Luật Khoa 360: Y Quynh Bđăp, tội danh khủng bố và phiên tòa dẫn độ
Việt Nam coi Y Quynh Bđăp là tội phạm khủng bố, vì sao cộng đồng quốc tế yêu cầu trả tự do?
Các quốc gia ASEAN đang có cơ hội hiếm hoi để tận dụng lời kêu gọi phụ thuộc lẫn nhau từ Bắc Kinh.
Lược dịch từ bài viết “ASEAN Must Make the Best of Its New Centrality in China’s Diplomacy” của Marina Kaneti, đăng trên The Diplomat ngày 04/06/2020. Tựa đề tiếng Việt và tít phụ đầu tiên do Luật Khoa đặt lại. Marina Kaneti là phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Bà chuyên nghiên cứu về lĩnh vực phát triển toàn cầu.
Tóm tắt các ý chính:
Vào đầu tháng Ba, khi đại dịch COVID-19 buộc các quốc gia trên toàn cầu đóng cửa biên giới và tạm dừng hoạt động kinh tế, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua Liên minh Châu Âu (EU).
Theo Thời báo Hoàn cầu, kim ngạch thương mại gia tăng là “một minh chứng cho chuỗi cung ứng không thể phá vỡ với Trung Quốc” cũng như sự gắn kết bền chặt của quốc gia này với các nền kinh tế Đông Nam Á.
Những thông tin như vậy thật ra không quá bất ngờ. Vào năm ngoái, mười nền kinh tế Đông Nam Á cấu thành nên ASEAN là những nước hưởng lợi chính từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung, với việc nhiều công ty nước ngoài đã chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN.
Nhưng giọng điệu đắc thắng của Thời báo Hoàn cầu cho thấy một giả thuyết có vẻ hợp lý. Đó là, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện tại cùng với sự chia rẽ được báo trước giữa Trung Quốc và Mỹ, phải chăng Bắc Kinh chỉ có thể thực hiện lời kêu gọi phụ thuộc lẫn nhau khi có sự tham gia của các nước Đông Nam Á? Khi mà cả thế giới đang quay lưng với Bắc Kinh, liệu có phải chính quyền Trung Quốc đang cần ASEAN không chỉ như một đối tác kinh tế, mà còn như một đối tác tiềm năng để “cùng xây dựng một cộng đồng chung trong tương lai”?
Những câu hỏi như vậy mở ra các kịch bản đáng lưu tâm, khác với các toan tính thông thường về toàn cầu hoá và liên minh chính trị. Trong thế giới của những câu chuyện địa chính trị nước lớn, các quốc gia Đông Nam Á thường chỉ đóng những vai tương đối nhỏ. Các nước này được cho là sẽ cân bằng khéo léo giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hoặc lựa chọn sát cánh với một trong hai siêu cường.
Cần nhớ, Đông Nam Á không phải mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Trung Quốc vào đầu năm 2020. Đối với Bắc Kinh, năm 2020 được lên kế hoạch là “năm hợp tác tuyệt vời” với các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu.
Chính quyền Trung Quốc đã có những bước tiến nhằm thúc đẩy quan hệ với EU từ năm ngoái, thông qua việc ký Thỏa thuận Vành đai và Con đường với Italy. Sau đó, đầu năm 2020, nước này mở rộng quan hệ hợp tác “16+1” (“+1” chỉ Trung Quốc) với các quốc gia Trung – Đông Âu (CEE) thành “17+1″, với sự gia nhập của Hy Lạp. Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc chưa từng có trong lịch sử cũng được lên kế hoạch vào tháng 9/2020 tại Đức.
Thật không may, tính đến tháng 6/2020 (thời điểm bài viết này), tất cả đã trở thành quá khứ xa vời. Không chỉ vậy, có những dấu hiệu dự báo những thay đổi căn cơ trong cảm thức thế giới hậu đại dịch. COVID-19 đang đặt lại vấn đề về sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) trong chính trị, cũng như tấn công các lập luận ủng hộ kết nối và toàn cầu hóa.
Triển vọng hợp tác giữa Bắc Kinh và các thành viên của Liên minh Châu Âu là khá ảm đạm. Thay vì tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín tới, EU và Trung Quốc đã dời sự kiện này sang một thời điểm khác chưa xác định (*). Bất chấp thiện chí của chính phủ Trung Quốc trong việc gửi đội ngũ y tế và viện trợ đến các nước châu Âu bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong suốt tháng Ba và tháng Tư, các nước EU vẫn không khỏi nghi ngờ về cái gọi là “mặt nạ ngoại giao” của Bắc Kinh. Có những vết nứt ngay cả trong liên minh 17+1.
