Động đất ở Myanmar gây rung lắc ở Việt Nam, làm nứt tường nhiều căn hộ
Sắp xếp lại hệ thống thanh tra
Số trung tâm dạy thêm tăng nhanh sau thông tư siết chặt dạy thêm.
Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam
Vào rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới. Trong đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo kế hoạch, thuế suất cơ bản 10% có hiệu lực từ sau nửa đêm 5/4 và mức thuế tăng thêm (đối ứng) như 46% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 0:01 giờ ngày 9/4.
Việt Nam thuộc nhóm những nước bị đánh thuế cao nhất, cùng với Campuchia (49%), Lào (48%) và Trung Quốc (34%).
Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng. Ảnh: Reuters. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.
Động thái này của Mỹ xuất phát từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng cán cân thương mại giữa hai nước chênh lệch cũng như vì Việt Nam đang đặt ra nhiều rào cản thương mại với Mỹ.
Mỹ ước tính tổng mức “rào cản” (gồm thuế quan và phi thuế quan) mà Việt Nam áp lên hàng hóa của Mỹ là khoảng 90%.
Theo nguyên tắc “thuế đối ứng” mà Trump đưa ra, Mỹ sẽ đánh thuế bằng khoảng một nửa số đó để “đáp trả”.
Mức thuế 46% này được áp dụng gần như đối với toàn bộ các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Cần lưu ý về con số “90%” của Trump đưa ra. Theo báo chí nhà nước, Việt Nam không có mức thuế nhập khẩu 90% đối với bất kỳ mặt hàng nào của Mỹ.
Mỹ tự ước tính về tổng mức rào cản thương mại, chứ không phải mức thuế quan chính thức.
Trong đó, Mỹ tính mức thâm hụt thương mại giữa hai nước (khoảng 123,5 tỷ USD) chia cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ (khoảng 136,6 tỷ USD), ra 0,90 (khoảng 90%).
Trong khi đó, thuế suất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là khoảng 9,4% và các mặt hàng từ Mỹ bị đánh thuế khoảng 15%.
Ngay sau quyết định của Trump, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành để thảo luận và tìm giải pháp ứng phó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành sau khi Mỹ thông báo mức thuế đối ứng. Nguồn: Báo Nhân Dân.
Trước đó, Việt Nam đã có nhiều động thái tạo điều kiện cho hàng từ Mỹ và mở cửa cho dịch vụ công nghệ Mỹ.
Đơn cử, vào ngày 23/3, Chính phủ đã cho phép SpaceX, công ty của Elon Musk, thử nghiệm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp Starlink.
Ngày 31/3, theo Nghị định 73, Chính phủ cũng đã giảm mức thuế suất MFN (Most Favoured Nation) cho 13 mặt hàng Mỹ có lợi thế, như ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc giảm thuế này dự kiến sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 220 tỷ đồng (tương đương 8,81 triệu USD).
Trong một diễn biến khác, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 914. Theo đó, từ ngày 1/4, nước ta áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời từ 15,67% lên 37,13% đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam chịu ảnh hưởng từ trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar
Trưa ngày 28/3, một trận đống đất có độ lớn lên tới 7,7 độ Richter xảy ra ở miền trung Myanmar, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trận động đất này cũng gây rung chấn mạnh tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.
Myanmar thông báo trận động đất hôm 28/3 đã khiến ít nhất 2.056 người thiệt mạng và hơn 3.900 người bị thương, trong đó có gần 300 người khác vẫn đang mất tích, đồng thời tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang một tuần để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, chính quyền Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu khu vực bao gồm Sagaing, Mandalay, Magway, Shan, Bago, và thủ đô Naypyidaw, đồng thời kêu gọi viện trợ từ cộng đồng quốc tế để kịp thời tìm kiếm người sống sót.
