Tòa án binh Việt Nam Cộng hòa đã xét xử một nhà thơ ‘xâm phạm an ninh quốc gia’ như thế nào
Ngày nay, người dân Việt Nam đã quen thuộc với hai điều luật nổi tiếng của Bộ luật Hình sự
Mời độc giả tham khảo:
Trong phần này, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu nghiên cứu của giáo sư chính trị học Michele Penner Angrist, “Understanding the Success of Mass Civic Protest in Tunisia” (tạm dịch: Giải nghĩa thành công của cuộc biểu tình ở Tunisia”). [1]
Bài nghiên cứu phân tích các yếu tố đóng góp vào thành công của cuộc đại biểu tình dẫn đến sự sụp đổ ngôi vị của Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali vào năm 2011. Đây là cuộc biểu tình đánh dấu sự khởi đầu của cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập (Arab Spring).
Tác giả Angrist đưa ra các lập luận lý giải cho tính thời điểm của cuộc đại biểu tình của nhân dân Tunisia, và so sánh tại sao cuộc biểu tình lại đưa đến kết quả thành công ở Tunisia nhưng không thành công ở các vùng khác.
Vào thời điểm cuối năm 2010, đất nước Tunisia đã rơi vào tình trạng kinh tế đình trệ. Người dân nói chung khá bất mãn với tình hình chung và sự tham lam tham quyền cố vị của lãnh đạo độc tài Ben Ali.
Tháng 12/2010, một người bán hàng tên Mohamed Bouazizi đã tự thiêu khi anh này quẫn trí trước sự đàn áp hách dịch của mấy viên quan chức địa phương. [2] Vụ tự thiêu như mồi lửa đánh lên cả một cuộc “cách mạng hoa nhài” của Tunisia, sau đó lan rộng thành cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập ở các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Câu hỏi là những yếu tố cụ thể nào đã biến sự kiện tự thiêu này thành một phong trào biểu tình rộng lớn?
Tác giả Angrist ghi nhận những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội đã ủ ngầm lòng bất mãn trong dân chúng Tunisia.
Điều kiện kinh tế xuống cấp khiến cho người dân bất mãn với các chính sách của nhà cầm quyền. Sự tham quyền của Tổng thống Ben Ali càng làm công chúng giận dữ hơn.
Thêm nữa, về mặt xã hội, các yếu tố khác đã phát triển trong lòng xã hội Tunisia từ nhiều năm trước đó cũng đóng vai trò hun đúc cho một sự bùng nổ không thể kìm hãm. Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo chọn trở nên trung lập hơn, khuyến khích liên kết với các nhà hoạt động không theo tôn giáo này. Điều này củng cố thêm sự liên kết trong giới hoạt động xã hội.
Về mặt phương tiện, công cụ mạng xã hội phổ biến vào thời điểm năm 2010 đã giúp cho người dân liên kết và phối hợp dễ dàng hơn.
Tất cả các điều kiện trên đều góp phần cho việc nung nấu nguyện vọng muốn thay đổi chính quyền trong dân chúng Tunisia. Tuy nhiên, có một lực lượng tối quan trọng giúp thổi bùng lên ngọn lửa tự thiêu của thanh niên Mohamed Bouazizi thành một phong trào biểu tình chưa từng có ở đất nước này. Đó chính là tổ chức nghiệp đoàn UGTT (Tunisian General Union of Labor).
Nghiệp đoàn UGTT là một tổ chức có vai trò chính trị quan trọng, tương đối độc lập với đảng chính trị độc tôn của Tổng thống Ben Ali. Họ bắt rễ sâu xa trong phong trào quốc gia độc lập của đất nước này.
Cũng như bất cứ nghiệp đoàn nào trên thế giới, UGTT bị giảm sức mạnh trước xu hướng toàn cầu hóa và các chính sách kinh tế tân tự do. Chính quyền đã tìm nhiều cách làm giảm ảnh hưởng của nghiệp đoàn, mặc dù vậy UGTT vẫn đối đầu với chính quyền ở những mặt trận quan trọng.
Bản thân nội bộ UGTT vẫn có sự xung khắc giữa hai nhóm, một là các lãnh đạo kỳ cựu và hai là một số thành viên có xu hướng cổ xúy cho việc đối đầu trực diện hơn với chính quyền và thiện cảm hơn với các tổ chức đối lập.
Nhóm thứ hai bao gồm các kỹ sư, bác sĩ, giáo sư đại học, giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên bưu điện. Các nghiệp đoàn ở thủ đô Tunis, khu công nghiệp như Sfax, khu khai thác mỏ phía Nam cũng rất hiếu chiến. Các thành viên này bao gồm cả cánh tả, các nhà hoạt động quốc gia Ả Rập, vốn đã bị cấm tham gia các diễn đàn chính trị độc lập.
Nếu các thành viên nghiệp đoàn không lên tiếng tích cực, hành động tự thiêu của Mohamed Bouazizi rất khó có thể bùng nổ trên diện rộng.
Ngay khi vụ việc diễn ra, các giáo viên đã đưa Bouazizi đến bệnh viện. Các thành viên nghiệp đoàn đưa gia đình nạn nhân đến chính quyền địa phương bày tỏ sự phẫn nộ. Hàng loạt người liên quan lên tiếng rằng vụ tự thiêu không chỉ là một hành động nhất thời của một người túng quẫn về kinh tế, mà là một nạn nhân bị cả một hệ thống chính trị ám sát. Những lời kêu gọi và tố cáo từ nghiệp đoàn đã chạm đến trái tim của nhiều người, khiến họ xuống đường biểu tình.
Sau đó, nghiệp đoàn còn lập ra một “ủy ban của những người yếu thế”, đẩy mạnh các mối liên kết của họ ở vùng miền trung đất nước và kêu gọi biểu tình rộng rãi hơn.
Ngày 5/1/2011, Hiệp hội Giáo viên đã kêu gọi 20 phút ngừng giảng dạy để ủng hộ những người đang xuống đường biểu tình. Một tuần sau đó, Ủy ban Quốc gia của UGTT công khai lên tiếng ủng hộ quyền được biểu tình của tất cả các thành viên. Ngay hôm sau, công đoàn tổ chức một cuộc biểu tình lên đến 30 ngàn người ở Sfax, cuộc biểu tình lớn nhất trước khi Ben Ali mất chức. Hai hôm sau đó, UGTT đã tổ chức đình công rộng khắp để hạ bệ Ben Ali.
Các phản ứng của nghiệp đoàn vào năm 2011 khác hẳn với cách họ phản ứng trước sự kiện diễn ra ba năm trước đó. Trong sáu tháng đầu năm 2008, công nhân mỏ ở Gafsa đã nổi dậy đình công, nhưng phong trào này chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương. UGTT đã quyết định không ủng hộ hay giúp sức cho phong trào lan rộng.
Trước các diễn biến của sự kiện năm 2011, bên cạnh UGTT, còn có nhiều lực lượng dân sự khác giúp sức. Chẳng hạn, Hội Luật sư cũng đứng ra tổ chức biểu tình ở sáu địa phương rải khắp Tunisia. Bản thân nhiều luật sư cũng tham gia biểu tình.
Và sau cùng, lực lượng quân đội của Tunisia không hoàn toàn bị Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali khống chế. Trước sức ép phải hành động khi người dân xuống đường, tướng quân đội đã thể hiện lập trường trung lập. Quân đội đã từ chối nổ súng vào dân.
Tóm lại, trước bối cảnh đất nước Tunisia có nhiều vấn đề bế tắc, trước sự sa sút về kinh tế, bất mãn trong lòng dân, lại nhân cơ hội quân đội từ chối đàn áp dân chúng, nghiệp đoàn lao động UGTT đã thổi bùng đốm lửa tự thiêu của một cá nhân thành một phong trào biểu tình rộng lớn chưa từng có trong dân chúng, hạ bệ lãnh đạo độc tài Ben Ali.
[1] Angrist, M. P. (2013). Understanding the Success of Mass Civic Protest in Tunisia. The Middle East Journal, 67(4), 547–564. https://doi.org/10.3751/67.4.13
[2] The. (2011, July). Mohamed Bouazizi | Biography, History, Immolation, Death, & Arab Spring. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Mohamed-Bouazizi