Vi hiến khi sửa Hiến pháp: Một tiền lệ xấu cho ‘kỷ nguyên vươn mình’

Quy trình lập hiến giàu tính đảng.

Vi hiến khi sửa Hiến pháp: Một tiền lệ xấu cho ‘kỷ nguyên vươn mình’
Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên, Báo Chính phủ. Đồ hoạ: Thanh Tường / Luật Khoa.

Báo chí tuần này tiếp tục đưa tin Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ họp sớm từ ngày 5/5 cho nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc “xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy”. [1]

Chính diễn ngôn của Chủ tịch Quốc hội và những động thái rầm rộ của các cơ quan nhà nước khác cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp là quá trình đã được bắt đầu, như đã được phân tích trong bài “Quốc hội và nhân dân hoàn toàn đứng ngoài quy trình sửa hiến pháp”. [2]

Không thấy đại biểu Quốc hội nào nhắc đến Điều 120 của Hiến pháp, vốn quy định phải có hai phần ba số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành thì quy trình sửa Hiến pháp mới được bắt đầu. Những cuộc thảo luận, nghiên cứu, và soạn thảo đề án sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra một cách nhanh chóng ở cả cấp ủy và cấp chính quyền, trừ diễn đàn Quốc hội. Họ đang dùng tiền thuế của người dân để làm một việc chưa hề được Quốc hội cho phép.

Cuộc sửa đổi Hiến pháp nhằm “tinh gọn bộ máy” đang diễn ra, vì vậy, là một quy trình vi hiến.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu Quốc hội ở nước ta chỉ là “bù nhìn” của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng truyền thống của Quốc hội xưa nay vẫn là “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” một cách hình thức, hay nói cách khác là giả vờ tuân thủ. Truyền thống này xem ra đã hết thời trong “kỷ nguyên vươn mình”.

Chủ tịch Quốc hội hành động theo chỉ thị của đảng chứ không theo quy trình hiến định, không tôn trọng quyền lực chính định chế mà ông đang đứng đầu.

Ở Việt Nam, người dân đã quá quen với cụm từ “chỉ đạo của Đảng” xuất hiện trong mọi quyết sách quan trọng – từ nhân sự cấp cao đến điều hành kinh tế, từ án tử hình cho tới sửa đổi luật.

Trong cái nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự lãnh đạo toàn diện của đảng hoàn toàn có thể dung hòa với tinh thần thượng tôn hiến pháp và quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy vậy, lời nói không đi đôi với việc làm. 

Khi chính quyền – cụ thể là Đảng và Nhà nước – hành xử như thể họ không bị ràng buộc bởi Hiến pháp, thì họ đang vô hiệu hóa nền tảng pháp lý tạo nên tính chính danh của mình. 

Bên cạnh đó, tính chính danh đạo đức và chính trị của lãnh đạo hiện tại cũng sẽ mai một.

Quy trình sửa đổi hiến pháp hiện nay chỉ cho thấy tính đảng, mà không hề có sự hiện diện của quyền làm chủ của nhân dân hay tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đó là một tiền lệ xấu cho những cải tổ những năm tiếp theo.

Chính danh là gì? Và tại sao tính chính danh lại quan trọng?

Theo tài liệu Những hướng dẫn thiết thực về xây dựng hiến pháp của International IDEA, tính chính danh của hiến pháp đến từ ba nguồn: pháp lý, chính trị, đạo đức. [3]

Tính chính danh pháp lý đòi hỏi hiến pháp phải được xây dựng phù hợp với các quy phạm và nguyên tắc pháp lý.

Tính chính danh chính trị đòi hỏi hiến pháp thể hiện được ý chí quốc gia hoặc sự độc lập về chủ quyền của nhân dân, người thông qua hiến pháp, với nghĩa là tập hợp của số đông các nhóm người trong xã hội.

Tính chính danh đạo đức yêu cầu hiến pháp thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung của nó và các giá trị được thừa nhận tạo nên nền tảng đạo đức của quốc gia.

Tương tự, tác giả Bùi Ngọc Sơn, trong bài viết về chủ nghĩa hiến pháp đại chúng mà Luật Khoa đã giới thiệu, cũng nhắc đến ba nguồn gốc của tính chính danh mà một chế độ chính trị cần để duy trì sự ổn định chính trị: tính chính danh pháp lý, sự chấp nhận của xã hội, và tính chính đáng về đạo đức. [4]

Sự suy giảm tính chính danh của hệ thống chính trị Việt Nam về cả ba khía cạnh này vào năm 2011 đã thúc đẩy sự trỗi dậy của hiến pháp đại chúng.

Rõ ràng, việc làm ngơ chính quy định sửa đổi hiến pháp của Hiến pháp 2013 sẽ khiến kết quả sửa đổi này thiếu tính chính danh. Cả quá trình xây dựng hiến pháp và nội dung sau cùng của bản văn này đều đóng vai trò quan trọng trong tính chính danh của hiến pháp.

Nhưng bên cạnh đó, phương thức sửa đổi hiến pháp cấp tốc, vi hiến, còn gây ra vấn đề về tính chính trị và đạo đức của chính giới lãnh đạo, mà đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm, người khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đại cải cách này.

Những gì ông đang làm và yêu cầu hệ thống chính trị thực hiện hoàn toàn trái ngược với những gì ông đã viết khi mới nhậm chức về việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Không những dân không được phát huy quyền làm chủ, mà nguyên tắc thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật do chính ông cổ vũ cũng bị vi phạm.

