Luật Khoa 360: Y Quynh Bđăp, tội danh khủng bố và phiên tòa dẫn độ
Việt Nam coi Y Quynh Bđăp là tội phạm khủng bố, vì sao cộng đồng quốc tế yêu cầu trả tự do?
Bù nhìn, tham nhũng, hèn nhát, thối nát, ngụy quân, ngụy quyền, độc tài, tàn ác, đánh thuê, phản dân, tư sản mại bản, phong kiến thân Mỹ, tay sai đế quốc, bất hợp pháp, phi nhân tính, dối trá, xỏ lá, ba que,…
Chỉ là một số ít những ngôn từ vẫn hay được sử dụng để nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, một chính quyền tồn tại 20 năm (1955-1975) tại miền Nam Việt Nam trước khi bị xóa sổ khi những binh đoàn quân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (hay còn gọi là Bắc Việt) tràn vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa đánh dấu chấm hết cho một cuộc chiến đẫm máu mà kết cục của nó khiến cho “triệu người vui” và cũng làm cho “triệu người buồn”.
Có một câu ngạn ngữ Châu Phi nói “Chừng nào sư tử còn chưa biết viết, sử sách vẫn mãi ngợi ca những kẻ thợ săn“.
Phải chăng những cái nhìn phê phán cay độc, xem thường, và dè bỉu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vốn bấy lâu nay vẫn được tuyên truyền giảng dạy rộng rãi trong nước đã chỉ là những lời “ngợi ca những người thợ săn”?
Nhà sử học kỳ cựu người Mỹ Keith Weller Taylor, giáo sư sử học đại học Cornell, một trong những sử gia hàng đầu thế giới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam, có lẽ đã có một mối hoài nghi gần giống như thế khi ông tiến hành làm cuốn sách “Những Tiếng Nói Từ nền Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam (1967-1975)” (Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967–1975)).
Nhà sử học Keith Weller Taylor (Ảnh: lrc.cornell.edu)
Cuốn sách không đầy 200 trang này tập hợp các bài viết từ 10 tác giả vốn là những công chức, quân nhân, và chính trị gia từng phục vụ cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa của chính phủ Nam Việt Nam (kéo dài từ năm 1967 đến 1975).
Bằng cái nhìn của những người trong cuộc, những người đã trực tiếp góp mồ hôi công sức tham gia quản trị, bảo vệ, và xây dựng đất nước bằng kiến thức, khả năng, và bằng lòng yêu nước chân thành của chính họ (cho dù nhiều người sẽ tranh cãi rằng thứ họ yêu, Nam Việt Nam, chưa bao giờ là một đất nước hợp pháp thật sự), các tác giả trong cuốn sách này đã đóng góp được những tiếng nói chân thành và sát thực về thực trạng Nam Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Những người đọc vốn đã quen với phiên bản lịch sử chính thống được tuyên truyền trong nước có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nền Đệ Nhị Cộng Hòa, bằng những cách không công bằng, đã luôn bị “gói chung một rọ” với nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) và giai đoạn giao thời giữa hai nền cộng hòa như thế nào. Và họ có lẽ cũng sẽ ngạc nhiên mà biết rằng khi khái niệm dân chủ còn là một thứ gì đó mơ hồ lẩn khuất trong làn khói chiến tranh, tại miền Nam, đã có một cuộc thử nghiệm xây dựng đất nước dân chủ vốn cuối cùng bị những dòng thác lũ của định mệnh nhấn chìm.
Câu chuyện thật của nền Đệ Nhị Cộng Hòa có vẻ không hẳn là câu chuyện của một chính quyền chuyên chế hủ bại.
Nó có vẻ là câu chuyện bi tráng của một thế hệ người Việt Nam đã cố gắng xây dựng một chính quyền quốc gia tại miền Nam Việt Nam độc lập, vững mạnh theo hướng dựa trên hiến pháp, công bằng, dân chủ, và thượng tôn pháp luật, giữa những điều kiện chiến tranh ngặt nghèo, thiếu thốn, khi mà một đồng minh lớn từ từ bỏ rơi họ một cách cay nghiệt.
Ai đó sẽ cười nhạt “trong lịch sử làm gì có chữ nếu”, nhưng có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta cùng tưởng tượng, rằng nếu loài sư tử biết viết…
—
Trích đoạn “Những Tiếng Nói Từ nền Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam (1967-1975)”
Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967–1975)
Chủ biên: Keith Weller Taylor (Nhà xuất bản đại học Cornell năm 2015)
“…Năm 1967, một hiến pháp mới được ban hành và thực thi, tạo ra nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975). Dưới quyền tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính thể này ổn định tình hình chính trị, và càng lúc càng chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chính nó hơn khi quân đội Mỹ rút lui, và vào năm 1973 rút hẳn hoàn toàn.
