Luật Khoa 360: Y Quynh Bđăp, tội danh khủng bố và phiên tòa dẫn độ
Việt Nam coi Y Quynh Bđăp là tội phạm khủng bố, vì sao cộng đồng quốc tế yêu cầu trả tự do?
Ngày 23/1, Juan Guaidó, vị lãnh đạo 35 tuổi của phe chính trị đối lập ở Venezuela, tuyên bố trở thành Quyền Tổng thống của đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng này.
Hàng ngàn người tụ tập trong lễ tuyên thệ hò reo ủng hộ. Mỹ lập tức lên tiếng công nhận Juan Guaió là tổng thống chính thức của Venezuela. Canada theo sau. Hàng loạt nước Nam Mỹ khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự, bao gồm cả Brazil, Colombia và Peru.
Chỉ một tháng trước đây, ít ai biết đến chính trị gia trẻ tuổi này, kể cả ở Venezuela.
Nhưng nay ông trở thành luồng sinh khí mới hứa hẹn giúp phục hồi nền dân chủ Venezuela và đưa đất nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội cực kỳ sâu sắc vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua.
“Cậu ấy làm việc rất chăm chỉ, cậu ấy là người khiêm nhường và cậu ấy có thể đoàn kết được chúng tôi”.
Đó là lời của bà Lilian Tintori, vợ của tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Venezuela, Leopoldo López. Ông López là lãnh đạo của đảng Voluntad Popular (Popular Will – Dân Ý) và đang bị chính quyền quản thúc tại gia sau khi bị kết án năm 2014. Ông đồng thời là người đã đào tạo Juan Guaidó và giao lại cho học trò mình dẫn dắt liên minh chính trị do đảng Dân Ý dẫn đầu tại Quốc hội khi cơ quan lập pháp này bắt đầu nhiệm kỳ mới ngày 5/1 vừa qua.
Guaidó tham gia chính trị từ năm 2007 khi còn là một sinh viên tại thủ đô Caracas. Ông là thủ lĩnh của phong trào biểu tình phản đối tổng thống khi đó là Hugo Chávez sau khi ông này đóng cửa đài phát thanh lâu đời nhất của Venezuela.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, Juan Guaidó được một công ty tư nhân tuyển dụng đi làm ở Mexico nhưng ông không nhận công việc này.
Ông thuộc về một thế hệ người trẻ Venezuela từ chối cơ hội làm việc ở nước ngoài để ở lại tìm cách thay đổi đất nước. “Cậu ấy thuộc về thế hệ chúng tôi, một thế hệ can đảm lớn lên dưới chế độ độc tài”, David Smolansky, một lãnh đạo đối lập hiện đang lưu vong ở Mỹ, nói.
Ông Juan Guaidó khi đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội Venezuela ngày 5/1/2019. Ảnh: el Periódico.
Sinh năm 1983, Juan Guaidó có bố là phi công, mẹ là giáo viên và bảy anh chị em khác. Ông không xa lạ với tình trạng khốn khó của đất nước Venezuela. Năm 1999, vào thời điểm Hugo Chavez lên nắm quyền tổng thống, gia đình ông đã sống sót qua được nạn đói kinh hoàng ở quê nhà, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 30 nghìn người. Bản thân Guaido cũng mang sẹo trên người sau khi bị bắn bằng đạn cao su trong các cuộc biểu tình năm 2017.
Sau khi Juan Guaidó bị bắt giữ chớp nhoáng tuần trước, mẹ ông tâm sự với báo chí rằng, việc ông tham gia chính trị vào thời điểm nhạy cảm này của đất nước khiến bà luôn thấp thỏm và lo lắng cho an nguy của con mình.
“Bạn hỏi tôi có sợ không ấy à? Tất nhiên là có chứ”, bà nói. “Juan đã vất vả nhiều năm nay rồi. Nó không bao giờ muốn rời bỏ đất nước này. Nó luôn gắn chặt mình với mảnh đất này”.
Được bầu làm nghị sĩ Quốc hội lần đầu tiên năm 2015, Juan Guaidó không phải là một chính trị gia nổi bật cho đến khi trở thành Chủ tịch Quốc hội ngày 5/1 vừa qua.
“Guaidó là một chiến binh và là một người luôn luôn lạc quan. Cậu ấy khiêm nhường và thành thật”, Freddy Guevara, một lãnh đạo phe đối lập, nói. “Cậu ấy hoà đồng với tất cả mọi người và không có vẻ gì là một chính trị gia cả”.
Theo Wikipedia, đảng Dân Ý do ông lãnh đạo là một đảng dân chủ xã hội trung lập, hiện đang nắm giữ 14 trong tổng số 167 ghế trong Quốc hội và thuộc về một liên minh nắm giữ thế đa số tuyệt đối ở cơ quan lập pháp này. Đảng Dân Ý là một thành viên của Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International), một hiệp hội của 145 đảng dân chủ xã hội, xã hội chủ nghĩa và lao động trên thế giới.
Đảng Dân Ý được thành lập năm 2009 như một nỗ lực phản kháng nạn vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực nghiêm trọng của chính quyền Venezuela dưới thời nhà độc tài Hugo Chavez. Đảng này xây dựng hình ảnh như một phong trào đa nguyên và dân chủ, với nghị trình chính hướng tới đảm bảo nhân quyền cho mọi người dân Venezuela.