Sống nhờ lương - Kỳ 3: Thu nhập của người dân trong giai đoạn 2020 - 2024

Sống nhờ lương - Kỳ 3: Thu nhập của người dân trong giai đoạn 2020 - 2024
Ảnh: Giang Nam/Báo Hà Nam; Công đoàn TKV; Phong Lan/UBND tỉnh Đồng Nai; Hồng Đào, Cao Hường/Báo Người Lao Động; Ngọc Thành/VnExpress; Sơn Nguyễn/Báo Dân Trí; Văn Giang/Báo Khánh Hòa. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

Dựa theo các báo cáo về tình hình lao động hằng năm của Cục Thống kê Quốc gia, phóng viên Luật Khoa tạp chí tổng hợp mức lương của người lao động Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2024. [1] [2]

Năm 2020

Năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nước ta có hơn 32 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, thậm chí là mất việc làm.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn so với năm 2019.

Trong đó, thu nhập bình quân của người lao động ở thành thị cao hơn của người lao động ở nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).

Người làm công ăn lương có thu nhập bình quân tháng đạt 6,6 triệu đồng, giảm gần 100.000 đồng so với năm trước.

Do tác động của dịch COVID-19, thu nhập của nhiều nhóm lao động bị giảm sâu, đi đầu là ngành dịch vụ (giảm 215.000 đồng/người/tháng).

Tính riêng trong quý hai năm 2020, thu nhập của người lao động ở nhóm hoạt động nghệ thuật, giải trí giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, thu nhập nhóm lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm 11%.

Sau đó là nhóm thuộc ngành công nghiệp và xây dựng, giảm 100.000 đồng/người/tháng; nhóm lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản cũng giảm 156.000 đồng/người/tháng.

Người lao động được kiểm tra nhanh COVID-19 tại nơi làm việc Nguồn: Báo Chính phủ.

Vào tháng 11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 - 2021), ông Nguyễn Xuân Phúc lúc này là thủ tướng, nhấn mạnh rằng thu nhập bình quân đầu người của nước ta tăng gần 145% (khoảng 9.000 USD/năm) theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê Quốc gia, với mức tăng trưởng trung bình 7% trong 10 năm tới thì vào 2030 thu nhập người Việt mới đạt 7.500 USD/năm.

40% hộ nông thôn ở nước ta không có tiền tích lũy

Cũng trong năm 2020, báo chí cũng đưa một thông tin đáng chú ý là năng suất lao động của nông dân Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á.

Cụ thể, năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản của Malaysia cao gấp 11,9 lần so với mức năng suất của Việt Nam; Indonesia cao gấp 2,4 lần; Thái Lan cao gấp 2,1 lần; và Philippines cao gấp 1,8 lần.

Lý do là quy mô sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của nông dân thấp, lao động trực tiếp trên đồng ruộng chủ yếu là người có tuổi và trẻ nhỏ.

Thu nhập trong giai đoạn 2002 - 2016 của hộ nông dân ở nước ta tăng trung bình 5,75%/năm. Tuy nhiên, mức thu nhập của nông dân vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Khả năng tích lũy của các hộ nông dân còn rất thấp, chủ yếu vì giá cả leo thang và thu nhập không ổn định.

Số tiền tích lũy cao nhất của một hộ nông dân trong năm chỉ đạt khoảng 22 triệu đồng, chưa bằng 50% mức tích lũy của hộ thành thị. Trong đó, có 40% hộ nông thôn không có tích lũy, 84% lao động nông nghiệp không có tiền để dành.

Năm 2021

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động trong nước. Lực lượng lao động và thu nhập của người dân đã có nhiều biến động đáng chú ý.

Về quy mô lực lượng lao động, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm 2020. Trong đó, có 49 triệu người có việc làm và gần 1,5 triệu người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động vào năm 2021 đạt hơn 4,2 triệu đồng, giảm so với năm 2020.

Cần lưu ý rằng mức thu nhập này có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền (lương ở đô thị cao hơn ở nông thôn) và các nhóm lao động.

Trong quý 3 năm 2021, thu nhập của người lao động trong một số ngành nghề giảm mạnh so với quý trước. Cụ thể, ngành vận tải và kho bãi ghi nhận mức giảm trung bình 20,3%, tương đương 1,6 triệu đồng mỗi người. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm 21,2%, tương ứng 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó, thu nhập bình quân của nhóm lao động làm công ăn lương trong cùng kỳ là khoảng 6 triệu đồng, chỉ giảm nhẹ hơn (795.000 đồng) so với quý 2.

Cùng thời gian đó, có hơn 4,3 triệu người làm các công việc tự sản, tự tiêu (tức lao động tự do), tăng gần 600.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 90,4%). Cục Thống kê Quốc gia không công bố thu nhập của nhóm này. Xem ảnh dưới đây.

