Toàn cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM

Toàn cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM
Nguồn ảnh: Citizen photo; Tenzin Woser/RFA Tibetan.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam đưa ra lời giải thích về cái chết bí ẩn – xảy ra vào cuối tháng Ba tại TP.HCM – của ông Tulku Hungkar Dorje, một vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng.

Cái chết này của ông diễn ra trong bối cảnh TP. HCM sắp tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.

Qua đời ở TP. HCM, chưa rõ thi thể đang ở đâu

Ngày 8/4, Chính quyền Trung ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration - CTA, thường được gọi là Chính phủ lưu vong Tây Tạng) đã tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin về cái chết của ông Tulku Hungkar Dorje. [1]

Tulku Hungkar Dorje năm 2022. Nguồn: International Campaign for Tibet.
  • Theo thông cáo báo chí, từ cuối tháng 9/2024, Tulku Hungkar Dorje đã chạy trốn khỏi Tây Tạng và đến ẩn náu ở Việt Nam. Trước đó khoảng một tháng, ông bị các quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc thẩm vấn.

    Các cáo buộc chống lại ông Dorje bao gồm việc ông đã soạn những lời cầu nguyện trường thọ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma; không tuân thủ chính sách giáo dục của Chính phủ Trung Quốc; “không tận tâm” đón tiếp Gyaincain Norbu - người được Bắc Kinh tiến cử là “Panchen Lama” (lãnh đạo tinh thần) thứ 11 của Phật giáo Tây Tạng khi người này đến thăm châu tự trị Golog.
  • Hiện vẫn chưa rõ ông Dorje đã làm gì kể từ khi sang Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 25/3, ông bị mật vụ Trung Quốc bắt giữ tại một nơi lưu trú ở TP. HCM, trong một chiến dịch được cho là có sự phối hợp giữa công an Việt Nam và mật vụ Trung Quốc. Vài ngày sau thì ông qua đời, hưởng dương 56 tuổi. Theo tìm hiểu của phóng viên Luật Khoa tạp chí, hiện nay vẫn chưa rõ chính xác thời gian mà ông qua đời.
  • Đến ngày 1/4, Văn phòng Hành chính của Tu viện Lung-ngon - đơn vị do chính phủ Trung Quốc điều hành - đã cho các bên liên quan thấy giấy chứng tử của ông Hungkar Dorje, tuy nhiên họ cấm sao chụp giấy tờ.

    Theo thông cáo báo chí, giấy chứng tử do Bệnh viện Quốc tế Vinmec Central Park tại TP. HCM cấp. Và hiện nay thi hài của nhà sư này vẫn còn đang được lưu giữ tại bệnh viện. 
  • Ngày 5/4, một nhóm gồm năm nhà sư thuộc Tu viện Lung-ngon, cùng với một số quan chức Trung Quốc, đã đến Việt Nam để đưa thi thể của ông về Tây Tạng.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ liệu nhóm này đã được tiếp cận hay nhận lại thi thể của ông Dorje hay không. Bởi cùng ngày (5/4), nhóm này đã bị Lãnh sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam từ chối cho tham dự một cuộc họp liên quan đến quá trình xử lý thi thể.
  • Tính đến thời điểm hiện tại, cả phía Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến sự việc này.

Cái chết bí ẩn, chưa rõ nguyên nhân

Hiện nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Tulku Hungkar Dorje vẫn chưa được làm rõ.

  • Cụ thể, ngày 3/4, Tu viện Lung-ngon thông báo rằng ông Dorje đã qua đời vào ngày 29/3 tại TP. HCM do “sức khỏe kém”, “bệnh tật”.

    Tu viện cũng cho biết ông Dorje từng tiên liệu trước rằng mình sẽ gặp chướng ngại vào tuổi năm mươi; đồng thời, đề cập đến bản di chúc được ông soạn vào tháng 9/2024 - trước khi rời Tây Tạng.

    Theo thông tin từ website của Tu viện Lung-ngon, ông Dorje đã đến Việt Nam thuyết pháp hơn mười lần trong 10 năm qua, trong đó lần gần nhất là vào năm 2019 tại chùa Sủi (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP. HCM).
  • Một số báo Tây Tạng cho biết phía Việt Nam thông báo rằng ông Dorje qua đời vì “bệnh tim”, tuy nhiên phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào.
  • Nhiều tờ báo quốc tế như RFA, Phayul đã đặt ra nghi vấn về nguyên nhân tử vong mà hai nước (Trung Quốc, Việt Nam) tuyên bố. Tờ Tibet Times thậm chí dẫn nguồn tin cáo buộc rằng chính quyền Trung Quốc có thể đã tìm cách “thủ tiêu” ông Dorje.
  • Ngày 8/4, Chính phủ lưu vong Tây Tạng (CTA) xác nhận lại ông Dorje mất vào ngày 28/3, tức sớm hơn một ngày so với thông tin do Tu viện Lung-ngon đưa ra.