Để giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh đã lệnh cho các “chiến lang” ngoại giao (wolf-warriors) vào cuộc trên mọi mặt trận để bảo vệ hình ảnh Trung Quốc. Họ bênh vực cho việc Trung Quốc không công bố thông tin vào đầu đại dịch, cũng như ca ngợi sự ưu việt của hệ thống chính trị. Quyết định này phần lớn gây phản tác dụng, theo chính các chuyên gia hàng đầu của Bắc Kinh.
Dấu hiệu rõ nhất cho thấy khả năng Trung Quốc chuyển hướng liên minh nằm ở phản ứng ban đầu với dịch COVID-19.
Trái ngược với Hoa Kỳ và EU, các quốc gia Đông Nam Á đã nhanh chóng hợp tác với Trung Quốc khi khủng hoảng COVID-19 vừa mới bắt đầu. Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc đã kịp diễn ra vào tháng Hai vừa qua.
Trong những ngày đầu đại dịch, khi tư tưởng bài Trung lan rộng khắp thế giới, các nước Đông Nam Á đã phản ứng với những tin tức từ Vũ Hán với tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ không ngừng. Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Singapore đều gửi tặng Trung Quốc các loại thiết bị y tế. Một nghệ sĩ Thái Lan thậm chí đã sáng tác một bài hát thể hiện tình đoàn kết với Vũ Hán.
Đáp lại, khi COVID-19 bắt đầu lan ra ngoài biên giới, Trung Quốc đã gửi viện trợ y tế và chuyên gia đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Những phản ứng đồng bộ giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy tầm quan trọng và ích lợi của sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau trong khủng hoảng.
Vậy tầm nhìn của Bắc Kinh về toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau là như thế nào ở thời điểm này?
Một mặt, ta nhìn thấy những viễn cảnh không mấy sáng sủa trong việc tăng cường sự gắn kết với các đối tác quan trọng tại châu Âu, sự thù địch tiếp diễn với Hoa Kỳ và những động thái ngoại giao đáng ngờ của Bắc Kinh.
Mặt khác, trái ngược hoàn toàn, là mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN trong ứng phó với đại dịch. Chính điều này gợi ra một ý tưởng bất ngờ: với Bắc Kinh, quan hệ đối tác gắn kết với các quốc gia Đông Nam Á có thể rất quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về sự phụ thuộc lẫn nhau.
Ngược lại, đối với Đông Nam Á, đây là cơ hội đặc biệt để tiếp nhận thông điệp của Trung Quốc về một thế giới toàn cầu hoá đúng nghĩa. Nói cách khác, ASEAN có cơ hội hiếm hoi để tranh thủ các thông điệp của Bắc Kinh về phụ thuộc lẫn nhau cũng như hợp tác đa phương trong các vấn đề nhức nhối, như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Biển Đông. Dưới đây là một số đánh giá ban đầu về cả hai vấn đề.
Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể là chìa khóa cho tính khả thi của BRI trong tương lai. Với đại dịch COVID-19, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về khả năng tồn tại cũng như tính bền vững của sáng kiến này. Ngoài việc kinh tế thế giới ngưng trệ, nhiều dự án cơ sở hạ tầng BRI trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu nguồn nhân lực, hậu quả của việc đóng cửa biên giới.
Ở Đông Nam Á, thông tin về các dự án hạ tầng đang diễn ra là rất thiếu. Tình trạng thiếu thông tin xảy ra bất chấp thực tế là có nhiều dự án liên quan đến khu vực này. Số liệu năm 2018 cho thấy hơn 740 tỷ USD trong tổng số vốn đầu tư của BRI là ở Đông Nam Á. Hiện tại, chỉ có 13 dự án được xác định là đang vận hành, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các dự án trong khu vực. Hơn nữa, các dự án này lại đều gặp phải vấn đề năng lực hoạt động không ổn định, ngưng trệ tạm thời và/hoặc phải kéo dài thời hạn hoàn thành.
Tình hình hóc búa về kết nối địa chính trị hiện nay mang đến cho ASEAN và Trung Quốc một cơ hội hợp tác đặc biệt. Với các đường biên giới đang đóng kín, các quốc gia Đông Nam Á có thể đàm phán lại việc sử dụng lao động địa phương ở chính các địa bàn dự án BRI.