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2021 của Cục Thống kê Quốc gia (trước đây là Tổng cục Thống kê). Đồ họa: Hiếu Mạnh.

Năm 2022

Trong năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,7 triệu đồng, tăng đáng kể so với thời kỳ dịch COVID-19.

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2022 của Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hiếu Mạnh.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, lực lượng lao động cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng thêm 1,2 triệu người so với năm 2021. Trong số này, có 50,6 triệu người có việc làm, còn lại 1,1 triệu người đang thất nghiệp.

Nhóm lao động làm công ăn lương có mức thu nhập trung bình khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Cụ thể, nam giới có thu nhập khoảng 7,95 triệu đồng, cao hơn so với nữ giới là 6,98 triệu đồng.

Năng suất lao động thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á

Trong năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trên cả nước là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm 2021.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 33,6 triệu người đang làm các công việc phi chính thức, chiếm khoảng 68,5% tổng số lao động có việc làm.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, lao động phi chính thức là lao động không có quan hệ hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc. Họ là những người làm công việc không được pháp luật lao động bảo vệ, không phải đóng thuế thu nhập, và không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, lương nghỉ phép, hay chế độ nghỉ ốm.

Lực lượng lao động này luôn tồn tại ở mọi nền kinh tế như một phần tất yếu. Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhóm lao động phi chính thức đóng vai trò như một “bệ đỡ” giúp nhiều người có việc làm tạm thời. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương và khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vì vậy cần được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn.

Năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, chủ yếu vì lao động khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao.

Năm 2023

Theo Cục Thống kê Quốc gia, năm 2023, người lao động có mức thu nhập bình quân hằng tháng là 7,1 triệu đồng, tăng so với năm 2022. Trong đó, thu nhập của lao động ở khu vực thành thị (8,7 triệu đồng), gấp 1,4 lần so với khu vực nông thôn (6,2 triệu đồng).

Ngoài ra, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 8 triệu đồng, tăng 5,8% tương ứng tăng khoảng 433.000 đồng so với năm trước.

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2023. Đồ họa: Hiếu Mạnh.

Dù số người có việc làm đang tăng lên trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn thừa nhận rằng chất lượng nguồn lao động chưa được cải thiện rõ rệt. Phần lớn người lao động vẫn làm những công việc thiếu ổn định, bấp bênh, và không có tính lâu dài.

Chỉ có 24,5% người lao động cho biết thu nhập đủ để trang trải chi tiêu hằng tháng

Khảo sát về đời sống, việc làm và tiền lương của người lao động năm 2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (với hơn 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, và An Giang) đã cho thấy nhiều kết quả đáng chú ý.

Theo đó, chỉ khoảng 24,5% người lao động cho rằng thu nhập đủ sống, trong khi hơn 17% cho biết họ thường xuyên phải đi vay nợ. Để cải thiện thu nhập, khoảng 76% người lao động sẵn sàng làm thêm giờ, với mong muốn làm thêm trung bình hơn 47 giờ mỗi tháng.

Tuy nhiên, dù làm thêm, đời sống vẫn còn rất chật vật: gần một nửa người lao động đang sống trong các khu trọ cấp bốn với điều kiện sinh hoạt hạn chế, chi phí thuê trọ và sinh hoạt chiếm phần lớn thu nhập hằng tháng.

Nhà trọ của chị Giàng Thị Ca (sinh năm 1999) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long. Nguồn: Báo Lao Động.

Tiền lương thấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn tác động đến những quyết định lớn trong đời người.

Cụ thể, cũng theo kết quả khảo sát, có tới 53,7% người lao động chia sẻ rằng thu nhập hiện tại khiến họ phải cân nhắc việc lập gia đình, và 72% nói rằng điều đó ảnh hưởng đến quyết định sinh con.

Khi ốm đau, chỉ khoảng 46,5% người lao động đủ khả năng mua một số loại thuốc cơ bản, và hơn 6% thậm chí không có khả năng chi trả cho việc khám chữa bệnh. Có khoảng 12,3% đã từng phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Anh Nguyễn Duy Phương, một công nhân ở Hà Nội, cho biết lương cơ bản của anh chưa đến 5,7 triệu đồng/tháng. Trước đây, nhờ làm thêm nên thu nhập được khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại không còn việc làm thêm, vợ chồng anh buộc phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc vì chi phí sinh hoạt ở thành phố quá cao.

Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân tại một công ty liên doanh với Nhật Bản ở Đông Anh (Hà Nội), chia sẻ rằng điều kiện sống của công nhân vẫn còn rất tạm bợ, gần như không có thời gian để nghỉ ngơi hay vui chơi. Mỗi tháng, chị phải chi khoảng 3 triệu đồng cho tiền thuê trọ và sinh hoạt. Trong khi đó, lương của chị đã giảm từ hơn 10 triệu xuống còn khoảng 7 - 8 triệu đồng.

Năm 2024

Năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% (610.000 đồng) so với năm 2023. 

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu/tháng.

Nhóm lao động tự do là 3,8 triệu người, tăng 78.600 người so với năm 2023 (nữ giới chiếm khoảng 63,8%).

Tổng quan mức thu nhập của người lao động qua các năm

Như vậy, tựu trung, ta có một bảng số liệu sau (đơn vị: triệu đồng):

Đến đây, câu hỏi lớn được đặt ra là mức thu nhập bình quân này có đủ sống hay không.

Câu trả lời còn tùy thuộc vào khu vực sinh sống (thành thị hay nông thôn), quy mô hộ gia đình, mức giá tiêu dùng của từng nơi.

Tuy nhiên, với mức thu nhập này thì người lao động, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, khó đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Mặc dù mức lương tối thiểu vùng I đã được điều chỉnh lên 4,96 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024, con số này vẫn thấp hơn so với mức lương đủ sống được ước tính là hơn 8,6 triệu đồng/tháng tại TP. HCM và Hà Nội.

Thực tế, nhiều người lao động phải làm thêm giờ hoặc tìm kiếm công việc phụ để tăng thu nhập (làm nhiều hơn để mua sự an sinh), nhưng điều này cũng chỉ giúp họ duy trì mức sống tối thiểu và không có khả năng tiết kiệm hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá cả thực phẩm, nhà ở, và dịch vụ y tế, càng làm gia tăng áp lực tài chính lên người lao động.​


Chuỗi bài “Sống nhờ lương” của Luật Khoa tạp chí:

Sống nhờ lương - Kỳ 1: Lương 10 triệu đồng/tháng có đủ sống ở Hà Nội, TP. HCM?
Với chi phí sinh hoạt ngày một tăng, nhất là tại các thành phố lớn, nhiều người cho rằng mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng là không đủ.
Sống nhờ lương - Kỳ 2: Lương nhà nước, lương tư nhân
Dựa theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũ (LĐTBXH), phóng viên Luật Khoa tạp chí tổng hợp mức lương bình quân hằng tháng của người lao động trong giai đoạn 2020 - 2024.
Sống nhờ lương - Kỳ 3: Thu nhập của người dân trong giai đoạn 2020 - 2024
Dựa theo các báo cáo về tình hình lao động hằng năm của Cục Thống kê Quốc gia, phóng viên Luật Khoa tạp chí tổng hợp mức lương của người lao động Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2024. [1] [2] Năm 2020 Năm 2020, do chịu ảnh hưởng

Luật Khoa chọn sống dựa vào những độc giả như bạn!


Nếu bạn thấy Luật Khoa có ích, hãy cân nhắc ủng hộ các tác giả bằng cách nâng cấp lên gói Member ($2/tháng) hoặc Supporter ($5/tháng) để đọc tất cả các bài, nhận các số báo tháng (PDF, EPUB) và truy cập vào Thư viện Luật Khoa.

Đăng ký Member

Đọc thêm:

Người trẻ không còn mặn mà với chuyện hưởng lương hưu, sinh con và mua nhà
Thế hệ trẻ không còn thiết tha với chuyện hưởng lương hưu, sinh con hay sở hữu nhà ở.
Ảo ảnh trung lưu ở Việt Nam
Khi thượng lưu tự nhận là trung lưu.

Chú thích

1. Cục Thống kê Quốc gia hiện nay thuộc Bộ Tài chính. Trước đây, cơ quan này có tên là Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Hiện nay, số liệu về thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động do Cục Thống kê Quốc gia và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố có sự khác nhau. Nguyên nhân là do phương pháp thu thập và đối tượng khảo sát của hai cơ quan không giống nhau. Cụ thể, số liệu của Cục Thống kê Quốc gia bao gồm cả lao động tự do, trong khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ thống kê lao động có hợp đồng làm việc.

Tuy nhiên, ngay cả trong các báo cáo, thông cáo báo chí của Cục Thống kê Quốc gia công bố, những con số về mức thu nhập bình quân theo từng năm vẫn chưa thật sự nhất quán, nhất là khi so sánh mức tăng hoặc giảm lương qua các năm hay tăng bao nhiêu.

Bài viết này chỉ sử dụng các số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố tại thời điểm gần nhất của từng năm và phản ánh xu hướng thay đổi thu nhập theo thời gian.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.