    Theo CTA, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động đàn áp những nhân vật có ảnh hưởng trong việc bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc dân tộc Tây Tạng - và “cái chết đáng ngờ của Tulku Hungkar Dorje” chính là một ví dụ điển hình cho xu hướng này.

Cao tăng Tulku Hungkar Dorje là ai?

Rigzin Hungkar Dorje, sinh năm 1969 tại châu Golog tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng. Ông là một lãnh đạo tinh thần thuộc dòng Nyingma lâu đời nhất của Phật Giáo Tây Tạng.

  • Sau thời gian tu học Phật học tại Ấn Độ, ông trở về Tây Tạng vào năm 1994 và đảm nhận vai trò trụ trì Tu viện Lung-ngon, tọa lạc tại quê nhà của ông ở Golog. Bên cạnh vai trò tôn giáo, ông còn được biết đến như một nhà giáo dục, nhà từ thiện và nhà người tích cực trong việc bảo tồn văn hoá Tây Tạng.
  • Năm 2004, ông sáng lập Quỹ Phúc lợi Tsongon Gesar tại tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), với mục tiêu bảo tồn văn học sử thi Gesar và văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
  • Năm 2007, với sự chấp thuận từ chính quyền châu Golog và sở giáo dục, ông thành lập Trường Dạy nghề Quốc gia Hungkar Dorje, nơi cung cấp giáo dục miễn phí cho khoảng 1.000 học sinh và giáo viên, chủ yếu đến từ các cộng đồng du mục và nông thôn. Ông đã thành lập khoảng 14 trường tiểu học và trung học trong những năm qua.
  • Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực giáo dục, ông còn tham gia xây dựng nhiều tu viện và học viện Phật giáo, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phục hưng và bảo tồn tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng giữa bối cảnh bị kiểm soát chặt chẽ.
  • Chính những hoạt động này được cho là đã khiến ông trở thành mục tiêu của các cáo buộc chính trị từ chính quyền Trung Quốc.
Đức Tulku Hungkar Dorje lúc trẻ (trái) và cha ông là Kusum Lingpa (phải), chụp hình cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma vào đầu những năm 1990. Nguồn: RFA Free Asia.

Vấn đề nhạy cảm giữa Trung Quốc - Tây Tạng

Thứ nhất, Panchen Lama

Một trong những vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng là việc lựa chọn và công nhận “Panchen Lama” - vị lãnh đạo tinh thần cao cấp, đứng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.

  • Vào năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận một đứa trẻ sáu tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima là “hóa thân đời thứ 11” của Panchen Lama. Trung Quốc ngay sau đó đã bắt cóc cậu bé này. Thế giới vẫn hay gọi cậu bé là “tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất thế giới”.
  • Sau đó, Trung Quốc liền “tái sinh” một Panchen Lama khác. Tuy nhiên, hầu như người Tây Tạng và cộng đồng Phật giáo quốc tế không công nhận vị này.

Thứ hai, đàn áp xuyên quốc gia

  • Người Tây Tạng bắt đầu lưu vong từ năm 1959 sau khi Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sang Ấn Độ lưu vong.

    Đến năm 2008, sau cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng, chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng đàn áp và cô lập Tây Tạng khỏi thế giới bên ngoài.

    Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, chính sách đàn áp xuyên quốc gia đối với người Tây Tạng lưu vong trở nên gay gắt và thường xuyên hơn.
  • Theo một báo cáo, ước tính có 80 - 90% người tị nạn Tây Tạng cho biết người thân của họ từng là nạn nhân của các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia.
  • Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc (UFWD) là cơ quan được Chính phủ Trung Quốc giao chủ trì thực hiện công tác đối ngoại Hoa kiều ở nước ngoài và một số quốc gia. Cơ quan này còn triển khai nhiều hình thức đàn áp như cài cắm gián điệp, kiểm duyệt trực tuyến, xâm phạm thông tin cá nhân, hợp tác với chính quyền nước ngoài, v.v.
  • Trong khi đó, ở Tây Tạng, tổ chức Save Tibet cho biết chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa Trường Dạy nghề Jigme Gyaltsen - một ngôi trường đã truyền dạy văn hóa, ngôn ngữ Tây Tạng trong 300 năm.

    Trung Quốc cũng đuổi các tu sĩ trẻ khỏi Trường Tu viện Taktsang Lhamo và ép họ phải học các trường do nhà nước quản lý.

    Ngoài ra, 140 học sinh của Trường Tu viện Muge cũng bị ép ghi danh vào các trường công lập.
  • Cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc triển khai chiến dịch mang tên “Gửi Phật pháp đến các tu viện” trên khắp Tây Tạng.