Trước đại dịch, các dự án hạ tầng BRI đã nhiều lần bị chỉ trích vì gần như chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án BRI không, hoặc rất ít, tuyển dụng nguồn nhân lực địa phương, dẫn đến những hạn chế về cơ hội xây dựng năng lực địa phương cũng như sự kết hợp giữa cán bộ dự án BRI và cộng đồng địa phương. Nói rộng hơn, các hạn chế này cho thấy sự thất bại trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng “một cộng đồng chung tương lai” mà BRI tuyên bố.
Đàm phán lại với Bắc Kinh về sự tham gia của các địa phương có thể mang lại những lợi ích vượt ra ngoài sự hồi phục kinh tế. Tăng số lượng nhân công bản địa tại các dự án BRI là biện pháp chính để tăng sự tham gia của cộng đồng. Quan trọng không kém, việc này cũng sẽ biến các thông điệp về sự phụ thuộc lẫn nhau từ khẩu hiệu tuyên truyền thành chiến lược hành động.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã tham gia vào nhiều sáng kiến nhằm thể hiện cam kết của mình đối với toàn cầu hóa, tinh thần phụ thuộc lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương. Nổi bật nhất là việc Bắc Kinh hỗ trợ y tế trên toàn thế giới và cũng như tài trợ không ngừng cho WHO. Tuy nhiên, các tranh chấp ở Biển Đông là một ngoại lệ lớn đối với chương trình nghị sự toàn cầu hóa của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh khăng khăng đòi chủ quyền trong “đường chín đoạn” – khu vực bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông một lần nữa tạo ra căng thẳng giữa các bên, và dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Trung Quốc cũng đã làm suy yếu thẩm quyền và uy tín của các tòa trọng tài quốc tế bằng việc bác bỏ thẳng thừng phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông năm 2016. Họ có hàng loạt hành vi trên biển gây tranh cãi tại khu vực suốt nhiều năm qua. Gần đây nhất là thông báo về việc đặt tên cho 25 hòn đảo và bãi đá cũng như 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải phát triển hiểu biết chung với các nước láng giềng về vấn đề Biển Đông.
Mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines phát hành bài hát “One Sea” nhằm tôn vinh sự đoàn kết giữa các chiến sĩ hai nước trên tuyến đầu chống dịch. Dù bị cư dân mạng gọi là là sản phẩm tuyên truyền với ý đồ mờ ám ẩn sau khái niệm “một vùng biển” (one sea), bài hát này cho thấy Trung Quốc có vẻ đang muốn tìm tiếng nói chung.
Vụ việc “One Sea” gợi ý rằng mấu chốt của các cuộc đàm phán Biển Đông rất có thể nằm ở việc tìm ra ngôn ngữ tương thích với các bên. Việc Trung Quốc phản đối phán quyết Biển Đông 2016 có thể trở thành một gợi ý để các nước khác đưa ra những lý lẽ tương tự về “quyền lịch sử” và truyền thống. Có thể làm việc này bằng cách xây dựng các câu chuyện về kết nối trên biển, hay thể hiện sự hiện diện quan trọng của các cộng đồng bản địa trong lịch sử. Việc Bắc Kinh nhiệt tình tán thành chiến lược Trục Hàng hải Toàn cầu (Global Maritime Fulcrum) của Indonesia, và thậm chí tìm cách liên kết nó với BRI là một ví dụ.
Với áp lực địa chính trị và kinh tế đang trầm trọng thêm vì đại dịch COVID-19, các quốc gia ở Đông Nam Á có cơ hội độc nhất vô nhị để chủ động hình thành một mối quan hệ mới với Trung Quốc.
Chắc chắn sẽ không dễ dàng để thu hút Trung Quốc với các điều khoản bình đẳng. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh đang cố gắng trở thành quốc gia dẫn đầu đề xướng chủ nghĩa đa phương trong thế giới hậu COVID-19, các thông số và quy tắc của sự phụ thuộc lẫn nhau cần sự tham gia định hình của nhiều bên hơn.
Khả năng hợp tác của Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực có thể đóng vai trò là một phép thử đối với mục tiêu “xây dựng một cộng đồng chung trong tương lai”, vì một tầm nhìn như vậy chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự sẵn lòng của hai phía trong việc cam kết và thực hiện nó.
(*) Có cập nhật so với thông tin trong bài gốc. Bài viết gốc nói rằng hội nghị vẫn diễn ra, nhưng thái độ các bên sẽ thay đổi.