Lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng chết chưa rõ nguyên nhân khi bị giam giữ ở Việt Nam

Lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng chết chưa rõ nguyên nhân khi bị giam giữ ở Việt Nam
Ông Tulku Rigzin Hungkar Dorje. Nguồn ảnh: FREE TIBET.

Các sự kiện nổi bật:

  • Cái chết bí ẩn của tu sĩ Phật giáo Tây Tạng ở TP. HCM
  • Việt Nam - Mỹ nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương sau vụ áp thuế chấn động toàn cầu

Lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng chết ở TP. HCM

Ngày 8/4, Chính phủ lưu vong của Tây Tạng đã thông báo rằng ông Tulku Hungkar Dorje (hay Trulku Hungkar Dorjee), một lãnh đạo tôn giáo và văn hóa Tây Tạng được kính trọng, đã qua đời tại TP. HCM vào ngày 29/3/2025. Ông hưởng dương 56 tuổi.

  • Theo Đài Á Châu Tự Do và báo quốc tế, ông Tulku Hungkar Dorje đến Việt Nam từ tháng 9/2024 để tránh sự truy bức của chính quyền Trung Quốc. 
Bộ Thông tin và Quan hệ Quốc tế của Chính quyền Trung ương Tây Tạng tổ chức họp báo vào chiều ngày 8/4/2025 để làm rõ cái chết đáng ngờ của Tulku Hungkar Dorjee. Nguồn ảnh: tibet.net.
  • Vào ngày 25/3/2025, ông bị bắt giữ tại một nơi cư trú ở TP. HCM trong một chiến dịch được cho là có sự phối hợp giữa công an Việt Nam và đặc vụ Trung Quốc. Khoảng vài ngày sau thì ông qua đời. Hoàn cảnh xoay quanh cái chết của ông vẫn chưa được làm rõ. Truyền thông nhà nước cũng không đề cập gì đến vụ việc.
  • Một nhóm gồm năm tăng sĩ từ Tu viện Lung-ngon và sáu quan chức đại diện cho cơ quan an ninh đã đến Việt Nam vào ngày 5/4 để đưa thi thể Tulku về Tây Tạng.
  • Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa rõ những người này đã được tiếp cận hay nhận lại thi hài hay chưa. Lý do, trong một cuộc họp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, các tăng sĩ Tây Tạng bị từ chối cho tham gia vào quá trình xử lý thi thể.

    Hiện thi thể của ông đang được bảo quản ở Bệnh viện Quốc tế Vinmec Central Park và có lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ.
  • Chính quyền Tây Tạng lưu vong cùng nhiều tổ chức nhân quyền đã kêu gọi điều tra về cái chết của Tulku. Phía Trung Quốc hiện cũng chưa đưa ra lời giải thích chính thức nào.
  • Ông Tulku Hungkar Dorje là một nhà sư, nhà từ thiện và nhà giáo dục.

    Năm 2004, ông thành lập Quỹ Phúc lợi Tsongon Gesar tại tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) để bảo tồn văn học sử thi Gesar và văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

    Năm 2007, với sự chấp thuận từ chính quyền châu Golog và sở giáo dục, ông sáng lập Trường Dạy nghề Quốc gia Hungkar Dorje, phục vụ khoảng 1.000 học sinh và giáo viên, dạy học miễn phí cho trẻ em từ các cộng đồng du mục và nông thôn ở Tây Tạng. Ông đã thành lập khoảng 14 trường tiểu học và trung học trong những năm qua.

    Ngoài ra, ông còn xây dựng nhiều tu viện và học viện Phật giáo, đóng góp lớn cho việc phục hưng và bảo tồn tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng. 

    Các hoạt động này được cho là đã khiến ông trở thành mục tiêu của các cáo buộc chính trị từ chính quyền Trung Quốc.
  • Ngoài ra, theo báo chí nhà nước, ông Tulku đã không tổ chức đón tiếp trọng thể vị Panchen Lama do chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm khi người này đến thăm châu tự trị Golog.

    Ông Tulku bị chính quyền Trung Quốc cho là không tuân phục, trung thành với đường lối tôn giáo của chính quyền.
  • Về việc liên quan đến “Panchen Lama” cũng là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng.

    Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng thì Panchen Lama được xem là lãnh đạo tinh thần cao cấp thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.

