Luật Khoa 360: Y Quynh Bđăp, tội danh khủng bố và phiên tòa dẫn độ
Việt Nam coi Y Quynh Bđăp là tội phạm khủng bố, vì sao cộng đồng quốc tế yêu cầu trả tự do?
Dịch từ bài “Explainer: 10 things to know about Hong Kong’s national security law – new crimes, procedures and agencies” của Elson Tong, đăng ngày 1/7/2020 trên Hong Kong Free Press.
Vào ngày 30 tháng Sáu, cơ quan lập pháp trung ương Trung Quốc đã ban hành Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Nội dung của luật mới đã được tiết lộ với công chúng vào đêm khuya – và chỉ bằng tiếng Trung Quốc. Được công bố lần đầu vào tháng Năm, đạo luật hình sự chưa từng có tiền lệ này đã được soạn thảo tại Bắc Kinh, sau đó được nhanh chóng thông qua trong phòng kín và bỏ qua mọi sự giám sát của cơ quan lập pháp địa phương. Bộ trưởng Tư pháp của Hong Kong thừa nhận rằng luật mới sẽ không phù hợp với truyền thống thông luật của thành phố, trong khi các nhà phê bình cho rằng nó đánh dấu sự kết thúc của thể chế “Một quốc gia, Hai chế độ”.
Trong tháng qua, nỗi e ngại về bộ luật mới đã khiến chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại đối với Hong Kong. Vương quốc Anh cam kết sẽ mở rộng các đặc quyền cho những người sở hữu hộ chiếu BNO (công dân Anh quốc ở Hải ngoại), trong khi Đài Loan thành lập một văn phòng đặc biệt để hỗ trợ nhân đạo.
Gần đến 30/6, một số nhóm đối lập ở Hong Kong tuyên bố giải thể, các nhà hoạt động trốn ra nước ngoài và các công dân bình thường cũng đã tẩy sạch các tài khoản mạng xã hội. Bắc Kinh đã viện dẫn sự cần thiết phải vá một “lỗ hổng” an ninh, theo đó Hong Kong là một cứ điểm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, và một đạo luật hình sự hóa các hành động chống đối, can thiệp của nước ngoài và khủng bố là cần thiết để bảo vệ cuộc sống bình thường của thành phố. Tuy nhiên, các nhân vật ủng hộ chính phủ đã ví bộ luật này như một sự “trao trả lần thứ hai”.
Luật An ninh Quốc gia đưa ra bốn tội danh là ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các thế lực bên ngoài nhằm đe dọa an ninh quốc gia. Mỗi tội danh được định nghĩa rất rộng.
Ly khai được định nghĩa trong Điều 20 là việc tham gia, lên kế hoạch hoặc thực hiện các hành vi ly khai… dù có hay không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Hành vi ly khai đề cập đến việc tách Hong Kong hoặc bất kỳ phần lãnh thổ nào khác của Trung Quốc khỏi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thay đổi bất hợp pháp quy chế của Hong Kong hoặc bất kỳ phần lãnh thổ nào khác của Trung Quốc, hoặc chuyển giao Hong Kong hoặc bất kỳ phần lãnh thổ nào khác của Trung Quốc cho nước ngoài nắm quyền. Hiểu theo nghĩa đen, điều luật này có thể cấm hành vi tuyên bố độc lập hoặc tự quyết của Hong Kong.
Trong khi đó, lật đổ, được định nghĩa trong Điều 22 là tham gia, lên kế hoạch hoặc thực hiện các hành vi lật đổ nhà nước, cho dù bằng vũ lực hay các hình thức bất hợp pháp khác.
Hành vi lật đổ đề cập đến việc lật đổ hoặc gây tổn hại cho “chế độ ưu việt” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hoặc các cơ quan nhà nước của Trung Quốc hoặc Hong Kong. Những hành vi này cũng đề cập đến “sự can thiệp nghiêm trọng, cản trở hoặc gây thiệt hại” cho các cơ quan nhà nước của Trung Quốc hoặc Hong Kong, hoặc tấn công hoặc làm tổn hại các cơ sở và thiết bị mà các cơ quan chức năng của Hong Kong sử dụng để thực thi.
