Tự truyện của một nhà hoạt động miền Nam ngồi tù trại cải tạo

Lòng yêu nước cá nhân không có chỗ đứng trong một chế độ đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối.

Tự truyện của một nhà hoạt động miền Nam ngồi tù trại cải tạo
Ảnh bìa sách: Éditions Robert Laffont.

Cuốn sách Le goulag vietnamien (tạm dịch: Trại cải tạo Việt Nam) do nhà hoạt động Đoàn Văn Toại viết bằng tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 1979, kể lại cuộc đời chính trị của ông, đặc biệt là những năm tháng sau song sắt dưới hai chế độ khác nhau. Sinh ra ở Vĩnh Long và học tại Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Toại từng bị bỏ tù vì tham gia biểu tình sinh viên chống chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trớ trêu thay, chỉ vài tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, một người từng có cảm tình với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) như ông lại bị chính những người giải phóng bắt giam tùy tiện. Trong suốt 28 tháng ở nhà tù cộng sản, dù luôn hỏi một cách lịch sự, ông không được thông báo lý do bị bắt. Ngay cả giấy ra tù cũng không nêu rõ lý do bắt giữ hay phóng thích.

“Bỗng dưng vào tù”

Đoàn Văn Toại sinh năm 1945 trong một gia đình có học thức ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thời thơ ấu của ông gắn liền với bom đạn do các cuộc xung đột vũ trang liên miên. Chiến tranh ở miền Nam không chỉ là giữa người Việt với thực dân Pháp hay quân Nhật, mà còn là những cuộc đụng độ phức tạp hơn: giữa người Việt và người Khmer, giữa Việt Minh và lực lượng Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ lãnh đạo, v.v. Gia đình Toại cảm nhận sâu sắc điều đó khi cha ông theo Việt Minh và cả nhà bị Hòa Hảo nghi ngờ, đe dọa.

Chứng kiến bạn bè bị bắt trong chiến dịch Tố cộng tàn bạo dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Toại quyết định dấn thân chính trị. Ông trở thành một trong những lãnh đạo phong trào sinh viên phản kháng chế độ Diệm và sau này là chế độ Thiệu - Kỳ. Khi còn là sinh viên, ông từng làm chủ bút tờ báo sinh viên, rồi chuyển từ học ngành dược sang luật. Dù nổi tiếng là người chống Diệm, chống Thiệu quyết liệt, Toại vẫn không gia nhập Mặt trận vì chưa hoàn toàn tin tưởng.

Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 khiến gia đình ông trắng tay chỉ sau một đêm vì những xung đột vũ trang khốc liệt. Tuy vậy, thời điểm đó họ không thể biết rõ ai là kẻ tấn công, vì tình hình miền Nam sau vụ ám sát anh em Diệm – Nhu từ năm 1963 đã rơi vào hỗn loạn.

Toại bắt đầu có cảm tình với Cộng sản, không hẳn vì lý tưởng, mà bởi đơn giản họ là người Việt. Môi trường học thuật ở miền Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì dấu ấn thuộc địa Pháp, còn chính quyền thì ngày càng lệ thuộc Mỹ. Hình ảnh lính Mỹ và văn hóa tiêu dùng kiểu Mỹ tràn ngập miền Nam khiến ông và nhiều bạn bè tìm đến các đài phát thanh từ miền Bắc, nơi ít nhất còn vang lên những lời ca ngợi tình yêu tổ quốc – đối lập với nền âm nhạc thị trường mang âm hưởng ngoại quốc ở miền Nam.

Trước “ngày giải phóng”

Bắt đầu từ phong trào sinh viên, Đoàn Văn Toại dần trở thành một lãnh đạo nổi bật, từng phát biểu trong lễ tang của cựu quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Ông sáng lập tờ báo Tự Quyết, vận động cho việc chấm dứt sự lệ thuộc vào Mỹ cũng như phản đối sự can thiệp từ miền Bắc. 

Dù có cảm tình với Mặt trận, Toại vẫn lựa chọn không gia nhập, vì theo ông, tình thế khi đó chỉ buộc người ta phải chọn hoặc theo Chính phủ, hoặc theo Mặt trận – không có một “con đường thứ ba”, điều mà ông hằng mong mỏi. Phần lớn người dân không muốn chọn phe, họ chỉ mong được sống yên ổn. Thế nhưng, đặc biệt là ở nông thôn, người dân buộc phải chọn. Họ có thể bị tra tấn, bị bắt giam chỉ vì phe này tìm thấy một bằng chứng mơ hồ về liên hệ với phía kia. Một cán bộ xã nghi ngờ cũng đủ khiến một nông dân vô tội rơi vào vòng lao lý.

