Tội ác tình dục: Chuyện của những người sống sót

Hãy lắng nghe. Ngưng đổ lỗi.

Tội ác tình dục: Chuyện của những người sống sót
Quyển sách To the Survivors: One Man's Journey As a Rape Crisis Counselor with True Stories of Sexual Violence. ĐỒ HỌA: TÙY PHONG / LUẬT KHOA.

Cảnh báo độc giả:

- Cuốn sách To the Survivors: One Man's Journey As a Rape Crisis Counselor with True Stories of Sexual Violence có nhiều chi tiết tượng hình liên quan đến bạo lực tình dục có thể gây kích động và ám ảnh.

- Bài điểm sách có một số chi tiết có thể gây khó chịu.

Cuốn sách To the Survivors: One Man's Journey As a Rape Crisis Counselor with True Stories of Sexual Violence (tạm dịch là “Gửi những người sống sót: Hành trình làm chuyên gia tư vấn khủng hoảng do hiếp dâm với những câu chuyện có thật về bạo lực tình dục) được xuất bản năm 2013, tập hợp các ghi chép chân thực của tác giả Robert Uttaro về những người từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục.

Robert Uttaro gọi những người bị tấn công tình dục là “người sống sót” thay vì “nạn nhân”. Đó cũng là cách xưng hô mà tác giả dùng khi làm công việc cố vấn tại một trung tâm xử lý khủng hoảng hiếp dâm ở Mỹ. Đa số người từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trân trọng cách diễn đạt này và định danh bản thân như vậy (người sống sót).

Bạo lực tình dục không bị giới hạn trong các đặc điểm giới tính, tuổi tác, chủng tộc, tôn giáo, địa vị kinh tế - xã hội, xu hướng tính dục. Ai cũng có thể bị tấn công tình dục. Bạo lực tình dục không chỉ là vấn đề tội ác liên quan đến tình dục, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh sức khỏe. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, trí tuệ, cảm xúc và tâm hồn của con người.

Những người sống sót mang trong mình cảm xúc tủi nhục, hổ thẹn, cùng với đó là hàng loạt hệ quả khác như trầm cảm, tội lỗi, buồn, sốc, sợ hãi, tức giận, lo lắng, hoài nghi, tự cô lập, mất kiểm soát, lạm dụng chất gây nghiện, tự hại, rối loạn ăn uống, gặp ác mộng, khó tập trung, thiếu cảm giác an toàn, có ý định tự sát.

Tác giả hy vọng những cảm xúc tồi tệ này sẽ phần nào vơi đi thông qua cuốn sách của mình. Tuy nhiên, Robert Uttaro cũng lưu ý độc giả không nên xem sách như một nguồn trị liệu hay kênh tham khảo chính quy về mặt pháp lý, y tế, tâm lý. Người đọc vẫn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

Robert Uttaro nói rõ: “Bạo lực tình dục rất nguy hại và tôi hy vọng sẽ giảm bớt được phần nào. Tôi hy vọng bất cứ ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực tình dục sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ nếu họ cần. Tôi hy vọng mọi người sẽ được giáo dục nhiều hơn về tình hình thực tế và mức độ phổ biến của bạo lực tình dục. Tôi hy vọng sẽ thách thức những lầm tưởng về hiếp dâm và khiến mọi người nghĩ về tội ác này khác với những gì họ nghĩ hiện tại. Tôi hy vọng mọi người ngừng đổ lỗi cho những người bị cưỡng hiếp, bắt đầu tin tưởng và lắng nghe họ. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp tiếp thêm sức mạnh cho những người đang cảm thấy lạc lõng và bị tước mất quyền lực”.

Mở đầu cuốn sách là một bài thơ dựa trên câu chuyện có thật, mô tả góc nhìn của người chứng kiến tội ác tình dục xảy ra với người mà mình yêu thương: người phụ nữ ấy đã bị đánh đập, bóp cổ, thiêu sống và hãm hiếp. Ngay cả khi cô can đảm đứng lên và nói ra câu chuyện của mình thì mỗi ngày lại là một cơn ác mộng mới. Sự thiếu tế nhị của truyền thông và hệ thống pháp luật khiến cô phải tiếp tục sống lại trải nghiệm ấy mỗi ngày.

Hiểu hơn về những góc khuất tồi tệ trong cuộc sống

Những chương đầu của quyển sách là câu chuyện cá nhân và quá trình trở thành người cố vấn khủng hoảng hiếp dâm của tác giả Robert Uttaro. Khách hàng đầu tiên của Robert Uttaro là Mary. Họ giữ liên lạc với nhau trong nhiều năm.

Gạt qua những nỗi đau và quá khứ từng bị cưỡng hiếp ở trường đại học, Mary hiện là một người sống sót giỏi giang, hạnh phúc. Khi Robert Uttaro gợi ý Mary viết ra những trải nghiệm của cô để anh có thể đưa vào cuốn sách, cô bày tỏ mình rất thích ý tưởng này. Nhưng bẵng đi một thời gian, khi Robert Uttaro liên lạc lại, Mary từ chối chia sẻ câu chuyện của mình vì không muốn cuộc sống hiện tại bị xáo trộn.

