Thông báo về việc nâng cấp website Luật Khoa
Luật Khoa đang trong quá trình nâng cấp website và dự kiến hoàn thành vào ngày Chủ nhật, 20/4.
Cần có cái nhìn công bằng và cảm thông hơn, tránh được những sự chia rẽ không đáng phải xảy ra.
Trong cuốn phim tài liệu The Hornet’s Nest do ký giả nhận giải Emmy là Mike Boettcher thực hiện, khi theo bước chân hành quân của những người lính, trong một cảnh giao tranh dữ dội giữa lính Mỹ và quân Taliban tại chiến trường Afghanistan, giọng ông vang lên, “đây là những cảnh mà không cha mẹ nào muốn thấy”. Trận đụng độ sống thực, dữ dội không khác trong phim ảnh cho thấy cái chết với người lính đã có thể xảy ra trong mỗi sát na, mỗi một chớp mắt.
Không nhiều người trực tiếp dự phần hay chứng kiến những chiến trận như vậy, ngoài những người lính hứng chịu làn đạn, đối diện giữa sự sống và cái chết mới hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh như thế. Ngay cả khi người lính Mỹ chưa từng biết kẻ đối diện là ai, thế nào như trả lời trong một số phim tài liệu, họ phải tiêu diệt kẻ địch trong cuộc chiến đấu mang ý nghĩa sinh tồn.
2.400 người lính đã nằm xuống tại chiến trường Afghanistan và hơn 20 ngàn binh sĩ bị thương. Nhưng vẫn còn ít hơn 58 ngàn lính Mỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam và hơn 300 ngàn binh lính bị thương. Và khi nói về nạn nhân chiến tranh là thường dân vô tội, con số này lớn hơn gấp bội lần. Các số liệu có khác biệt tùy theo các cuộc nghiên cứu khác nhau nhưng ước tính đã có khoảng hai triệu người dân, cả miền Bắc lẫn miền Nam đã chết trong chiến tranh. Vâng! Hai triệu thường dân Việt Nam.
Nếu những nhóm cố vấn quân sự Mỹ đã vào Việt Nam từ cuối năm 1961 theo lịnh của Tổng thống Kennedy thì đến tháng 3 năm 1965, khi 3.500 lính thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng được xem là Mỹ chính thức đưa quân vào Việt Nam, mở màn cho việc đổ quân ồ ạt vào chiến trường này. Đến cuối năm 1967, số quân đã lên đến nửa triệu. Cuộc chiến tiêu diệt các du kích Cộng sản tưởng sẽ dễ dàng và nhanh chóng theo như các cấp tướng lãnh quân sự thoạt tưởng lúc đầu đã cam go và nguy hiểm nhiều hơn gấp bội.
Trận đánh Ia Drang dưới chân rặng Chu-Pong, là một phần trong chiến dịch Pleime tại vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam vào tháng 11 năm 1965 được xem là trận đụng độ chính thức đầu tiên giữa lính Mỹ và quân Bắc Việt. Chỉ ở trận mở màn này, phía Mỹ tử trận 237 lính và 258 lính bị thương, khoảng phân nửa quân số tham gia trận đánh này bị chết hay bị thương. Còn phía lính Việt Nam Cộng Hòa là khoảng 350 người, phía Bắc Việt ước tính hơn 1.200 quân, theo như báo cáo của Thiếu tá Hal Moore và Trung tá Tham mưu trưởng Quân đoàn II Nguyễn Văn Hiếu, những cấp chỉ huy trận đánh lúc bấy giờ. [1] Đến cuối năm 1967, chỉ hơn hai năm tham chiến đã có hơn 15 ngàn lính Mỹ tử trận và trên 100 ngàn người bị thương.
Phong trào phản chiến tại Mỹ không khởi xướng ngay sau khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam, mà nó chỉ bắt đầu khi con số tử vong của lính Mỹ liên tục tăng cao như vậy. Không chỉ vậy, trong nước thì chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson bắt đầu đôn quân nhập ngũ, mỗi tháng lên đến 40 ngàn tân binh để tiếp tục cuộc chiến Việt Nam, thay thế số tử sĩ cứ lạnh lùng tăng theo thời gian.
Qua truyền hình và báo chí, người dân Mỹ còn chứng kiến cả sự tàn bạo của chiến tranh đã đổ xuống thường dân vô tội ở đất nước Việt Nam xa xôi qua các tin tức chiến sự không bị cắt gọt hay chỉnh sửa. Phong trào phản chiến ra đời như một điều tất nhiên khi nhiều người dân Mỹ bắt đầu nghi ngờ về cuộc chiến và sự hy sinh của con em mình, cùng những chết chóc, điêu tàn của người dân Việt Nam.
