Thông báo về việc nâng cấp website Luật Khoa
Luật Khoa đang trong quá trình nâng cấp website và dự kiến hoàn thành vào ngày Chủ nhật, 20/4.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (nay trực thuộc Bộ Tài chính, trước đây là Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, Hà Nội có chi phí sinh hoạt đắt đỏ đứng đầu cả nước. Xếp sau Hà Nội lần lượt là TP. HCM, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng.
Với chi phí sinh hoạt ngày một tăng, nhất là tại các thành phố lớn, nhiều người cho rằng mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng là không đủ sống. Trong thực tế, đây cũng là một chủ đề gây tranh luận trong nhiều năm qua, liên quan tới lương hay thu nhập đủ sống.
Để đánh giá mức lương 10 triệu đồng/tháng có thể giúp người lao động trang trải ở thành phố hay không, phóng viên của Luật Khoa tạp chí tạm phân chia ra hai diện: (1) công nhân và (2) nhân viên các khối văn phòng, hành chính.
Ở phần này, bảng phân tích được lập ra với giả định rằng người lao động thuê phòng trọ diện tích nhỏ, tự nấu ăn (hoặc ăn quán bình dân), hạn chế tối đa chi tiêu cho việc giải trí.
Cần lưu ý rằng nhiều người lao động (nhất là người nhập cư từ các tỉnh lẻ đến các thành phố lớn) còn phải nuôi con nhỏ, gửi tiền về quê cho ông bà, phụ giúp gia đình, v.v.
Như vậy, mức lương 10 triệu đồng/tháng chỉ giúp cho một công nhân vừa đủ sống ở TP. HCM, với điều kiện họ phải chi tiêu tằn tiện, thuê phòng trọ rẻ tiền và không phải nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, nói lương của công nhân 10 triệu thì đấy là con số “hằng mong ước”, bởi thực tế, mức lương của công nhân hay lao động thủ công thấp hơn nhiều.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức thu nhập trung bình của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta, vào năm 2025, dao động khoảng 4 - 7,5 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập này, hầu hết người lao động không thể tiết kiệm hay đầu tư cho những nhu cầu dài hạn như giáo dục, y tế.
Do đó, người lao động luôn chịu cảnh “thiếu trước hụt sau”. Họ phải chấp nhận điều kiện sống thấp hơn (ví dụ như phòng chật hơn, nóng hơn, ăn uống ít hơn), gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, hay gửi con đến các điểm giữ trẻ tự phát gần khu công nghiệp (vì giá rẻ hơn các trường tư thục hoặc gần nhà).
Và trên thực tế, có nhiều vụ bạo hành trẻ em, thậm chí làm trẻ tử vong đã xảy ra tại các điểm giữ trẻ tự phát này.
Ngoài ra, người lao động phải làm nhiều việc để gia tăng thu nhập, trang trải cuộc sống. Các chuyên gia gọi đây là “làm nhiều hơn để mua sự an sinh”.
Tại TP. HCM, tác giả của loạt bài “Thuê trọ ở TP. HCM” (Báo Thanh Niên) đã miêu tả căn phòng của một công nhân ở quận Bình Tân như sau:
“[...] Một góc phòng, cạnh nhà vệ sinh, là góc bếp, vài quyển vở con chị vẽ dở đặt cạnh nồi nấu ăn. Chị cũng kê thêm được hai chiếc tủ đựng quần áo và đồ lặt vặt. Gần tủ, ở ô tường trống và sạch nhất phòng, chị treo ảnh hai con. Không có chỗ kê giường, chị Trang nói ban ngày vợ chồng chị đặt một chiếc võng để ngả lưng, người này nằm võng thì người kia nằm đất. Tối đến mới lấy nệm ra ngủ.”
Tác giả bài viết dẫn lời của công nhân : “Tiền thuê trọ tính cả điện nước khoảng 1,7 - 1,8 triệu đồng/tháng, ở vậy mới tiết kiệm chi phí.”
Báo Dân Trí có bài viết, nói rằng một gia đình gồm bốn thành viên ở Hà Nội phải “liệu cơm gắp mắm”, chi khoảng 50.000 đồng cho bữa tối để mỗi tháng chỉ tốn khoảng 4 triệu đồng cho tiền ăn.
Theo một khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vào năm 2021, người lao động phải ăn nhiều mì gói hơn, giảm lượng thịt hằng ngày, ăn gộp bữa, giảm bữa, v.v.
Để có tiền trang trải, không ít người phải siết lại các khoản chi, vay mượn, và đặc biệt là rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”.
Đó là lý do vì sao rất đông công nhân xem sổ bảo hiểm xã hội là tấm phao cứu sinh của đời mình. Nhiều người đã bán sổ bảo hiểm xã hội, cố gắng “đầu tư” vào nó và rút một lần để về quê hoặc chuyển sang nghề khác.
Trước thực tế khắc nghiệt ở đô thị lớn, nhiều công nhân đã phải “bỏ phố về quê”.
Đơn cử như một công nhân ở TP. HCM cho biết lương của hai vợ chồng cộng lại chỉ khoảng 12 - 13 triệu đồng/tháng, sống tiết kiệm nên dư được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên tới năm 2024 thì chồng thất nghiệp, tiền trọ lại tăng. Hai vợ chồng cầm cự vài tháng rồi về quê.
