Toàn cảnh: Trịnh Văn Quyết và vụ thao túng thị trường chứng khoán đi vào lịch sử
Ngày 29/3/2022, một vụ án gây chấn động thị trường chứng khoán ở nước ta đã được khởi
Ngày 29/3/2022, một vụ án gây chấn động thị trường chứng khoán ở nước ta đã được khởi tố.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, theo quyết định khởi tố vụ án số 06/QĐ-VPCQCSĐT.
Cùng thời điểm đó, cơ quan chức năng cũng khám xét chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại 21 địa điểm.
Bằng cách thao túng cổ phiếu “ma”, cùng với sự giúp sức từ các cán bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã tạo ra một mạng lưới lừa đảo tinh vi, thao túng thị trường chứng khoán, gây thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn nhà đầu tư.
Cùng Luật Khoa tạp chí nhìn lại toàn cảnh vụ án này.
Ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975) từng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.
Ông cũng là người sáng lập và điều hành FLC - một tập đoàn nổi tiếng với các dự án du lịch ở Quy Nhơn (Bình Định), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), và từng được xem là một trong số các “chaebol” của Việt Nam.
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 14 tuổi với công việc gia sư và kinh doanh điện thoại cũ, ông Quyết dần bước chân vào lĩnh vực tư vấn luật, bất động sản, và đầu tư tài chính.
Năm 2001, ông thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát Đầu tư (SMiC), chuyên về tư vấn luật doanh nghiệp, đầu tư, và bất động sản.
Năm 2010, ông Quyết sáng lập Tập đoàn FLC và nhanh chóng đưa doanh nghiệp này trở thành một tên tuổi lớn trong ngành bất động sản và du lịch.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông tiếp tục mở rộng hoạt động của FLC vào nhiều lĩnh vực khác như tài chính, đầu tư, du lịch, giáo dục, đặc biệt là hàng không.
Ở thời kỳ đỉnh cao, FLC sở hữu một hệ sinh thái gồm hơn 80 công ty thành viên, công ty con và công ty liên kết. Trong đó, các mảng kinh doanh chính như bất động sản, hàng không (Bamboo Airways), chứng khoán, du lịch, xây dựng, và nông nghiệp.
Ông Trịnh Văn Quyết đóng vai trò trung tâm trong việc kiểm soát các hoạt động này.
Xuyên suốt các dấu mốc, hãng hàng không Bamboo Airways là biểu trưng mãnh liệt của ông Quyết với một tham vọng xây dựng một hãng hàng không cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn trong ngành.
Ông đặt mục tiêu biến Bamboo Airways thành hãng hàng không năm sao đầu tiên của Việt Nam, mở rộng đường bay quốc tế và tạo ra sự khác biệt với dịch vụ chất lượng cao.
Dưới sự lãnh đạo của ông Quyết, Bamboo Airways nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa, mở rộng ra các chặng bay quốc tế và liên tục công bố các kế hoạch mở rộng đội bay với nhiều dòng máy bay hiện đại.
Và có thời điểm, trên các diễn đàn về hàng không, công chúng đánh giá Bamboo Airways thực sự đã “vượt mặt” Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, dù đạt được thành công lớn, ông Trịnh Văn Quyết cũng đối mặt với những chỉ trích về việc thao túng tài chính và thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Các giao dịch chứng khoán của ông đã thu hút sự chú ý và bị phát hiện có dấu hiệu gian lận, nhất là trong việc nâng khống vốn điều lệ của công ty xây dựng Faros (ROS).
Vào ngày 5/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 24,6% cổ phần của công ty), với tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 1.750 tỷ đồng.
Mục đích được ông Quyết đưa ra là để cơ cấu lại danh mục tài sản, với kế hoạch thực hiện giao dịch này từ ngày 10/1/2022 đến 17/1/2022, thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên thị trường chứng khoán.
Tối 10/1/2022, nhiều nhà đầu tư phát hiện trên website chính thức của FLC xuất hiện thông báo về giao dịch cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết, mặc dù trước đó thông tin này không được công bố. Thông báo này được đăng tải vào ngày 10/1/2022, nhưng sau đó đã bị chỉnh sửa thành ngày 5/1/2022, nhằm hợp thức hóa việc thông báo thông tin bán cổ phiếu cho các cổ đông biết.
Chiều 10/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được báo cáo số 31/SGDHCM-GS của HOSE về việc Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo và không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Ngày 18/1/2022, UBCKNN ra Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính ông Quyết với số tiền 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong năm tháng. Quyết định xử phạt này đưa ra theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP năm 2020.
