Toàn cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM
Chính phủ lưu vong Tây Tạng cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam đưa
Dựa theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũ (LĐTBXH), phóng viên Luật Khoa tạp chí tổng hợp mức lương bình quân hằng tháng của người lao động trong giai đoạn 2020 - 2024.
Mức lương này được phân chia theo các loại hình doanh nghiệp gồm: khu vực doanh nghiệp nhà nước (do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân, dân doanh) và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). [1]
Cần lưu ý rằng mức lương bình quân tất cả doanh nghiệp là mức lương trung bình gộp chung của người lao động trong các doanh nghiệp thuộc mẫu khảo sát của ngành LĐTBXH mỗi năm.
Quy mô mẫu từ 4,5 - 5,7 triệu người lao động, chiếm khoảng 16 - 18% tổng số người lao động làm công ăn lương.
Ngoài ra, các con số này chủ yếu phản ánh khu vực lao động có quan hệ hợp đồng (làm công hưởng lương), chứ chưa bao gồm khu vực kinh tế phi chính thức (tức lao động tự do, không có hợp đồng).
Mức lương bình quân toàn quốc theo nghĩa rộng (bao gồm cả lao động tự do) thường thấp hơn, ví dụ năm 2022 chỉ khoảng 6,7 triệu đồng và năm 2023 khoảng 7,1 triệu đồng.
Mức tăng lương ở khu vực nhà nước và FDI ổn định qua các năm, bất kể tác động của dịch COVID-19. Lý do, hiện nay cách tính lương của các khu vực này được điều chỉnh lần lượt theo hệ lương cơ sở và lương tối thiểu vùng có xu hướng tăng lên mỗi năm.
Tuy nhiên, về khoảng thưởng, nhất là thưởng Tết, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ rệt trong từng loại hình doanh nghiệp, chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh (với doanh nghiệp tư nhân) và ngân sách quy định (với các đơn vị nhà nước). Trong đó, các doanh nghiệp FDI thường thưởng Tết cao hơn, tùy hiệu suất công việc và vị trí việc làm. Còn doanh nghiệp nhà nước thường thưởng thấp hơn nhưng đa số đồng đều và ổn định.
Đơn cử, trong năm 2021, mức thưởng Tết Nguyên đán ghi nhận doanh nghiệp FDI là nhóm trả thưởng cao nhất, với bình quân 6,99 triệu đồng/người. Đặc biệt, tại TP. HCM, một doanh nghiệp dân doanh đã chi thưởng Tết lên tới 1,07 tỷ đồng/người và đây cũng là mức thưởng cao nhất cả nước trong năm. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước có mức thưởng thấp nhất, với bình quân là 5,85 triệu đồng/người.
Đến năm 2025, mức thưởng Tết bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2024 (6,85 triệu đồng/người). Trong đó, doanh nghiệp nhà nước thưởng Tết bình quân là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI là 8,24 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người. Đặc biệt, một doanh nghiệp FDI ở TP. HCM có mức thưởng tết lên tới hơn 1,9 tỷ đồng/người.
Trở lại về lương của người lao động tại các khu vực doanh nghiệp, tính chung cả giai đoạn 2020 - 2024, lương danh nghĩa bình quân tại các doanh nghiệp tăng khoảng 17,8% (từ 7,54 lên 8,88 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh theo chỉ số tiêu dùng (CPI), lương thực tế năm 2024 chỉ cao hơn khoảng 5 - 6% so với năm 2020.
Thậm chí, so với mốc trước đại dịch COVID-19 (năm 2019), thu nhập thực tế của lao động năm 2021 còn giảm. Đến năm 2022, thu nhập mới phục hồi vượt mức 2019 khoảng 4% (về sức mua).
Trong giai đoạn 2023 - 2024, mặc dù lương danh nghĩa đạt mức cao nhất lịch sử, nhưng mức lạm phát cũng tăng tương ứng.
Chính điều này đặt ra thách thức về đảm bảo mức sống của người lao động khi tiền lương tăng nhưng giá nhà ở, thực phẩm, xăng dầu, điện nước, v.v. cũng tăng “phi mã”.