Điều khoản thứ hai có thể liên quan đến những hành vi như xông vào Hội đồng Lập pháp hoặc bôi nhọ quốc huy của Trung Quốc mà những người biểu tình thực hiện vào tháng Bảy năm ngoái.
Khủng bố được định nghĩa trong Điều 24 là tham gia, lên kế hoạch, thực hiện hoặc tham gia thực hiện các hành vi hoặc có ý định gây tổn hại xã hội nghiêm trọng – với mục đích đe dọa chính phủ Trung Quốc, Hong Kong, một tổ chức quốc tế hoặc với người dân.
Các hành vi bao gồm: hành vi bạo lực nghiêm trọng bởi cá nhân; sử dụng chất nổ, phóng hỏa hoặc dùng chất độc, vật liệu phóng xạ hoặc các loại dịch bệnh; phá hủy các hệ thống giao thông và năng lượng (và một số hành vi khác); can thiệp nghiêm trọng hay phá hủy cơ sở hạ tầng; hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và trật tự an ninh bằng các phương tiện nguy hiểm khác.
Một số hành vi nêu trên đã được ghi nhận trong các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ năm ngoái. Trong khi các quan chức địa phương và trung ương mô tả các cuộc biểu tình bạo lực là khủng bố, tuy nhiên, không có cáo buộc nào được đưa ra theo Pháp lệnh Chống khủng bố Liên Hợp Quốc [của Hong Kong] vốn vẫn được áp dụng cho đến nay.
Thông đồng với các thế lực nước ngoài ban đầu được định nghĩa trong Điều 29 là “ăn cắp, gián điệp, mua chuộc hoặc cung cấp bất hợp pháp bí mật nhà nước hoặc thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia với tư cách làm việc cho các cơ quan, tổ chức hoặc gián điệp nước ngoài”.
Định nghĩa thứ hai của việc thông đồng là yêu cầu các cơ quan, tổ chức hoặc gián điệp nước ngoài thực hiện, cùng thực hiện hoặc hỗ trợ một số hành vi: đe dọa gây chiến hoặc sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc; ban hành luật pháp và chính sách gây cản trở nghiêm trọng hoặc hậu quả nghiêm trọng đối với Hong Kong hoặc Trung Quốc; thao túng hoặc làm tổn hại tiến trình bầu cử; các biện pháp trừng phạt, phong tỏa hoặc các hoạt động thù địch khác; và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp gây thù hận giữa những người Hong Kong với chính phủ Hong Kong hoặc Trung Quốc.
Nhiều người Hong Kong đã vận động các chính phủ nước ngoài xử phạt các quan chức địa phương và đại lục trong năm qua – đáng chú ý là Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong của chính phủ Hoa Kỳ, được ban hành vào tháng 12/2020. Vào tháng Một, Trưởng Đặc khu Carrie Lam cho biết “có gì đó” đằng sau sự quan tâm của phương Tây đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong mặc dù không có bằng chứng thuyết phục.
Việc kích động, hỗ trợ, mua sắm hoặc hỗ trợ tài chính hoặc tài sản cho bốn tội danh đã nêu ở trên đều vi phạm luật – và có thể gây rủi ro cho các nhà tài trợ của các nhóm chính trị đối lập.
Đối với bốn hành vi phạm tội trên, các trường hợp nghiêm trọng sẽ chịu các hình phạt ít nhất là 10 năm tù cho đến tù chung thân. Các trường hợp thông thường sẽ chịu hình phạt tối thiểu ba năm tù và tối đa là 10 năm tù.
Căn cứ vào Điều 31 và 35, các nhà lập pháp, ủy viên hội đồng quận, công chức, thẩm phán và các quan chức khác nếu phạm luật có thể bị bãi chức. Các hình phạt tiền và thu hồi giấy phép cũng được thi hành liên quan đến các công ty hoặc tổ chức vi phạm.