Đến ngày 2/4, đài truyền hình nhà nước Myanmar thông báo, đã có 2.886 người thiệt mạng, 4.639 người bị thương và 373 người mất tích do trận động đất. Số người chết có thể tăng lên trong những ngày tới.
Theo nhà địa chất học Jess Phoenix, trận động đất mạnh này đã giải phóng năng lượng tương đương hơn 300 vụ nổ bom nguyên tử.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tòa nhà cao tầng bị nghiêng hoặc đổ sập. Chính quyền Thái Lan cũng đã tuyên bố thủ đô Bangkok là khu vực thảm họa sau khi khu vực này bị ảnh hưởng bởi rung chấn từ trận động đất ở Myanmar.
Một số khu vực ở Việt Nam như TP. HCM cũng cảm nhận được rung lắc. Ở TP. HCM, một số khu vực như khu chung cư Diamond Riverside (quận 8) đã xuất hiện tình trạng nứt tường và phồng rộp gạch nền.
TP. HCM đang tiến hành kiểm tra và đánh giá các tòa nhà có thể bị ảnh hưởng bởi dư chấn từ trận động đất.
Cư dân chung cư Gia Việt, Quận 8, TP. HCM vừa di tản xuống dưới khi cảm nhận được trận động đất vào trưa 28/3. Nguồn: Báo Thanh Niên.
Ngày 30/3, Bộ Quốc phòng đã cử 80 cán bộ, chiến sĩ cùng các trang thiết bị và hàng hóa đi Myanmar để hỗ trợ khắc phục hậu quả. Chính quyền các quốc gia và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hỗ trợ Myanmar trong công tác cứu nạn và khắc phục thiệt hại sau thảm họa này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), Việt Nam không nằm trên các ranh giới mảng kiến tạo lớn như Myanmar, Nhật Bản hay Indonesia. Do đó, nguy cơ xảy ra động đất có cường độ mạnh ở Việt Nam được đánh giá là thấp hơn.
Bỏ thanh tra bộ, sở, ngành, huyện
Ngày 28/3, Bộ Chính trị đã đồng ý chấm dứt hoạt động của cơ quan thanh tra tại các bộ, ngành để tổ chức lại thành các cục thanh tra trực thuộc Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, một số cơ quan đặc thù như Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và một số cục chuyên ngành khác sẽ vẫn duy trì hoạt động.
Ngoài ra, nước ta cũng sẽ xóa bỏ thanh tra cấp huyện và thanh tra sở để sắp xếp lại thành các tổ chức thuộc thanh tra tỉnh.
Trong cùng ngày 28/3, tại buổi gặp mặt với các cán bộ lão thành cách mạng, người có công và gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến sẽ giảm số lượng tỉnh, thành từ 63 xuống còn 34.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất chấm dứt mô hình chính quyền đô thị tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng từ ngày 1/5/2026, theo dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương.
Chiều 31/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết dự kiến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ diễn ra từ ngày 5/5 - 30/6, trong đó Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 11 dự án luật, bao gồm các nội dung liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Từ ngày 1/4, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật năm 2025 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định chính quyền cấp xã không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến, số lượng cấp xã sẽ giảm còn khoảng 5.000 đơn vị.
Sáng 2/4, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục thông báo rằng Quân ủy Trung ương sẽ sắp xếp tổ chức quân sự và bộ đội biên phòng địa phương theo các tỉnh sau sáp nhập.
Tin vắn:
Bị phạt 7,5 triệu động vì bình luận về sáp nhập tỉnh: Ngày 31/3, Công an tỉnh Quảng Trị đã xử phạt ông L.T.H. (44 tuổi, quê Quảng Trị, hiện làm việc tại TP. HCM) 7,5 triệu đồng vì hành vi bình luận sai lệch và thiếu chuẩn mực về chủ trương sáp nhập hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trên mạng xã hội. Hành vi này của ông H. được cho là vi phạm quy định tại Điều 101 của Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Số trung tâm dạy thêm tăng vọt sau khi có thông tư siết dạy thêm: Sau khi Thông tư 29/2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực vào ngày 14/2/2024, ố lượng trung tâm dạy thêm, học thêm ở Hà Nội, TP. HCM đã tăng mạnh. Theo thống kê, Hà Nội có hơn 15.000 trung tâm dạy thêm, còn ở TP. HCM là hơn 10.000 cơ sở. Đi kèm với sự gia tăng này là mức phí học thêm tại các trung tâm cũng tăng cao.