Nói cách khác, về cơ bản, mức sống của người lao động được cải thiện rất khiêm tốn, do thu nhập dù có tăng cũng chỉ đủ bù đắp chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ.
Theo Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu vùng được xem là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường.
Nói cách khác, đây chính là mức sàn để tránh tình trạng người lao động bị trả lương quá thấp.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng khoảng 6% so với trước đó (theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP).
Dựa theo các nghị định của Chính phủ, phóng viên Luật Khoa tạp chí tổng hợp mức lương tối thiểu theo vùng của người lao động qua các năm 2017, 2018, 2019, 2022, 2024. Xem ảnh dưới đây (đơn vị: đồng).
Cần lưu ý rằng lương tối thiểu không phải là lương đủ sống. Lương tối thiểu chỉ đủ cho người lao động sinh tồn. Trong khi đó, lương đủ sống là mức lương cho phép người lao động và gia đình của họ có một cuộc sống đầy đủ và thoải mái hơn. Ngoài việc đáp ứng cho các chi tiêu cơ bản thì người lao động còn được một khoản tiết kiệm, đề phòng cho tình huống khẩn cấp như bệnh hoạn.
Do đó, lương đủ sống sẽ cao hơn lương tối thiểu.
Mặc dù lương tối thiểu theo vùng đã được điều chỉnh tăng thêm qua các năm, nhưng trên thực tế, mức lương này vẫn không đủ để người lao động chi trả cho cuộc sống hằng ngày, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Như đã đề cập, con số lương tối thiểu sẽ được tính toán từ nhiều nguồn, trong đó có “mức sống tối thiểu”. Thông thường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tính toán mức sống tối thiểu để Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định mức lương tối thiểu.
Trong mỗi kỳ họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia thì báo chí lại rộ lên thông tin về tính toán mức sống tối thiểu của người lao động. Công đoàn nhà nước từng kêu gọi Chính phủ công bố mức sống tối thiểu để công chúng được biết. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ mức sống tối thiểu của người lao động là bao nhiêu.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bị chấm dứt hoạt động và hợp nhất với Bộ Tài chính.
Năm 2023, Viện Anker ước tính mức lương đủ sống của người lao động khu vực ở TP. HCM hay Hà Nội là hơn 8,6 triệu đồng/tháng.
Hay theo một thống kê của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu (Global Living Wage) vào năm 2024 cho thấy mức lương đủ sống của người lao động tại TP. HCM là hơn 8,9 triệu đồng.
Các mức ước tính này đều gấp đôi mức lương tối thiểu theo vùng ở nước ta (trừ vùng I).
Trong khi đó, lương của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động làm cho các đơn vị nhà nước (sau đây gọi chung là công chức) cũng không cao hơn là mấy.
Vào tháng 6/2024, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã quyết định tăng mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,24 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 30%) kể từ ngày 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Mất bảy năm trời, kể từ năm 2017 đến 2024, mức lương cơ sở mới tăng từ 1,3 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Cần lưu ý mức lương cụ thể sẽ tùy vào hệ số, ví dụ người có trình độ đại học mới ra trường sẽ có hệ số 2,34, tức lương sẽ bằng 2,24 x 2,34/tháng (xem ảnh dưới đây). Nhà nước đang tiến tới việc dần bỏ cách tính lương cơ sở mà công chức vẫn hay gọi là “lương ba cọc ba đồng” này và thay thế bằng lương theo vị trí việc làm.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì đây là một trong những yếu tố tác động đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu và cả lương cơ sở của người lao động.
Ở phần trên, chúng tôi có đề cập “lương thực tế” và mức này được tính theo chỉ số giá tiêu dùng.
Mối quan hệ giữa lương thực tế, mức lương cơ sở và CPI có thể được thể hiện qua công thức:
Theo công thức này, khi CPI tăng (tức giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng), nếu mức lương cơ sở không tăng tương ứng, thì lương thực tế sẽ giảm và điều này dẫn đến sức mua của người lao động bị suy giảm.