Trong những năm này, các công dân bình thường, những nhà giáo dục, nhà báo, chính trị gia, doanh nhân, các nhà quản trị, luật sư, thẩm phán, lãnh đạo quân đội và các nhà ngoại giao cùng nhau nỗ lực xây dựng một chính phủ dựa trên hiến pháp (constitutional government) bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử tương đối cởi mở cùng sự có mặt của một ngành hành pháp, một ngành lập pháp và một ngành tư pháp.
Vừa trỗi dậy từ một chính thể thực dân và từ những cuộc tranh đấu trong một quá trình phi thực dân hóa đầy náo động, không có sẵn truyền thống chủ nghĩa hiến pháp (constitutionalism) hay truyền thống dân chủ, và với một quốc gia láng giềng nung nấu ý định hủy diệt cuộc thử nghiệm chính trị của nó, lại thêm việc có một đồng minh đang trong thời kỳ muốn từ bỏ nỗ lực giúp đỡ của họ nhất, đất nước này tuy thế vẫn bền trí và đã giành được nhiều thành tựu.
Danh sách các thành tựu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã luôn bị phớt lờ bởi gần như tất cả những ai đã từng viết về những năm cuối của cuộc chiến; danh sách đó là một nỗi xấu hổ cho người Mỹ bởi vì một trong những ý tưởng đã được phe theo quan điểm phản chiến truyền bá. Ý tưởng này cuối cùng đã thống trị hoàn toàn tư duy chính trị và học thuật Hoa Kỳ, nó cho rằng chính phủ tại Sài Gòn là một nền độc tài không thể cứu vãn được, không xứng đáng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, hay là chính quyền đó thể nào cũng thất bại.
Ý tưởng này tạo ra một sự an ủi mang tính đạo đức cho người Mỹ vốn đã hoàn toàn có thể cảm thấy khổ sở với việc phải quay lưng với một đồng minh đang bị đe dọa trong thời khác họ cần giúp đỡ nhất; ý tưởng này phản ánh sự thất vọng của người Mỹ hơn là phản ánh những gì đang diễn ra lúc đó với người Việt.
Những tiếng nói trong cuốn sách này phản ánh những khát vọng và nỗ lực của những người đã từng cống hiến cho tương lai của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Có ít nhất bốn thành tựu quan trọng đạt được trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Đầu tiên, từ quan điểm chiến trận, quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Army of the Second Republic of Vietnam, viết tắt ARVN) gánh lấy tránh nhiệm chiến đấu. Cho dù cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 làm xoay chuyển ý kiến công luận Mỹ sang chống lại cuộc chiến, cuộc tấn công này đã có một ảnh hưởng rất khác đến Nam Việt Nam.
Tổn thất nặng nề của các lực lượng Cộng sản Tết Mậu Thân 1968 (Ảnh: pinterest.com/emmajchapman)
Những tổn thất của lực lượng Cộng sản giúp tạo điều kiện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát phần lớn các khu vực đồng quê và bắt đầu thực thi một số chính sách được dân chúng các miền nông thôn ủng hộ.
Thêm vào đó, bằng việc mang chiến tranh vào thành thị, lực lượng Cộng sản đã tập hợp quần chúng đô thị chống lại chính những người Cộng sản; một số lớn dân chúng đô thị đã nhận ra rằng họ có một thứ nào đó để chiến đấu vì nó: nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Các lực lượng Hoa Kỳ càng rút lui bao nhiêu, các lực lượng Nam Việt Nam lại càng nhận thêm trách nhiệm bảo vệ đất nước của họ.
Vào hai năm 1970 và 1971, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thông qua phối hợp với quân đội Mỹ, hoặc được quân đội Mỹ trợ giúp hậu cần, đã tiến hành các chiến dịch xuyên biên giới lớn tại Campuchia và Lào trong nỗ lực làm suy giảm khả năng của quân đội Bắc Việt trong việc sử dụng các nước này làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào miền Nam.
Các chiến dịch này đã chịu nhiều tổn thất và gây ra tranh cãi, nhưng chúng giúp phát triển năng lực và kinh nghiệm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong khi kiềm giữ được các lực lượng Bắc Việt. Trong Chiến Dịch Xuân – Hè 1972, khi gần như toàn bộ quân bộ binh Hoa Kỳ đã rời Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, với trợ giúp hậu cần của Hoa Kỳ, đã đẩy lùi một cuộc xâm lăng đánh tận lực từ ba mặt của quân đội Bắc Việt. Tuy nhiên, ba năm sau đó, không có sự trợ giúp vật chất và tinh thần của phía đồng minh, nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã bị áp đảo.