Robert Uttaro chấp nhận và gửi lời chúc cô những điều tốt đẹp nhất. Hơn ai hết, anh hoàn toàn hiểu tâm lý ấy của Mary và nhiều người sống sót khác. Dù họ không làm gì có lỗi, nhưng xã hội vẫn khiến họ phải chịu thiệt thòi khi họ cất lên tiếng nói phơi bày sự thật.

Thông qua các câu chuyện cảm động và riêng tư, người đọc có thể thấy một số điểm chung trong tâm trí những người sống sót như:

  • Họ có thể tự bào chữa cho hành vi của kẻ đã tấn công tình dục mình (là biểu hiện của tình yêu, sự nhất thời mất kiểm soát), nhất là người thân quen.
  • Họ có thể tự thuyết phục bản thân rằng khi ấy mình đã không nói “không” nên hành vi tình dục đã xảy ra không phải tội ác tình dục, mà là tình dục đồng thuận.
  • Họ thường tự trách mình vì đã thiếu cẩn trọng và không lường trước được tình huống có thể xảy ra hoặc vì đã bị tê liệt trước hành vi bạo lực tình dục như đứng trước một con tàu đang lao nhanh đến.
  • Họ thường tự thấy bản thân dơ bẩn, xấu xí, tội lỗi và lo sợ mọi người sẽ nhìn thấu những gì mình đã trải qua ngay khi trông thấy diện mạo của mình.

Đối với tội phạm tình dục, các biểu hiện nhìn chung gồm:

  • Kẻ tấn công thường xin lỗi và bình thường hóa mối quan hệ ngay sau khi thể hiện những hành vi không phù hợp, rồi tiếp tục lặp lại với xu hướng leo thang các hành vi đó.
  • Kẻ tấn công có thể sử dụng lý lẽ rằng mình đang giúp đỡ người sống sót làm quen với tình dục để sau này đỡ bị tổn thương, hoặc để vượt qua quá khứ bị lạm dụng trước đây dễ dàng hơn.
  • Kẻ tấn công muốn khẳng định quyền lực và sự kiểm soát, chứ không hẳn chỉ là vấn đề tình dục.

Và đây là các điểm chung cho những gì xảy ra sau đó:

  • Hầu hết các cá nhân, gồm cả sinh viên ngành tư pháp hình sự, đều đứng về phía kẻ tấn công tình dục, thay vì người bị tấn công.
  • Cảnh sát điều tra cố gắng tìm chứng cứ cho thấy người sống sót từng có mối quan hệ tình cảm với kẻ tấn công hay có bất cứ dấu hiệu gì khiến kẻ tấn công cảm thấy được đồng thuận.
  • Dư luận xã hội chất vấn về trang phục người sống sót mặc khi bị tấn công tình dục, đặt giả thuyết về nhân phẩm của người bị tấn công.
  • Mọi người xung quanh người sống sót nỗ lực bình thường hóa mọi chuyện và hành xử như thể đã không có chuyện gì xảy ra.

Trong một số trường hợp, người từng trải qua bạo lực tình dục có xu hướng phân ly (dissociating) hoặc mất trí nhớ một phần. Điều này có nghĩa là họ không biết hoặc phủ nhận việc mình từng bị tấn công tình dục. Xu hướng này xảy ra khi người ta cảm thấy quá đau đớn và khổ sở khi đối diện với những tổn thương khủng khiếp.

Dù còn nhiều tranh cãi về mặt khoa học, xu hướng này được ghi nhận có thể là một trong số biểu hiện của chứng rối loạn phân ly (dissociative disorders). Tình trạng ấy được lý giải như một cơ chế phòng vệ (defense mechanism) trước nỗi đau thể xác và tinh thần vượt ngưỡng chịu đựng (đặc biệt ở trẻ em).

Quyển sách không bao hàm các dữ liệu thống kê mà tập trung vào khía cạnh kể chuyện, hay nói cách khác, đặt những người sống sót và thế giới nội tâm của họ làm trung tâm.

Bạo lực tình dục là một vấn đề phức tạp. Dù trong phạm vi cuốn sách, tác giả hầu như không tiếp cận vấn đề từ góc độ người phạm tội, thì việc mở rộng không gian thảo luận dân sự về bạo lực tình dục bằng thái độ cởi mở và tôn trọng cũng là một việc cần làm để ngăn chặn các tội ác tiềm ẩn có thể xảy ra trong tương lai.

Cuốn sách không chỉ dành cho những người từng đi qua trải nghiệm tương tự mà còn đáng đọc với bất cứ ai muốn hiểu hơn về các góc khuất tồi tệ trong thế giới mà chúng ta đang sống, về những cuộc chiến gian khổ thầm lặng mà người bị tấn công tình dục đang kiên cường đối mặt lúc này.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.