Nhà văn Uyên Thao: Người đứng về phe nước mắt

Nhà văn Uyên Thao: Người đứng về phe nước mắt
Đồ họa: Thanh Tường / Luật Khoa.

Nếu chỉ được chọn một câu chuyện đời người để minh hoạ cho bức tranh toàn cảnh về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, tôi sẽ chọn câu chuyện cuộc đời nhà văn Uyên Thao.

Cảm thức về con người

Không phải cứ cầm bút là thành “nhà văn”. Nhà văn là người cầm bút nhìn con người với đôi mắt vượt lên trên mọi đường biên giới, nhìn con người ở phần bản thể người của họ, không nhìn con người đơn giản chỉ qua màu cờ sắc áo họ mang theo. 

Nếu định nghĩa “nhà văn” như vậy, Uyên Thao là một trong số không nhiều người cầm bút xứng đáng được gọi là nhà văn. 

Tôi đến thăm và phỏng vấn ông vào một ngày cuối tháng Một năm 2024, khoảng hai tuần sau khi vị hiền thê của ông, nữ sĩ Hàng Ngọc Hân, qua đời.

Nhà văn Uyên Thao sinh năm 1933 tại Hà Nội. Năm 20 tuổi, ông vào Sài Gòn, làm ký giả viết cho tờ báo Đời Mới và một số tờ văn nghệ khác. Đó cũng là thời gian ông gia nhập Quân đội Quốc gia Việt Nam và đứng giữa những đường biên giới khác nhau. Chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông cũng không chịu nổi khi nhìn những sĩ quan Pháp hô hiệu lệnh cho binh sĩ Quân đội Quốc gia Việt Nam. 

Ông bỏ vào núi Bà Đen gia nhập quân đội Cao Đài, vừa chống Pháp vừa chống cả Việt Minh Cộng sản.

Nhưng lý tưởng tuổi trẻ nhanh chóng giáp mặt với thực tế khi đi làm cách mạng: làm cách mạng có nghĩa là phải giết người. 

Sau mỗi trận đánh, chàng trai trẻ tuổi 20 không thôi ám ảnh về những người lính bên kia chiến tuyến. Bất kể họ là ai, họ cũng có vợ con, gia đình. Tất cả những người lính đối địch khi cởi bỏ quân phục thì không còn những nhãn hiệu dán cho nhau nữa, không còn “Quốc gia” hay “Cộng sản”, không còn “Cộng sản” hay “ngụy quân ngụy quyền”, mà chỉ là con người mà thôi. 

Ông đành xin chỉ huy cho buông cò súng. Và tuyệt vời thay, chỉ huy của ông gật đầu đồng ý. Ông trở lại với ngòi bút. 

Năm 1967, khi cuộc chiến Việt Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt, ở miền Bắc, nhà văn Nguyễn Thành Long viết một bút ký nói về nỗi lo lắng của một bà mẹ già có con đi lính và ước mơ cuộc sống hoà bình. Tác phẩm lọt lưới kiểm duyệt, được đăng trên báo Văn Nghệ. 

Ngay lập tức, nó bị phê phán kịch liệt là tiểu tư sản, không biết phân biệt địch ta. Đó là tiếng nói hiếm hoi duy nhất trên đất Bắc thời chiến một lần nhìn con người như là con người, vượt lên dù chỉ một chút và chỉ trong một khoảnh khắc, cái nhìn chia con người thành biên giới phe ta, phe nó. 

Ở miền Nam Việt Nam, người ta chứng kiến một nền văn nghệ và giáo dục khác hẳn, một nền văn nghệ và giáo dục nhìn con người trước hết là con người. Họ dạy con người khả năng nhìn vào bản thể loài của giống người. 

Nhật báo “Sóng Thần” của nhà văn Uyên Thao là một trong những di sản sống động nhất của tinh thần ấy, một di sản đã bị vùi dập từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, đến nay đã nửa thế kỷ. 

Nhà văn Uyên Thao cùng bạn bè sáng lập tờ Sóng Thần năm 1971. Tờ báo đặt ra một câu hỏi xuyên suốt dành cho tất cả các lực lượng chính trị trên chiến trường Việt Nam: các ông làm gì với những sinh linh bé nhỏ trên mảnh đất Việt Nam? 

Câu hỏi đó làm cho tờ báo đứng ngoài mọi biên giới, làm cho nó chống lại tất cả các bên. Nó lên án đanh thép tội ác của những người cộng sản nã pháo không thương tiếc vào dòng người chạy tị nạn khỏi Quảng Trị mùa hè năm 1972. [1]

Nó trút bão lửa ngôn từ lên quân đội Mỹ, những người trút đạn bom xuống mọi mục tiêu mà không cần quan tâm có bao nhiêu dân thường đang tìm đường sống ở đó. 

Nó phê phán trực diện tình trạng tham nhũng của chính quyền Tổng thống Thiệu. Tờ báo ấy chỉ đứng về một phe, là phe nước mắt, chỉ đứng về công lý và tự do. 

Chỉ chọn phe nước mắt

Giống như mọi nền chính trị tự do khác, các chính trị gia thường gọi bên đối lập là tay sai của kẻ thù, Tổng thống Thiệu từng gọi những người phê phán ông, trong đó có tờ Sóng Thần, là “cộng sản”. Ông Thiệu từng muốn truy tố Sóng Thần nhưng đành bỏ dở giữa chừng.

Sau gần 50 năm nhìn lại, có lẽ Tổng thống Thiệu sẽ phải ngậm cười nơi chín suối, vì rốt cục, chính tinh thần tự do của Sóng Thần lại là minh chứng sống động cho tinh thần tự do mà Việt Nam Cộng hòa theo đuổi. Sóng Thần tranh đấu để xây dựng một Việt Nam Cộng hòa tự do. Họ không đồng nhất Việt Nam Cộng Hòa như một chính thể với một vài cá nhân lãnh tụ của chính thể đó. 

Ở giữa Sài Gòn, Sóng Thần đã có thể công khai lên án quân đội Mỹ, phê phán nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền đương nhiệm với thái độ thẳng thắn nhất như một nền báo chí tự do thực thụ. [2]

Trong căn nhà nhỏ ở Fairfax, Virginia, nhà văn Uyên Thao kể lại với tôi về những gì xảy ra với ông sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Họ dí súng vào lưng ông, giải đi. Họ chỉ hỏi ông một vài câu họ quan tâm nhất: Cấp bậc trong quân đội của ông là gì? Ông làm gì cho CIA? 

Đến Sài Gòn từ một thế giới khác, những người công an Hà Nội ngày đó tin rằng ông phải có hàm thấp nhất cũng phải cỡ là thiếu tướng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa thì mới được làm chủ bút một tờ báo. Nếu ông không có hàm tướng trong quân đội thì nhất định phải là sĩ quan do CIA tuyển dụng. Những người nô lệ khi được trao vào tay khẩu súng, họ không thể tin rằng trên đời này thực sự có hai chữ tự do. Ông đi tù 10 năm trong nhà tù của những người “giải phóng.” 

Ra tù, ông không được cho về với gia đình mà bị cưỡng chế sống trong chùa Pháp Hoa bên cạnh Viện Đại học Vạn Hạnh đã bị đóng cửa từ 1975. Tất cả sư trong chùa đều là công an. Ông hỏi: “Trong tù tôi còn có cơm ăn. Ở đây cho sống trong chùa mà không cho ăn thì tôi sống thế nào?” Câu trả lạnh lùng mà ông nhận được: “Đừng đòi hỏi. Chưa bắn là may rồi.” Nhà văn nhớ lại, lúc ấy đã ngoài 50…

Thế rồi, một người bộ đội giải ngũ đang kiếm sống bằng nghề hót rác đã giúp ông, cho ông “công việc” đi hót rác cùng anh ta với thù lao đủ để mua một ổ bánh mì mỗi ngày. Ban ngày ông được đi “kiếm sống,” tối lại về chùa Pháp Hoa trình diện. Cứ thế, thêm 10 năm nữa. 

Tiếng Quê Hương

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhà văn Uyên Thao đã không bỏ chạy, như ông kể với chúng tôi, vì không tin Sài Gòn sụp đổ là đã thua. Cuộc chiến còn dài lắm, dù không tiếng súng. 

Hai mươi năm trong địa ngục trần gian đã không “cải tạo” được nhà văn Uyên Thao thành “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Năm 1986, Trường Chinh, người cộng sản kiên trung nhất, cuối cùng lại trở thành người tuyên bố chấp nhận “thị trường”, cái mà ông và đồng chí đã thực hiện cả một cuộc cách mạng kéo dài 40 năm để xóa bỏ. Cuối năm 1999, nhờ sự can thiệp từ phía Mỹ và vận động của nhiều bạn bè ông, nhà văn Uyên Thao cùng gia đình đến Mỹ, định cư ở Virginia. 

Ở tuổi gần 70, ngòi bút Uyên Thao sống lại nơi đất khách và rồi đây trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông sáng lập tủ sách Tiếng Quê Hương vào năm 2000 để gìn giữ những di sản văn học nghệ thuật Việt Nam và truyền bá những sáng tạo mới. [3]

Khác với Sóng Thần năm xưa, nơi ông có thể gây dựng cả một tòa soạn, ở Tiếng Quê Hương, tòa soạn ấy chỉ có một người và sự giúp đỡ của bạn bè. Thật khó để nói một cách đầy đủ về khối lượng công việc đồ sộ mà Tiếng Quê Hương, tức nhà văn Uyên Thao, đã thực hiện trong hơn 20 năm qua. Có lẽ chúng ta sẽ trở lại với Tiếng Quê Hương vào một dịp khác. 

Ở tuổi 91, đôi mắt nhà văn Uyên Thao vẫn sáng, ngòi bút ông vẫn miệt mài. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng có cả một lịch sử khác của Việt Nam vẫn đang tiếp tục sống. 

💡
Một đất nước chỉ có thể trưởng thành khi lịch sử được ghi nhớ trung thực và trọn vẹn.

Đó là lý do Luật Khoa thực hiện Dự án 1975 và tiếp tục nghiên cứu, viết về Việt Nam Cộng hòa.

Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự đồng hành của bạn. Hãy ủng hộ Quỹ Nghiên cứu Việt Nam Cộng hòa, giúp chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, tư liệu hóa và kể lại những câu chuyện lịch sử còn chưa được tỏ tường.

Đọc thêm:

Học thuyết nhân vị: Lý tưởng của Ngô Đình Nhu và con đường thứ ba cho Việt Nam
Thời thiên hạ chia đôi, Ngô Đình Nhu tin rằng có một con đường thứ ba.
Từ Sài Gòn đến San Diego: Hành trình vượt biên của một thiếu niên Vũng Tàu
Cuốn hồi ký Saigon to San Diego (tạm dịch: Từ Sài Gòn đến San Diego) của Đỗ Quang Trình, xuất bản bằng tiếng Anh tại Mỹ năm 2004, kể về hành trình trốn chạy khỏi Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Trong cuốn sách, tác giả

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.