Thứ hai, sau chiến dịch Tết Mậu Thân, an ninh đã được tái phục hồi đầy đủ tại các miền thôn quê, tạo điều kiện cho một chương trình cải cách điền địa được tiến hành. Chương trình này cách mạng hóa kinh tế, xã hội và chính trị tại các khu vực đồng quê vùng sâu vùng xa nhất. Mặc dù phần lớn là bị các nhà quan sát ngoại quốc phớt lờ, chương trình này tạo điều kiện cho một mối quan hệ công bình hơn giữa miền thành thị và miền thôn quê, và cho một sự xây dựng tiềm năng nông nghiệp của đất nước vốn có thể làm nền tảng cho phát triển kinh tế trong tương lai.
Thêm vào đó, cuộc cải cách điền địa này được thực hiện một cách hòa bình và với sự giúp đỡ của quần chúng các miền thôn quê. Theo đó, nó cho thấy một hình ảnh tương phản với những cuộc cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt tại Trung Quốc và tại Bắc Việt Nam, tạo ra thêm một lý do rõ ràng cho sự tiếp diễn cuộc chiến.
Thứ ba, các thành quả lớn trong sản xuất và phân phối gạo, quản lý thị trường, thăm dò dầu khí, và chính sách thuế khóa đặt Nam Việt Nam vào vị trí sẵn sàng cho sự độc lập kinh tế sau cùng khi mà viện trợ Hoa Kỳ đang giảm dần.
Một thế hệ mới của các nhà quản trị, nhiều người trong số họ được đào tạo tại các trường đại học Mỹ và có các nguyện vọng ái quốc mạnh mẽ, mang lại những thái độ mang tính cải cách, thực tế, và hành động vào trong một nền hành chính quan liêu được thừa hưởng từ quá khứ thực dân. Đối mặt với những vấn đề khó khăn, cả tới mức tuyệt vọng, của đất nước, sự quản trị nền Đệ Nhị Cộng Hòa cho thấy một khả năng tiến hành các sáng kiến táo bạo, mặc cho việc các nguồn lực dần cạn kiệt đi khi mà đồng minh Hoa Kỳ khuất xa dần.
Thứ tư, đã có những bước tiến dài được thực hiện trong việc xây dựng một hệ thống chính quyền dựa trên hiến pháp với các cuộc bầu cử đa đảng phái cho một hệ thống lập pháp lưỡng viện (bicameral) và với một ngành tư pháp tương đối độc lập vốn đã giúp tăng cường các cơ chế pháp lý bảo vệ quyền cá nhân và các chuẩn mực dân chủ trong chính trị.
Bầu cử ở Sài Gòn năm 1967 (Ảnh: virtual-saigon.net/)
Các nhà phê bình người Mỹ thường đánh giá các tiến triển hiến pháp của người Việt Nam bằng cách so sánh với những gì họ cho là thành tựu của chính hệ thống chính phủ Mỹ của họ, vốn đã có tuổi đời đến hơn hai thế kỷ. Nhưng nếu so sánh với quá khứ ngay trước đó của đô hộ thực dân và chiến tranh, nền Đệ Nhị Cộng Hòa cho thấy nhiều điểm cấp tiến.
Các thành tựu này không có nghĩa là nền Đệ Nhị Cộng Hòa không có khiếm khuyết. Nhiều quốc gia hậu thuộc địa, bao gồm cả hai quốc gia Việt Nam, đã luôn phụ thuộc một cách thái quá vào các nguồn lực do các cường quốc lớn cung cấp.
Tương phản với trường hợp Bắc Việt Nam, khiếm khuyết lớn nhất của nền Đệ Nhị Cộng Hòa là sự phụ thuộc của nó vào một đồng minh không đáng tin cậy. Các lãnh đạo của nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã có khuynh hướng xem đồng minh Mỹ là luôn sẵn có và những nhà lãnh đạo này đã không tìm ra cách để, hoặc là gìn giữ mối quan hệ với đồng minh này hoặc là thay thế nó khi chính sách của Mỹ đã xoay chiều.
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã thất thủ trong một cuộc cạnh tranh tuyên truyền giữa người Mỹ với nhau. Trong cuộc cạnh tranh đó, chính thể này chịu tổn thất do nó bị gộp chung vào với những lỗi lầm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963 – ND) và của giai đoạn Đứt Quãng (Interregnum period, 1963-1967 – ND).