Viết một đằng, làm một nẻo

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng vào tháng 10/2024, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xác định rằng “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật” là một trong những mục tiêu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. [5] Để “xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, ông cho rằng ba điều cần phải được lưu ý:

Một là, sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm” của đảng. “Tính đảng” theo bài viết này của ông là một “đặc thù” của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo nghĩa là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “biện pháp, cách thức để thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta”, như đã được xác định trong Điều lệ Đảng: “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.”

Hai là, phát huy dân chủ để nhân dân tham gia quản lý nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật: “dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để Nhân dân tham gia hoạt động quản lý Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.”

Ba là, nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là cần thiết để dân làm chủ. Ông viết: “trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng’. Tuy nhiên, để có dân chủ thực chất thì bên cạnh việc phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện theo các tiêu chí của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị cũng phải đáp ứng, phù hợp với nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.”

Như vậy, theo chính ông Tô Lâm, để dung hòa các vai trò của đảng, nhà nước, nhân dân, đảng hoàn toàn có thể nêu định hướng, chỉ thị, nhưng để luật hóa các chỉ thị, đường lối đó trong Hiến pháp và pháp luật, thì tính thượng tôn của Hiến pháp hiện hành phải được tôn trọng.

“Tính đảng” hay sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là đảng có quyền vi phạm pháp luật. Nó chỉ có nghĩa là đảng có quyền định hướng sự phát triển của luật pháp, và bất kỳ sửa đổi cần thiết nào để phục vụ cho định hướng mới vẫn cần được tiến hành theo quy trình hiến định và hợp pháp.

Vi phạm hiến pháp để “tinh gọn bộ máy” cho mau chóng rõ ràng là mâu thuẫn với các mục tiêu pháp quyền cao cả mà chính tổng bí thư đã đặt ra cho cả hệ thống đảng - nhà nước khi ông mới nhậm chức.

“Tinh gọn bộ máy” không thể là cái cớ để vi phạm Hiến pháp

Lý do được đưa ra cho việc sửa đổi Hiến pháp lần này là để “tinh gọn bộ máy”, xóa bỏ các cấp trung gian như huyện, hoặc sáp nhập các tỉnh. Trên bề mặt, đây có vẻ như một nỗ lực cải cách hành chính, tiết kiệm ngân sách và chống quan liêu.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đây không chỉ là thay đổi kỹ thuật – mà là sự thay đổi sâu sắc về cấu trúc quyền lực.

Hiến pháp hiện hành quy định rõ về hệ thống tổ chức nhà nước và phân chia đơn vị hành chính. Việc xóa cấp huyện hay sáp nhập tỉnh sẽ ảnh hưởng đến cách ngân sách được phân bổ, cách đại diện dân cử được tổ chức, cách người dân tham gia giám sát và phản hồi chính sách địa phương.

Nếu quá trình sửa đổi Hiến pháp chỉ được tiến hành một cách vội vàng mà không tuân theo quy trình hiến định, trong đó hai phần ba Quốc hội và nhân dân đóng vai trò thảo luận và quyết định sau cùng, thì cuộc “tinh gọn bộ máy” này sẽ là minh chứng khẳng định “tính đảng” cao hơn “nhà nước quản lý” và “nhân dân làm chủ”, nếu không muốn nói là yếu tố duy nhất quyết định cho cuộc đại cải tổ này.

Đó sẽ là một tiền lệ tiêu cực và điềm báo cho thấy vai trò của nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục bị lấn át cho những cải tổ tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.


Đọc thêm:

Quốc hội và nhân dân đang hoàn toàn đứng ngoài quy trình sửa Hiến pháp như thế nào
Việt Nam sửa đổi Hiến pháp 2025: liệu cải tổ chính quyền theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” có hợp hiến và dân chủ? Đọc phân tích từ Luật Khoa tạp chí.
Chuẩn bị sửa Hiến pháp 2013: Nhìn lại truyền thống sửa hiến pháp sau mỗi 10 năm
Để dọn đường cho chủ trương “tinh gọn bộ máy”, Việt Nam sắp sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cuộc giằng co giữa các giá trị cũ-mới (Kỳ 1)
Đổi mới chưa bao giờ chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế.

Chú thích

1. Lê Hiệp. (2025, March 31). Quốc hội họp sớm từ 5.5 để sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh. Thanhnien.vn; https://thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/quoc-hoi-hop-som-tu-55-de-sua-hien-phap-sap-nhap-tinh-185250331170644932.htm

2. Mai, H. (2025, March 21). Quốc hội và nhân dân đang hoàn toàn đứng ngoài quy trình sửa Hiến pháp như thế nào. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2025/03/quoc-hoi-va-nhan-dan-dang-hoan-toan-dung-ngoai-quy-trinh-sua-hien-phap-nhu-the-nao/

3. Böckenförde, M., Hedling, N., & Wahiu, W. (n.d.). Những hướng dẫn thiết thực về xây dựng Hiến Pháp Những hướng dẫn thiết thực về xây dựng hiến pháp. Retrieved April 4, 2025, from https://www.idea.int/sites/default/files/publications/a-practical-guide-to-constitution-building-VI.pdf

4. Mai, H. (2025, March 6). Kiến nghị 72 và hiến pháp đại chúng: Khi công dân tham gia lập hiến. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2025/03/kien-nghi-72-va-hien-phap-dai-chung-khi-cong-dan-tham-gia-lap-hien/

5. baochinhphu.vn. (2024, October 20). Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/phat-huy-tinh-dang-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-102241019142658209.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.