Đến ngày 6/4/2022, UBCKNN ra quyết định 188/QĐ-HB để hủy bỏ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết.
Lý do, UBCKNN giải thích do ông Quyết đã bị bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022 và C01 đã có văn bản đề nghị UBCKNN hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo đúng quy trình tố tụng hình sự.
Đây không phải lần đầu tiên Trịnh Văn Quyết bị phát hiện bán chui cổ phiếu.
Vào năm 2017, khi cổ phiếu FLC đang giao dịch ở mức 7.100 đến 7.700 đồng/cổ phiếu, ông Quyết đã bán ra 57 triệu cổ phiếu (tương đương 9% vốn điều lệ của FLC tại thời điểm đó) mà không báo cáo với UBCKNN và HOSE. Phiên giao dịch kéo dài từ 20/10/2017 đến 24/10/2017 và ông Quyết thu về khoảng 400 tỷ đồng.
Sau đó, UBCKNN đã xử phạt ông Quyết 65 triệu đồng.
Giá cổ phiếu thường phụ thuộc vào cung và cầu trên thị trường tại một thời điểm cụ thể.
Nếu thị trường nhận định rằng doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu có tiềm năng phát triển hoặc cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua vào, tạo áp lực tăng giá.
Ngược lại, nếu thị trường đánh giá rằng doanh nghiệp gặp khó khăn, triển vọng tăng trưởng kém, hoặc giá cổ phiếu đã được định giá quá cao so với giá trị thực, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán ra để bảo toàn lợi nhuận hoặc cắt lỗ. Khi lượng cung cổ phiếu lớn hơn cầu, giá cổ phiếu sẽ giảm xuống.
Thao túng thị trường chứng khoán là chuỗi hành vi can thiệp có chủ đích vào cán cân cung - cầu của cổ phiếu nhằm tạo ra biến động giá giả tạo, qua đó thu lợi từ chênh lệch giá.
Các phương thức thao túng thường gặp có thể kể đến là giao dịch nội bộ, đặt lệnh khống, giao dịch chéo (các tài khoản của những người thao túng thị trường mua bán cổ phiếu với nhau để tạo ra thanh khoản giả) hoặc tung tin thất thiệt để dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư, thổi phồng giá trị cổ phiếu.
Mục đích của thao túng thị trường chứng khoán trong vụ án này là làm cho giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp mà bị những nhóm lợi ích (ở đây là nhóm của Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm) chi phối.
Khi giá cổ phiếu bị đẩy lên cao, nhóm Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ra cho nhóm đầu tư khác và thu lợi.
Để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái, nhân viên kế toán tổng hợp của FLC) sử dụng hơn 500 tài khoản chứng khoán mở tại các công ty chứng khoán khác nhau để mua đi - bán lại năm mã cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của FLC.
Cụ thể gồm: Cổ phiếu Tập đoàn FLC (mã FLC), Cổ phiếu Công ty Cổ phần Nông dược HAI (mã HAI), Cổ phiếu Công ty Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD), Cổ phiếu Công ty Chứng khoán BOS (mã ART), Cổ phiếu Công ty Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (mã GAB).
Trong suốt hơn 500 ngày giao dịch (từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022), bà Huế đã đặt 27.230 lệnh mua cổ phiếu (tương đương khoảng 48,5 lệnh mua mỗi ngày) và 11.978 lệnh bán cổ phiếu (tương đương khoảng 21,3 lệnh bán mỗi ngày).
Các giao dịch này chỉ là giao dịch nội bộ, không có sự tham gia thực tế của các nhà đầu tư bên ngoài, không phản ánh đúng giá trị thực của các công ty.
Để thực hiện hành vi thao túng này, bà Huế đã sử dụng 170.000 tỷ đồng tiền “không có thật” được cấp khống từ Công ty Chứng khoán BOS, qua sự giúp sức của bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái thứ ba của Trịnh Văn Quyết, cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS).
Kết quả, giá trị của năm loại cổ phiếu FLC, HAI, AMD, ART, và GAB tăng vọt.
Đồng thời, các giao dịch này chiếm phần lớn số lệnh khớp trên thị trường chứng khoán. Trong tổng 562 phiên giao dịch bị thao túng thì có từ 11% - 66% số lệnh khớp/phiên.