    Vào năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận một đứa trẻ sáu tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima là “hóa thân đời thứ 11” của Panchen Lama. Trung Quốc ngay sau đó đã bắt cóc cậu bé này. Thế giới vẫn hay gọi cậu bé là “tù nhân trẻ tuổi nhất thế giới”.

    Sau đó, Trung Quốc liền “tái sinh” một Panchen Lama khác. Tuy nhiên, hầu như người Tây Tạng và cộng đồng Phật giáo quốc tế không công nhận vị này.

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ “ngạch” trong quản lý công chức

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 6/4 và trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến diễn ra hai đợt: đợt 1 từ ngày 14 - 17/4; đợt 2 từ ngày 23 - 28/4), Bộ Nội vụ đã đề xuất một số thay đổi trong quản lý công chức thông qua dự thảo Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi.

  • Bộ Nội vụ đề xuất bỏ khái niệm “ngạch” công chức (tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức). Thay vào đó, công chức sẽ được quản lý theo “vị trí việc làm”, gắn với chức vụ, chức danh và yêu cầu công việc cụ thể.

    Việc bổ nhiệm, trả lương hay đánh giá sẽ căn cứ vào tính chất công việc và khung năng lực tương ứng, thay vì dựa trên “ngạch” như trước đây. 
  • Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng khuyến nghị cho phép một số công chức được làm việc bán thời gian, làm việc từ xa trong những trường hợp đặc biệt như: sinh con, nhận con nuôi, chăm sóc người thân khuyết tật hoặc nạn nhân tai nạn trong vòng ba năm.

    Việc làm từ xa phải được sự đồng ý của trưởng bộ phận.

    Cũng liên quan đến công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: 90,06% người tham gia khảo sát (trên tổng số 36.525 người) cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 83,94% người dân hài lòng với cơ quan hành chính nhà nước. 
  • Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính, ngày 7/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 74, giao các địa phương lập hồ sơ đề án sắp xếp các cấp tỉnh, xã trước ngày 1/5 để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng Sáu.

    Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thêm từ 15 đến 30 người so với quy định hiện hành, nhằm phù hợp với chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính.
  • Sáng 10/4, tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản lần thứ 11 khóa 13 đã được khai mạc để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12/4, tập trung thảo luận và cho ý kiến về 15 nội dung lớn.

    Trong đó, hai trọng tâm chính gồm sắp xếp bộ máy (xuống còn 34 tỉnh, thành) và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, cũng như bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGp/Nhật Bắc/Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.

Mỹ tạm dừng kế hoạch áp thuế trong 90 ngày 

Rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia không trả đũa Hoa Kỳ và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này, trong đó có Việt Nam.

Riêng Trung Quốc vẫn bị áp mức thuế cao, lên tới 125% sau khi Bắc Kinh đáp trả đợt tăng thuế mới của Washington.

  • Vài tiếng sau khi ông Trump đăng tải bài viết trên Truth Social, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, trong vai trò đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Washington.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương - Ảnh: VGP/Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.
  • Mặc dù Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày, nhưng ông Phớc cho rằng việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam là chưa phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

    Vì thế hai nước cần sớm khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương mang tính ổn định, lâu dài, và cùng có lợi.

    Phía Mỹ cũng nhất trí với đề xuất này, khẳng định hết sức coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam. Hai bên thống nhất sẽ sớm bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, bao gồm các nội dung liên quan đến thuế. Các nhóm kỹ thuật của hai nước sẽ trao đổi trong thời gian tới.
  • Trước đó, vào chiều 7/4, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là tình trạng lợi dụng Việt Nam để làm điểm trung chuyển hàng hóa từ nước thứ ba để xuất khẩu sang Mỹ.
  • Theo tờ ​Channel NewsAsia (CNA), Việt Nam đang lên kế hoạch mua thêm các sản phẩm quốc phòng và an ninh từ Mỹ, nhằm góp phần thu hẹp mức thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng đề nghị Mỹ đẩy nhanh tiến độ bàn giao máy bay thương mại mà hãng hàng không trong nước đã đặt mua.
  • Cùng ngày 9/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng mạng trước các diễn biến thương mại quốc tế. VN-Index (chỉ số đại diện chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam) giảm gần 50 điểm, lùi sâu về mốc 1.084 điểm.
  • Trước đó, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc trao đổi, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ về 0%, đồng thời đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế tương tự cho Việt Nam.

