảnh hưởng đến công chúng và khiến người dân suy nghĩ và phán xét về hành động của các nhà lãnh đạo.

Tại sao người dân lại dễ bị thu hút bởi các lãnh đạo độc tài? Sức lôi cuốn này được dựng lên nhờ một hệ thống tuyên truyền đồ sộ và tinh vi, hoàn toàn trung thành với nhà độc tài. Các cơ quan nhà nước là cánh tay phải của nhà độc tài, không bao giờ cho phép một xã hội dân sự độc lập được tồn tại. 

Khi vi phạm nhân quyền xảy ra, truyền thông nhà nước sẽ đổ lỗi cho những cá nhân bất hảo thay vì sự thiếu minh bạch của chính quyền. Mỗi thuyết âm mưu đều mô tả kẻ thù bên trong và bên ngoài ngăn cản sự tiến bộ của nhà nước, và chính nhà độc tài lại được tôn vinh như đấng cứu thế của dân tộc. Đây là một vũ khí lợi hại của kẻ độc tài.

Cuốn sách này gợi nhiều suy nghĩ về bối cảnh Việt Nam. Ngay cả khi người dân muốn tránh xa chính trị, họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những hội chứng độc tài. Tuy nhiên, hội chứng độc tài hoàn toàn có thể ngăn ngừa. 

Việc đầu tiên là nhận thức được những đặc điểm của xã hội độc tài mà lịch sử đã để lại, đồng thời duy trì thái độ hoài nghi lành mạnh về mọi thông tin. Một thông điệp lạc quan mà tác giả gửi gắm: không phải ai sống trong chế độ độc tài cũng đều không có tự do suy nghĩ và phản biện. Những đầu óc tự do luôn tồn tại trong mọi thời đại. Ở vài xã hội, thiểu số sẽ thành đa số và giành chiến thắng trước độc tài. Chúng ta hoàn toàn có hy vọng.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Khi bạo lực được hợp pháp hóa dưới thời Tổng thống Duterte
Đọc gì để biết sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị bắt vì tội ác chống lại loài người.
Khi lịch sử được “Đảng hóa”
Những cán bộ viết sử kiêm nhiệm vụ giám sát ký ức của nhân dân.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.