Sai phạm tại dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức: Ngày 31/3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra hai dự án xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Kết quả thanh tra cho thấy quá trình triển khai cả hai dự án đều có sai phạm mang tính hệ thống, từ chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu đến việc ký kết và thực hiện các gói thầu. Thanh tra Chính phủ đã xác định giá trị lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an để điều tra và xử lý.
Vua Bỉ thăm cấp nhà nước Việt Nam: Theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, sáng 1/4, Nhà Vua Bỉ Philippe đã có cuộc hội kiến với chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ cùng đoàn đại biểu cấp cao nước Bỉ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Chiều cùng ngày, Nhà Vua tiếp tục hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trụ sở Chính phủ.
Trung Quốc phát hiện mỏ dầu lớn ở Biển Đông: Ngày 31/3, Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) thông báo phát hiện mỏ dầu “Huizhou 19-6” ở phía đông Biển Đông, cách thành phố Thâm Quyến khoảng 170 km. Mỏ dầu này có trữ lượng hơn 100 triệu tấn. Kết quả khoan thử ban đầu cho thấy mỏ dầu này có sản lượng hằng ngày đạt 413 thùng dầu thô và 68.000 m³ khí đốt tự nhiên.
USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “đặc biệt quan ngại” về tôn giáo: Ngày 31/3, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đề nghị đưa bốn quốc gia vào danh sách “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC), bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Nigeria, Afghanistan. Theo USCIFR, việc Thích Minh Tuệ cùng đoàn bộ hành bị công an giải tán hồi tháng 6/2024 tại Huế là một ví dụ về đàn áp tự do tôn giáo. Việt Nam đã phản đối cáo buộc này.
Hơn 14 triệu tài khoản tại Việt Nam bị rò rỉ dữ liệu: Theo báo cáo của Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2024, có hơn 14,5 triệu tài khoản tại Việt Nam bị rò rỉ, chiếm 12% tổng số vụ rò rỉ trên toàn cầu. Những cuộc tấn công này không chỉ mã hóa dữ liệu cá nhân người dùng mà còn đánh cắp thông tin để đe dọa, đòi tiền chuộc. Ước tính thiệt hại từ các vụ tấn công này lên đến 11 triệu USD.
“[...] Phương án đầu tiên, dễ nhìn thấy nhất theo nguyên tắc "có đi có lại", là giảm thuế cho hàng Mỹ. Việc này chúng ta đã làm. Ngày 31/3 vừa rồi Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với nhiều mặt hàng mà Mỹ có lợi thế.
Nhưng với mức giảm từ 2% đến 25%, cộng với kim ngạch hàng Mỹ vào Việt Nam chỉ hơn chục tỷ USD, thì số tiền Việt Nam giảm cho hàng Mỹ chỉ tính đến đơn vị triệu USD[...].”
“ [...] Tariffs là một loại thuế mà doanh nghiệp Mỹ phải trả, chứ không phải các quốc gia nước ngoài như chính quyền Trump tuyên bố. Hơn trăm năm trước, Tarbell cho rằng tariff không thực sự phục vụ lợi ích của người lao động Mỹ mà chủ yếu mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn và các nhóm chính trị [...].”
Sự kiện đáng chú ý sắp tới:
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 6 - 14/4, nhằm tham dự Chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia và đàm phán với các đối tác Mỹ về vấn đề thuế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến công du tới Việt Nam vào giữa tháng Tư.