Ngược lại, nếu mức lương cơ sở tăng bằng hoặc cao hơn mức tăng của CPI, thì lương thực tế sẽ được giữ nguyên hay tăng lên. Nhờ đó mà mức sống của người lao động được cải thiện.
Có thể nhấn mạnh rằng dù chỉ số CPI tăng đều qua các năm, nhưng mức tăng lương cơ sở vẫn chưa theo kịp - xem biểu đồ mà phóng viên của Luật Khoa lập như sau:
Có thể thấy trong giai đoạn 2018 - 2022, mức tăng lương không ổn định. Đặc biệt, vào các năm 2019, 2021 và 2022, mức tăng lương gần như bằng 0, trong khi chỉ số CPI vẫn duy trì ở mức khá ổn định. Mức thấp nhất là năm 2021 (1,84% do tác động của dịch COVID-19).
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, mức lương cơ sở giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019). Tuy nhiên, chỉ số CPI vẫn không giảm nhiệt mấy.
Áp dụng công thức đã đề cập phía trên, ta tính được lương thực tế các năm như sau:
Điều này cho thấy lương thực tế của người lao động bị giảm, do thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Từ năm 2023 - 2024, mức tăng lương tăng vọt lần lượt lên 20,8% và 24,4%, vượt xa mức tăng CPI. Dù có thể xem đây là một bước chuyển lớn, nhưng thực tế thì nó chỉ nhằm bù đắp cho sự sụt giảm về sức mua cho những năm trước. Việc tăng lương đột ngột này cũng đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mức lương và mức lạm phát trong tương lai.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng lương thấp so với mặt bằng cuộc sống chính là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, chây ì trong công việc trong khối nhà nước.
Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh thành, ông Nguyễn Thanh Giang, một cán bộ làm ở Sở Tài chính, chia sẻ với VTC News rằng với mức lương khoảng hơn 9 triệu đồng cùng 1 triệu đồng tiền phụ cấp, ông chỉ đủ trang trải chi phí cá nhân; còn việc hỗ trợ thêm cho gia đình thì gần như không thể.
Nếu buộc phải di chuyển xa nhà (dự tính ông Giang sẽ phải di chuyển hơn 40km để đến nơi làm việc mới sau khi các tỉnh sáp nhập), nhiều người trong cơ quan ông cũng lo sẽ phải xin nghỉ để tìm việc khác, vì nếu không được tăng lương, họ khó có thể trụ lại.
Trước thực tế này, tránh sự “cào bằng” trên toàn quốc, nhiều đô thị vốn phải giải quyết khối lượng công việc hành chính lớn như Hà Nội, TP. HCM đã xin chính phủ “cơ chế đặc thù” để chi trả lương cho công chức từ ngân sách của địa phương. Đây còn gọi là “thu nhập tăng thêm”.
Nhờ chính sách này, nhiều công chức có thêm tiền (mức tăng thêm có thể gấp đôi lương) và được tiếp thêm động lực để làm việc.
Tuy nhiên, với mức lương cơ sở hiện nay, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long thì “một công chức không ăn gì cả thì cũng mất vài trăm năm mới mua được nhà”.
Trong khi đó, giá chung cư ở TP HCM bình quân mỗi năm tăng 15 - 20%. Còn ở Hà Nội, các phân khúc như chung cư, đất nền, nhà riêng… đều tăng trung bình khoảng 40%, mức tăng “kỷ lục” diễn ra trong năm 2024.
Chuỗi bài “Sống nhờ lương” của Luật Khoa tạp chí:
Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.
[1] Ngành LĐTBXH đã chấm dứt hoạt động ở nước ta vì chủ trương sắp xếp bộ máy. Các lĩnh vực của ngành LĐTBXH được chuyển về nhiều bộ, ngành khác. Trong đó, lĩnh vực tiền lương, lao động, việc làm được chuyển về cho Bộ Nội vụ (cấp trung ương) và các Sở Nội vụ (cấp địa phương) quản lý.