    Thực chất chiến dịch này nhằm yêu cầu các nhà sư trở thành người tuyên truyền chính trị, truyền bá các giá trị phù hợp với định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phản ứng của quốc tế trước vụ việc

Cái chết của Tulku Hungkar Dorje đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người Tây Tạng và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

CTA tổ chức họp báo về cái chết của Tulku Hungkar Dorje vào ngày 8/4, tại Ấn Độ. Nguồn: tibet.net.
  • Ngày 8/4, CTA đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của chính quyền Trung Quốc và Việt Nam, yêu cầu minh bạch hóa thông tin về cái chết của Tulku Hungkar Dorje. CTA cũng yêu cầu hồi hương thi hài của ông về Tây Tạng và cho phép tổ chức lễ tang theo truyền thống Tây Tạng.
  • Ngày 9/4, các tổ chức Tây Tạng phát đi tuyên bố chung, yêu cầu phía Chính phủ Việt Nam tiến hành điều tra vụ việc theo Nghị định thư Minnesota của Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện bốn nội dung sau:
    • (1) Điều tra đầy đủ, minh bạch, độc lập và công khai kết quả ngay lập tức về cái chết của Tulku Hungkar Dorje;
    • (2) Cho phép chuyên gia quốc tế khám nghiệm tử thi;
    • (3) Thông báo đầy đủ thông tin cho người thân của ông Dorje;
    • (4) Hồi hương thi hài của Dorje để tổ chức tang lễ theo truyền thống Tây Tạng.
  • Cũng trong ngày 9/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã đưa ra yêu cầu tương tự đối với Việt Nam.

    HRW cho rằng, chính quyền Việt Nam đã không tuân thủ nguyên tắc quốc tế “non-refoulement”, tức là nguyên tắc cấm trục xuất hoặc trao trả người về nơi mà họ có nguy cơ bị ngược đãi.

    HRW cũng bày tỏ lo ngại rằng các tín đồ cùng ông Hungkar Dorje khi đến Việt Nam có thể đã bị chính quyền bắt giữ hoặc giao nộp cho Trung Quốc.

    Đồng thời, HRW cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã thực hiện đàn áp xuyên quốc gia, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả người Tây Tạng ở nước ngoài.
Đây không phải vụ việc đầu tiên liên quan tới giới đấu tranh Trung Quốc

Vào tháng 8/2022, ông Đổng Quảng Bình (65 tuổi), một nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc, từng trốn sang Việt Nam vào năm 2020, đã bị công an bắt giữ tại Hà Nội khi đang chờ được đi tị nạn chính trị. Ông sau đó bị giao về cho Trung Quốc và tiếp tục bị giam giữ.

Luật Khoa tạp chí sẽ tiếp tục cập nhật về vụ việc.

Luật Khoa cần bạn!

Chúng tôi không nhận ngân sách nhà nước, cũng không thuộc tổ chức hay doanh nghiệp nào có tài chính dồi dào. Kinh phí hoạt động của chúng tôi một phần đến từ các nhà tài trợ - ủng hộ việc làm báo độc lập của Luật Khoa, phần còn lại đến từ chương trình Đọc báo trả phí.

Chúng tôi chọn đặt niềm tin vào độc giả, vào những người Việt Nam trân trọng báo chí độc lập, chất lượng, chân thực và đa chiều để vượt qua giai đoạn sóng gió này. Nếu bạn tin rằng báo chí độc lập cần tồn tại ở Việt Nam, chúng tôi mong bạn cùng đồng hành.

Đăng ký Member

Chú thích

CTA là tổ chức đại diện cho cộng đồng người Tây Tạng lưu vong, được thành lập năm 1959 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rời khỏi Tây Tạng và tị nạn ở Ấn Độ.

Trụ sở của CTA đặt tại Dharamshala, bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Tổ chức này hoạt động như một chính phủ lưu vong, nhằm bảo vệ quyền lợi người Tây Tạng, gìn giữ văn hóa, tôn giáo truyền thống và kêu gọi giải pháp hòa bình cho Tây Tạng thông qua con đường đối thoại.


Đọc thêm:

Lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng chết chưa rõ nguyên nhân khi bị giam giữ ở Việt Nam
Các sự kiện nổi bật: Cái chết bí ẩn của tu sĩ Phật giáo Tây Tạng ở TP. HCM; Việt Nam - Mỹ nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương sau vụ áp thuế chấn động toàn cầu.
Các dòng truyền thừa Mật tông đang tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam
Có bàn tay của cả giới doanh nhân và một số quan chức nhà nước?
Vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh không trở về Việt Nam?
Chính quyền luôn nghi kỵ và không khoan dung.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.