Để tránh bị phát hiện, nhóm ông Quyết đã lựa chọn thời điểm mua bán vào đầu và cuối phiên giao dịch (đợt đầu từ 9:00 - 9:30, đợt cuối từ 14:30 - 15:00).
Khi giá các cổ phiếu được đẩy lên cao, nhóm của ông Quyết bắt đầu bán tháo 1,34 tỷ cổ phiếu ra thị trường, thu về khoảng 17.000 tỷ đồng.
Kết quả, số tiền thu lợi bất chính vào túi của ông Quyết, với sự giúp sức của hai người em, lên tới con số 723 tỷ đồng. Đây là số tiền mà của ông Quyết và các đồng phạm lừa đảo các nhà đầu tư đến năm 2022.
Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sẽ khó thực hiện các phi vụ thao túng thị trường chứng khoán nếu không thông qua Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros - một công ty con của FLC và những người hậu thuẫn từ HOSE.
Tiền thân của FLC Faros là Công ty Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2014, FLC Faros bắt đầu nhận thầu thi công các dự án bất động sản lớn cho Tập đoàn FLC.
Qua đây, ông Quyết chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế tăng vốn điều lệ khống cho ROS với tổng số tiền lên tới 4.300 tỷ đồng thông qua các hồ sơ góp vốn “ma”.
Mục đích là để công ty này lên sàn chứng khoán và biến FLC Faros thành công ty đại chúng có vốn hóa lớn.
Để thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS, ông Quyết đã được ông Trần Đắc Sinh (chủ tịch Hội đồng Quản trị HOSE), Lê Hải Trà (tổng giám đốc HOSE) cùng một số cán bộ khác tại HOSE và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tiếp tay.
Những người này đã hỗ trợ để hợp thức hóa các hồ sơ niêm yết, đánh giá tài chính thiếu minh bạch nhằm để ROS của được niêm yết nhanh chóng.
Ngày 1/9/2016, FLC Faros chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE với mã chứng khoán ROS và giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu niêm yết là 430 triệu.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, giá cổ phiếu ROS tăng gấp 20 lần so với giá trị ban đầu, đạt đỉnh gần 214.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2017, thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Mức vốn hóa của ROS cũng tăng lên đáng kể, xếp hạng thứ sáu trên sàn HOSE, chỉ sau Vinamilk, Sabeco, Vingroup, Vietcombank, Petrovietnam.
Tuy nhiên, còn một “tác nhân” trợ giúp đắc lực cho nhóm của Quyết. Đó là ông Doãn Văn Phương, chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC Faros.
Từ ngày 28/5/2015 đến 9/11/2016, Phương đã chỉ đạo các các nhân viên và lãnh đạo của FLC Faros triển khai hàng loạt hành vi gian lận nhằm thổi phồng vốn điều lệ công ty.
Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Phương, FLC Faros liên tục ban hành các nghị quyết về tăng vốn điều lệ, dù thực tế các khoản góp vốn chỉ mang tính hình thức và không có dòng tiền thực sự.
Đồng thời, ông Phương đã ký duyệt hồ sơ góp vốn khống và thực hiện thủ tục niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS lên HOSE, nâng mức vốn điều lệ của công ty lên 4.300 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng cáo buộc ông Phương ký 18 giấy rút tiền mặt, tạo điều kiện cho Trịnh Thị Minh Huế rút 900 tỷ đồng từ tài khoản của Faros, ký 12 ủy nhiệm chi, chuyển 296,5 tỷ đồng từ tài khoản Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bình Định FLC đến các cá nhân khác.
Những giao dịch này nhằm tạo dòng tiền giả và hình thành công nợ ảo trên sổ sách kế toán của FLC Faros.
Toàn bộ hành vi này nhằm hợp thức hóa các số liệu tài chính, tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc thao túng giá cổ phiếu và lừa đảo nhà đầu tư.
Nhờ vậy, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm có thể bán cổ phiếu được tạo ra từ vốn góp khống, qua đó chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Tối 27/3/2022, mạng xã hội loan tin việc ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh, có nhiều đồn đoán rằng ông bị bắt để điều tra về một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn FLC.
Đến ngày 29/3/2022, C01 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” và “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, theo quy định tại Điều 209, 211 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ngày 2/4/2022, C01 tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Trịnh Thị Minh Huế, làm rõ hành vi là đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngày 4/4/2022, C01 Tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Trịnh Thị Thúy Nga, cũng vì hành vi đồng phạm với Trịnh Thị Minh Huế.