Ở phần này, bảng phân tích được lập ra với giả định rằng nhóm người lao động có trình độ cao hơn, ví dụ như làm nhân viên khối văn phòng, hành chính có mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Lúc bấy giờ, số tiền chi tiêu hằng tháng của nhóm lao động này sẽ cao hơn, ví dụ như phải thuê nhà gần công ty, chi tiền ăn uống đa dạng hơn (có thể ăn ngoài, đi cafe với bạn bè, đồng nghiệp), nuôi con nhỏ, v.v. Xem bảng dưới đây (đơn vị: triệu đồng).
Như vậy, nếu một nhân viên văn phòng có lương mỗi tháng 10 triệu đồng/tháng, sống tại TP. HCM hay Hà Nội thì hầu như phải trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau.
Nhất là với trường hợp người lao động có con nhỏ, cộng thêm các khoản xã giao như đi cafe với bạn bè, đồng nghiệp thì chi phí sẽ càng tăng.
Một nhân viên kế toán nói rằng gia đình họ (gồm bốn người) ở Hà Nội chi 5 triệu đồng/tháng cho tiền ăn. Họ tính toán từng bữa ăn, chi thêm tiền sữa, hoa quả cho con. Cả tháng, họ không dám ra tiệm ăn bát phở.
Một nhân viên văn phòng trẻ ở TP. HCM chia sẻ chỉ riêng tiền ăn uống cá nhân bên ngoài cũng ngốn 150.000 - 200.000 đồng/ngày nếu không tự nấu, thành ra “nghe thì dư giả, nhưng tháng nào cũng hết sạch tiền” với lương 13 triệu đồng.
Nuôi con ở thành phố là gánh nặng lớn. Đối với trẻ dưới ba tuổi, gia đình có thể tiêu tốn vài triệu mỗi tháng để mua tã, sữa, đồ dùng cho con.
Chẳng hạn, một cặp vợ chồng trẻ (giáo viên) tại TP. HCM ước tính chi khoảng 10 triệu đồng/tháng cho con (bao gồm tiền sữa, tã khoảng 3 triệu, tiền ăn dặm khoảng 3 triệu, và tiền học hành khoảng 3 triệu).
Trong kịch bản mà chúng tôi đưa ra, bé còn nhỏ chưa đi học nên chỉ tính tiền sữa, bỉm khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.
Nếu cha mẹ gửi con đi nhà trẻ tư thục (do không có người trông), chi phí có thể thêm 2 - 4 triệu/tháng tùy trường.
Ở đây giả định rằng sẽ một phụ huynh ở nhà chăm con để không phát sinh chi phí gửi trẻ, nhưng như vậy gia đình mất đi một nguồn thu.
Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này lại khá phổ biến.
Nhiều bà mẹ trẻ chấp nhận nghỉ làm hoặc làm bán thời gian để trông con, đổi lại gia đình sống dựa gần như hoàn toàn vào lương của người còn lại.
Với mức lương đó, việc đảm bảo cuộc sống và tương lai cho con rất chật vật.
Một bà mẹ ở TP. HCM nói rằng “để chi tiêu thoải mái, lo được cho con và có khoản tiết kiệm khi sống ở thành phố, mỗi người cần lương khoảng 20 triệu/tháng”.
Chi phí điện, nước, xăng, xe, internet cho gia đình ba người ở đô thị thường vào khoảng 1,5 triệu/tháng trở lên. Ví dụ, một hộ gia đình ở Hà Nội cho biết tiền điện, nước trung bình khoảng 1 triệu/tháng; tiền xăng có thể không nhiều nếu ở gần nơi làm (khoảng vài trăm ngàn đồng).
Ngoài ra, chi phí khác như đi hiếu hỉ, ma chay, quà cáp, thuốc men, sửa chữa, v.v. cũng chiếm từ 1 triệu đồng/tháng. Ngân sách của người lao động sẽ “âm” nếu không có dự phòng.
Nhiều bài báo đã phân tích vấn đề này. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở thành phố chia sẻ họ chỉ sống ổn khi cả hai cùng đi làm; thu nhập gộp từ 15 đến 20 triệu mới đủ trang trải nuôi con nhỏ đầy đủ, còn nếu chỉ có 10 triệu cho một người thì khó có tích lũy, tương lai mờ mịt.
Như vậy, theo phân tích của chúng tôi, ở cả TP. HCM và Hà Nội, lương 10 triệu đồng/tháng chỉ đủ cho một người độc thân sống tạm ổn với mức chi tiêu cơ bản, còn để nuôi gia đình nhỏ thì rõ ràng là không đủ.
Sự khác biệt chi phí giữa hai thành phố là không lớn (chủ yếu là vì Hà Nội nhỉnh hơn chút đỉnh về giá thuê nhà và dịch vụ).
Mức lương 10 triệu đồng chỉ thực sự chấp nhận được khi người lao động độc thân hoặc đã có sẵn nhà ở thành phố. Những người có nhà riêng ở TP. HCM hay ở Hà Nội được ví von như có tấm bùa hộ mệnh.
Ngược lại, người nhập cư chưa có nhà sẽ sống chật vật với mức lương này. Họ không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, mua xe hay để dành cho tương lai.
Tuy nhiên, lương 10 triệu đồng là mức chúng tôi đặt ra một cách “lý tưởng”. Bởi trên thực tế, cả lương và thu nhập của rất nhiều người lao động ở nước ta không đạt được mức này.
Chuỗi bài “Sống nhờ lương” của Luật Khoa tạp chí:
Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.