    Dù vậy, Mỹ không chấp nhận ngay đề nghị này. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho hay Mỹ lo ngại các vấn đề như gian lận thuế quan và trộm cắp tài sản trí tuệ. Việc đưa mức thuế về 0% không đủ để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong quan hệ thương mại song phương.

Bộ Công an đề xuất bỏ Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất chấm dứt hoạt động của Cơ quan Điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao.

  • Lý do được đưa ra là việc Viện KSND vừa có thẩm quyền công tố, kiểm sát điều tra, vừa trực tiếp thực hiện điều tra hình sự có thể dẫn đến xung đột chức năng, thiếu khách quan trong quá trình tố tụng.
  • Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng cần giữ nguyên quy định về Cơ quan Điều tra trực thuộc đơn vị này. Lý do được nêu là Cơ quan Điều tra có vai trò độc lập trong xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tư pháp.

    Nếu nhập vào hệ thống cơ quan điều tra của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, sẽ khó đảm bảo tính khách quan, độc lập, nhất là trong những vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động điều tra, truy tố.
  • Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất áp dụng hình phạt tù chung thân không được xét giảm án đối với 14 tội danh nghiêm trọng, bao gồm phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà nước, giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, sản xuất và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hoặc phòng bệnh, sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy, tham ô tài sản và nhận hối lộ.
  • Bộ Công an đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình với tám tội danh, trong đó có nhiều tội từng được xem là đặc biệt nghiêm trọng như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật, vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản và nhận hối lộ.

    Đặc biệt, tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược cũng nằm trong nhóm bị đề xuất xóa bỏ án tử hình.

    Đối với các tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ, người phạm tội có thể được miễn hình phạt tử hình nếu tự nguyện nộp lại ít nhất ba phần tư số tài sản đã chiếm đoạt, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn.

Luật Khoa chọn sống dựa vào những độc giả như bạn!


Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.

Đăng ký Member

Tin vắn

Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Ngày 4/4, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có ông Trương Hòa Bình. Như thường lệ, các vi phạm của ông Bình không được nêu rõ mà chỉ nêu chung chung, mơ hồ là đã vi phạm quy định của đảng, pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Trương Hòa Bình là phó thủ tướng thường trực trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nghỉ hưu từ tháng 7/2021. Hồi tháng 12/2024, ông cũng đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Trương Hòa Bình - Ảnh: Quốc hội. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.

Hủy tư cách tu sĩ  “sư phụ” xâm hại tình dục bảy chú tiểu ở Đà Lạt: Ông Nguyễn Đắc Vũ, sinh năm 1987, trước đây được biết tới với tên gọi Thích Vạn Chánh, đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thu hồi Chứng điệp thọ giới vào ngày 1/11/2024. Ngày 1/4/2025, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đắc Vũ về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” quy định tại Khoản 2, Điều 142 của Bộ luật Hình sự.

Hơn 1,35 triệu thanh niên Việt Nam không đi học, không đi làm: Ngày 6/4, Cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2025. Theo đó, có 10,4% tổng số thanh niên từ  15 - 24 tuổi trên cả nước không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên độ tuổi này là 7,93%, giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2024 nhưng không đáng kể. 


Bài đáng đọc trong tuần

Nếu thành phố xuống phường

Nguyễn Đỗ Dũng | VnExpress

“[...] Chưa nói tới thương hiệu, bản sắc và niềm tự hào địa phương và các mối quan hệ quốc tế mà mỗi thành phố bấy lâu nay đại diện. Liệu phường Đà Lạt có còn là biểu tượng thành phố ngàn hoa, phường Buôn Mê Thuột có đủ không gian trở thành thủ phủ cà phê của thế giới? [...].”


Sự kiện đáng chú ý sắp tới

  • Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 sẽ được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP.HCM từ ngày 6/5 đến 8/5.

Đọc thêm:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy như đảng chỉ đạo thế nào?
Việc tinh gọn nhằm phục vụ tốt hơn cho tăng, ni, Phật tử.
Sống nhờ lương - Kỳ 1: Lương 10 triệu đồng/tháng có đủ sống ở Hà Nội, TP. HCM?
Với chi phí sinh hoạt ngày một tăng, nhất là tại các thành phố lớn, nhiều người cho rằng mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng là không đủ.
Thư cuối tuần: Sống lại tháng Tư năm 1975 cùng Luật Khoa
Chỉ khi cùng nhau nỗ lực, chúng ta mới có thể gìn giữ được những ký ức lịch sử đã từng bị xóa mờ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.