Trong giai đoạn cuối của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Toại làm quản lý ngân hàng tại Phan Rang và Quy Nhơn, rồi chứng kiến tận mắt sự khủng hoảng sau Hiệp định Paris, cũng như thời khắc Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau “giải phóng” là làn sóng khai thác cuồng loạn tài sản của chế độ cũ, đi kèm với các cuộc thanh trừng văn hóa: các nhà sách bị đóng cửa, nhiều tờ báo lớn bị dẹp bỏ, và không khí trí thức bị bóp nghẹt một cách toàn diện.

Cuộc sống sau song sắt

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhiều người thân cận với nhà hoạt động sinh viên năng nổ Đoàn Văn Toại đã dự đoán rằng việc ông bị chính quyền mới bắt giữ chỉ là chuyện sớm muộn. Họ cảnh báo: “Cậu chưa hẳn đã cam kết hoàn toàn với họ” và “Nếu cậu chưa gia nhập với họ, thì cũng có nghĩa là cậu vẫn chống lại họ”. 

Bất chấp những lời khuyên nên ra nước ngoài, Toại vẫn quyết định ở lại Việt Nam vì tin rằng đất nước sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp dưới sự điều hành của chính quyền mới. Gia đình ông cũng không có “lý lịch xấu”, không ai là công chức của “chế độ bù nhìn”, và bản thân ông không phải người giàu có mang theo ý định vượt biên.

Nhà cầm quyền tuyên bố rằng chỉ những lãnh đạo bù nhìn và kẻ chuộc lợi từ chiến tranh mới bị trừng phạt hay cải tạo ngắn hạn. Họ cam kết tinh thần hòa giải, không trả đũa. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Toại bị Mặt trận theo dõi từ trước khi bị bắt, trong lúc bị giam, và cả sau khi được thả.

Khác với nhà tù Việt Nam Cộng hòa, ở nhà nước Việt Nam thống nhất không có luật sư, không có đảng phái đối lập, không có báo chí độc lập, và các phóng viên quốc tế đều phải rời đi. Không còn bất kỳ hy vọng hay lực lượng nào có thể đòi lại công lý cho những người bị bắt.

Cuối cùng, Toại hiểu rằng nguyên nhân ông bị giam không phải vì thù địch, mà vì ông là người yêu nước mang đậm tinh thần cá nhân, không chấp nhận sự ràng buộc của kỷ luật cách mạng. Nói cách khác, ông không phải là kẻ thù, nhưng cũng chưa bao giờ là bạn của những người Cộng sản.

Trong tù, ông sớm nhận ra rằng những người đồng cảnh ngộ không chỉ là cựu quân nhân của chế độ cũ, mà còn có cả cán bộ cộng sản “lầm đường”, những người bị nghi phản bội lý tưởng, giáo sư, thương nhân, nghệ sĩ, nông dân, phụ nữ, trẻ em – thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng bị giam nếu mẹ chúng bị cho là “phản động”. Nhiều người bị bắt chỉ vì nghi ngờ, vì không giao nộp súng, hay chỉ vì trùng tên với một người khác. 

Không ai được đưa ra tòa xét xử, không bản án, không giải thích. Đảng và chính quyền – mà thực chất là một vài cá nhân – trở thành thẩm phán. Khoảng cách giữa “vô tội” và “có tội” cực kỳ mong manh. Nhiều cán bộ với học vấn hạn chế được huấn luyện bằng một niềm tin đơn giản: thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót.

Người kể chuyện mô tả chi tiết các hình thức tra tấn thể chất và tinh thần mà ông cùng bạn tù phải chịu đựng: bị bỏ đói, biệt giam vì cãi cán bộ hay tranh cãi với bạn tù, bị tra tấn hoặc ép xem người khác bị tra tấn để “rút kinh nghiệm”, chứng kiến bạn tù chuyển trại hoặc chết vì kiệt sức, bệnh tật mà không được chữa trị. 

Từ mong muốn tự do, ông chuyển sang khao khát có người bầu bạn trong tù. Tháng 8/1975, ông được chuyển sang phòng giam tập thể, nhưng vẫn liên tục bị thẩm vấn về các chuyến đi nước ngoài, và việc ông không chịu vào Đảng.

Toại dần tuyệt vọng trước những lời hứa hẹn sẽ sớm được thả. Chính quyền sử dụng nhiều chiêu trò để khai thác tù nhân: tạo đố kỵ, nghi ngờ, ép họ chỉ điểm lẫn nhau. Những cuộc trò chuyện với các bạn tù – nhiều người trong số đó là trí thức, nghệ sĩ, những người chính trực – đã cứu vớt tinh thần Toại. 