Có thể giảm án cho những người phạm tội tự nguyện chấm dứt hoặc ngăn chặn hành vi phạm tội, đầu thú hoặc khai báo hành vi phạm tội của người khác, theo Điều 33.
Điều 62 quy định rằng Luật An ninh Quốc gia Hong Kong sẽ thay thế luật địa phương Hong Kong nếu có mâu thuẫn.
Một mâu thuẫn lớn là Điều 42, cho rằng tiền bảo lãnh sẽ không được chấp thuận cho nghi phạm, “trừ khi thẩm phán có lý do thuyết phục để tin rằng anh ta/cô ta sẽ không tiếp tục có các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Pháp lệnh Tố tụng Hình sự Hong Kong mặc nhiên công nhận bảo lãnh như một phần của truyền thống thông luật về giả định vô tội.
Quyền diễn giải Luật An ninh Quốc gia thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc, theo Điều 65.
Trái ngược với Điều 158 của Luật Cơ bản [tức hiến pháp của Hong Kong], quy định rằng tòa án Hong Kong có quyền diễn giải hiến pháp, Luật An ninh Quốc gia không có điều khoản nào cho phép các tòa án Hong Kong diễn giải Luật An ninh Quốc gia.
Do đó, liệu tòa án có thể áp dụng luật mới một cách nhất quán với các quy định bảo vệ nhân quyền trong Luật Cơ bản hay không vẫn là một dấu hỏi. Các biện pháp bảo vệ trong Pháp lệnh về Quyền con người được đề cập trong Điều 4, nhưng pháp lệnh thuộc về luật địa phương.
Quyền được đại diện pháp lý được quy định trong Điều 58, cũng như quyền được xét xử trong thời gian “sớm nhất có thể”. Không có quy định nói rằng luật sẽ có hiệu lực trở về trước như nhiều người lo ngại. Điều 39 quy định rằng các tội danh và hình phạt sẽ được áp dụng cho các hành vi xảy ra sau khi luật có hiệu lực.
Về cơ bản, Điều 63 yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật, thẩm phán và các viên chức khác – bao gồm cả luật sư bào chữa – không được tiết lộ “bí mật nhà nước”.
Các phiên tòa có thể không công khai vì những lý do như bảo vệ bí mật quốc gia và trật tự công cộng, theo Điều 41.
Trong khi vẫn cho phép xét xử theo bồi thẩm đoàn, Điều 46 cho phép Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong triệu tập một hội đồng gồm ba thẩm phán để xét xử thay với lý do liên quan đến bí mật nhà nước hoặc các yếu tố ngoại giao. Tuy nhiên, việc xét xử có liên quan đến bí mật nhà nước hay không là do Trưởng Đặc khu quyết định, chứ không phải tòa án, theo Điều 47.
Điều 48 yêu cầu chính phủ Trung Quốc thành lập Văn phòng An ninh Quốc gia (NSO) tại Hong Kong, có nhiệm vụ đáng chú ý là thu thập và phân tích thông tin tình báo an ninh quốc gia và xử lý các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo Điều 60 và 61, các nhân viên của NSO không bị ràng buộc với quyền tài phán hợp pháp của Hong Kong trong khi họ đang thực hiện nhiệm vụ. Trên thực tế, các cơ quan của chính phủ Hong Kong được yêu cầu hợp tác và ngăn chặn bất kỳ trở ngại nào trong công việc của họ.
NSO được ủy quyền để “sử dụng các biện pháp cần thiết”, tăng cường quản lý và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông, theo Điều 54.
Về mặt câu chữ, không có điều khoản nào đề cập đến việc dẫn độ về Trung Quốc trong Luật An ninh Quốc gia. Hong Kong được trao quyền truy tố các tội phạm tại tòa án của mình theo Điều 40.
Tuy nhiên, Điều 55 quy định ba trường hợp ngoại lệ: trường hợp Hong Kong gặp “khó khăn hiện hữu”, do sự tham gia của các lực lượng nước ngoài; khi không có biện pháp hữu hiệu để thực thi luật do tính nghiêm trọng của tình hình; và khi Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng.