Ngày 25/8/2022, C01 đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với Quyết, mở rộng tội danh với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty FLC Faros và các công ty có liên quan, theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ngoài ông Quyết và hai em gái của ông, bà Hương Trần Kiều Dung (phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC và chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS) cũng bị khởi tố bổ sung với tội danh này.
Ngày 8/4/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao ban hành cáo trạng truy tố ông Trịnh Văn Quyết và 49 người có liên quan.
Cụ thể, các cá nhân bị truy tố tội “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 209, 174 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), gồm:
Cá nhân bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Điều 356 của Bộ luật Hình sự 2015:
Các cá nhân bị truy tố về tội “công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tại Điều 209 của Bộ luật Hình sự 2015:
Ngoài các cá nhân trên, còn có 13 người khác, trong đó có nhiều người thân, họ hàng của ông Quyết cũng bị Viện KSND Tối cao truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán; 22 người còn lại bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 22/7/2024, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.
Trong cáo trạng, đại diện VKSND Tối cao lập luận rằng ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động tài chính của 82 công ty trong hệ thống của FLC, bao gồm Tập đoàn FLC, FLC Faros, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, cùng nhiều công ty con. Nhóm bị can đã:
Vai trò giúp sức của các đồng phạm như sau:
Đại diện VKSND Tối cao xác định Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã tổ chức một mô hình lừa đảo có hệ thống, thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính.
Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và thị trường tài chính.
Chiều 5/8/2024, TAND TP. Hà Nội tuyên án sơ thẩm với ông Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án tại Tập đoàn FLC.
Về trách nhiệm hình sự, buộc các cá nhân sau phải chịu hình phạt:
Về trách nhiệm dân sự:
Trịnh Văn Quyết đã đề xuất dùng toàn bộ tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả.
Sau phiên sơ thẩm, vợ ông Quyết cũng đã tự nguyện nộp 203 tỷ đồng để bổ sung phần khắc phục hậu quả. Đến ngày 19/12/2024, số tiền khắc phục hậu quả đã vượt mức 600 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Quyết cùng các em đã có đơn xin kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Ngày 26/12/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, cho đến 9:30 sáng cùng ngày, ông Quyết vẫn chưa thể ra trình tòa.
Ông Quyết và luật sư của mình nộp đơn xin hoãn phiên tòa do ông đang trong quá trình điều trị bệnh lao tại Bệnh viện 198 (Hà Nội).
Đơn xin này được Thượng tá Hoàng Xuân Quang, đại diện Trại tạm giam T16, xác nhận.
Cả ông Quyết và các bị cáo khác cùng với luật sư của họ đều đồng ý với việc hoãn phiên tòa khi được chủ tọa hỏi ý kiến.
Đại diện VKSND cũng đồng thuận hoãn phiên tòa để các bị cáo có thêm thời gian khắc phục thiệt hại của vụ án.
Sau hội ý, chủ tọa thông báo hoãn phiên tòa phúc thẩm lần một.
Ngày 25/3/2025, phiên tòa phúc thẩm lần hai được mở lại.
Tuy nhiên ông Trịnh Văn Quyết lại xin vắng mặt do bệnh tình đã trở nên nghiêm trọng, với nguy cơ tử vong cao.
Luật sư của ông Quyết đề nghị hoãn phiên tòa để gia đình ông có thêm thời gian để khắc phục thiệt hại của vụ án.
Sau khi xem xét các ý kiến, Hội đồng Xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm lần hai và dự kiến mở lại phiên xét xử phúc thẩm này vào tháng 6/2025.
Tính tới thời điểm này, gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết đã khắc phục hậu quả gần 1.000 tỷ đồng.
Sau khi ông Quyết bị bắt, người ta thấy Bamboo Airways suy tàn.
Hãng hàng không từng được ngợi khen là làm tốt, vừa có đủ yếu tố giá rẻ như Vietjet, vừa có dịch vụ tốt và chuyên nghiệp như Vietnam Airlines, giờ đối diện với xáo trộn về nhân sự, áp lực thua lỗ và nợ nần.
Điều này thể hiện rõ nhất qua việc hãng hàng không này thay đổi nhân sự cấp cao, cắt giảm mạnh đường bay nội địa và quốc tế.
Cụ thể, về nhân sự, ngay sau khi ông Quyết bị bắt, ông Đặng Tất Thắng khi đó là phó chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm CEO Bamboo Airways đã được giao giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị của Bamboo Airways thay ông Quyết.
Tuy nhiên, ông Thắng rời nhiệm vụ chỉ sau vài tháng (7/2022).
Sau đó, chỉ trong hai năm 2022 và 2023, hãng này lần lượt trải qua nhiều đời chủ tịch khác nhau, từ ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Oshima Hideki (người Nhật, đảm nhiệm ngắn hạn) cho đến ông Lê Thái Sâm (một nhà đầu tư từng là chủ nợ lớn của FLC).
Đến đầu năm 2024, cơ cấu lãnh đạo Bamboo Airways mới dần đi vào ổn định, khi vào ngày 5/2/2024, hãng này đã bổ nhiệm ông Phan Đình Tuệ (cựu phó tổng giám đốc Sacombank) làm chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Lý do, ông Tuệ là thành viên của Hội đồng Quản trị Bamboo Airways từ tháng 6/2023 và được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nhờ kinh nghiệm 40 năm trong ngành tài chính - ngân hàng.
Ngoài ra, trước đó, vào tháng 10/2023, Bamboo Airways cũng mời một chuyên gia hàng không kỳ cựu là ông Lương Hoài Nam để về giữ chức tổng giám đốc, dẫn dắt công cuộc tái cấu trúc toàn diện của hãng.
Trên thực tế, nhờ dàn lãnh đạo mới, Bamboo Airways đã triển khai một “cuộc đại phẫu” tái cơ cấu nhằm cứu vãn hãng khỏi bờ vực phá sản.
Trở lại với câu chuyện cắt giảm các chuyến bay, theo Báo Dân Trí, lượng chuyến bay khai thác đã sụt giảm mạnh, từ 52.000 chuyến vào năm 2022 xuống còn 38.600 chuyến vào năm 2023.
Đối với các chặng bay quốc tế, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Bamboo Airways cũng đã chấm dứt các đường bay dài đi châu Âu, Australia khi hãng ngừng khai thác đội Boeing 787 Dreamliner.
Tháng 10/2023, Bamboo Airways thông báo rằng sẽ tạm dừng toàn bộ mạng bay quốc tế thường lệ để tập trung tái cơ cấu. Hãng thông báo dừng các tuyến bay châu Âu (như Frankfurt - Đức, London - Anh) và châu Á - Thái Bình Dương (Sydney, Melbourne - Úc; Incheon - Hàn Quốc; Narita - Nhật Bản; Đài Bắc - Đài Loan; Bangkok - Thái Lan; Singapore).
Trong đó, chặng Hà Nội - London ngừng từ ngày 18/10/2023 và đến ngày 21/11/2023, hãng dừng TP. HCM - Bangkok.
Cũng từ cuối năm 2023, hãng đã phải ra hàng loạt quyết định “bất đắc dĩ” để giảm tần suất hoặc tạm dừng các đường bay hiệu quả thấp trong khu vực nội địa, như Hà Nội/TP. HCM - Phú Quốc và Hà Nội - Cà Mau.
Từ tháng 4/2024, Bamboo Airways cũng ngừng khai thác các chặng từ Hà Nội và TP. HCM đi Côn Đảo, đồng thời dừng một số chuyến trên chặng Hà Nội - Huế và Hà Nội - Đồng Hới.
Giữa bão tin đồn sắp phá sản, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định hãng không nộp đơn phá sản và những đồn đoán này là vô căn cứ.
Từng trả lời trên VnExpress, CEO Lương Hoài Nam của Bamboo Airways nói nhờ các giải pháp cắt giảm chi phí và điều chỉnh hoạt động, mức lỗ hoạt động năm 2023 của hãng đã giảm ba lần so với trước tái cơ cấu. Vị CEO cũng kỳ vọng rằng đến cuối năm 2024, nếu giá nhiên liệu ổn định, hãng sẽ hòa vốn.
Bamboo Airways đặt mục tiêu mở rộng dần trở lại đội bay (dự kiến tăng lên 12 chiếc vào cuối 2024) và 18 chiếc vào năm 2025. Từ đó, hãng sẽ phục hồi mạng bay nội địa và từng bước mở lại các đường bay quốc tế từ năm 2025.
Vào ngày 27/10/2024, Bamboo Airways tái khai thác đường bay giữa TP. HCM và Đà Lạt (tần suất một chuyến khứ hồi/ngày). Ngoài ra, hãng cũng đã mở lại một số đường bay quốc tế, như tuyến Đài Bắc - Phú Quốc, Cao Hùng - Phú Quốc.
Luật Khoa tạp chí sẽ tiếp tục cập nhật về diễn biến vụ án này.