Cuốn sách dành nhiều trang để ca ngợi phẩm chất kiên trung của họ, những con người không khuất phục trước tra tấn, giữ vững chính kiến, và đối mặt với những kẻ cầm tù bằng tư thế hiên ngang. Chính họ là động lực để ông viết nên cuốn sách, để những mảnh ghép lịch sử ấy không rơi vào quên lãng.

Trong tù, ông không ngừng tập yoga và luyện trí nhớ để giữ vững tinh thần. Ông nhận ra: không phải chính sách hay tội danh quyết định cách đối xử với tù nhân, mà là quyền lực tùy tiện của quản ngục hay trưởng nhóm. Có lúc cơm trộn cát được dùng như một hình thức “ăn năn”. Ông phải giả vờ từ bỏ lý tưởng, tỏ ra thờ ơ với chính trị để tránh bị ép trở thành người chỉ điểm. 

Sau khi ra tù, ông trở về với một căn nhà bị tịch thu, gia đình ly tán, kinh tế kiệt quệ. Mẹ ông qua đời trong cảnh các nhà tang lễ bị quốc hữu hóa. Một số bạn tù cũ trở thành kẻ cơ hội, sẵn sàng bán đứng người khác. Tỷ lệ những cái chết trong tù ấy vẫn là một ẩn số của lịch sử.

Cuốn sách là một minh chứng cho tinh thần đấu tranh dân chủ của người trẻ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Dù xã hội đầy rẫy bất công, ở đô thị miền Nam vẫn tồn tại không gian cho đình công, biểu tình, tự do báo chí, và lên tiếng phản biện. Báo chí có thể chỉ trích chính quyền, các phóng viên nước ngoài vẫn được hoạt động tự do. Quốc hội có các đại biểu đối lập, sẵn sàng đứng về phía sinh viên. Trường đại học, luật sư, và dư luận có thể lên tiếng bảo vệ người bị bắt. Chính tác giả từng lập Ủy ban chống bắt bớ tùy tiện và tra tấn. Họ còn dám liên lạc trực tiếp với chính quyền Mỹ, chỉ trích sự hậu thuẫn cho một chính quyền tham nhũng và độc tài.

Toại bị giam 28 tháng, sau đó được cho phép sang Paris đoàn tụ với vợ con. Chính quyền gây sức ép để ông trở thành người phát ngôn cho chính sách nhân đạo của nhà nước khi ra nước ngoài. Nhưng ông đã chọn con đường nói thật – lên tiếng cho những người tù kém may mắn hơn mình. 

Bên cạnh việc xuất bản cuốn sách này, ông còn phát biểu về vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Pháp, Mỹ, và nhiều nơi trên thế giới. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của sự chia rẽ giữa hai miền Nam – Bắc chính là sự thiếu thông tin. Và chính vì thế, ông chọn kể lại sự thật, từ đó để thế giới hiểu rõ hơn về một Việt Nam bị kiểm soát thông tin một cách chặt chẽ.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


💡
Một đất nước chỉ có thể trưởng thành khi lịch sử được ghi nhớ trung thực và trọn vẹn.

Đó là lý do Luật Khoa thực hiện Dự án 1975 (1975.luatkhoa.com) và tiếp tục nghiên cứu, viết về Việt Nam Cộng hòa.

Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự đồng hành của bạn. Hãy ủng hộ Quỹ Nghiên cứu Việt Nam Cộng hòa, giúp chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, tư liệu hóa và kể lại những câu chuyện lịch sử còn chưa được tỏ tường.

Đọc thêm:

Từ Sài Gòn đến San Diego: Hành trình vượt biên của một thiếu niên Vũng Tàu
Cuốn hồi ký Saigon to San Diego (tạm dịch: Từ Sài Gòn đến San Diego) của Đỗ Quang Trình, xuất bản bằng tiếng Anh tại Mỹ năm 2004, kể về hành trình trốn chạy khỏi Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Trong cuốn sách, tác giả
Nhân viên Mỹ kể chuyện sơ tán trăm người Việt trước ngày Sài Gòn thất thủ
Cuốn hồi ký Getting out of Saigon: How a 27-year-old banker saved 113 Vietnamese civilians (tạm dịch: Thoát khỏi Sài Gòn - Cách một nhân viên ngân hàng cứu 113 người dân Việt Nam) của Ralph Robert White, được xuất bản vào năm 2023, kể lại câu chuyện của tác giả trong việc sơ tán nhân viên ngân hàng và gia đình họ khỏi Sài Gòn trước khi thành phố sụp đổ vào tháng 4/1975.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.