Dĩ nhiên, như có thể được làm với bất kỳ quốc gia nào, và đặc biệt với một quốc gia non trẻ đang khốn khó với những kẻ thù ghê gớm, một con mắt phê phán luôn tìm ra thiếu sót. Nhưng những người Mỹ có cái nhìn phê phán, trong sự ngạo mạn bá quyền của họ, đã đi xa hơn thế và thách thức cả tính chính đáng (legitimacy) của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong vai trò một quốc gia độc lập (sovereign state).
Thêm nữa, hiệp định hòa bình mà chính phủ Hoa Kỳ đã thương lượng với Bắc Việt phản ánh thái độ ngạo mạn này bằng cách làm tổn thương hiến pháp và chủ quyền quốc gia của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Giống như cách mà Pháp đã được xem là thương lượng thay mặt cho (và đồng thời làm phương hại đến) những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia trong Hiệp định Geneva 1954, Hoa Kỳ cũng đã làm vậy trong Hiệp định Paris 1973.
Ngô Đình Diệm đã xem Hiệp định Geneva là một thứ mà trong đó người Pháp qua mặt ông ta để thương lượng với kẻ thù của chính ông ta. Và Nguyễn Văn Thiệu cũng xem Hiệp định Paris là một thứ mà trong đó người Mỹ qua mặt Thiệu để thương lượng với kẻ thù của ông. Cả hai bản hiệp định này đều chứa những điều khoản hoặc là có khả năng hoặc là trong thực tế đã làm cản trở những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia.
Một lý do làm cho Hiệp định Geneva gây tranh cãi chính là Pháp đã tôn trọng triệt để một thỏa thuận quốc tế vốn có vẻ là thừa nhận yêu sách đòi quyền đại diện một quốc gia tự chủ của những người Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, Pháp lại bỏ bê việc thông qua một hiệp ước trao trả độc lập mà họ đã thương lượng với những người thuộc phe quốc gia do Bảo Đại làm đại diện.
Sự tự phụ này của người Pháp trong việc giữ lại chủ quyền tại Sài Gòn là nền tảng ban đầu cho các thiết kế của người Pháp nhằm để nắm giữ quyền điều hành chính quyền tại Sài Gòn cho đến khi có các cuộc “bầu cử” thống nhất, vốn được mong đợi là sẽ được tổ chức hai năm sau đó, như nêu trong nội dung Hiệp định Geneva.
Lịch sử có công tâm với Ngô Đình Diệm trong vai trò một nhà ái quốc? (Ảnh: biografiasyvidas.com)
Ngô Đình Diệm từ chối các thiết kế này. Ông cho rằng nó là sự nối tiếp của việc nền thực dân Pháp nắm quyền quyết định về tương lai của người Việt. Cuộc bầu cử tháng 10 năm 1955 mà Ngô Đình Diệm tổ chức để truất phế Bảo Đại và qua đó mở đường cho sự công bố nền Đệ Nhất Cộng Hòa, trong thực tế, chính là một hành động tuyên ngôn giành độc lập từ người Pháp của những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia. Việc này lúc đó khả dĩ bởi vì những người Việt quốc gia đã tìm được một đồng minh là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi cuối cùng người Mỹ đạt được thỏa thuận với những người Cộng sản tạo điều kiện cho việc Hoa Kỳ từ bỏ các vấn đề Việt Nam, những người Việt quốc gia trở thành tứ cố vô thân.
Có lẽ là không có cách nào để có thể vượt qua chính cái khiếm khuyết chủ yếu này của việc không có một đồng minh đáng tin cậy trong khi những đồng minh của kẻ thù thì duy trì gắn bó cho đến cuối. Và có lẽ là không có cách nào để có thể vượt qua rào cản của việc bị liên kết, trong tâm trí của người Mỹ, với những thất bại cùa nền Đệ Nhất Cộng Hòa và của giai đoạn Đứt Quãng.
Nhưng có thể tranh luận, như một số các tác giả trong cuốn sách này sẽ làm, rằng nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã hoàn toàn có thể nâng cao sự hiệu quả trong việc xoay xở với đồng minh Hoa Kỳ, bằng cách tham gia tích cực hơn vào không gian công luận Mỹ nhằm kéo dài và tối ứu hóa các cam kết của Hoa Kỳ vào sự tồn tại của Nam Việt Nam, bất kể sự gian khó khi mà người Mỹ đang bị hút vào những xung đột nội địa của chính họ…”
Bìa sách “Những Tiếng Nói Từ nền Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam (1967-1975)” (Ảnh: amazon.com)
Tìm đọc thêm: