Thông báo về việc nâng cấp website Luật Khoa
Luật Khoa đang trong quá trình nâng cấp website và dự kiến hoàn thành vào ngày Chủ nhật, 20/4.
Mời độc giả tham khảo:
Xã hội dân sự nói chung thường được các học giả đánh giá là có vai trò tối quan trọng trong việc vận hành xã hội dân chủ. Những triết gia theo phái Tocqueville nhấn mạnh yếu tố không thể tách rời của một nền dân chủ là phải có xã hội dân sự mạnh, giúp “dệt” nên tấm vải bền chặt của các mối quan hệ xã hội và tăng ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Phần một của loạt bài viết này cũng đã giới thiệu góc nhìn của học giả Robert Putnam về xã hội dân sự đối với sự thịnh suy của dân chủ Hoa Kỳ. [1] Putnam cho rằng khi các tổ chức dân sự được lập nên một cách tự nguyện, tập hợp nhiều thành phần xã hội khác nhau, sẽ giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, giải quyết mâu thuẫn dễ dàng hơn, khả năng cao chọn đối thoại thay vì đối đầu hơn. Đó là nền tảng cho xã hội dân chủ phát triển.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Cộng hòa Weimar, Đức vào đầu thế kỷ 20, xã hội dân sự đã nuôi dưỡng các mầm mống dẫn đến sự lớn mạnh của các lực lượng phi dân chủ, nổi bật nhất là Đảng Quốc Xã Đức.
Phần này giới thiệu nghiên cứu của tác giả Sheri Berman về vai trò của xã hội dân sự trong sự sụp đổ của Cộng hòa Weimar, có tựa đề “Civil Society and the Collapse of the Weimar Republic” (tạm dịch: Xã hội Dân sự và sự sụp đổ của Cộng hòa Weimar). [2]
Xã hội dân sự Đức phát triển rất mạnh mẽ từ thế kỷ 19. Người Đức rất thích lập ra các hội nhóm, đến mức có câu nói rằng nếu có ba người Đức ngồi cùng nhau, khả năng cao là họ sẽ thảo ra một bản nội quy và lập ra một hội.
Nhưng đặc trưng của các tổ chức dân sự thời kì này là chúng được tổ chức theo các phân tầng có sẵn trong xã hội, rất hiếm hoặc không có sự giao lưu mở rộng thành viên ở các khối xã hội khác nhau. Thêm nữa, các tổ chức này cũng không có mối liên hệ với các đảng chính trị hay chính quyền quốc gia.
Max Weber, triết gia Đức thời kỳ này, cũng nhận xét rằng việc lập ra các tổ chức dân sự trong bối cảnh xã hội đương thời, khác với Hoa Kỳ hay Anh, không dẫn đến nâng cao trách nhiệm công dân đối với các nhiệm vụ chung của cộng đồng và đất nước.
Trong khi đó, hệ thống các thể chế dân chủ và đảng phái trong Cộng hòa Weimar đối mặt với sự bất tín nhiệm cao. Xã hội dân sự lớn mạnh trong giai đoạn này, thay vì củng cố các giá trị dân chủ, chúng lại trở thành các diễn đàn để phổ biến các tư tưởng phi dân chủ.
Các tổ chức dân sự quá mạnh càng cản trở cho sự vận hành của hệ thống dân chủ trong trường hợp cụ thể này. Đặc biệt là khi các tổ chức đó lại tách rời hoàn toàn với nhà nước.
Sự lớn mạnh của các tổ chức xã hội dân chủ trong bối cảnh này không chuyển hoá thành sự tham gia dân chủ của người dân vào bộ máy chính quyền dân chủ. Ngược lại, chúng ngăn cản người dân cống hiến cho các định chế dân chủ, bào mòn sự đồng thuận xã hội cần có để một nền dân chủ có thể sống sót.
Nói cách khác, vai trò của các hội nhóm trong xã hội Đức lúc bấy giờ, bao gồm các câu lạc bộ, các tổ chức công đoàn, và các tổ chức khác trở thành công cụ cho những phong trào cực đoan. Nhiều tổ chức và hội nhóm đã thẳng thừng phủ nhận tính chính danh của chính quyền dân chủ.
Đến thời điểm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, nước Đức thua trận, càng khiến cho các thành phần vốn rất bất mãn với chế độ dân chủ hiện thời có thêm lý do để chống đối chính quyền. Các tổ chức dân sự lúc này trở thành nơi tập hợp các thành phần nói trên.
Trong những năm 1920, số các tổ chức dân sự được thành lập ra đạt mức kỷ lục trong lịch sử. Trong khi đó, liên kết giữa các đảng của giới trí thức và tầng lớp trung lưu lại yếu, không tập hợp đủ lực lượng. Nhiều người dân bị thu hút vào các tổ chức dân sự chống đối khác.
Xã hội dân sự Đức lúc bấy giờ hoàn toàn không có tính chất đối thoại dân chủ, kích thích giao lưu hoà hợp các thành viên trong xã hội, mà như những lò nung phản kháng dân chủ. Kết quả là, một xã hội có rất nhiều tổ chức dân sự, nhưng phân mảnh và gãy khúc, đã tạo điều kiện cho Đức Quốc Xã ra đời.
Một khi các tổ chức dân sự này tập hợp các thành viên bất mãn với chính quyền, chúng trở thành sân nhà đào tạo cho các thành viên Quốc Xã sau này. Họ ủng hộ Đảng Đức Quốc Xã như là một lực chọn khác cần thay thế cho nhà nước dân chủ Weimar.
Ngay khi mới ra đời đầu thập niên 1920, Đức Quốc Xã (đảng NSDAP) cũng khá rời rạc, ít kinh phí vận hành, ít thành viên. Chỉ sáu năm sau, đảng này đã trở thành một lực lượng lớn, tấn công vào xã hội thành thị, các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Sang thập niên 1930, nó đã trở thành đảng chính trị lớn nhất Đức.
Xã hội dân sự đương thời đã đóng một vai trò trong sự hình thành này. Chính các lãnh đạo và thành viên của các tổ chức dân sự sẵn có đã giúp tuyên truyền và tuyển mộ thành viên cho Đức Quốc Xã, giúp cho đảng này thâm nhập vào dân chúng. Chính các nhà hoạt động trong xã hội dân sự, vốn đã được rèn luyện kĩ năng tổ chức và tập hợp dân chúng, giờ đây trở thành cánh tay nối dài cho đảng của Hitler.
***
Sự sụp đổ của chính quyền dân chủ Đức đã đưa nước Đức và nhân loại vào một cuộc thảm sát khủng khiếp dưới tay Đức Quốc Xã. Để xã hội dân sự có thể vận hành một cách tốt đẹp, phụng sự cho nền dân chủ, thì chúng cần phải duy trì các thông lệ và cấu trúc dân chủ, hơn là tồn tại chỉ để chống lại hệ thống dân chủ đang hiện hành.
Nghiên cứu của Berman nêu bật một điểm quan trọng là xã hội dân sự tự nó không phải là hoàn toàn có lợi cho dân chủ. Trong trường hợp của Cộng hòa Weimar, xã hội dân sự đã trở thành một lực lượng để làm gia tăng tính phân cực trong công chúng, gây bất ổn cho xã hội.
Rõ ràng, bối cảnh chính trị và sự liên kết với giá trị dân chủ trong xã hội là điều thiết yếu để xã hội dân sự thực hiện tốt vai trò tích cực của mình.
Chúng tôi không nhận ngân sách nhà nước, cũng không thuộc tổ chức hay doanh nghiệp nào có tài chính dồi dào. Kinh phí hoạt động của chúng tôi một phần đến từ các nhà tài trợ - ủng hộ việc làm báo độc lập của Luật Khoa, phần còn lại đến từ chương trình Đọc báo trả phí.
Chúng tôi chọn đặt niềm tin vào độc giả, vào những người Việt Nam trân trọng báo chí độc lập, chất lượng, chân thực và đa chiều để vượt qua giai đoạn sóng gió này. Nếu bạn tin rằng báo chí độc lập cần tồn tại ở Việt Nam, chúng tôi mong bạn cùng đồng hành.
[1] Hoa, L. V. (2024, November 21). Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/11/xa-hoi-dan-su-va-phat-trien-quoc-gia-ky-1-von-xa-hoi/
[2] Sheri Berman. “Civil Society and the Collapse of the Weimar Republic,” World Politics, Vol. 49, No. 3 (Apr., 1997), pp. 401-429. Xem bản pdf tại đây.