Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể

Một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc không có hiện tại, không có cả tương lai.

Bãi biển Thanh Hóa, 4/6/2018.
Ảnh: Reuters.

Vài năm trước, khi đang trốn trong góc của tiệm sách cũ quen thuộc, tôi nghe tiếng một người khách bước vào hỏi tìm một quyển sách.

Có cuốn “Vòng tròn Gạc Ma” không chú?

Vòng tròn Đạt Ma hả?

Không phải, sách về Gạc Ma đó.

À. Chưa nghe bao giờ. Sách về Đạt Ma thì có nè.

Chủ tiệm chỉ tay về chồng sách tôn giáo, rồi hỏi lại khách “quyển đó nói cái gì vậy”.

Người khách có vẻ ngạc nhiên. Tôi thì không ngạc nhiên lắm. Đơn giản vì tôi cũng giống như người chủ tiệm.

Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của “Gạc Ma”.

***

Sự việc trên diễn ra vào thời điểm quyển sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được cho xuất hiện.

Gọi là xuất hiện, thay cho xuất bản, là bởi vì, theo những người làm sách, họ đã “trải qua hàng trăm lần chỉnh sửa, 48 lần biên tập, 14 nhà xuất bản trong thời gian 4 năm xin cấp phép” để cuốn sách có thể đến được bạn đọc. Để rồi chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng sau khi xuất bản, quyển sách đã bị thu hồi.

Xuất hiện trong chớp mắt, và lại bị dập tắt.

Nó giống như tia nắng hiếm hoi chiếu trên bầu trời xám xịt, chỉ le lói được một lúc trước khi đám mây đen giật mình nhận ra, hò nhau hùng hổ tụm lại bịt đi khe hở đó.

Nó cũng giống khoảnh khắc ngắn ngủi của những người lính trên đảo Gạc Ma vào sáng sớm 14/3/1988 định mệnh đó. Họ chỉ vừa đặt chân lên đảo là đã trở thành bia ngắm bắn cho lính Trung Quốc.

Tôi biết những chuyện này 30 năm sau khi nó đã xảy ra. Và chỉ được biết qua những thông tin vụn vặt, thay vì được tìm hiểu cụ thể cặn kẽ qua những trang sách.

Là một người được học hành bài bản qua tất cả các loại trường lớp của chế độ này, dù có muốn đến đâu, tôi không thể nhận mình là người thiếu học.

Chủ tiệm sách, tất nhiên, không thể gọi mình là người thiếu sách.

Người khách kia không thiếu óc cởi mở để đón nhận tri thức.

Nhưng tất cả chúng tôi đều thiếu ký ức.

Chính xác hơn, chúng tôi là một thế hệ mất trí nhớ.

***

Mất trí nhớ tập thể (collective amnesia) không phải là chuyện mới, cũng không phải là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

Người ta đã nói nhiều về cả một thế hệ mất trí nhớ (generation amnesia) ở Trung Quốc. Đó là những người sinh ra sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Họ không biết gì về cuộc thảm sát đó. Họ không biết gì về những tháng ngày sôi động độc nhất vô nhị trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, về một phong trào đấu tranh dân chủ có thể đã thay đổi toàn bộ bức tranh của nhân loại.

Và không chỉ có họ, tất cả những người Trung Quốc, già trẻ lớn bé đang sống dưới chế độ độc tài ở đại lục đều được yêu cầu phải có chung “cái nhìn đúng đắn về lịch sử” (correct views on history).

Người ta không còn nói về thế hệ mất trí nhớ ở nước này. Giờ đây, nó đã nâng tầm thành cả một dân tộc mất trí nhớ (national amnesia).

Bộ máy tuyên truyền, kiểm duyệt và đàn áp bạo lực của cộng sản cùng ganh đua với nhau để xóa đi những sự thật lịch sử không hay ho, cùng lúc đó tô hồng, thậm chí nặn ra những “sự thật mới”.

Không chỉ có những người mặc đồng phục thi đấu cho “đội nhà nước”, cả những cổ động viên hưởng lợi – dân thường, đặc biệt là giới trí thức – cũng hăng hái muốn tham gia “thi đấu”.

Yan Lianke (Diêm Liên Khoa), một tác gia người Trung Quốc, đã ví von cuộc đua bôi xóa ký ức này như “môn thể thao được nhà nước tài trợ” (state-sponsored sport).

Trong cuộc đua đó, ai quên lâu nhất, và khiến nhiều người quên giống mình nhất, là người chiến thắng.

***

Tất nhiên, chuyện bôi xóa ký ức không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam và Trung Quốc. Nó cũng không phải là sản phẩm của thế hệ hiện tại.

Từ hàng ngàn năm trước, những kẻ ám ảnh quyền lực đã luôn có sở thích đốt sách, tẩy trắng tư duy của người khác hòng nhào nặn ra một phiên bản giống mình.

Nhưng trong thời đại ngày nay, khi phần lớn nhân loại đang được tự do tiếp cận với tri thức, việc vẫn còn tồn tại những chế độ trắng trợn che giấu và bôi vẽ lịch sử như Việt Nam với Trung Quốc là một điều không thể chấp nhận.

Chúng ta không chỉ có Gạc Ma, mà còn có cuộc chiến biên giới 1979 vẫn bị cho là “nhạy cảm”, vẫn còn những sự thật về “cải cách ruộng đất” bị giấu kín, và còn cả cuộc chiến tranh Việt Nam mà đến nay vẫn phải được kể theo lời của “bên thắng cuộc”.

Chúng ta cũng không chỉ bị bôi đi ký ức quá khứ, mà ngay thời điểm hiện tại, bức tranh thực tế của người Việt Nam vẫn đang hàng ngày hàng giờ bị cắt gọt méo mó.

Các trang mạng bị chính quyền chặn truy cập (như trang Luật Khoa bạn đang đọc). Các quyển sách bị kiểm duyệt không cho xuất bản. Các bài hát không được phổ biến. Và những ai thường xem tivi các kênh tin tức nước ngoài sẽ rất quen thuộc với cảnh tượng một màn hình có dòng chữ “nội dung không phù hợp” nhảy ra đập vào mặt bất kỳ lúc nào.

Những sự kiện như Gạc Ma không chỉ là dịp để giữ lại ký ức bị xóa bỏ. Nó còn là cơ hội để chữa một thứ bệnh nguy hiểm hơn cả ung thư: bệnh mất trí.

Khi bị xóa đi ký ức, người ta sẽ mất trí nhớ. Người đó sẽ mất trí, theo nghĩa đen thật sự, khi không còn nhớ được gì.

Ung thư chỉ lấy đi tính mạng, còn mất trí (nhớ) lấy đi toàn bộ căn tính của con người.

Nói như Yan Lianke, một người không biết gì về quá khứ sẽ không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra vào hiện tại, và dần dần mất đi toàn bộ ý thức về mọi thứ xung quanh.

Họ sẽ chỉ còn hành động như một cỗ máy được sai khiến. Bảo ngồi thì ngồi, đứng thì đứng, cho nói thì hào hứng mở miệng, bắt câm thì ngoan ngoãn khép nép.

Một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc không có hiện tại. Dân tộc đó sẽ mất cả tương lai. Nó chỉ là tập hợp của những thây ma biết đi.

Chúng ta không thể cho phép người khác biến mình thành những thây ma.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.