Theo ba trường hợp ngoại lệ này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc có thể chỉ định các “viện kiểm sát có liên quan” để tiến hành truy tố, trong khi Tòa án Nhân dân Tối cao có thể chỉ định “tòa án có liên quan” tham gia xét xử.
Thủ tục này được tiến hành theo luật hình sự Trung Quốc đại lục, theo Điều 56. Bóng ma của luật dẫn độ đã được cài cắm trong điều này.
Một vấn đề tài phán đáng chú ý khác phát sinh từ Điều 38, trong đó nêu rõ rằng những người không phải là người Hong Kong có thể bị truy tố vì những hành vi của họ bên ngoài Hong Kong.
Hiểu một cách đơn giản, các nhà chỉ trích Trung Quốc – bao gồm cả cộng đồng di dân lớn ở Hong Kong – có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý nếu họ vào hoặc trở lại thành phố.
Theo Điều 16, một Cục An ninh Quốc gia mới sẽ được thành lập trong Lực lượng Cảnh sát Hong Kong, với các hoạt động được giữ bí mật.
Ngoài thẩm quyền hiện có, Điều 43 trao cho các cơ quan cảnh sát an ninh quốc gia một loạt các quyền hạn rộng lớn, bao gồm: quyền lục soát, hạn chế xuất cảnh, đóng băng và tịch thu tài sản, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xóa thông tin và hỗ trợ, yêu cầu các tổ chức chính trị nước ngoài phải cung cấp thông tin, theo dõi bí mật và ngăn chặn truyền thông, và yêu cầu mọi người liên quan đến các trường hợp trên phải trả lời câu hỏi hoặc cung cấp thông tin.
Một số thẩm quyền này có thể không phù hợp với quyền im lặng theo truyền thống thông luật, nhưng như đã đề cập trước đó, Luật An ninh Quốc gia sẽ thay thế luật pháp địa phương.
Điều 44 trao quyền cho Trưởng Đặc khu chỉ định các thẩm phán và quan tòa từ tất cả các cấp của tòa án Hong Kong để giải quyết các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia trong thời hạn một năm. Quan điểm của Chánh án có thể được xem xét.
Tuy nhiên, các thẩm phán đã “có những tuyên bố hoặc có hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” có thể không được chọn.
Không rõ liệu các thẩm phán ẩn danh đã nói chuyện với đài Reuters trong những tháng trước liên quan đến dự luật dẫn độ và Luật An ninh Quốc gia có thể phạm luật này hay không.
Không có thông tin nào về việc cấm các thẩm phán nước ngoài xét xử các vụ án, như đã từng được đề xuất.
Một Ủy ban An ninh Quốc gia mới sẽ được thành lập và do Trưởng Đặc khu đứng đầu, và một cố vấn từ chính phủ Trung Quốc sẽ được ủy quyền tham gia. Ngân sách của nó sẽ không chịu sự giám sát của Hội đồng Lập pháp.
Hơn nữa, để phù hợp với Điều 14, các quyết định của Ủy ban không thể bị kiện theo thủ tục thẩm tra tư pháp.
Bộ Tư pháp cũng sẽ thành lập một bộ phận để xử lý các vụ án an ninh quốc gia, và phải giữ bí mật hoạt động. Trưởng Đặc khu được yêu cầu nộp báo cáo hàng năm về an ninh quốc gia cho chính phủ Trung Quốc.
Theo Điều 9 và 10, chính phủ Hong Kong được yêu cầu phải tăng cường giáo dục an ninh quốc gia thông qua các trường học, các tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông và Internet.
Với một số trường công lập đã có giáo viên bị kỷ luật, đình chỉ hoặc miễn nhiệm do ủng hộ các cuộc biểu tình năm ngoái, sự kiểm soát của chính phủ đối với chương trình giảng dạy có thể sẽ được tăng cường.