Phong trào khởi đầu từ giới sinh viên, trí thức đại học, những người trẻ tuổi vốn mang xu hướng cổ xúy hòa bình, rồi dần lan rộng sang các tầng giới khác trong xã hội. Họ muốn Mỹ rút quân. Họ không cần biết đến những kế hoạch hay chiến lược ngăn chận Cộng sản của những chính khách hay quân đội thế nào, họ chỉ không muốn con cái, anh em mình bị tử nạn ở một vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương hay thương xót giùm cho người dân lành nơi đó. Có thể người lính cầm súng không hề mong đợi sự phản chiến nhưng sự phản chiến cũng xuất phát từ mong muốn hòa bình và lòng nhân ái như vậy, không đến từ mục tiêu chính trị.
Cũng cần nói thêm là cuộc leo thang chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu từ thời Tổng thống Kennedy kéo dài sang thời Tổng thống Johnson, cả hai cùng thuộc Đảng Dân chủ và nắm quyền cho đến tháng Một năm 1969, nên cũng khó có thể cho rằng phong trào phản chiến là thuộc “cánh tả”, từ phía Dân chủ hay là “cộng sản”, mà đến từ bất cứ ai không muốn thấy chiến tranh.
Phong trào phản chiến cũng xuất hiện tại Việt Nam với cùng lý do, không mạnh mẽ và chính thức như tại Mỹ mà xuất hiện giới hạn trong thành phần tu sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh. Mang tinh thần dân tộc, họ không muốn thấy con em mình tử trận, không muốn thấy bom nổ, nhà tan và những đồng bào mình bị mất mạng tức tưởi. Với bất cứ lý do gì, chiến tranh chỉ là giải pháp và lựa chọn cuối cùng. Những người nhạc sĩ ôm đàn mơ ngày đất nước thanh bình, thôi còn máu đổ thịt rơi bị xem là phản chiến hay nặng nề hơn là phản bội.
Những nhân vật này cho đến nay vẫn còn là đề tài cho công luận, khi một số người Việt chỉ trích rằng họ là nguyên nhân gián tiếp gây nên sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Sau sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuộc tranh luận về thái độ phản chiến của ông dường như vẫn đang diễn ra đầy gay gắt, bị soi rọi từng góc cạnh. Nhưng như đã nói bên trên, thái độ phản chiến hay sự cổ xúy hòa bình được nhìn nhận khá khác nhau tùy theo vị thế và quan điểm, nó không rạch ròi đúng sai khi nhìn từ một phía. Nước Mỹ và dân Mỹ nhìn về vấn đề phản chiến như một quyền bày tỏ thái độ tự nhiên, không cay đắng hay đổ lỗi cho phong trào phản chiến tại Mỹ khi nhìn lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là một số ít cá nhân đã nhân việc này để kích động cả sự chia rẽ tôn giáo, nhắc đến vài tu sĩ trong mục đích tấn công chung Phật giáo, khi nhắc lại rằng những cuộc biểu tình của Phật giáo cũng đã góp phần làm sụp đổ miền Nam. Vậy hãy nhìn lại phong trào Phật giáo đã ảnh hưởng cuộc chiến thế nào?
Phong trào Phật giáo xuống đường diễn ra hai lần, khởi đầu từ miền Trung. Lần đầu vào năm 1963, nhằm phản đối việc chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Lần thứ nhì vào năm 1966 với lập trường của giới lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ là phản đối chiến tranh, cổ xúy hòa bình và giành quyền dân tộc tự quyết, xảy ra nhân vụ Tướng Nguyễn Chánh Thi, người có xu hướng ngả theo phong trào Phật giáo bị cách chức.
Để hiểu hơn về quan điểm và nguyện vọng cùng lý do xuống đường của phong trào Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này, có thể đọc lại Tuyên Ngôn 10 Tháng 5 cùng phụ đính ngày 23 tháng 5 năm 1963 của Phật giáo Việt Nam bao gồm những điểm tóm lược theo sau: [2]
Quan điểm:
1. Không chủ trương lật đổ chính phủ, chỉ có nguyện vọng cải thiện chính sách.
2. Không có và không xem ai là kẻ thù, không phải một cuộc chiến tôn giáo mà cho sự công bình tôn giáo.
3. Tranh đấu cho lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ bình đẳng xã hội.
4. Phương pháp tranh đấu là bất bạo động.
5. Không chấp nhận mọi sự lợi dụng của bất cứ thành phần nào.
Nguyện vọng:
1. Đề nghị chính Phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
2. Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo dụ số 10. [3]
3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Chính phủ bồi thường cho các nạn nhân vô tội bị sát hại khi tham gia biểu tình tại Đài Phát thanh Huế và kẻ chủ mưu phải bị xét xử.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đối phó những quan điểm và nguyện vọng về tự do tôn giáo không được phía Phật giáo xem là thỏa đáng, nên càng châm dầu vào phong trào và cao điểm là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. [4] Ông viết những lời di nguyện theo sau:
“- Một là mong ơn Phật trời gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.
- Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
- Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.
- Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.” [5]
Dựa trên nhãn quan và tài liệu lịch sử đã dẫn, từ phong trào phản chiến hay cổ xúy hòa bình cho đến phong trào Phật giáo Việt Nam cùng những lời di nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại đã cho thấy các phong trào này cũng chỉ nhắm vào việc cổ xúy hòa bình và tự do tôn giáo, cầu nguyện sự an bình cho người dân, người lính, muốn chấm dứt cuộc chiến tương tàn, khác hơn việc cho rằng chúng góp phần làm sụp đổ miền Nam. Bởi từ thời Đệ nhị Cộng hòa, Phật giáo đã chấm dứt những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ như trước kia.
Theo tài liệu mật của tình báo CIA về Thượng tọa Thích Trí Quang, một trong những người ký tên vào bản Tuyên ngôn 10/5/1963, và về các lãnh tụ Phật giáo vào tháng 4 năm 1963, tường trình rằng Thích Trí Quang là một nhà tu hành Phật giáo, tranh đấu cho quyền lợi dân tộc và không can dự đến Cộng sản. Báo cáo này còn nhận xét rằng, một chính phủ Việt Nam Cộng hòa có đa số Phật giáo (a Buddhist-Dominated Government) có thể tạo sự ổn định cho tình thế Việt Nam về lâu dài. [6]
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc nửa thế kỷ nhưng những ngộ nhận và sự cay đắng, giận dữ vẫn còn tiềm ẩn trong không ít người, dường như chỉ chực chờ mỗi khi có dịp để đổ lỗi cho một vài cá nhân. Nhưng cuộc sụp đổ của một chính quyền có quân đội và nhận nhiều tỷ đô hàng năm có quá nhiều lý do to lớn khác để nhìn lại và đã được nhiều nhà sử học phân tích, hơn là vì một đôi cá nhân cổ xúy hòa bình hay thực hiện nhiệm vụ của họ. Vấn đề lịch sử to lớn và cần cái nhìn cảm thông từ cả hai bên nhằm tránh những tranh luận kéo dài.
Người Việt đã có quá nhiều chia rẽ theo chính trường nước Mỹ trong vài năm qua, không khéo lại tiếp tục châm ngòi cho một nguy cơ chiến tranh tôn giáo qua việc đổ lỗi cho Phật giáo. Điều này nếu không làm thương tổn tâm hồn của những người đang dự phần cuộc tranh luận thì cũng đẩy họ ra xa thêm.
Không quên quá khứ nhưng cũng chẳng ai có thể thay đổi lịch sử. Đặt mình vào vào bối cảnh và tâm tình lịch sử, có lẽ một số người sẽ có cái nhìn công bằng và cảm thông hơn, tránh được những sự chia rẽ không đáng phải xảy ra.
1. Colonel Hieu and LTC Hal Moore re: LZ X-Ray After Action Report (m). (n.d.). https://generalhieu.com/lzxray_moore_hieu-2.htm
2. QuangMai. (2023, July 22). Hồ sơ Pháp Nạn: PHỤ ĐÍNH Bản Tuyên Ngôn của Phật giáo Việt Nam ngày 10.5.1963. Thư Viện GĐPT. https://thuviengdpt.info/ho-so-phap-nan-ban-phu-dinh-tuyen-ngon-ngay-10-5-1963/
3. Đạo dụ số 10 về điều lệ, quy chế tổ chức hiệp hội do Quốc trưởng Bảo Đại ký sắc lịnh vào tháng Tám năm 1950. Đạo dụ này xem các tôn giáo như các hiệp hội thông thường, ngoại trừ chế độ đặc biệt cho Thiên Chúa giáo. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã hủy bỏ mọi điều luật của Bảo Đại nhưng giữ lại đạo dụ bất bình đẳng tôn giáo này.
4. Thich Quang Duc- The Burning Monk | The Beverly Deepe Keever Collection. (n.d.). https://keever.unl.edu/index.php/articles/extra-vietnam-information/thich-quang-duc-the-burning-monk/
5. Về một bức thủ bút chữ nôm của bồ tát Quảng Đức, p.q.v. Thư viện Hoa sen. https://thuvienhoasen.org/a5276/ve-mot-buc-thu-but-chu-nom-cua-bo-tat-quang-duc-p-q-v
6. Xem: https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP80B01676R000100050011-6.pdf